Các tin tức tại MEDlatec

Phải làm sao để phòng ngừa bệnh dại?

Ngày 29/06/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Bệnh dại thường bắt nguồn từ vết cắn hay vết liếm từ động vật mắc bệnh, phổ biến nhất là chó. Khi đã lên cơn dại, cả động vật và người bị lây đều tử vong. Dưới đây là gợi ý về cách xử trí nếu có nghi ngờ bệnh dại và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

1. Bệnh dại là gì? Quá trình phát triển của bệnh?

Đây là một dạng bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người. Qua vết cắn hay liếm của động vật đã nhiễm bệnh dại, virus trong dịch tiết (phần lớn là nước bọt) sẽ lây truyền sang người bị cắn. Khi đã lên cơn dại, người và động vật đã nhiễm bệnh đều tử vong. 

Virus gây ra bệnh dại có thể lây truyền từ chó sang người qua vết cắn

Bệnh dại đã xuất hiện ở rất nhiều nơi trên trên thế giới, nhất là ở những quốc gia ở Châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ. Loại động vật nhiễm bệnh lây truyền sang người phổ biến nhất là chó. Bên cạnh đó là một số loại động vật khác như mèo, cáo, dơi, chồn hôi, gấu trúc,...

Quá trình phát triển của bệnh dại thường trải qua 3 giai đoạn với những đặc điểm phổ biến như sau:

- Giai đoạn ủ bệnh: Thường diễn ra trong khoảng 20-60 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, virus có thể ủ bệnh từ 4 ngày đến hàng nhiều năm sau, y văn đã từng ghi nhận trường hợp bị ủ bệnh dại đến 19 năm. Nếu vết thương ở vùng đầu mặt hay lây bệnh qua đường ghép giác mạc thì thời gian ủ bệnh sẽ càng ngắn. 

– Giai đoạn khởi phát: Thường diễn ra trong vòng từ 2 đến 10 ngày.

– Giai đoạn toàn phát hoặc có thể gọi là “giai đoạn viêm não”: Khi đã bước sang giai đoạn này, bệnh dại có thể tiến triển theo 2 thể, bao gồm thể liệt kiểu hướng lên và thể hung dữ. Trong đó, thể hung dữ được đánh giá là phổ biến hơn và chiếm đến 80% số ca bị bệnh. 

Giai đoạn cũng rất ngắn, thông thường chỉ kéo dài 2 đến 6 ngày. Ở một số trường hợp, giai đoạn toàn phát có thể diễn ra lâu hơn và cuối cùng, bệnh nhân tử vong do liệt cơ hô hấp. Người mắc bệnh dại ở thể liệt có thể sống lâu hơn người bệnh thể hung dữ trong khoảng vài ngày.

2. Triệu chứng của bệnh dại

Ở từng giai đoạn, triệu chứng của bệnh dại sẽ khác nhau, cụ thể như sau:

- Giai đoạn ủ bệnh: Phần lớn người bệnh không xuất hiện triệu chứng.

- Giai đoạn khởi phát: Người bệnh thường bị đau đầu, mệt mỏi, sợ hãi, khó chịu, sốt, có cảm giác đau và tê ở vết cắn- nơi bị virus dại xâm nhập và gây bệnh. 

Sau khi bị chó cắn khoảng 3 – 12 tuần, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng

- Giai đoạn toàn phát: Khi đã tiến triển sang giai đoạn này, người bệnh thường có cảm giác mất ngủ, tăng cảm giác kích thích chẳng hạn như sợ tiếng động, sợ ánh sáng hoặc gió nhẹ. Bên cạnh đó, người bệnh dại ở giai đoạn toàn phát còn có thể bị rối loạn hệ thần kinh thực vật với một số triệu chứng như giãn đồng tử, hạ huyết áp, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt,...

3. Cách điều trị bệnh dại

Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ cần dựa vào những dấu hiệu bệnh, như biểu hiện tăng kích thích, sợ gió, sợ nước hay sợ ánh sáng, đặc biệt là các yếu tố dịch tễ có liên quan.

Tuy nhiên, để đưa ra chẩn đoán xác định bệnh dại, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện một số phương pháp như sau:

- Xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA) từ mô não hoặc phương pháp phân lập virus trên chuột hoặc có thể thực hiện trên hệ thống nuôi cấy tế bào. Bên cạnh đó có thể dựa vào kết quả xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang của các mảnh cắt da đã làm đông lạnh. Trong đó, những mảnh cắt da này được lấy từ rìa tóc ở gáy bệnh nhân. Ngoài ra cũng có thể chẩn đoán huyết thanh bằng phản ứng trung hoà trên chuột hay dựa trên nuôi cấy tế bào. 

