Các tin tức tại MEDlatec
Mọi điều nên biết về tiền tiểu đường
- 27/04/2023 | Cách trị tiểu đường tại nhà và thuốc điều trị tiểu đường
- 02/05/2023 | Điểm danh 5 loại ngũ cốc cho người tiểu đường nên ăn
- 02/05/2023 | Cẩm nang sức khỏe: nguyên nhân bị tiểu đường là gì? aaaa
1. Nguyên nhân và triệu chứng tiền tiểu đường
1.1. Như thế nào gọi là tiền tiểu đường?
Lượng glucose trong máu khi nhịn đói (nhịn ăn tối thiểu 8 giờ) ở những người bình thường trong khoảng 70 - 100mg/dL (3.9 - 6.4mmol/L). Tiền tiểu đường là tình trạng glucose trong máu khi đói cao hơn mức trên và trong khoảng 100 - 125 mg/dL (5.6 - 6.9 mmol/L).
Tiền tiểu đường xảy ra khi glucose trong máu khoảng 100 - 125 mg/dL (5.6 – 6.9 mmol/L)
Có thể xem tiền tiểu đường là một dạng rối loạn dung nạp glucose hay rối loạn glucose lúc đói. Đây là kết quả của rối loạn quá trình sản sinh insulin và giảm độ nhạy của insulin. Ở người bị tiền tiểu đường, lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng lại chưa đủ cao để chẩn đoán tiểu đường type 2.
1.2. Nguyên nhân gây ra tiền tiểu đường là gì?
Đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây nên giai đoạn tiền tiểu đường là gì nhưng yếu tố tiền sử gia đình và di truyền có vai trò chủ đạo để hình thành bệnh. Ở người bị tiền tiểu đường, cơ thể không có khả năng xử lý glucose đúng cách.
Đại đa số lượng đường trong cơ thể đến từ thực phẩm. Khi thức ăn vào cơ thể thì glucose sẽ đi vào máu và insulin cho phép glucose đi vào tế bào đồng thời làm giảm lượng glucose máu.
Insulin do tuyến tụy sản xuất ra. Khi ăn, tuyến này sẽ chuyển insulin đến máu. Nếu lượng đường trong máu giảm thì tuyến tụy sẽ làm cho quá trình tiết insulin vào máu chậm lại.
Nếu bị tiền tiểu đường thì quá trình này sẽ không hoạt động như bình thường nữa nên thay vì cung cấp năng lượng cho tế bào thì glucose lại tích tụ trong máu. Điều này là do:
- Tuyến tụy không sản xuất đủ insulin.
- Tế bào đề kháng với insulin nên không cho phép có nhiều đường vào trong cơ thể.
1.3. Dấu hiệu gợi ý tiền tiểu đường
Hầu hết bệnh nhân không biết dấu hiệu tiền tiểu đường là gì vì thường không có biểu hiện. Một số người có thể xuất hiện dấu hiệu gợi ý như:
- Da ở một số vùng trên cơ thể bị sẫm màu, phổ biến nhất là: bẹn, nách, cổ.
- Cảm giác khát nước thường xuyên nên uống nhiều nước và phải đi tiểu nhiều lần.
- Tầm nhìn hạn chế hoặc thị lực kém.
- Hay rơi vào trạng thái mệt mỏi, tập trung kém.
Một số vùng da bị sẫm màu là dấu hiệu gợi ý tiền tiểu đường
2. Tiền tiểu đường bao lâu tiến triển thành tiểu đường, điều trị thế nào?
2.1. Bao lâu tiền tiểu đường sẽ tiến triển thành tiểu đường?
Không phải mọi trường hợp tiền tiểu đường đều tiến triển tiểu đường. Quá trình này có diễn ra hay không phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống của người bệnh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo: nếu không điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống thì có khoảng 37% người bị tiều tiểu đường sẽ tiến triển tiểu đường type 2 sau khoảng 4 năm.
