Các tin tức tại MEDlatec

Thở khò khè có thể cảnh báo những bệnh đường hô hấp nào?

Ngày 06/05/2021
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Thở khò khè hay thở rít, là một biểu hiện cho thấy việc hô hấp của bạn đang gặp vấn đề bất thường. Vậy nguyên nhân là gì, đây có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nào về đường hô hấp, làm sao để chữa trị và khắc phục, tránh tái diễn?

Thở khò khè thường biểu hiện bằng những tiếng rít bất thường trong khi bạn hít vào, thở ra hoặc là cả hai. Đây không phải là một triệu chứng điển hình và có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có thể kể đến một số căn bệnh điển hình sau đây:

Các đặc điểm bất thường trong việc hô hấp đều không thể bỏ qua

1. Hen phế quản gây thở khò khè

Hen phế quản là một bệnh lý đường hô hấp, chủ yếu là do tình trạng viêm kèm theo co thắt, làm tăng phản ứng của phế quản. Cơn hen thường xuất hiện nhất vào lúc nửa đêm về sáng, với các triệu chứng tiền triệu như hắt hơi, chảy nước mũi, ho từng cơn,…

Tiếp sau các biểu hiện trên sẽ xuất hiện các cơn khó thở khi thở ra, bệnh nhân sẽ thở phải thở rất chậm, đồng thời có tiếng khò khè, cò cử mỗi lúc hít thở. Một số triệu chứng kèm theo như mệt mỏi, vã mồ hôi, giọng nói ngắt quãng,… Tùy theo tình trạng bệnh, cùng cơ địa của mỗi người mà những cơn hen sẽ xuất hiện theo thời gian dài ngắn khác nhau.

Các yếu tố nguy cơ khiến bạn mắc hen phế quản cần lưu ý như sau:

Hen phế quản dị ứng

Do nhiễm khuẩn: các loại virus, vi khuẩn và nấm khi xâm nhập vào cơ thể gây bệnh có thể dẫn đến tình trạng viêm, gây co thắt phế quản với biểu hiện tiếng thở khò khè. Những tác nhân thường gặp như: vi khuẩn streptococcus pneumoniae, virus cúm, các loại nấm mốc,…

Không do nhiễm khuẩn: cơ thể bệnh nhân khi tiếp xúc với một số yếu tố dị ứng sẽ gây kích thích đường hô hấp. Nguyên nhân có thể đến từ bụi bẩn, lông thú cưng, phấn hoa, hải sản, hoặc một số loại thuốc và màu thực phẩm,…

Hệ thống đường hô hấp rất dễ bị tác động bởi những yếu tố gây bệnh từ môi trường bên ngoài

Hen phế quản không do dị ứng

Những yếu tố nguy cơ dẫn đến hen phế quản khác như:

Di truyền: bệnh lý này có thể di truyền trong khoảng ba thế hệ. Chính vì vậy nếu bạn đang có biểu hiện thở khò khè, đồng thời người thân, hoặc họ hàng đã hoặc đang mắc hen phế quản, thì có thể liên tưởng ngay đến các bệnh lý liên quan.

Ngoài ra, hen phế quản không do dị ứng có thể bắt nguồn từ những tác nhân khác như:

  • Rối loạn nội tiết.

  • Vận động gắng sức.

  • Yếu tố tâm lý.

  • Thời tiết.

2. Bệnh COPD (hội chứng tắc nghẽn phổi mạn tính)

Bệnh nhân mắc COPD thường có đặc điểm bị giới hạn lượng khí hô hấp với tính chất dai dẳng, có thể là do chúng bắt nguồn từ các bất thường ở đường thở hay phế nang. Các biểu hiện đặc trưng của COPD chính là:

  • Ho mạn tính: tính chất ho dai dẳng, kéo dài, có thể khiến bệnh nhân mất ngủ vì ho quá nhiều.

  • Khạc đàm: đàm của bệnh nhân có số lượng nhiều, đặc, thường có màu trắng, nếu chúng có màu vàng xanh đồng nghĩa với việc người bệnh đã bị nhiễm trùng đường thở.

  • Khó thở: tiếng thở khò khè có thể xuất hiện ở cả hai thì vào ra. Do bị tắc nghẽn đường thở nên bệnh nhân rất mệt mỏi. Với tình hình tiến triển nặng nề hơn, bệnh nhân sẽ thường xuyên bị khó thở và hưởng đến việc sinh hoạt thường ngày, kể cả khi không hề có hoạt động gắng sức nào.

  • Một số triệu chứng khác: lồng ngực hình thùng, tím tái ở các đầu chi và môi,…

Nguyên nhân của bệnh COPD thường đến từ những yếu tố sau:

  • Thuốc lá: ngoài việc hút thuốc lá thường xuyên, việc hít phải khói thuốc thụ động cũng có thể khiến sức khỏe của bạn gặp vấn đề.

  • Môi trường sống kém: nhà ở chật chội, tiếp xúc nhiều với các loại khí thải, khói bếp, hóa chất tại nơi làm việc, không được bổ sung đủ các loại dưỡng chất,…

  • Cơ địa: thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố dị ứng, mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần,…

Thuốc là thủ phạm nguy hiểm nhất gây nên các bệnh lý đường hô hấp

3. Viêm tiểu phế quản

Đây là một trong những bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp thường xuất hiện ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Đa số bệnh nhi thường không có chuyển biến xấu khi được can thiệp điều trị. Thế nhưng, nếu không được chăm sóc tốt, tình trạng chuyển biến nhanh thì việc điều trị tại cơ sở y tế vô cùng cần thiết đối với trẻ.

Ở giai đoạn sớm, các biểu hiện trẻ thường gặp phải thường là sốt nhẹ, ho, hắt hơi, chảy nước mũi. Đến khoảng từ 1 - 3 ngày sau, trẻ có biểu hiện thở khò khè, thở gắng sức (cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực,…). Tình huống xấu nhất chính là trẻ bị ngưng thở

Các yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị viêm tiểu phế quản cần đặc biệt quan tâm như:

  • Thiếu hụt dưỡng chất: trẻ không được cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết, sẽ khiến cho hệ miễn dịch vẫn còn non nớt không đủ sức chống chọi với các tác nhân gây hại.

  • Vệ sinh: không chỉ là giữ vệ sinh thân thể, mà còn là các vật dụng thường ngày như chén, muỗng, bình sữa, đồ chơi, nhà ở,… vì nếu phải tiếp xúc với lượng lớn vi khuẩn, trẻ sẽ rất dễ mắc bệnh.

  • Chăm sóc không đúng cách: cha mẹ, người lớn tiếp xúc với trẻ khi có cơ thể đang gặp các vấn đề bất thường, tay còn bẩn,… Với người lớn có sức đề kháng tốt mạnh hơn, việc tiếp xúc với một ít vi khuẩn sẽ không có ảnh hưởng quá lớn. Vì vậy, các bậc phụ huynh có thể sẽ bỏ qua những biểu hiện bất thường ở trẻ.

Trẻ luôn cần được quan tâm và chăm sóc cẩn thận

Thở khò khè hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể cũng đang báo động cho bạn biết răng, sức khỏe của bạn đang gặp ảnh hưởng và cần phải đi thăm khám trong thời gian gần nhất. Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chính là nơi để bạn có thể tin cậy, giúp bạn chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người thân yêu. Liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900.56.56.56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.