Các tin tức tại MEDlatec

Những thông tin cần biết về thuốc điều trị hen suyễn mạn tính

Ngày 20/12/2021
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Bệnh hen suyễn không thể chữa khỏi nhưng có thể được kiểm soát tốt nếu điều trị đúng cách. Trong đó, thuốc điều trị hen suyễn mạn tính chính là một giải pháp hiệu quả để kiểm soát các cơn hen. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về các loại thuốc này và một số lưu ý khi sử dụng thuốc dành cho người bệnh hen suyễn mạn tính.

1. Một số kiến thức về bệnh hen suyễn mạn tính

Bệnh hen suyễn là tình trạng đường thở bị viêm, hẹp khiến bệnh nhân thở khó khăn hơn rất nhiều. Bệnh có thể được gọi là hô hấp mạn tính hoặc hen phế quản. Hen suyễn là một bệnh nguy hiểm nhưng nếu được điều trị đúng cách thì bệnh nhân vẫn có thể kiểm soát bệnh hiệu quả.

Hen suyễn có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn

Ngược lại, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, tình trạng hen suyễn có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân, làm tăng nguy cơ bị viêm phổi, sinh non, sảy thai, thu hẹp các ống phế quản trong phổi, tăng nguy cơ ung thư phổi, suy hô hấp,… thậm chí có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.

Khi lên cơn hen suyễn, bệnh nhân thường gặp phải một số triệu chứng như sau: Thở khò khè, thở nhanh, thở gấp, ho liên tục, đau tức ngực, khó khăn khi nói chuyện, cảm giác lo lắng và hoảng sợ, đổ nhiều mồ hôi, da nhợt nhạt, môi tím tái,… Những cơn hen suyễn có nguy cơ biến chuyển nghiêm trọng rất nhanh chóng. Do đó, bệnh nhân cần chuẩn bị sẵn thuốc điều trị hen suyễn theo hướng dẫn của bác sĩ để dùng trong trường hợp khẩn cấp, phòng tránh nguy cơ suy hô hấp.

Những cơn hen suyễn có nguy cơ biến chuyển nghiêm trọng rất nhanh chóng

- Một số tác nhân gây hen suyễn có thể kể đến là:

+ Do nhiễm trùng, chẳng hạn như tình trạng cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang,…

+ Do một số chất gây dị ứng như phấn hoa, lông chó mèo, bụi bẩn trong nhà, nấm mốc,…

+ Do một số chất gây dị ứng như các loại nước hoa, dung dịch vệ sinh,…

+ Khói thuốc lá, ô nhiễm không khí.

+ Do thay đổi thời tiết khi giao mùa, thời tiết quá lạnh,…

+ Do bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

+ Do người bệnh gặp phải một số vấn đề về tâm lý, đặc biệt là khi quá lo lắng, căng thẳng.

+ Do một số loại chất bảo quản thực phẩm trong những loại thực phẩm đóng hộp, các loại nước uống đóng chai,…

- Một số đối tượng có nguy cơ cao bị hen suyễn là những trường hợp sau:

+ Có người thân trong gia đình chẳng hạn như bố mẹ, anh chị em bị bệnh hen suyễn.

+ Có tiền sử nhiễm virus, chẳng hạn như virus RSV.

+ Trong gen có yếu tố hen suyễn.

+ Do đặc thù công việc, dị ứng, nhiễm trùng phổi, thừa cân, béo phì.

2. Thuốc điều trị hen suyễn mạn tính

Bệnh hen suyễn không thể được điều trị khỏi hoàn toàn nhưng điều trị đúng cách sẽ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và nâng cao chất lượng sống của người bệnh. Phương pháp điều trị bệnh thường được áp dụng đó là phòng tránh những yếu tố nguy cơ, duy trì thường xuyên các loại thuốc kiểm soát triệu chứng và chuẩn bị sẵn thuốc cắt cơn để sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Dưới đây là một số thông tin về các loại thuốc điều trị hen suyễn mạn tính:

2.1. Thuốc kiểm soát hen

Công dụng của các loại thuốc này là giảm triệu chứng viêm đường thở, giảm nguy cơ suy giảm chức năng hô hấp cho bệnh nhân bị hen suyễn mạn tính.

Thuốc phun hít giúp kiểm soát cơn hen nhanh chóng

Các thuốc phun hít tác dụng kéo dài

Corticoid dạng hít chẳng hạn như thuốc beclomethasone, flunisolide, budesonide, fluticasone,…

Các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài:

+ Thuốc cường beta 2 thường kết hợp với corticoid dạng hít với mục đích giúp giãn phế quản đồng thời kiểm soát cơn hen.

+ Thuốc kháng cholinergic giúp giãn cơ trơn đường thở, đồng thời giảm tiết đờm, từ đó kiểm soát cơn hen hiệu quả.

Các thuốc đường uống

Trong số các loại thuốc đường uống thì Corticoid là phổ biến nhất và có tác dụng giảm đáp ứng viêm đường thở khi lên cơn hen cấp. Các loại thuốc đường uống có thể kết hợp với các thuốc đường phun, hít. Tuy nhiên, nhóm thuốc đường uống thường có tác dụng chậm và bệnh nhân cần lưu ý phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng sử dụng thuốc.

Thuốc đường uống thường có tác dụng chậm hơn và cần sử dụng đúng theo liều lượng chỉ dẫn của bác sĩ

Các thuốc sinh học

Loại thuốc này chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc sinh học dạng tiêm cho các đối tượng bệnh nhân nặng, không thể kiểm soát cơn hen bằng thuốc đường uống và thuốc đường phun hít.

Tùy theo các trường hợp bệnh nhân, mức độ bệnh, tình trạng cải thiện triệu chứng, các bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng thuốc, thời gian sử dụng thuốc điều trị hen suyễn mãn tính khác nhau để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

Một số lưu ý: Để thuốc ở nơi dễ nhìn thấy, chia sẻ thông tin với người thân để họ có thể hỗ trợ bạn khi cần thiết, nên thường xuyên kiểm tra thuốc để phòng ngừa tình trạng hết thuốc trong trường hợp khẩn cấp.

2.2. Các biện pháp điều trị khác

- Nếu bệnh nhân mắc phải một số bệnh lý kèm theo khiến cho nguy cơ khiến cho các triệu chứng bệnh thêm nghiêm trọng như trào ngược dạ dày thực quản, béo phì, viêm xoang, trầm cảm,… thì cần điều trị dứt điểm để có thể xử trí cơn hen hiệu quả hơn.

- Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần rèn luyện thể lực bằng cách thường xuyên tập thể dục, có thể tham khảo bác sĩ về việc lựa chọn bài tập phù hợp hay cách tập hiệu quả. Đồng thời, người bệnh cũng cần có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, lưu ý tránh xa những thực phẩm có nguy cơ cao gây dị ứng.

- Bệnh nhân bị hen suyễn mạn tính cũng nên tránh xa khói thuốc lá và không nên đến những nơi bị ô nhiễm không khí.

- Thường xuyên vệ sinh các đồ dùng cá nhân như chăn, ga, gối hoặc rèm cửa để nhà cửa luôn sạch sẽ, phòng ngừa nguy cơ lên cơn hen.

- Người bị bệnh hen suyễn cũng cần lưu ý không nuôi các loại động vật như chó mèo trong nhà.

Để tìm hiểu nhiều hơn về bệnh hen suyễn cũng như các loại thuốc điều trị hen suyễn mạn tính, bạn có thể liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo tổng đài 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.