Các tin tức tại MEDlatec
Nước súc họng dùng như thế nào mới hiệu quả?
- 02/01/2023 | Những biện pháp chăm sóc và vệ sinh răng miệng hàng ngày
- 04/02/2023 | Giải pháp chăm sóc răng miệng mùa dịch bảo vệ sức khỏe
- 09/12/2022 | Cạo lưỡi và 4 lợi ích cho sức khỏe răng miệng
1. Nước súc họng là gì, có công dụng như thế nào?
Nước súc họng là dung dịch dạng lỏng gồm thành phần tinh dầu hoặc hoạt chất kháng khuẩn giúp làm sạch khoang miệng. Thị trường hiện có nhiều loại nước súc họng khác nhau nhưng hầu hết đều có tác dụng:
Một trong các công dụng của nước súc họng là tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng
- Làm sạch mảnh vụn thức ăn, mảng bám ở khoang miệng còn sót lại sau khi dùng chỉ nha khoa hoặc đánh răng nhưng chưa hiệu quả.
- Cải thiện tình trạng hôi miệng, mang lại hơi thở tươi mát và thơm tho.
- Phòng ngừa một số bệnh lý vùng miệng: sâu răng, viêm nướu, viêm niêm mạc miệng,...
- Hỗ trợ làm lành vết thương sau phẫu thuật vùng miệng.
- Làm sạch khoang miệng khi không thể đánh răng.
- Loại bỏ một số tác nhân gây hại trú ngụ trong vòm họng.
- Giảm tốc độ hình thành cao răng hoặc các yếu tố kết hợp gây nên vôi răng.
2. Thành phần và cách sử dụng nước súc họng
2.1. Thành phần của nước súc họng
Thành phần của các loại nước súc họng sẽ có sự khác nhau tùy theo mục đích sử dụng:
- Nước súc họng có công dụng làm sạch hàng ngày: NaCl 0.9%.
- Nước súc họng dùng để điều trị: chất kháng khuẩn, nước tinh khiết, tinh dầu, chất tạo vị tạo mùi, chất bảo quản,... Các loại nước súc họng này có loại không kê đơn nhưng cũng có loại cần được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa.
Hầu hết các loại nước súc họng đang bán trên thị trường hiện nay đều có chứa các thành phần chính như:
- Fluor: phòng ngừa và giảm sâu răng.
- Chất kháng vi sinh vật: tiêu diệt các tác nhân gây mùi hôi trong miệng, tạo mảng bám và gây viêm nướu.
- Muối astringent: chất khử mùi có tác dụng khử mùi hơi thở tạm thời.
- Chất trung hòa mùi: tấn công và vô hiệu hóa tác nhân gây mùi khó chịu trong khoang miệng.
- Chất làm trắng: ngăn ngừa tình trạng ố vàng răng.
Thị trường hiện có bán nhiều loại nước súc họng khác nhau tùy theo công dụng mà chúng mang lại
Riêng các loại nước súc họng diệt khuẩn thường có thêm: menthol, alcohol, eucalyptol,… khi sử dụng sẽ có cảm giác châm chích ở khoang miệng. TÙy theo mục đích sử dụng cần cân nhắc các thành phần có trong nước súc miệng để lựa chọn phù hợp:
- Nước súc họng có thành phần Chlorhexidine: phù hợp với người mới nhổ răng, bị viêm nướu, sâu răng.
- Nước súc họng có thành phần tinh dầu có tác dụng giảm mùi hôi ở miệng: phù hợp với người bị hôi miệng.
- Nước súc họng chứa hoạt chất giảm độ nhạy cảm ở răng: phù hợp với những người bị kích ứng khoang miệng, răng ê buốt.
- Nước súc họng chứa Pyrophosphate, Cetylpyridinium: phù hợp với người hay bị mảng bám trên răng, răng bị ố vàng.
