Các tin tức tại MEDlatec
Những lợi ích tuyệt vời của Omega-3 với sức khỏe và lưu ý khi sử dụng
- 20/05/2021 | Omega 3 - 6 - 9 và những công dụng không phải ai cũng biết!
- 05/07/2020 | Khám phá những điều thú vị về Omega 3 không phải ai cũng biết
1. Omega-3 là chất gì
Omega-3 có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau
Omega-3 là một loại axit béo không bão hòa đa (PUFA) gồm 3 loại: DHA (axit docosahexaenoic), ALA (axit alpha-linolenic) và EPA (axit eicosapentaenoic). Trong đó:
- DHA: Là thành phần rất quan trọng đối với việc tăng cường sự hoạt động và phát triển của trí não. Loại axit này chỉ chiếm ¼ lượng chất béo trong hệ thần kinh trung ương nhưng lại chiếm tỷ lệ cao nhất trong võng mạc mắt và chất xám.
- ALA: có vai trò giúp cơ thể chuyển hóa thành năng lượng và chính nó cũng có một tỷ lệ nhỏ được chuyển đổi thành EPA và DHA.
- EPA: rất hiệu quả đối với thanh lọc máu. Nó được chuyển hóa thành các chất sinh học quan trọng trong cơ thể như: leucotrien, prostaglandin,… và có nhiệm vụ ức chế sự đông vón của tiểu cầu, làm giảm cholesterol và triglyceride. Ngoài ra, EPA còn giúp phòng ngừa hình thành huyết khối để cho quá trình lưu thông máu trở nên tốt hơn, giảm thiểu xơ vữa động mạch.
2. Lợi ích của Omega-3 và những lưu ý khi sử dụng
2.1. Những lợi ích của Omega-3 đối với sức khỏe
Trong cơ thể, Omega-3 là thành phần của phospholipid giúp hình thành cấu trúc màng tế bào và có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, như:
- Hệ tim mạch: bổ sung đầy đủ Omega-3 không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch mà còn điều chỉnh rối loạn lipid máu.
- Bệnh ung thư: nhờ có việc bổ sung Omega-3 cao mà nguy cơ ung thư có thể giảm đi vì loại axit này không chỉ có tác dụng chống viêm mà còn đảm nhận vai trò ức chế các yếu tố tăng trưởng tế bào.
Omega-3 có nhiều công dụng tuyệt vời với sức khỏe con người
- Chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer: DHA được xem là thành phần thiết yếu của phospholipid màng tế bào não. Bằng cách duy trì tính toàn vẹn của màng tế bào và chức năng tế bào thần kinh, Omega-3 sẽ giúp bảo vệ chức năng nhận thức. Vì thế, người bị suy giảm nhận thức ở mức độ nhẹ có thể bổ sung loại axit này để cải thiện một số khía cạnh của chức năng nhận thức. Đã có một số nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn giàu loại axit này có thể giúp giảm nguy cơ bị sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức và phòng ngừa bệnh Alzheimer.
- Thoái hóa điểm vàng: đây là nguyên nhân chính gây giảm thị lực ở người cao tuổi. Bằng việc bổ sung Omega-3 chúng ta sẽ cung cấp DHA cho màng tế bào võng mạc và ngăn ngừa sự tiến triển thoái hóa điểm vàng.
- Bị khô mắt: bổ sung EPA và DHA có thể giúp giảm nguy cơ mắc hoặc làm giảm triệu chứng khô mắt.
- Viêm khớp dạng thấp: một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng Omega-3 với công dụng chống viêm có thể làm giảm một số triệu chứng viêm khớp dạng thấp và giúp bệnh nhân giảm thiểu tình trạng phụ thuộc vào thuốc chống viêm.
- Bệnh trầm cảm: một số nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy những người có chế độ ăn nhiều cá sẽ có nguy cơ trầm cảm thấp hơn so với nhóm người không ăn hoặc ít ăn cá.
- Bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): cũng đã có một số nghiên cứu chỉ ra được rằng dầu cá có thể giúp giảm triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và cải thiện các kỹ năng tinh thần ở nhóm trẻ mắc bệnh này như khả năng ghi nhớ, suy nghĩ và học tập.
Tham vấn ý kiến bác sĩ giúp bạn biết được liều lượng và cách dùng Omega-3 sao cho hiệu quả
2.2. Lưu ý khi sử dụng Omega-3
- Có thể bổ sung Omega-3 qua một số loại thực phẩm như: cá hồi, cá mòi, cá trích, dầu hạt cải, quả óc chó, rau có màu xanh đậm,... hoặc thực phẩm chức năng chứa Omega-3.
- Liều lượng Omega-3 cần bổ sung cho từng đối tượng:
+ Thai phụ, phụ nữ đang cho con bú và trẻ nhỏ: FAO/ WHO khuyến cáo về liều lượng DHA cần bổ sung như sau: trẻ 6 - 24 tháng cần bổ sung 10mg/kg; thai phụ và phụ nữ đang cho con bú cần bổ sung 200mg/ngày.
+ Người lớn tuổi: theo khuyến cáo từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) thì người không có tiền sử với bệnh tim mạch có thể ăn cá béo 2 lần/tuần. Lượng Omega-3 được cho là an toàn với người lớn khi không vượt quá 300 mg/ ngày.
- Thời điểm bổ sung Omega-3 đường uống tốt nhất là buổi sáng vì đó là lúc cơ thể có thể hấp thu nó một cách tốt nhất, những người bị mất ngủ nên uống Omega-3 sau bữa tối.
- Một số tác dụng phụ có thể gặp khi uống Omega-3 gồm: ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn, tiêu chảy, đỏ da, nổi mẩn ngứa, mất ngủ, chảy máu nướu, tăng đường huyết, tụt huyết áp,...
- Một số trường hợp sau không nên bổ sung dầu cá Omega-3:
+ Người mắc bệnh đường tiêu hóa: có thể bị đầy hơi, chướng bụng.
+ Trẻ dưới 15 tháng tuổi: có thể gây hại cho một số cơ quan trong cơ thể.
+ Thai phụ: không nên bổ sung dầu cá thô vì nó có thể chứa nhiều chất ô nhiễm và kim loại nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Thay vào đó, chỉ nên bổ sung Omega-3 từ thực phẩm.
- Nếu trong quá trình bổ sung Omega-3 mà xuất hiện các tác dụng phụ như đã nói đến ở trên thì cần dừng ngay và tham vấn ý kiến bác sĩ để có hình thức bổ sung khác phù hợp.
Nhìn chung Omega-3 là một loại dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe và hầu hết là không gây hại khi nó được sử dụng đúng liều lượng. Tuy nhiên, đây chỉ là loại thực phẩm hỗ trợ chứ không phải là thuốc. Bên cạnh đó, thị trường hiện nay lại có bán rất nhiều loại Omega-3 khác nhau.
Do đó, trước khi quyết định bổ sung loại axit này chúng ta nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết được nên dùng loại nào, cách thức sử dụng và liều dùng sao cho phù hợp để đạt được tác dụng cao nhất. Việc tham vấn ý kiến bác sĩ cũng sẽ giúp bạn có được một chế độ ăn giúp bổ sung Omega-3 hiệu quả hơn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!