Các tin tức tại MEDlatec

Ổn định huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi bằng cách nào?

Ngày 23/10/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Người già thường đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Đó là lý do chúng ta cần theo dõi, kiểm tra thường xuyên huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi để đảm bảo mọi thứ trong tầm kiểm soát, nếu có bất thường cũng can thiệp kịp thời.

1. Huyết áp và nhịp tim trung bình của người cao tuổi 

Đối với người cao tuổi, chỉ số huyết áp và nhịp tim trung bình cụ thể như sau.

Chỉ số huyết áp

Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch. Chỉ số này được đo khi tim co bóp (huyết áp tâm thu) và tim thư giãn (huyết áp tâm trương). Đơn vị đo của huyết áp là milimet thủy ngân (mmHg).

Theo Hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp trung bình của người 70 tuổi là 134/87 mmHg, dao động trong khoảng 121/83 - 147/91 mmHg. Nói chung, độ tuổi và huyết áp tỷ lệ thuận với nhau, càng lớn tuổi, huyết áp càng có xu hướng tăng.

Chỉ số nhịp tim

Nhịp tim là số lần tim đập trong 1 phút. Nếu huyết áp ở người cao tuổi có xu hướng tăng (cao) thì nhịp tim lại giảm (thấp) hơn so với người trẻ, trung trong khoảng 60 - 90 lần/phút. 

Lưu ý, huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi sẽ có sự khác nhau vào mỗi thời điểm đo. Sự khác nhau này phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, trạng thái cảm xúc, vận động, thuốc men và các bệnh lý mạn tính nếu có.

Huyết áp và nhịp tim có xu hướng thay đổi theo độ tuổi 

2. Huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi thay đổi do đâu?

Như đã chia sẻ ở trên, huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi có sự khác biệt lớn so với người trẻ tuổi. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt và thay đổi này?

Sự thay đổi về huyết áp

Nguyên nhân chính khiến người già phải đối mặt với tình trạng cao huyết áp là do hệ thống động mạch trong cơ thể bị lão hóa, cụ thể, động mạch bị giảm tính đàn hồi, trở nên cứng hơn. Ngoài ra, người già ít vận động hoặc vận động khó khăn nên chất béo tích tụ bên trong thành động mạch, gây xơ vữa động mạch. Điều này khiến quá trình lưu thông máu kém hiệu quả, tim phải tăng cường hoạt động để bơm máu cho cơ thể làm tăng áp lực dòng máu lên thành động mạch, dẫn đến cao huyết áp.

Đặc biệt, người già mắc bệnh mạn tính, nhất là bệnh tiểu đường cũng dễ bị cao huyết áp. Nguyên nhân là do lượng đường huyết trong máu cao làm mạch máu bị giảm khả năng co giãn, trở nên cứng và dày, gây biến chứng xơ vữa động mạch. 

Hay người già bị bệnh thận mạn tính khiến khả năng lọc máu và đào thải độc tố ra ngoài giảm. Nước và độc tố tích tụ lại làm tăng lượng máu lưu thông trong cơ thể, dẫn đến tăng huyết áp.

Sự thay đổi về nhịp tim

Càng lớn tuổi, các cơ quan và bộ phận trong cơ thể càng bị lão hóa. Và tim cũng không ngoại lệ. Khi tim bị lão hóa, cơ quan này sẽ hoạt động “yếu ớt” khiến số lần đập giảm, chỉ số nhịp tim thấp. 

Bên cạnh đó, hệ thống tuần hoàn ở người già cũng không còn hoạt động “trơn tru” mà bị chai cứng, xơ vữa. Điều này khiến lượng máu đến tim giảm, không đủ để tim thực hiện co bóp như bình thường, dẫn đến nhịp tim giảm.

Người cao tuổi dễ đối mặt với các vấn đề về huyết áp, nhịp tim do lão hóa, bệnh lý

3. Làm sao để huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi ổn định?

Việc duy trì chỉ số huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi ở mức ổn định là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người già. Vậy làm sao để 2 chỉ số này luôn trong ngưỡng an toàn?

Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Để cải thiện và tăng cường sức khỏe tim mạch, người cao tuổi cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp.

  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều muối, đường và chất béo bão hòa.
  • Ưu tiên thực phẩm giàu protein tốt (cá, thịt nạc, thịt gia cầm), chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt), vitamin và khoáng chất (rau xanh, trái cây).
  • Uống đủ nước, gồm nước lọc, nước ép trái cây nguyên chất, sữa không đường, sữa tách béo,… 
  • Tạo thói quen ăn chậm, nhai kỹ, đặc biệt là không ăn quá no, chỉ ăn vừa bụng, lấp đầy khoảng 70 - 80% dạ dày.

Điều chỉnh thói quen sống

Người cao tuổi cần chú ý ngủ đủ giấc, đồng thời, quản lý tốt cảm xúc cá nhân, tránh để bản thân căng thẳng, lo lắng, bất an. Khi có cảm xúc tiêu cực, người già nên trao đổi với người thân hoặc ra ngoài đi dạo để thay đổi không khí, giúp bản thân cảm thấy dễ chịu và thư thái. Đặc biệt, để không làm thay đổi chỉ số huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi, cần tránh xa thuốc lá, chất kích thích và hạn chế rượu bia.

Người cao tuổi cần sống vui vẻ, tích cực để tránh các vấn đề về tim mạch

Thực hiện các bài tập

Người cao tuổi có xu hướng ít vận động hơn do các vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, càng ít vận động, sức khỏe càng giảm sút. Ngược lại, vận động hợp lý giúp tăng cường miễn dịch và cải thiện bệnh tật, trong đó có bệnh tim mạch. Vì vậy, người già hãy thực hiện các bài tập như đi bộ, đạp xe hay ngồi thiền, yoga để tốt cho sức khỏe. Trường hợp không biết bài tập nào là phù hợp, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Kiểm tra huyết áp và nhịp tim tại nhà

Bạn có thể trang bị máy đo huyết áp tại nhà để kiểm tra huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi mỗi ngày. Kết quả đo được sẽ phản ánh được tình trạng sức khỏe. Trường hợp có bất thường nào về chỉ số cũng được phát hiện kịp thời và can thiệp đúng cách, tránh biến chứng nguy hiểm.

Thăm khám sức khỏe định kỳ

Nếu đang dùng thuốc và được yêu cầu tái khám định kỳ, người già nên tuân thủ hướng dẫn này. Việc tái khám giúp bác sĩ đánh giá được tình hình sức khỏe, từ đó, có những thay đổi về phác đồ điều trị cho phù hợp.

Thăm khám sức khỏe định kỳ là rất quan trọng với người cao tuổi 

Trên đây là những thông tin giúp bạn hiểu hơn về huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi. Nếu vẫn còn thắc mắc cần được bác sĩ giải đáp và tư vấn, bạn có thể đến Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để thuận tiện hơn trong việc đăng ký và sử dụng dịch vụ, quý khách hãy gọi 1900 56 56 56 ngay hôm nay. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.