Các tin tức tại MEDlatec
Phân loại các thuốc giảm đau dạ dày
Phân loại các thuốc giảm đau dạ dày
Tình trạng đau dạ dày khiến bệnh nhân phải trải qua những triệu chứng vô cùng khó chịu. Đôi khi điều này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến các sinh hoạt, làm việc và sức khỏe của bệnh nhân. Thuốc giảm đau dạ dày là giải pháp cứu cánh cho những trường hợp bị đau dạ dày cấp và mạn tính. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm bắt được hết những công dụng, hiệu quả, cách dùng và các tác dụng phụ của những loại thuốc này.
1. Thuốc giảm đau dạ dày gồm những loại nào?
1.1. Thuốc trung hòa acid dạ dày
Đây là loại thuốc giảm đau dạ dày không kê đơn giúp nhanh chóng khắc phục các biểu hiện ợ nóng, ợ chua, khó tiêu, đau dạ dày. Thuốc trung hòa acid dạ dày nên được uống ngay khi khởi phát cơn đau vùng thượng vị hoặc uống sau khi kết thúc bữa ăn. Để tránh tình trạng tương tác giữa thuốc trung hòa acid dạ dày với các loại thuốc khác, bạn nên dùng các thuốc cách xa nhau ít nhất 2 giờ.
Có nhiều loại thuốc trung hòa acid dạ dày khác nhau, ví dụ như thuốc ức chế bơm proton, thuốc đối kháng thụ thể H2 nhưng cần lưu ý rằng các loại thuốc này không giúp tiêu diệt vi khuẩn HP (loại vi khuẩn có khả năng gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng).
1.2. Thuốc kháng thụ thể H2
Cơ chế hoạt động của nhóm thuốc này đó là ngăn cản sự bài tiết của acid chứa trong dịch vị dạ dày, hỗ trợ làm lành các tổn thương hay vết loét có trên niêm mạc dạ dày tá tràng và phòng ngừa các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tên của một số loại thuốc kháng thụ thể H2 bạn có thể tham khảo đó là: Nizatidine, Famotidine, Ranitidine, Cimetidine.
Trên thực tế nhóm thuốc này ít được ứng dụng trên lâm sàng do hiệu quả mang lại không cao so với nhóm thuốc khác. Đồng thời thuốc kháng thụ thể H2 thường có thời gian tác dụng ngắn, cần phải sử dụng với tần suất nhiều lần trong ngày và phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Một số tác dụng phụ của thuốc kháng H2 thế hệ thứ nhất (ví dụ như thuốc Cimetidine) đó là: chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy, buồn nôn, rối loạn cương dương hay vú to khó hồi phục ở nam giới nếu dùng trong thời gian dài. Những thuốc thế hệ mới sau này đã giúp khắc phục được những tác dụng phụ của thuốc thế hệ cũ, đồng thời tác dụng giảm đau dạ dày cũng hiệu quả hơn so với Cimetidine.
1.3. Thuốc ức chế bơm proton (PPIs)
Các thuốc ức chế bơm proton phổ biến hiện nay bao gồm: Omeprazole, Dexlansoprazole, Rabeprazole, Esomeprazole, Lansoprazole, Pantoprazole. Tương tự như nhóm thuốc kháng thụ thể H2, thuốc ức chế bơm proton sẽ giúp giảm tiết dịch vị dạ dày. Dạng bào chế của thuốc thường là viên nang hoặc biên nén, không được nhai, nghiền nát hay bẻ nhỏ khi sử dụng. Ngoài ra người bệnh cần lưu ý nên dùng thuốc trong vòng 30 phút trước bữa ăn để thuốc có thời gian thẩm thấu và phát huy tác dụng giảm thiểu triệu chứng đau dạ dày.
