Các tin tức tại MEDlatec

Những loại vắc xin mà mẹ bầu cần phải tiêm phòng trước khi mang thai

Ngày 16/10/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Mang thai là một hành trình dài với nhiều thử thách đòi hỏi chị em phụ nữ có sự chuẩn bị kỹ càng. Trong đó, tiêm phòng là việc làm cần thiết với ý nghĩa vô cùng quan trọng. Như vậy có những loại vắc xin nào cần tiêm phòng trước khi mang thai là vấn đề được nhiều người tìm kiếm. Đọc ngay bài viết dưới đây để cập nhật kiến thức hữu ích cho hành trình mang thai an toàn.

1. Tại sao mẹ bầu cần tiêm phòng trước khi mang thai?

Mang thai sẽ khiến hệ thống miễn dịch của phụ nữ bị suy giảm. Vì vậy, khi có thai cũng đồng nghĩa với việc cơ thể bạn rất dễ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm. Như vậy nếu có dự định mang thai các bạn nữ cần đi tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Tiêm phòng trước khi mang thai giúp bảo vệ mẹ và bé luôn khỏe mạnh

Bên cạnh đó, một vài căn bệnh phòng tránh bằng vắc xin như ho gà, sởi, quai bị, rubella, cúm,... có khả năng gây nguy hiểm cho thai nhi. Chính vì thế, tiêm ngừa trước khi có thai vừa giúp bảo vệ sức khỏe cho mẹ bầu trước nhiều căn bệnh nguy hiểm khi mang thai, chẳng hạn như virus rubella có khả năng gây sảy thai và thai nhi mắc dị tật bẩm sinh.

Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Bộ Y tế, các bệnh mẹ bầu có thể gặp khi mang thai là sởi, viêm gan B, thủy đậu, uốn ván,… vô cùng nguy hiểm.

2. Các loại vắc xin cần tiêm trước khi mang thai

2.1. Vắc xin sởi, quai bị và rubella

Tiêm ngừa các loại vắc xin này là vô cùng cần thiết giúp phòng tránh bệnh. Thời gian tiêm phòng tốt nhất theo khuyến cáo của các chuyên gia là ít nhất 1 tháng trước khi chuẩn bị có thai nhằm bảo vệ cơ thể, phòng tránh bệnh bởi những virus này có khả năng gây sảy thai hay dị tật nghiêm trọng ở thai nhi.

  • Bệnh sởi: đây là bệnh dễ lây nhiễm bởi virus thường có trong chất nhầy mũi cũng như cổ họng của bệnh nhân. Bệnh gây ra tình trạng sốt cao, phát ban, hắt hơi, ho, và đỏ mặt. Bên cạnh đó, bệnh nhân có khả năng xuất hiện triệu chứng như tiêu chảy hay nhiễm trùng tai. Thậm chí, bệnh có khả năng gây ra biến chứng như nhiễm trùng phổi, tổn thương ở não, gây điếc và đe dọa đến tính mạng.

Sởi - quai bị - rubella là các bệnh dễ lây nhiễm gây nguy hiểm cho thai phụ

  • Bệnh quai bị: virus gây bệnh lây truyền khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. Biểu hiện ban đầu là sốt, đau đầu, đau cơ, cơ thể mệt mỏi, uể oải, chán ăn. Tiếp đó, đa phần bệnh nhân sẽ bị sưng ở tuyến nước bọt, làm gò má và hàm bị sưng to. Đa phần, mức độ của các triệu chứng thường nhẹ thế nhưng có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như điếc, viêm màng não và phù não, tinh hoàn, buồng trứng hay vú bị sưng.

  • Bệnh Rubella: bệnh còn có tên gọi khác là sởi Đức, là căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus rubella. Bệnh có các biểu hiện như phát ban, sốt thế nhưng một số trường hợp không xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra, bệnh có khả năng gây ra sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ nếu mẹ bầu mắc bệnh trong quá trình mang thai.

2.2. Vắc xin cúm

Theo khuyến cáo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ thì phụ nữ có dự định mang thai cần tiêm ngừa cúm vào cuối tháng 10 hằng năm giúp bảo vệ cả mẹ và con khỏi bệnh cúm. Bên cạnh đó, mẹ bầu có thể tiêm phòng vào bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Có nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiêm ngừa vắc xin cúm trong thai kỳ đều an toàn.

Cúm là căn bệnh đường hô hấp có khả năng lây truyền bởi virus cúm. Bệnh cúm có khả năng khiến bệnh nhân phải nhập viện và có thể mất mạng. Sự thay đổi ở khả năng miễn dịch, tim và phổi trong thai kỳ có thể khiến mẹ bầu bị cúm.

