Các tin tức tại MEDlatec

Suy tim tâm trương là gì? Cách phòng ngừa và điều trị

Ngày 21/04/2025
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Suy tim tâm trương là một dạng suy tim thường gặp, đặc biệt ở người cao tuổi và những bệnh nhân mắc các bệnh lý nền như tăng huyết áp khẩn cấp, đái tháo đường hay béo phì. Tình trạng này khiến tim không thể thư giãn và bơm máu hiệu quả, gây ra các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi và phù nề. Vậy thế nào là suy tim tâm trương và có hướng điều trị phù hợp? Cùng MEDLATEC tìm hiểu chi tiết về căn bệnh này và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả trong bài viết dưới đây!

1. Thế nào là suy tim tâm trương?

Suy tim tâm trương là một dạng rối loạn chức năng tim xảy ra khi tâm thất trái trở nên cứng, mất đi khả năng thư giãn cần thiết để tiếp nhận đủ lượng máu trong mỗi chu kỳ tim. Dù sức bơm của tim vẫn còn, nhưng do buồng tim không giãn nở tốt, lượng máu cung cấp đến các cơ quan trong cơ thể bị suy giảm, gây ra các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, phù chân và bụng.

Tình trạng này thường xuất hiện ở người cao tuổi, đặc biệt là những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc béo phì. Nếu không được kiểm soát tốt, suy tim tâm trương có thể dẫn đến suy tim toàn bộ, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống. Do vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng bất thường và áp dụng biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.

Hình ảnh tim bị suy tim tâm trương

2. Suy tim tâm trương điều trị ra sao?

Suy tim tâm trương là một bệnh mạn tính không thể phục hồi hoàn toàn, nhưng với phương pháp điều trị phù hợp, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được triệu chứng, giảm nguy cơ biến chứng. Việc điều trị bao gồm hai hướng chính: thay đổi lối sống và sử dụng thuốc.

2.1. Điều chỉnh lối sống

Thay đổi thói quen sinh hoạt, duy trì một lối sống lành mạnh là bước quan trọng để duy trì tình trạng ổn định của sức khỏe, và hỗ trợ quá trình điều trị tốt hơn. Một số điều chỉnh cần thực hiện bao gồm:

  • Kiểm soát cân nặng hợp lý: Thừa cân làm tăng gánh nặng lên tim, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu. Giảm cân giúp làm giảm áp lực lên tim và cải thiện chức năng tim mạch.
  • Hạn chế lượng muối trong chế độ ăn: Natri có thể gây tích nước và làm tim phải làm việc nhiều hơn. Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn ít muối để giảm tình trạng phù nề, khó thở và ngăn ngừa các đợt suy tim cấp tính.
  • Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy tim tâm trương. Do vậy, việc duy trì huyết áp ổn định ở mức bình thường là rất quan trọng. Cải thiện huyết áp bằng việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và dùng thuốc đúng theo chỉ định.
  • Tập thể dục tùy theo thể lực: Việc hoạt động thể lực, tập thể dục hàng ngày có hiệu quả tốt trong việc duy trì sức bền của tim và hệ tuần hoàn. Lựa chọn môn tập theo tình trạng thể lực và sở thích của bản thân. Có thể bắt đầu bằng cường độ thấp như đi bộ, yoga hoặc đạp xe rồi tăng cường độ dần. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một lộ trình luyện tập gắng sức.
  • Điều trị các bệnh lý đi kèm: Những bệnh lý như tiểu đường, rối loạn mỡ máu hay ngưng thở khi ngủ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim tâm trương. Việc kiểm soát tốt các bệnh này giúp giảm áp lực lên tim và hạn chế nguy cơ biến chứng.

2.2. Sử dụng thuốc điều trị

Bên cạnh điều chỉnh lối sống, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc để giúp tim hoạt động hiệu quả hơn và giảm triệu chứng của suy tim tâm trương, bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu: Loại thuốc này giúp cơ thể loại bỏ lượng nước và natri dư thừa, giảm phù nề và làm giảm áp lực lên tim, từ đó cải thiện tình trạng khó thở.
  • Thuốc đối kháng thụ thể mineralocorticoid: Đây là nhóm thuốc giúp giảm tích nước mà vẫn duy trì nồng độ kali cân bằng, hỗ trợ giảm gánh nặng lên tim và cải thiện chức năng tim.
  • Thuốc hạ huyết áp: Người bệnh suy tim tâm trương thường có huyết áp cao, vì vậy việc sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp giúp giảm áp lực lên thành mạch và giảm nguy cơ tiến triển bệnh.

Điều trị bằng thuốc được xem là một phương pháp điều trị suy tim tâm trương phổ biến

2.3. Điều trị lâu dài và theo dõi thường xuyên

Suy tim tâm trương là một bệnh lý mạn tính, do đó, người bệnh cần tái khám định kỳ để được theo dõi tình trạng bệnh và điều chỉnh phác đồ điều trị khi cần. Tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ là chìa khóa giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Dù không có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn suy tim tâm trương, nhưng với chế độ sinh hoạt lành mạnh, điều trị bằng thuốc phù hợp và theo dõi sức khỏe thường xuyên, người bệnh vẫn có thể kiểm soát tốt tình trạng của mình.

3. Làm thế nào để phòng ngừa suy tim tâm trương?

Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ không chỉ giúp bảo vệ trái tim mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể. Dưới đây là những biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa suy tim tâm trương:

  • Duy trì chế độ ăn uống tốt cho tim mạch: Hạn chế muối, chất béo bão hòa và thực phẩm chế biến sẵn giúp giảm nguy cơ cao huyết áp – một nguyên nhân hàng đầu gây suy tim. Thay vào đó, hãy ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, rau xanh, cá béo và ngũ cốc nguyên hạt để hỗ trợ tim hoạt động tốt hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất theo sở thích như đi bộ, bơi lội hoặc yoga giúp cải thiện tuần hoàn, kiểm soát cân nặng và giữ huyết áp ổn định. Bắt đầu bằng cường độ thấp rồi tăng dần để tim làm quen với nhịp độ.

Tập thể dục thường xuyên là biện pháp phòng ngừa suy tim tâm trương hiệu quả

  • Kiểm soát các bệnh lý nền: Cao huyết áp, tiểu đường và rối loạn mỡ máu là những yếu tố làm tăng nguy cơ suy tim. Việc kiểm soát tốt các bệnh này thông qua chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc theo chỉ định sẽ giúp giảm gánh nặng cho tim.
  • Hạn chế rượu bia và tránh hút thuốc: Chất kích thích trong thuốc lá và rượu có thể làm tổn thương mạch máu, tăng huyết áp và đẩy nhanh quá trình suy giảm chức năng tim. Loại bỏ những thói quen này giúp bảo vệ tim mạch về lâu dài.

Suy tim tâm trương là một bệnh lý tuy phức tạp nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Duy trì lối sống lành mạnh là các phòng và hỗ trợ điều trị tốt nhất. Để được tư vấn chuyên sâu, hãy liên hệ ngay hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56, đội ngũ chuyên gia luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn 24/7.

Từ khoá: khó thở

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.