Các tin tức tại MEDlatec

Sốt xuất huyết có ho không? Cách điều trị khi bị ho do sốt xuất huyết

Ngày 29/12/2024
Tham vấn y khoa: ThS.BS Bùi Thị Thanh
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường gặp nhiều vào mùa hè và có thể bùng phát thành dịch với mức độ nghiêm trọng. Vậy, triệu chứng của bệnh là gì? Liệu sốt xuất huyết có ho không? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Sốt xuất huyết là gì?

Virus Dengue là thủ phạm gây ra bệnh sốt xuất huyết, một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt dễ bùng phát trong mùa mưa. Nếu không được can thiệp y tế kịp thời, bệnh nhân có thể đối mặt với những biến chứng khó lường.

Muỗi vằn cái Aedes aegypti là tác nhân chính gây lây lan bệnh sang người. Muỗi hút máu từ người nhiễm virus, sau đó mang mầm bệnh trong cơ thể từ 10 đến 12 ngày. Qua vết đốt của muỗi, virus xâm nhập vào cơ thể người khỏe mạnh. Thời gian ủ bệnh ở người là từ 3 đến 12 ngày, tùy vào giai đoạn và mức độ bệnh, mỗi người có thể có các triệu chứng khác nhau.

Vết đốt của muỗi vằn cái Aedes aegypti trở thành "cửa ngõ" để virus sốt xuất huyết xâm nhập vào cơ thể

Khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể sốt cao, nhức đầu, phát ban, buồn nôn, đau ở khóe mắt… Sau khi nhiễm bệnh khoảng 4-7 ngày, người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng và có thể kéo dài thêm một tuần nữa.

Giai đoạn nguy hiểm thường bắt đầu từ ngày thứ 3-7, tính từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Lúc này, thân nhiệt của bệnh nhân dần trở lại bình thường. Mặc dù có những dấu hiệu khả quan, người nhà vẫn cần theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của bệnh nhân và chú ý các dấu hiệu như sau: 

  • Đau bụng;
  • Nôn mửa liên tục, nôn ra máu;
  • Chảy máu lợi, chân răng;
  • Thở gấp;
  • Mệt mỏi. 

Khi có dấu hiệu cảnh báo như trên, bệnh nhân cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị, tránh nguy cơ tổn thương các cơ quan nội tạng, chảy máu nặng....

2. Sốt xuất huyết có ho không?

Không ít người băn khoăn về việc sốt xuất huyết có ho không? Mỗi bệnh nhân sẽ có những phản ứng khác nhau với virus sốt xuất huyết, bao gồm cả triệu chứng ho. Triệu chứng này xuất hiện được cho là do những nguyên nhân sau: 

Ngứa cổ, kích thích vùng hầu họng

Trong giai đoạn phục hồi, cơ thể tự động đưa dịch từ các mô trở lại mạch máu. Quá trình này khiến vùng hầu họng bị kích ứng, gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu, khiến bệnh nhân không thể ngừng ho. Đây là dạng ho khan và thường xuất hiện khi bệnh nhân đang phục hồi.

Tràn dịch màng phổi

Khi mắc sốt xuất huyết nặng, dịch huyết tương có thể thoát ra ngoài các khoang cơ thể, bao gồm khoang màng phổi. Sự tiếp xúc giữa dịch màng phổi và các lớp màng phổi gây ra kích ứng, từ đó dẫn đến phản xạ ho. Ho do tràn dịch màng phổi cũng thường là ho khan, có thể kèm đau tức nặng ngực. Những hoạt động đơn giản như thay đổi tư thế hoặc vận động cũng có thể làm tăng tần suất và cường độ của cơn ho.

Tràn dịch màng phổi là một trong những nguyên nhân gây ho khi bị sốt xuất huyết 

Phù phổi cấp

Phù phổi cấp xảy ra khi dịch thoát quá nhanh vào các phế nang, làm phế nang ngập nước, tạo ra hiện tượng “chết đuối trên cạn”. Biến chứng này gây ho đột ngột kèm theo khó thở, tức ngực, nghe phổi có nhiều ral ẩm như thùy triều dâng, đây là một tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Viêm phổi

Viêm phổi là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra ở bệnh nhân sốt xuất huyết, đặc biệt là những người có sức đề kháng kém hoặc phải điều trị kéo dài. Biến chứng này gây ra tình trạng ho, khạc đờm. 

3. Cách điều trị khi bị ho do sốt xuất huyết

Theo các chuyên gia y tế, việc điều trị ho khi bị sốt xuất huyết sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra triệu chứng này là gì. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân chỉ bị ho khan do quá trình tái hấp thu dịch gây kích thích vùng hầu họng hoặc do tràn dịch màng phổi. Lúc này, ho là một phản ứng bình thường của cơ thể và thường tự khỏi khi bệnh thuyên giảm.

Trong một số trường hợp, cơn ho có thể trở nên dữ dội đến mức làm gián đoạn sinh hoạt và giấc ngủ của người bệnh, gây tác động đến chất lượng cuộc sống. Đối với trường hợp ho khan dữ dội, bác sĩ thường sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng histamin H1 để giảm ho, đặc biệt là khi ho do ngứa họng hoặc kích thích. 

Một số trường hợp ho khi sốt xuất huyết có thể được chỉ định sử dụng thuốc 

Khi ho đi kèm với đờm, tình trạng có thể nghiêm trọng hơn và cần phải điều trị tích cực. Điển hình như phù phổi cấp đòi hỏi phải can thiệp y tế khẩn cấp, vì đây là một tình trạng đe dọa tính mạng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Nếu ho do viêm phổi, bệnh nhân sẽ cần dùng kháng sinh để điều trị viêm nhiễm, nhưng cần phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Như vậy, câu trả lời cho thắc mắc sốt xuất huyết có ho không sẽ còn tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Để giảm thiểu nguy cơ biến chứng nặng và ho kéo dài, bệnh nhân sốt xuất huyết cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình điều trị, duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng đầy đủ và thông báo kịp thời cho bác sĩ khi có dấu hiệu khi bệnh trở nặng. 

Nếu người dân có thêm thắc mắc cần giải đáp hoặc xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ đặt lịch thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.