Các tin tức tại MEDlatec

Tác nhân gây nên “Hội chứng phổi virus Hanta”

Ngày 08/04/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Virus hanta đang là một cái tên gây nhiều nỗi lo lắng cho người dân. Trong số những bệnh gây ra bởi virus này, “hội chứng phổi gây ra bởi virus Hanta” có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vậy nguyên nhân gây nên hội chứng này là gì? Người nhiễm Hantavirus có biểu hiện như thế nào? Hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu để có những kiến thức cần thiết bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình nhé.

1. Tìm hiểu về loại virus gây nên “Hội chứng phổi do Virus Hanta

Hội chứng phổi do virus Hanta” có nguyên nhân bắt nguồn từ một loại virus có cấu trúc di truyền là phân tử ARN, thuộc chi Hantavirus, họ Bunyaviridae.

Hanta là loại virus RNA âm trong họ Bunyaviridae. Con người có thể bị nhiễm virus thông qua phân, nước bọt hoặc tiếp xúc với loài gặm nhấm

Virus dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ, các dung môi hữu cơ. Các chất hoạt động bề mặt hay dung dịch tẩy rửa. Khi bị không còn lớp áo ngoài và các gai glycoprotein, virus có thể bị mất hoặc giảm tính gây bệnh. Trên các tế bào nuôi cấy (tế bào lai, tế bào vero, tế bào nội mạc tĩnh mạch), virus không biểu hiện tính gây bệnh.

Tính gây bệnh của virus:

Virus Hanta thường được tìm thấy trên cơ thể chuột và loài gặm nhấm. Chuột bị nhiễm Hantavirus thường chậm lớn nhưng không bị ảnh hưởng đến sức sinh sản và khả năng sống.

Người không phải là ký chủ tự nhiên của Hantavirus mà thường bị lây nhiễm từ các động vật gặm nhấm. Nhiễm trùng do Hantavirus ở người thường có biểu hiện đa dạng, có thể là nhiễm trùng không triệu chứng, có thể có các thể lâm sàng nặng. Trong đó, Hội chứng phổi do virus Hanta là một thể lâm sàng nặng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

2. Con đường lây nhiễm virus Hanta

Hantavirus sống chủ yếu trong cơ thể các loài gặm nhấm, đặc biệt là chuột. Virus được thải ra môi trường ngoài thông qua nước bọt, phân, nước tiểu và các chất dịch cơ thể của động vật bị nhiễm. Con người có thể bị lây nhiễm Hantavirus thông qua các con đường:

Để virus tiếp xúc với niêm mạc mắt, mũi, miệng: Nếu một người chạm vào ổ chứa virus sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng thì người đó có nguy cơ cao bị lây nhiễm Hantavirus. Các ổ chứa virus bao gồm: phân, nước tiểu, các chất dịch hoặc các vật dụng có dính sản phẩm của loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh.

Đưa tay có dính virus lên mắt, mũi, miệng chính là con đường lây nhiễm virus Hanta

Hít phải không khí chứa virus: Khi phân, nước tiểu, nước bọt và các chất dịch của động vật nhiễm bệnh bị khí dung hóa, virus sẽ cũng theo đó hòa lẫn vào không khí. Người hít phải không khí nhiễm virus sẽ có nguy cơ nhiễm hội chứng phổi do virus Hanta cao nhất.

Hiểu biết về những con đường truyền lây bệnh do Hantavirus, mọi người cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung. Đồng thời có những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

3. Virus Hanta gây nên “Hội chứng phổi” như thế nào sau khi xâm nhập vào cơ thể người bệnh?

Virus xâm nhập vào cơ thể theo những con đường đã nói ở trên và gây nên hội chứng phổi do virus Hanta. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, chúng đến phổi và sinh sôi nảy nở, thiết lập sự ký sinh trên cơ thể vật chủ. Chúng xâm chiếm và gây tổn hại đến hệ thống mạch máu trong phổi gây nên sự rò rỉ máu cùng các chất dịch ra ngoài. Các dịch này tích tụ trong phổi và gây nên các vấn đề về hô hấp.

Khi mắc phải hội chứng phổi do virus Hanta, người bệnh sẽ có một số triệu chứng sau:

  • Giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể bị sốt, đau đầu, ớn lạnh, đau mỏi cơ bắp, có thể kèm đau bụng, tiêu chảy hoặc nôn.

  • Các triệu chứng tương tự với bệnh cúm thông thường nên thường rất khó để người bệnh nhân ra rằng mình nhiễm virus Hanta.

  • Sau 4 - 10 ngày, các triệu chứng tiến triển nặng hơn, bao gồm: Ho kéo dài kèm theo đờm, thở khó, thở gấp, giảm huyết áp, phổi tụ dịch dễ phát hiện khi siêu âm hoặc chụp X - quang, tim hoạt động kém hiệu quả,…

Có thể thấy rằng các triệu chứng của Bệnh do Hantavirus gây ra tương tự như bệnh cúm thường, các dịch cúm A, B và đặc biệt gần giống với dịch viêm phổi cấp do Coronavirus (SARS - CoV2). Trong bối cảnh dịch SARS - CoV2 đang diễn biến phức tạp, khi có các triệu chứng như trên thì mọi người sẽ nghĩ ngay đến SARS - CoV2. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị sốt, ho, khó thở đều phải đi cách ly ngay. Bạn cần tuân thủ theo các nguyên tắc phòng chống bệnh truyền nhiễm và sớm gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh chính xác nhất.

Nên đến gặp bác sĩ để thăm khám, làm xét nghiệm ngay khi có các triệu chứng của bệnh do virus Hanta kể trên

4. Những người có nguy cơ cao mắc phải virus Hanta

Những đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm Hantavirus thường nằm trong các trường hợp sau:

  • Người sống ở những nơi có nhiều động vật gặm nhấm, đặc biệt là chuột, dơi hoạt động như gần khu rác thải, cống rãnh.

  • Người bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với chuột, các chất thải của chúng.

  • Người nuôi chuột thường xuyên dọn phân, tiếp xúc với các chất thải của chuột cũng có nguy cơ nhiễm virus.

  • Nhân viên lao động, làm công việc vệ sinh đô thị thường vô tình tiếp xúc với các sản phẩm từ chuột, dơi.

  • Nông dân, những người làm công việc đồng áng, trang trại thường có nguy cơ nhiễm virus Hanta từ chuột hoang.

Đối tượng nuôi chuột cảnh, thường xuyên dọn phân, tiếp xúc với các chất thải của chuột có nguy cơ nhiễm virus Hanta

Hantavirus là một loại virus chưa được quan tâm nhiều nhưng lại gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Trong số đó có “Hội chứng phổi do virus Hanta” có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng con người. Tìm hiểu những thông tin về loại virus này và những con đường truyền lây virus sẽ giúp mọi người có nhiều biện pháp thiết thực trong phòng chống hiệu quả do Hantavirus gây ra.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.