Các tin tức tại MEDlatec

Rung giật nhãn cầu: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ngày 19/11/2022
Rung giật nhãn cầu là một bệnh lý về mắt và gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Tình trạng này làm người mắc phải gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống thường ngày. Bạn đọc quan tâm hãy đồng hành cùng MEDLATEC trong bài viết dưới đây để có thể nắm được những thông tin cơ bản về tình trạng rung giật nhãn cầu. 

1. Định nghĩa rung giật nhãn cầu

Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem như thế nào là tình trạng rung giật nhãn cầu.

Theo đó, rung giật nhãn cầu là những động tác dao động của nhãn cầu có sự lặp đi lặp lại có chu kỳ, không tự ý, theo nhịp hoặc không. Chuyển động có thể xảy ra ở chỉ một bên mắt hoặc cũng có thể là ở cả hai bên. Thông thường nó là chuyển động theo chiều ngang, ngoài ra cũng có thể là chuyển động theo chiều dọc hay xoay tròn.

Bệnh nhân sẽ gặp khó khăn và không thể tự kiểm soát được tình trạng này. Do vậy, họ phải đối diện với không ít phiền toái khi khả năng nhìn bị ảnh hưởng. Đồng thời, tác động về vấn đề thẩm mỹ gây ra bởi bệnh lý này cũng làm người bệnh bận tâm.

Rung giật nhãn cầu có thể là ở một bên mắt hoặc ở cả hai bên

2. Các dạng rụng giật nhãn cầu

Về phân loại, rung giật nhãn cầu được phân ra làm 3 loại dưới đây:

- Rung giật nhãn cầu sinh lý:

Có nghĩa là tình trạng xảy ra rung giật nhãn cầu trong những hoạt động sinh lý của mắt. Nó thường không gây nên ảnh hưởng đến khả năng nhìn của mắt và gồm có ba dạng là: rung giật nhãn cầu thị - động, rung giật nhãn cầu khi nhìn tận ngoài và rung giật nhãn cầu do kích thích tiền đình.

- Rung giật nhãn cầu bẩm sinh:

Tình trạng này xuất hiện vào thời điểm khoảng 2 tháng đầu đời của trẻ. Với tình trạng rung giật nhãn cầu bẩm sinh, có đặc điểm là cùng hướng, theo chiều ngang duy trì ngay cả khi người bệnh nhìn lên hoặc nhìn xuống và có thể diễn ra liên tục hay ngắt quãng. Thị lực của người bị rung giật nhãn cầu bẩm sinh có thể vẫn tốt, nhìn gần thì rõ hơn nhìn xa. Những trường hợp bệnh nhân có kèm theo bị mù màu, bạch tạng, đục thủy tinh thể bẩm sinh,… thì sẽ có thị lực kém.

- Rung giật nhãn cầu mắc phải:

Ở dạng này, độ tuổi xuất hiện sẽ muộn hơn, có thể là ở tuổi trưởng thành. Tình trạng rung giật nhãn cầu mắc phải có thể được gây nên bởi những nguyên nhân bệnh lý hoặc do tai nạn dẫn tới chấn thương vùng mắt - sọ não.

3. Nguyên nhân gây rung giật nhãn cầu là gì?

Có nhiều nguyên nhân có thể làm xuất hiện tình trạng rung giật nhãn cầu là do:

  • Yếu tố di truyền.

  • Bệnh về mắt: tật khúc xạ nặng, lé,...

  • Bệnh lý nội khoa: bệnh meniere, đột quỵ não,...

  • Chấn thương đầu.

  • Một số bệnh lý tai trong.

  • Do sử dụng thuốc chống động kinh.

  • Do bị nghiện rượu, dùng chất gây nghiện.

Cùng với đó, có 50% trường hợp không xác định được nguyên nhân rõ ràng làm xuất hiện tình trạng này.

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng rung giật nhãn cầu

4. Triệu chứng nhận biết

Khi mắc phải bệnh rung giật nhãn cầu, bệnh nhân thường gặp phải triệu chứng đầu tiên là mắt chuyển động không có chủ ý, mất kiểm soát, chuyển động theo chiều ngang, lên xuống theo chiều dọc, hoặc chuyển động xoay tròn. Bên cạnh đó, cũng không có sự ổn định trong tốc độ di chuyển của nhãn cầu, tùy lúc mà có thể nhanh hoặc chậm.

Ngoài triệu chứng này, người bị rung giật nhãn cầu còn có thể nhận thấy một số dấu hiệu biểu hiện khác bao gồm: tầm nhìn bị mờ đi, nhạy cảm với ánh sáng, thị lực kém, khó nhìn trong bóng tối, chóng mặt, choáng váng, hoa mắt, giữ thăng bằng khó khăn,...

Tầm nhìn của người bị tình trạng này có thể bị mờ đi, thị lực kém

5. Chẩn đoán và điều trị

Tiếp theo là thông tin về vấn đề chẩn đoán và điều trị rung giật nhãn cầu.

Chẩn đoán

Trong việc chẩn đoán bệnh rung giật nhãn cầu để xác định xem liệu bạn có đang mắc phải bệnh lý này hay không, bác sĩ sẽ thực hiện việc:

  • Đặt câu hỏi về tiền sử bệnh lý của bạn và gia đình để xác định xem có bất kỳ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào không, hoặc câu hỏi về các loại thuốc đang dùng hay điều kiện môi trường sống, môi trường làm việc.

  • Tiến hành đo thị lực của bạn để xác định vấn đề về tầm nhìn bạn đang có.

  • Kiểm tra khúc xạ và kiểm tra cách mắt tập trung, di chuyển, hoạt động cùng nhau.

  • Khám tai, khám thần kinh, chụp CT hay MRI não.

Một số cách được bác sĩ thực hiện để chẩn đoán rung giật nhãn cầu

Điều trị

Rung giật nhãn cầu hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy vậy, có thể điều trị giúp làm giảm tình trạng này bằng các phương pháp sau:

  • Bệnh nhân sử dụng kính điều chỉnh cho tật khúc xạ.

  • Áp dụng điều trị bằng thuốc uống với người lớn.

  • Tiêm botulinum toxin hậu cầu vào cơ.

  • Phẫu thuật cơ vận nhãn.

  • Trường hợp rung giật nhãn cầu mắc phải, điều trị nguyên nhân gốc rễ như điều trị viêm tai trong, điều trị mắt nhiễm trùng,...

Song song với đó, để góp phần vào việc cải thiện tình trạng rung giật nhãn cầu, bạn có thể:

  • Giữ cho không gian trong nhà, hoặc không gian xung quanh có đủ ánh sáng.

  • Sử dụng chữ cỡ lớn trên điện thoại hay máy tính.

  • Dừng thói quen hút thuốc hoặc uống rượu, bia để giúp tình trạng bệnh được cải thiện tốt hơn.

Trên đây là một số kiến thức cơ bản liên quan đến tình trạng rung giật nhãn cầu mà MEDLATEC muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng các thông tin này sẽ hữu ích, giúp bạn chủ động phòng ngừa và thực hiện điều trị sớm, bảo vệ sức khỏe đôi mắt.

Nếu trường hợp quý khách đang gặp phải các vấn đề về mắt, hãy đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được thăm khám, điều trị. Các bác sĩ chuyên khoa tại đây với trình độ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm, dưới sự hỗ trợ của các thiết bị Y tế hiện đại, sẽ giúp bạn kiểm tra, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị hiệu quả.

Tổng đài chăm sóc khách hàng và đặt lịch khám hoạt động 24/7 của MEDLATEC: 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.