Các tin tức tại MEDlatec

Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị, phòng ngừa viêm kết mạc dị ứng?

Ngày 07/09/2022
Viêm kết mạc dị ứng là một trong số những tổn thương ở mắt thường gặp, hay xảy ra nhất khi thời tiết nóng ẩm, nhiều gió hoặc hanh khô. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì và có cách nào để khắc phục hay không? 

1. Định nghĩa và phân loại viêm kết mạc dị ứng

Kết mạc mắt là bộ phận được cấu tạo như một tấm màng mỏng bao phủ cả bên trong lẫn bên ngoài của mí mắt. Tình trạng viêm kết mạc dị ứng xảy ra khi bộ phận này xuất hiện các triệu chứng như viêm, đỏ do tiếp xúc phải các tác nhân gây dị ứng (bụi, phấn hoa, nấm mốc,...) và thường đi kèm với biểu hiện ở những cơ quan khác như tai và mũi.

Viêm kết mạc dị ứng cũng tương tự như các bệnh lý dị ứng khác, hiện tượng này xảy ra là do hệ miễn dịch lầm tưởng các chất vô hại là các chất có hại nên đã phản ứng quá mức khi chúng xâm nhập vào cơ thể bằng cách tiết ra các globulin miễn dịch (kháng thể IgE). IgE sẽ di chuyển đến các tế bào, sau đó kích hoạt các hóa chất trung gian dẫn đến dị ứng.

Bệnh được chia thành những loại như sau:

  • Viêm kết mạc dị ứng mùa xuân: là dạng bệnh đặc biệt và đối tượng hay gặp là bé trai trong độ tuổi từ 5 - 7, trước đây đã từng bị chàm hoặc gia đình có tiền căn dị ứng. Bệnh này sẽ làm tổn thương giác mạc và gây suy giảm thị lực;

  • Viêm kết mạc dị ứng quanh năm hoặc theo mùa: là khi bệnh diễn ra theo mùa hoặc thậm chí là quanh năm và hay đi cùng với viêm mũi dị ứng;

  • Viêm kết mạc dị ứng cấp: cơ thể phản ứng ngay sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Kết mạc và mi mắt có thể bị sưng phù và kéo dài trong khoảng vài giờ;

  • Viêm kết mạc dị ứng nhú gai khổng lồ: nguyên nhân dẫn tới thể bệnh này là do kết mạc tiếp xúc trực tiếp với các dị vật như chỉ khâu, mắt giả, kính áp tròng,... hình thành nên những tổn thương dạng nhú ở mi mắt;

  • Dị ứng kết mạc, giác mạc: người trưởng thành là đối tượng hay gặp phải hiện tượng này, bệnh nhân đã từng bị hen suyễn hoặc mắc bệnh chàm và nó biểu hiện quanh năm tạo nên các tổn thương giác mạc và vùng mi mắt như sừng da mi, vảy da mi, sưng,... gây ảnh hưởng tới thị lực.

Tổn thương dạng nhú do tiếp xúc trực tiếp với kính áp tròng có thể khiến bệnh nhân bị viêm kết mạc dị ứng

2. Nguyên nhân và triệu chứng của viêm kết mạc dị ứng

Bệnh có thể là do những dị nguyên sau gây nên:

  • Nguyên nhân hàng đầu dễ gây phản ứng dị ứng nhất là phấn hoa bởi vì các hạt phấn hoa tản mác trong không khí sẽ dễ đi vào mắt hay các cơ quan hô hấp;

  • Lông chó mèo;

  • Nấm mốc;

  • Hóa chất;

  • Không khí ô nhiễm, mạt bụi.

Thường thì bệnh sẽ hiện diện ở cả hai mắt với những biểu hiện đặc trưng như sau:

  • Chảy nước mắt;

  • Ngứa và đỏ mắt;

  • Mí mắt sưng;

  • Mắt bị đau rát;

  • Trở nên vô cùng nhạy cảm với ánh sáng.

Những dấu hiệu trên có thể diễn ra đơn lẻ hoặc đồng loạt xảy ra với biểu hiện của viêm mũi dị ứng. Các triệu chứng thường xuất hiện sớm ngay sau khi cơ thể tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên gây dị ứng. Mặc dù viêm kết mạc dị ứng có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu nhưng thường không đe dọa nghiêm trọng tới thị lực, đôi khi sẽ khiến mắt bị ngứa và nhòe mờ. Đặc biệt là viêm kết mạc dị ứng không có khả năng lây nhiễm cho người khác như bệnh đau mắt đỏ.