Cúm cũng làm gia tăng nguy cơ khiến thai nhi mắc các vấn đề bất thường về sức khỏe. Hằng năm, có hàng triệu bệnh nhân cúm, hàng trăm người bệnh nhập viện và hàng nghìn người tử vong có liên quan đến cúm.

2.3. Vắc xin thủy đậu

Nếu như trước đây bạn chưa từng mắc bệnh thủy đậu thì bạn càng phải tiêm phòng vắc xin trước khi có thai. Nguyên nhân vì bệnh thủy đậu xuất hiện trong quá trình mang thai rất nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi. Bên cạnh đó còn làm gia tăng khả năng mắc dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Bệnh thủy đậu xuất hiện trong quá trình mang thai rất nguy hiểm cho mẹ và gây dị tật bẩm sinh cho bé

2.4. Vắc xin viêm gan B

Nếu như bạn có nhiều hơn 1 bạn tình trong 6 tháng thì cần tiêm ngừa viêm gan B trước khi có thai.

Virus viêm gan B có thể lây lan cho thai nhi và có nguy cơ khiến trẻ bị suy gan hoặc ung thư gan ở tuổi trưởng thành. Vắc xin viêm gan B có tổng cộng 3 mũi thế nhưng bạn không phải tiêm phòng trước khi mang thai đủ 3 mũi. Vì thế, để biết được số liều phải tiêm và giai đoạn tiêm chính xác bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo độ hiệu quả và an toàn.

2.5. Vắc xin chống nhiễm trùng uốn ván

Uốn ván là căn bệnh vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ bầu sau khi sinh con. Vì thế bạn cần phải tiêm vắc xin uốn ván trước khi có thai đúng quy định.

Bên cạnh đó, những bạn nữ trẻ tuổi (dưới 26 tuổi) cần tiêm ngừa vắc xin HPV để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Thông thường loại vắc xin này cần phải ngừa đủ ba mũi. Tùy theo hãng sản xuất khác nhau mà phác đồ tiêm phòng cũng sẽ khác nhau. Nếu như rơi vào tình huống đang tiêm dở liệu trình thì bạn có thai thì cần phải tạm ngừng việc tiêm ngừa HPV lại và chờ đến khi bạn sinh xong mới có thể tiếp tục tiêm nốt các mũi còn lại. Lưu ý rằng thời gian tiêm đủ ba mũi này không được kéo dài hơn 24 tháng.

Vắc xin HPV là một trong những mũi vắc xin quan trọng

3. Cần lưu ý gì khi tiêm phòng trước khi mang thai?

Việc tiêm vắc xin giúp chúng ta phòng bệnh nhưng cũng dễ gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm nếu như không thực hiện đúng theo hướng dẫn. Để hạn chế được những tình huống xấu xuất hiện sau khi tiêm ngừa các bạn nữ cần ghi nhớ lịch sử tiêm phòng và đặc điểm của những loại vắc xin.

Tiêm phòng trước khi mang thai bắt buộc bạn phải cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin cho bác sĩ về lịch sử tiêm ngừa. Nếu bạn bị mất thông tin có thể hỏi người thân, bạn bè về địa chỉ mình từng tiêm ngừa, lịch sử và hồ sơ tiêm ngừa. Thông tin bạn cung cấp sẽ giúp bác sĩ xác định được loại vắc xin mà bạn cần tiêm. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ tư vấn chính xác hơn giúp bảo vệ sức khỏe cho hai mẹ con.

Khi đi tiêm phòng các bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ về lịch sử tiêm phòng của mình

Đối với trường hợp mẹ bầu tiêm phòng ngay khi có thai cần lưu ý một số điều sau đây. Nếu như đó là loại vắc xin giúp ngừa bệnh cúm và vắc xin viêm gan B thì thai phụ có thể tiêm trong quá trình mang thai. Còn nếu như đó là vắc xin thủy đậu, sởi, quai bị, rubella thì thai phụ phải ngừng lại quá trình tiêm ngừa khi có dấu hiệu mang thai.

Đặc biệt nếu như thai phụ có lịch sử tiêm ngừa vắc xin thủy đậu, sởi, quai bị và rubella mới phát hiện mình mang thai phải báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ chăm sóc, theo dõi sức khỏe. Bên cạnh đó, thai phụ phải đi khám thai đúng theo định kỳ để theo dõi thai nhi và kịp thời phát hiện những bất thường ở bé.

Tóm lại, tiêm phòng trước khi mang thai là việc làm cần thiết giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé. Để việc tiêm phòng đạt hiệu quả tối đa và an toàn thì mẹ bầu cần thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của bác sĩ cũng như tiêm phòng đúng lịch hẹn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.