Các tin tức tại MEDlatec

Suy hô hấp ở trẻ: triệu chứng điển hình và phương pháp điều trị

Ngày 08/09/2021
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Suy hô hấp ở trẻ là một hội chứng nguy hiểm, tiến triển phức tạp và biến chứng khó lường. Vì thế, ngay khi có dấu hiệu bệnh, trẻ nên được đi khám, theo dõi và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Mức độ nguy hiểm và nguy cơ biến chứng còn phụ thuộc vào phân độ bệnh cũng như khả năng đáp ứng điều trị của trẻ.

1. Suy hô hấp ở trẻ là gì?

Suy hô hấp là tình trạng hệ hô hấp vì nguyên nhân nào đó không thể hoạt động tốt, đáp ứng và duy trì nhu cầu trao đổi khí của cơ thể. Biểu hiện rõ nhất của suy hô hấp ở là tình trạng giảm lượng Oxy, tăng lượng CO2 trong máu.

Suy hô hấp ở trẻ rất nguy hiểm, có thể gây tử vong

Trẻ em là đối tượng dễ bị suy hô hấp do nhiều nguyên nhân như: tổn thương phổi, bệnh lý ở đường thở, bệnh lý liên quan đến thần kinh, cơ hoặc não,… Trẻ sinh non với hệ hô hấp chưa hoàn thiện cũng dễ bị suy hô hấp dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

2. Suy hô hấp ở trẻ nguy hiểm như thế nào?

Tùy theo mức độ thiếu hụt oxy trong máu mà suy hô hấp có thể gây biến chứng cho các cơ quan quan trọng của cơ thể, đầu tiên là não bộ, sau đó là tim. Sự ứ đọng CO2 trong máu cũng là nguyên nhân dẫn đến toan hô hấp.

Suy hô hấp ở trẻ rất nguy hiểm, biến chứng phức tạp nên cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Mức độ nguy hiểm của suy hô hấp được phân loại như sau:

2.1. Suy hô hấp nặng

Loại suy hô hấp nặng ở trẻ này chủ yếu can thiệp bằng thuốc và thường đáp ứng hiệu quả với thuốc. Nếu triệu chứng không được giải quyết bằng thuốc điều trị, một số thủ thuật không đáng kể có thể được thực hiện tùy vào tình trạng tiến triển bệnh.

Suy hô hấp nguy kịch phải được can thiệp y khoa để duy trì sự sống

2.2. Suy hô hấp nguy kịch

Suy hô hấp ở trẻ thể nguy kịch cần được cấp cứu ngay bằng các thủ thuật y khoa mới đem lại hiệu quả, tiến hành song song với dùng thuốc hoặc dùng thuốc sau. Các can thiệp y khoa với suy hô hấp thường dùng như: thở máy, bóp bóng, đặt nội khí quản,…

Triệu chứng của suy hô hấp thể hiện mức độ bệnh và thường tiến triển rất nhanh, vì thế cha mẹ cần hiểu để nhận biết, xử lý nhanh nếu không may con em mình mắc phải.

3. Triệu chứng suy hô hấp ở trẻ như thế nào?

Suy hô hấp ở trẻ sẽ gây những triệu chứng điển hình sau:

3.1. Khó thở

Khó thở xảy ra do suy hô hấp khiến giảm Oxy máu, tăng hoặc không tăng PaCO2, cần lưu ý các triệu chứng bởi trẻ nhỏ có thể chưa biết biểu hiện tình trạng khó thở cho cha mẹ thấy.

Dấu hiệu đầu tiên là nhịp thở tăng, thường kèm theo co kéo cơ hô hấp phụ giống như viêm phế quản phổi.