Viêm kết mạc dị ứng có khả năng là do tiếp xúc nhiều với khói bụi và không khí ô nhiễm

Tuy nhiên các triệu chứng như ngứa, rát, mắt đỏ và phản ứng sưng húp có thể là do nguyên nhân bệnh lý hoặc nhiễm trùng gây ra, vì thế trước khi kết luận liệu mình có đang bị viêm kết mạc dị ứng hay không thì bạn nên khi khám để xác định bệnh.

3. Các phương pháp giúp khắc phục tình trạng viêm kết mạc dị ứng

Dựa trên kết quả thăm khám trên lâm sàng và kỹ thuật cận lâm sàng, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Cụ thể đó là:

  • Trong trường hợp người bệnh bị viêm kết mạc dị ứng nhưng cũng có biểu hiện ở các cơ quan khác như ở mũi và tai thì có thể sử dụng thuốc histamin theo đường uống nhằm hạn chế các triệu chứng của bệnh, ví dụ như Cinnarizin, Chlorpheniramin hay Alimemazin….

Cần lưu ý là đặc biệt cẩn trọng khi uống các thuốc kháng histamin vì đôi khi các thuốc này gây ra tác dụng phụ khiến bạn thiếu tập trung và buồn ngủ. Do đó nếu phải lái xe hoặc làm công việc liên quan đến vận hành máy móc thì không nên dùng thuốc. Bên cạnh đó bệnh nhân nhược cơ, phụ nữ đang mang thai, người bị u xơ tuyến tiền liệt,... và đang mắc bệnh lý khác cần phải thông báo cho bác sĩ về tình trạng bệnh của mình trước khi dùng thuốc;

  • Để giảm thiểu các dấu hiệu sưng đỏ, ngứa ngáy, sung huyết và chảy nước mắt thì bác sĩ thường sẽ chỉ định dùng các loại thuốc nhỏ mắt như: thuốc co mạch (Naphazoline, Tetrahydrozolin, Phenylephrine,…), thuốc chống viêm không steroid (Diclofenac, Ketorolac), thuốc kháng histamin (Azelastine, Emadine), thuốc ổn định tế bào mast (Pemirolast, Lodoxamide,...);

  • Nếu bị bội nhiễm bệnh nhân cần áp dụng phác đồ kháng sinh trong vòng 10 - 14 ngày để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn.

Việc sử dụng các loại thuốc trên sẽ giúp mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh nhưng cũng tồn tại một số tác dụng phụ nhất định ngay cả khi chỉ dùng trong thời gian ngắn. Do đó chỉ khi nào được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định thì bệnh nhân mới được sử dụng để tránh rủi ro gặp phải các tác dụng không mong muốn như nhiễm trùng, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp,...

4. Các cách giúp phòng ngừa bệnh viêm kết mạc dị ứng

Để hạn chế tối đa nguy cơ bị viêm kết mạc dị ứng, bạn nên thử thực hiện những biện pháp phòng tránh như sau:

  • Khi đi ra ngoài trời cần đeo khẩu trang và kính, đặc biệt là vào những ngày nhiều gió, thời tiết hanh khô;

  • Bỏ thói quen dụi tay vào mắt;

  • Mang kính bảo vệ mắt khi làm việc trong môi trường nhiều khói, ô nhiễm và chứa nhiều hóa chất độc hại;

  • Nên dùng các vật dụng cá nhân của riêng mình để tránh bị lây nhiễm các bệnh về mắt;

  • Hạn chế việc tiếp xúc với lông chó mèo, nấm mốc, mạt bụi, phấn hoa, không khí ô nhiễm,... vì chúng là những tác nhân khiến bạn bị dị ứng. Nếu buộc phải tiếp xúc thì nên trang bị đồ bảo hộ;

  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, E nhằm nâng cao sức đề kháng chống lại các bệnh lý nhiễm trùng.

Để phòng tránh nguy cơ viêm kết mạc dị ứng hãy hạn chế tiếp xúc với lông chó mèo

Nhìn chung viêm kết mạc dị ứng nếu được chăm sóc, điều trị đúng cách và kịp thời thì sẽ nhanh chóng được kiểm soát sau vài ngày. Tuy nhiên nếu để bệnh diễn ra lâu ngày thì nguy cơ bội nhiễm do virus, vi khuẩn xâm nhập là rất cao. Chính vì thế nếu nhận thấy bản thân đang có các dấu hiệu của bệnh, bạn hãy đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa về mắt.

Để đặt lịch khám và nhận tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia nhãn khoa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, quý khách hàng xin vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.