1.4. Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
Đây là nhóm thuốc hoạt động theo cơ chế tạo một màng bọc bảo vệ dạ dày trước sự tác động của các yếu tố khác. 2 loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày thường được dùng nhiều nhất hiện nay đó là: Bismuth và Sucralfate. Trong đó thuốc Sucralfate phát huy hiệu quả điều trị cho bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày, viêm ruột phóng xạ, ngăn ngừa viêm loét dạ dày do căng thẳng. Cả 2 loại thuốc này nên được sử dụng khoảng 30 phút trước khi ăn
2. Các biện pháp dân gian giúp điều trị chứng đau dạ dày
2.1. Sử dụng nghệ và mật ong
Trong củ nghệ có chứa một hoạt chất là Curcumin có công dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn HP, hỗ trợ giảm tiết dịch vị và kích thích tăng tiết chất nhầy giúp các vết tổn thương chóng lành hơn. Bạn có thể dùng tinh bột nghệ hoặc nghệ tươi pha cùng nước mật ong để uống hàng ngày. Hoặc dùng theo hình thức trộn mật ong với tinh bột nghệ, vo thành viên tinh bột và bảo quản trong lọ thủy tinh, mỗi ngày ăn 3 viên trong 7 - 10 ngày sẽ giúp cải thiện đáng kể triệu chứng đau dạ dày. Trong trường hợp bị đau dạ dày nặng thì nên uống trong vòng 30 - 40 ngày liên tục cho đến khi đỡ hẳn.
2.3. Sử dụng nha đam sẽ giúp kháng viêm
Một thành phần đặc biệt trong nha đam có tên gọi là Glycoprotein có khả năng kháng viêm và thu nhỏ vết loét ở niêm mạc dạ dày. Ngoài thành phần này, trong nha đam cũng chứa các loại vitamin B, C, E, acid amin giúp giải độc, thanh nhiệt, nhuận tràng, làm dịu kích ứng, hỗ trợ tiêu hóa và giảm thiểu triệu chứng đau rát vùng thượng vị.
Bạn có thể lấy một nhánh nha đam tươi, rửa sạch, gọt vỏ và nạo gel. Sau đó ép phần gel này để chắt nước uống. Ngoài ra còn một cách làm khác đó là cắt nha đam thành dạng hạt lựu, nấu chung số nha đam này với đường phèn và chia ra để ăn khoảng 3 - 4 lần/ngày.
Bạn có thể dùng nha đam và xay nhuyễn với ½ lít mật ong, ăn hỗn hợp này sẽ giúp trung hòa acid dịch vị, bồi bổ sức khỏe và làm dịu những kích ứng ở niêm mạc, giảm bớt các cơn khó chịu ở dạ dày một cách nhanh chóng.
2.4. Giải quyết cơn đau dạ dày bằng gừng
Gừng là một nguyên liệu phổ biến có mặt trong rất nhiều căn bếp và bữa cơm của nhiều gia đình người Việt. Công dụng chính của gừng đó chính là làm dịu hiệu quả các cơn đau dạ dày, giảm thiểu triệu chứng khó tiêu, đầy bụng, kháng viêm, giảm co thắt dạ dày, chống buồn nôn, giảm tiết dịch vị và tăng cường tuần hoàn máu tới nuôi dưỡng niêm mạc dạ dày.
Bạn có thể áp dụng công thức: cạo sạch vỏ một củ gừng tươi, xay nhuyễn gừng và nấu cùng 200ml nước trong vòng 5 phút. Sau đó lọc bã, lấy nước và cho thêm 2 thìa mật ong vào nước gừng. Có thể uống vào buổi sáng, 30 phút sau bữa ăn.
Tuy gừng là nguyên liệu phù hợp với những trường hợp đang bị đau dạ dày nhưng lại không dành cho người bị xuất huyết dạ dày, ví dụ như đi tiêu phân đen hay nôn ra máu vì có thể làm nghiêm trọng hơn tình trạng chảy máu.
Bài viết trên đây đã gợi ý cho bạn danh sách một số loại thuốc giảm đau dạ dày hiệu quả, cùng với đó là các bài thuốc dân gian bạn có thể tham khảo áp dụng để cải thiện tình trạng đau dạ dày. Tuy nhiên trước khi dùng thuốc thì bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa và nếu tình trạng đau dạ dày trở nên nghiêm trọng thì tốt nhất là nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và tìm phương án điều trị hiệu quả, phù hợp nhất.
Nếu bạn chưa biết nên khám dạ dày ở địa chỉ nào uy tín thì có thể tham khảo Chuyên khoa Tiêu hóa - Hệ thống Y tế MEDLATEC bằng cách liên hệ trực tiếp đến hotline 1900565656 để được tổng đài viên của MEDLATEC hỗ trợ và tư vấn chi tiết hơn.
BS Thanh Tuấn đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!