2.2. Cách sử dụng nước súc họng đúng để phát huy hiệu quả
2.2.1. Cách dùng nước súc họng
Nếu biết dùng nước súc họng đúng cách thì sẽ phát huy tốt các công dụng vốn có của sản phẩm này. Cách súc họng đúng cách rất đơn giản:
- Đánh răng sau mỗi bữa ăn rồi dùng chỉ nha khoa để loại bớt mảng thức ăn còn bám trong kẽ răng. Nếu đang dùng kem đánh răng có thành phần fluor thì một lúc sau hãy nên dùng nước súc họng để không bị trôi fluor bám trên bề mặt răng.
- Rót lượng vừa đủ nước súc họng vào cốc (hoặc pha chế theo tỷ lệ chỉ định với những loại nước súc họng cần pha chế) sau đó ngậm trong khoang miệng đúng khoảng thời gian do nhà sản xuất khuyến cáo.
- Súc họng thật kỹ rồi nhổ ra.
Những loại nước súc họng được dùng để điều trị cần được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chỉ dẫn cách dùng nước súc họng hiệu quả
2.2.2. Các trường hợp không được dùng nước súc họng
Nước súc họng không được dùng với các trường hợp:
- Trẻ < 5 tuổi.
- Người bị dị ứng với thành phần của nước súc họng.
- Phụ nữ đang cho con bú, đang mang thai cần tư vấn bác sĩ để sử dụng đúng loại nước súc miệng phù hợp.
2.3. Một số lưu ý khi dùng nước súc họng
Để việc sử dụng nước súc họng đạt được hiệu quả tốt nhất và không gây tác dụng ngược thì cần lưu ý:
- Thời gian súc họng tốt nhất nên khoảng 30 - 60 giây là vừa đủ để làm sạch khoang miệng mà không tẩy quá mức gây ảnh hưởng đến răng lợi và vòm họng.
- Mỗi ngày chỉ nên súc họng 2 lần, nếu dùng nước súc họng chứa thành phần fluor thì mỗi ngày chỉ nên dùng 1 lần. Trường hợp đang bị viêm họng chỉ nên dùng mỗi ngày 3 - 4 lần để tránh gây bỏng rát cổ họng.
- Chọn nước súc họng có thành phần phù hợp với mục đích sử dụng và độ tuổi được khuyến cáo. Những người đang bị loét trong miệng hay có cơ địa dễ bị kích ứng nướu cần tham khảo kỹ thành phần để chọn dùng nước súc họng không chứa cồn khoang miệng và họng không bị đau rát.
- Chỉ nên ăn uống sau khi đã dùng nước súc họng được 30 phút.
- Không thay thế nước súc miệng cho kem đánh răng vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha chu.
- Nếu có triệu chứng phát ban, ngứa rát, nổi mẩn đỏ ở bất cứ vùng nào trong khoang miệng khi dùng nước súc họng thì đều cần dừng sử dụng.
- Không để nước súc miệng tiếp xúc với mắt, mũi, tai. Nếu chẳng may bị tiếp xúc thì cần dùng nước để rửa sạch.
- Không nuốt nước súc miệng để tránh gặp phải hiện tượng dị ứng với thành phần của sản phẩm này.
Nếu bạn đang gặp vấn đề về răng nướu hay vòm họng thì tốt nhất không nên tự ý dùng nước súc họng mà hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa để biết chính xác tình trạng của mình và được tư vấn sử dụng loại nước súc họng phù hợp.
Những thông tin về nước súc họng trên đây hy vọng sẽ giúp bạn hiểu hơn để biết cách sử dụng công cụ hỗ trợ bảo vệ sức khỏe răng miệng và vùng họng. Dù bạn lựa chọn sử dụng sản phẩm nào hãy nhớ đọc kỹ các khuyến cáo do nhà sản xuất đưa ra, riêng trường hợp dùng nước súc họng hỗ trợ điều trị bệnh thì cần tuân thủ những chỉ dẫn từ bác sĩ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!