Các tin tức tại MEDlatec
Thai 14 tuần tuổi thay đổi như thế nào? Mẹ cần dưỡng thai sao cho đúng?
- 05/05/2022 | Những điều chị em cần lưu ý khi mang thai tuần 38
- 15/04/2022 | Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ ăn ổi được không?
- 29/04/2022 | Góc mẹ bầu: theo dõi sự phát triển của thai 36 tuần
1. Con yêu trông sẽ ra sao khi thai 14 tuần?
Chiều dài của thai nhi trong giai đoạn này là khoảng 8,7 cm, ước tính cân nặng là 43g gần bằng một quả chanh. Cổ của bé đã được định hình rõ rệt hơn không còn gắn liền vào bả vai nữa. Ngoài ra, chân và tay của bé đã dài ra, lớp da bắt đầu mọc lông để giữ ấm cơ thể bé. Khi nào lớp mỡ hình thành dưới da thì lông sẽ rụng đi trước khi bé ra đời.
Khi siêu âm, mẹ có thể quan sát được các bộ phận khác như trán, mũi, cằm của con đã rõ nét hơn. Không những vậy, có khi bé còn đưa tay lên miệng để mút như động tác ti mẹ và mí mắt đã chuyển động được sang hai bên. Mặc dù mắt của bé vẫn nhắm chưa thể mở được nhưng bé đã có thể cảm nhận được ánh sáng chiếu vào từ bên ngoài bụng mẹ.
Thai nhi 14 tuần tuổi có kích thích tương đương với một quả chanh
Chức năng của các cơ quan trong cơ thể bé đã bước đầu hoàn thiện và đi vào hoạt động. Lá lách và gan đã biết tạo hồng cầu, tạo mật, thận đã lọc được nước tiểu và thải ra nước ối. Thành bụng đang dần dày lên để bảo vệ các phủ tạng trong cơ thể bé.
Đặc biệt khi bước sang giai đoạn này, các chi của bé trở nên linh hoạt và có thể cử động với các cử chỉ đa dạng như nấc, ưỡn mình, dang tay chân, đạp qua lại. Tuy nhiên mẹ vẫn chưa thể cảm nhận rõ ràng những lần đạp này do nước ối nhiều và thành tử cung vẫn còn khá dày. Càng về những tuần thai tiếp theo thì động tác đạp chân đã bắt đầu mạnh hơn nên mẹ sẽ cảm nhận được thậm chí là nhìn thấy những cú đạp của con hay còn gọi là thai máy.
Xương tai trong của trẻ khi thai 14 tuần đã được hình thành và dịch chuyển từ vùng cổ lên vùng đầu. Bé yêu đã có thể lắng nghe và phản ứng được với các âm thanh truyền từ bên ngoài vào. Do đó khi mẹ nói, cười, hát bé sẽ nghe thấy đó! Mẹ đừng quên làm những hoạt động này bằng cách cho bé nghe nhạc, hát, đọc sách và nói lời yêu thương với bé mỗi ngày nhé! Điều này sẽ giúp trẻ làm quen sớm với ngôn ngữ, kích hoạt khả năng nghe hiểu và hoàn thiện chức năng thính giác.
2. Mẹ bầu có những thay đổi như thế nào ở tuần thai thứ 14?
2.1. Những thay đổi về thể chất
-
Triệu chứng nghén: cơ thể của các mẹ đã dần thích ứng được sự xuất hiện của thai nhi trong buồng tử cung cho nên phần lớn mẹ bầu sẽ giảm bớt hoặc hết hẳn các triệu chứng ốm nghén khó chịu trong giai đoạn 3 tháng đầu trước đó;
-
Cân nặng: trong giai đoạn này mẹ sẽ lên cân và trái ngược với thời kỳ nghén ngẩm, mẹ bắt đầu thèm ăn và ăn nhiều hơn do sự phát triển nhanh chóng của em bé đã tiêu hao khá nhiều năng lượng của cơ thể mẹ. Do đó mẹ cần phải bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu hơn nữa
-
Vùng kín: khi thai 14 tuần, thỉnh thoảng mẹ sẽ thấy vùng kín trở nên ẩm ướt hơn và tiết ra chất dịch màu trắng đục. Nó có thể khiến mẹ cảm thấy khó chịu nhưng cũng đừng nên lo lắng, trừ khi chất dịch này khiến mẹ ngứa ngáy hoặc có mùi hôi. Cần lưu ý là do thai nhi đã lớn hơn nên sẽ bắt đầu chèn ép sang các cơ quan lân cận, trong đó có bàng quang nên mẹ bầu dễ gặp phải tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Để ngăn ngừa điều này, mẹ nên uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ và vệ sinh sạch sẽ vùng kín mỗi ngày;
-
Bầu ngực: ngực của mẹ sẽ ngày càng lớn dần, quầng vú to và sậm màu hơn;
-
2 bên bụng thỉnh thoảng sẽ đau nhói lên. Nguyên nhân là do sự giãn ra của tử cung chuẩn bị cho việc gia tăng trọng lượng của bé sẽ làm căng các tổ chức cơ và dây chằng ở bụng. Để giảm cảm giác khó chịu này, các mẹ nên gác chân lên cao khi nằm hoặc ngồi, nghỉ ngơi ở tư thế thoải mái nhất có thể.