- Phân lập virus hoặc phát hiện RNA virus bằng xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) từ nước bọt, dịch não tủy, nước tiểu, mô sinh thiết (não, da).

Nên tiêm phòng sau khi bị chó cắn

- Hiện này, các nhà khoa học chưa tìm ra phương thức điều trị đặc hiệu đối với bệnh dại. Phần lớn, bệnh nhân được điều trị hỗ trợ bằng một số phương pháp như thở máy, oxy liệu pháp, truyền dịch hay vận mạch. Bên cạnh đó là một số giải pháp chăm sóc giảm nhẹ như cho người bệnh dùng thuốc giảm đau, thuốc chống co giật, dùng thuốc an thần. 

 Hướng dẫn xử trí phòng ngừa bệnh dại sau khi bị động vật cắn:

- Việc đầu tiên bạn cần làm sau khi bị động vật cắn là rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy. Bạn có thể dùng thêm xà phòng để tăng cường hỗ trợ diệt virus gây bệnh và nên rửa trong khoảng 15 phút. Lưu ý, cần lấy hết dị vật và phần mô bị dập nát (nếu có).

- Bước tiếp theo, bạn cần dùng cồn 70 độ/dung dịch iode để sát trùng vết thương. Lưu ý, không nên khâu kín da. Trong trường hợp bắt buộc phải khâu da, bệnh nhân cần được tiêm huyết thanh kháng dại hoặc có thể trì hoãn khâu vết thương trong khoảng vài giờ 

- Nếu vết cắn bị chảy máu hay ở vị trí mặt, cổ, vùng sinh dục thì bệnh nhân cần được dùng huyết thanh kháng dại tiêm sâu vào vết thương và những vùng xung quanh.

- Tiêm phòng bệnh uốn ván cho người bệnh.

- Nếu có chỉ định, cần dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng vết thương cho người bệnh.

4. Phòng ngừa bệnh dại

Để phòng tránh bệnh dại, cần lưu ý những vấn đề sau: 

- Do phần lớn các trường hợp bị dại là do chó cắn nên để phòng ngừa bệnh thì việc đầu tiên bạn cần làm đó là tiêm vắc xin để phòng bệnh cho chó, mèo. Đây là biện pháp phòng ngừa có hiệu quả cao nhưng lại có thể mang lại hiệu quả rất tốt đối với cả động vật nuôi và người. 

- Nâng cao nhận thức về bệnh dại: Đây là căn bệnh có nguy cơ tử vong rất cao, vì thế, cần đẩy mạnh công tác giáo dục cộng đồng về mức độ nghiêm trọng của bệnh và sự quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Mỗi gia đình có vật nuôi lại càng cần chú ý về vấn đề này, đồng thời cũng cần tìm hiểu thông tin về việc phòng tránh chó cắn hay sơ cứu khi bị chó cắn,…

Nên đeo rọ mõm cho chó

- Phòng tránh chó cắn bằng những phương pháp như đeo rọ mõm cho chó, xích chó lại khi dắt ra đường. Nếu gặp chó dữ, bạn cần lưu ý không nên bỏ chạy, vì càng chạy thì chó sẽ càng bị kích thích bản năng săn mồi và càng trở nên hung dữ. Lúc này, bạn nên đứng yên, nhìn lảng đi nơi khác và để 2 tay 2 bên với tư thế giống như một cái cây. Trường hợp chó đã bắt đầu cắn thì nên đánh hoặc đá vào cổ họng của chúng để tự vệ. 

- Tiêm chủng cho người: Nhờ có vắc xin phòng bệnh dại, chúng ta đã có thể ngăn chặn được hàng trăm nghìn ca tử vong do căn bệnh này. Những trường hợp cần được tiêm phòng bao gồm: 

+ Nhân viên tiếp xúc với người mắc bệnh dại. 

+ Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và xử lý virus gây bệnh. 

+ Kiểm lâm động vật hoang dã. 

+ Người đã tiếp xúc hoặc bị cắn bởi động vật nghi ngờ mang mầm bệnh. 

 Trên đây là một số kiến thức quan trọng về bệnh dại và đặc biệt là cách phòng ngừa bệnh. Nếu bị động vật cắn, bạn có thể liên hệ đến Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để được tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.