Các tin tức tại MEDlatec
Sùi mào gà hậu môn: nguyên nhân và phương pháp điều trị
Sùi mào gà hậu môn: nguyên nhân và phương pháp điều trị
Sùi mào gà hậu môn là căn bệnh gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng ở người bệnh và ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc của nhiều gia đình. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì và điều trị ra sao, bài viết sau đây giúp bạn tìm ra câu trả lời cho vấn đề này.
1. Nguyên nhân gây nên bệnh sùi mào gà hậu môn
Sùi mào gà là bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục do virus gây ra với đặc trưng là hiện tượng nổi nốt sùi đau, ngứa và khiến người bệnh khó chịu. Nốt sùi mào gà có thể khu trú ở nhiều vị trí trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là ở bộ phận sinh dục trong đó có vùng hậu môn.
Virus Human Papillomavirus là tác nhân gây nên bệnh sùi mào gà hậu môn
Virus HPV chủng 16 và 16 là tác nhân chính gây bệnh sùi mào gà, lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Đây cũng là 2 chủng có nguy cơ cao đối với bệnh ung thư dương vật và ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, HPV 6 và 11 cũng có thể là tác nhân gây sùi mào gà nhưng 2 chủng này không có nguy cơ tiến triển bệnh ung thư.
2. Nhận diện triệu chứng các giai đoạn của bệnh sùi mào gà hậu môn
Sau khi xâm nhập vào cơ thể vài tuần đến vài tháng, thậm chí có thể tới vài năm, virus sẽ gây nên nốt sùi sẽ xuất hiện trên da của người bệnh.
2.1. Triệu chứng bệnh sùi mào gà hậu môn qua từng giai đoạn
Tùy theo từng giai đoạn, bệnh sùi mào gà hậu môn sẽ có các triệu chứng điển hình như:
- Giai đoạn ủ bệnh
Đây là thời điểm người bệnh bắt đầu tiếp xúc, bị virus xâm nhập và có những nốt sùi đầu tiên. Thời gian ủ bệnh của mỗi người không giống nhau, có trường hợp vài tuần nhưng cũng có trường hợp vài tháng hoặc vài năm.
- Giai đoạn khởi phát
Đặc trưng của sang thương mà người bệnh gặp phải là các nốt nhỏ màu nhạt rải rác trên da.
- Giai đoạn phát triển
Kích thước, vị trí mọc nốt sùi và số lượng các nốt sùi tăng nhanh khiến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh chịu nhiều ảnh hưởng.
- Giai đoạn biến chứng
Các triệu chứng của bệnh ngày càng nghiêm trọng, sang thương dễ bội nhiễm, sưng tấy, loét, chảy dịch và máu.
- Giai đoạn tái phát
Nếu không được điều trị đồng thời cả bạn tình thì dù có chữa khỏi bệnh sùi mào gà hậu môn, người bệnh vẫn có nguy cơ lây nhiễm và tái phát bệnh. Khi đã tái phát, bệnh thường tiến triển nặng hơn.
2.2. Triệu chứng chung của bệnh sùi mào gà hậu môn
Do đặc điểm của hậu môn là môi trường ẩm ướt thường xuyên nên rất thuận lợi cho virus sùi mào gà phát triển. Ban đầu, nốt sùi có dạng mụn thịt nhỏ mềm sau đó tiến triển thành dạng đĩa bẹt hoặc gai nhú màu hồng nhạt với đường kính khoảng 1mm, bề mặt thô ráp. Đến giai đoạn sau, nốt sùi mọc thành dải dài, tăng về kích thước, hình dạng giống như hoa súp lơ hoặc mào gà.
Đặc điểm sang thương sùi mào gà hậu môn
Cảm giác đau đớn, vết loét do sùi mào gà hậu môn gây ra khiến người bệnh gặp trở ngại trong đời sống tình dục. Bất cứ sự cọ xát nào tại khu vực này đều có thể làm cho nốt sùi bị vỡ và tiết dịch, nguy cơ lây nhiễm sang các vùng khác của cơ thể và lây cho bạn tình tăng lên.
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh sùi mào gà hậu môn
3.1. Chẩn đoán
Để đưa ra chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ chuyên dụng để khám vùng hậu môn. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định các hình thức chẩn đoán cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm máu: xác định bệnh lây truyền qua đường tình dục đồng nhiễm như: giang mai, lậu,... để có phương án điều trị tích cực.
- Xét nghiệm Pap: sử dụng dịch phết tế bào cổ tử cung để làm xét nghiệm HPV, để đánh giá tình trạng bệnh và tầm soát nguy cơ ung thư cổ tử cung.
- Sinh thiết: xác định type virus HPV và tiên lượng nguy cơ ung thư.
3.2. Điều trị sùi mào gà hậu môn
Hiện nay, các phương pháp điều trị sùi mào gà hậu môn đều nhằm loại bỏ nốt sùi để virus không lây lan. Hiệu quả điều trị bệnh sẽ được theo dõi, đánh giá trong khoảng 9 tháng. Sau thời gian này bác sĩ sẽ có phương hướng điều trị kế tiếp (nếu cần).
Mô phỏng điều trị sùi mào gà hậu môn bằng áp lạnh nitơ lỏng
Các phương pháp điều trị sùi mào gà hậu môn hiện đang được áp dụng gồm:
- Sử dụng thuốc bôi như: Podophyllin, Imiquimod,... đối với trường hợp bị sùi mào gà hậu môn giai đoạn đầu, mức độ bệnh còn nhẹ.
- Can thiệp ngoại khoa thông qua các hình thức như: áp lạnh bằng nitơ lỏng, đốt điện hoặc đốt tia laser để tiêu diệt nốt sùi mào gà, đối với các trường hợp bệnh nặng.
Sùi mào gà hậu môn cần được điều trị và theo dõi sát sao để đảm bảo thu được hiệu quả điều trị cao nhất. Trong thời gian điều trị, người bệnh nên kiêng quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm cho bạn tình. Người mắc bệnh sùi mào gà hậu môn là nữ giới cần được tiêm vắc xin HPV để phòng ngừa nguy cơ ung thư.
Giai đoạn sau điều trị, người bệnh cần được theo dõi, chăm sóc phù hợp để giảm thiểu nguy cơ tái phát. Người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn cụ thể về việc vệ sinh vùng kín, chăm sóc cơ thể và hẹn lịch khám định kỳ.
Về việc sử dụng dung dịch vệ sinh vùng kín, người bệnh chỉ nên chọn sản phẩm có độ pH trung bình. Người bệnh cũng cần chú ý đảm bảo vệ sinh cá nhân và không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác. Bên cạnh đó, xây dựng một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất để cải thiện thể trạng, nâng cao đề kháng cũng sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tái lây nhiễm.
Điều trị sùi mào gà hậu môn càng được tiến hành sớm thì càng đạt được hiệu quả như mong muốn, rút ngắn được thời gian khó chịu do các triệu chứng của bệnh gây ra. Vì thế, khi nghi ngờ nguy lây nhiễm, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và chẩn đoán đúng.
Nếu còn thắc mắc nào khác về bệnh sùi mào gà hậu môn, quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để nhận được những thông tin hữu ích về vấn đề mà mình đang quan tâm.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!