Một số trường hợp suy hô hấp gây nhịp thở giảm dưới 12 chu kỳ/phút, không có co kéo hô hấp do đã bị liệt hô hấp, thường gặp trong trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Khó thở rất nguy hiểm, trẻ phải được thở máy ngay càng sớm càng tốt vì nhịp thở chậm dần, oxy thiếu hụt sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Khó thở là dấu hiệu đầu tiên của suy hô hấp

3.2. Da cơ thể tím tái

Dấu hiệu tím tái da cơ thể thường không xuất hiện sớm như chứng khó thở ở bệnh nhân suy hô hấp, vị trí gặp đầu tiên thường là các đầu chi và môi. Sờ thấy các đầu chi vẫn nóng ấm, không giống tím tái như khi bị sốc. Nếu suy hô hấp kèm theo thiếu máu thì không có triệu chứng xanh tím.

Một số trường hợp, khi PaCO2 tăng nhiều thì trẻ có dấu hiệu vã mồ hôi, da đỏ tỉa kèm theo hiện tượng ngón tay dùi trống.

3.3. Rối loạn tim mạch

Suy hô hấp sẽ dẫn đến nhiều dấu hiệu rối loạn tim mạch như:

Rối loạn nhịp tim: Cơn nhịp nhanh, nhịp nhanh xoang và có thể dẫn đến rung thất.

Huyết áp tăng hoặc giảm: Huyết áp thường tăng cao trong giai đoạn đầu của suy hô hấp, sau đó giảm dần. Huyết áp không ổn định rất nguy hiểm, cần can thiệp ngay bằng phương pháp hút đờm, đặt ống nội khí quản, bóp bóng, thở máy,…

Ngưng tim: xảy ra khi thiếu Oxy máu trầm trọng hoặc tăng PaCO2 quá mức, cũng cần cấp cứu ngay. Thời gian cấp cứu vàng là trước 5 phút kể từ khi ngưng tim bắt đầu xảy ra.

3.4. Rối loạn ý thức

Não là cơ quan ảnh hưởng đầu tiên và cũng tổn thương nặng nề nhất khi suy hô hấp gây thiếu hụt Oxy trong máu. Dấu hiệu rối loạn thần kinh và ý thức ở trẻ suy hô hấp xuất hiện cho biết tình trạng nguy hiểm cần can thiệp:

  • Rối loạn thần kinh: trẻ bị co giật, mất phản xạ gân xương, lẫn lộn.

  • Rối loạn ý thức: Trẻ hôn mê, lờ đờ.

3.5. Triệu chứng khác của suy hô hấp cấp ở phổi

Nếu nguyên nhân gây suy hô hấp bắt nguồn từ thần kinh hoặc ngộ độc sẽ gây dấu hiệu xẹp phổi, liệt hô hấp nguy hiểm. Cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu sau:

  • Liệt màn hầu: Trẻ bị mất phản xạ nuốt, ứ đọng đờm dãi, khó thở do đờm dãi.

  • Liệt cơ gian sườn: Khiến lồng ngực xẹp khi hít vào mà cơ hoành vẫn di động bình thường.

  • Liệt hô hấp gây xẹp phổi.

  • Tràn khí màng phổi: Có thể xảy ra đồng thời với suy hô hấp hoặc xảy ra trong quá trình thở máy, đặt catheter dưới đòn.

  • Viêm phế quản phổi vùng sau phổi: Tình trạng này thường xảy ra ra trẻ suy hô hấp nằm lâu, không được thay đổi tư thế thường xuyên.

4. Các phương pháp điều trị suy hô hấp ở trẻ

Trẻ bị suy hô hấp cần được đưa đi cấp cứu để can thiệp y tế càng sớm càng tốt, điều trị bệnh cần tuân thủ các vấn đề sau:

Can thiệp sớm giúp ngừa biến chứng suy hô hấp ở trẻ

  • Đưa Oxy vào máu để cân bằng Oxy và CO2.

  • Đảm bảo thông khí tốt.

  • Điều trị nguyên nhân, cung cấp năng lượng đủ cho người bệnh duy trì sự sống.

  • Duy trì và tăng cường khả năng của hệ thống vận chuyển oxy, kết hợp với sửa chữa, hàn gắn tổn thương, phục hồi chức năng của hệ hô hấp.

Mọi can thiệp thông đường thở, cung cấp oxy và điều trị khác ở trẻ bị suy hô hấp cần thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa với thiết bị y tế hỗ trợ.

Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí từ các chuyên gia đầu ngành.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.