Khi bước sang giai đoạn thai 14 tuần tuổi, các mẹ bầu nên tập yoga hoặc vận động nhẹ nhàng sẽ rất có lợi cho cả mẹ và bé
Thời điểm thai 14 tuần cũng là giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ. Lúc này vừa trải qua 3 tháng đầu nghén ngẩm và bụng bầu của mẹ chưa quá nặng nề, do đó đây được xem là khoảng thời gian khá dễ chịu nên các mẹ hãy dành nhiều thời gian để chăm sóc cho bản thân cũng như thai nhi, chuẩn bị thật tốt cho chặng đường cán đích phía trước.
2.2. Những thay đổi về mặt cảm xúc
Theo thống kê, có khoảng 14 - 25% người mẹ mang thai phải đối diện với tình trạng trầm cảm trước thời gian sinh nở, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực phần lớn bắt đầu nhen nhóm từ giai đoạn này do những lo nghĩ về sự thay đổi hình thể, khó tập trung làm việc, phương pháp nuôi và dạy con sau này.
Để không bị bỡ ngỡ trước những biến đổi cả về thể chất lẫn tinh thần trong thời kỳ mang thai, các mẹ nên đăng ký tham gia các lớp học tiền sản hoặc trao đổi với bác sĩ để chuẩn bị cho mình những kiến thức bổ ích cũng như tâm lý vững vàng, sức khỏe đảm bảo trước khi lâm bồn.
3. Một số cách giúp mẹ bầu chăm sóc thai 14 tuần hiệu quả
Mẹ bầu nên tham khảo một số nguyên tắc sau để dưỡng thai 14 tuần khoa học, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng giúp cả mẹ và thai nhi đều khỏe mạnh:
-
Chế độ dinh dưỡng: đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc chăm sóc thai kỳ. Khi thai 14 tuần, em bé đang trong quá trình tăng cường tái tạo tế bào máu và hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể cho nên mẹ cần ăn nhiều thực phẩm chứa sắt, đạm (tôm, cua, cá, lạc, vừng,...), cholesterol không béo, vitamin A, D, C;
-
Vận động và tập thể dục nhẹ nhàng: để không làm ảnh hưởng tới thai nhi mà vẫn đảm bảo sức khỏe, mẹ bầu nên đi bộ thư giãn hoặc lựa chọn yoga để tập luyện mỗi ngày. Vận động như vậy có tác dụng tăng cường tính dẻo dai và sức chịu đựng cho cơ thể mẹ, chuẩn bị tốt cho việc sinh nở sắp tới;
-
Thai giáo: đây là phương pháp giúp kích thích các giác quan của trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Thời điểm thai 14 tuần đánh dấu cột mốc phát triển của các giác quan, đặc biệt là đôi tai nhạy bén nên mẹ có thể sử dụng âm thanh để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ ngay từ giai đoạn này.
Mẹ nên bổ sung các dưỡng chất thiết yếu để có một thai kỳ khỏe mạnh
Trên đây là những chia sẻ của các chuyên gia Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC về sự phát triển của thai nhi và những thay đổi của mẹ khi thai 14 tuần tuổi. Hy vọng rằng với những thông tin này, các mẹ sẽ thấu hiểu cơ thể mình hơn trong giai đoạn “bầu bí", từ đó chăm sóc và chuẩn bị tốt hơn cho việc sinh con.
Để cập nhật những kiến thức hữu ích về thai sản cũng như các vấn đề về sức khỏe, dịch vụ thăm khám, xét nghiệm của MEDLATEC, quý bạn đọc hãy truy cập website chính thức hoặc liên hệ tới hotline của Bệnh viện: 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!