Những người thay đổi lối sống và ăn uống khoa học thì thời gian tiến triển tiền tiểu đường thành tiểu đường type 2 khoảng 10 năm và thậm chí còn có thể đẩy lùi hoàn toàn.
2.2. Điều trị tiền tiểu đường
2.2.1. Chẩn đoán tiền tiểu đường
Muốn xác định đúng tình trạng tiền tiểu đường, người bệnh cần phải thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán như:
- Xét nghiệm HbA1C: kiểm tra mức độ đường huyết trung bình trong 2 - 3 tháng qua để đo tỷ lệ đường huyết gắn với một protein vận chuyển oxy trong tế bào hồng cầu là hemoglobin. Lượng đường huyết càng cao thì càng có nhiều hemoglobin gắn đường. Số ít trường hợp xét nghiệm không chính xác như: hemoglobin bất thường, mang thai.
- Xét nghiệm đường huyết sau khi nhịn đói tối thiểu 8 giờ.
- Dung nạp glucose đường uống: chẩn đoán tiểu đường thai kỳ.
2.2.2. Phương pháp điều trị tiền tiểu đường
Phương pháp điều trị tiền tiểu đường hiện đang được áp dụng đó là điều chỉnh lối sống của người bệnh thông qua thay đổi chế độ ăn, luyện tập và vận động. Đặc biệt, nếu người bị tiền tiểu đường cũng bị thừa cân thì quan trọng nhất là phải giảm cân vì đây chính là yếu tố nguy cơ tiến triển tiểu đường type 2.
Điều chỉnh chế độ ăn có vai trò kiểm soát, hỗ trợ điều trị tiền tiểu đường hiệu quả
- Chế độ ăn uống
+ Luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần cho cơ thể.
+ Ưu tiên lựa chọn thực phẩm tốt cho người bị tiền tiểu đường như: gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ,... nhằm giảm hấp thụ cholesterol trong máu.
+ Chọn dầu thực vật thay cho mỡ động vật.
+ Tăng đạm thực vật trong chế độ ăn hàng ngày và mỗi tuần ăn cá ít nhất 2 lần.
+ Giảm dung nạp thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và cholesterol.
+ Giảm muối khi chế biến thức ăn và giảm dùng các loại nước chấm, hạn chế dùng đồ ăn chế biến sẵn.
+ Nên tránh dùng chất kích thích, thuốc lá và đồ uống có cồn.
+ Tránh hoặc hạn chế đồ uống ngọt, bánh kẹo.
- Chế độ tập luyện
Người bị tiền tiểu đường nên thường xuyên tập thể dục vừa để duy trì cân nặng vừa giúp giảm cân (với người bị béo phì, thừa cân) vì tích tụ mỡ thừa sẽ làm tăng nguy cơ tăng đường huyết và rối loạn dung nạp đường.
Trong quá trình tập luyện cần đảm bảo cường độ tập phù hợp với tình trạng sức khỏe. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn được hình thức luyện tập phù hợp. Khi mới bắt đầu chỉ nên tập với mức cường độ trung bình sau đó mới tăng dần.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Như đã nói đến ở trên, tiền tiểu đường có thể tiến triển tiểu đường type 2 trong khoảng 5 - 10 năm. Vì thế, khám sức khỏe định kỳ là việc nên làm để theo dõi và phát hiện sớm nguy cơ này để kịp thời điều trị, ngăn chặn tiểu đường gây biến chứng.
Mặt khác, các dấu hiệu tiền tiểu đường cũng ít khi xuất hiện nên thăm khám định kỳ cũng là cách tốt nhất để phát hiện sớm tình trạng này.
Quý khách hàng có nhu cầu xét nghiệm chẩn đoán tiền tiểu đường có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm tận nơi. Dựa trên kết quả xét nghiệm quý khách sẽ biết được tình trạng của mình, được bác sĩ chuyên khoa tư vấn phương hướng điều trị cũng như cách điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt (cho những trường hợp cần thiết).
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!