Các tin tức tại MEDlatec

Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh gì và phương pháp điều trị như thế nào?

Ngày 05/11/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Không chỉ người già mà những người từng bị chấn thương cột sống, người thừa cân béo phì, người thường xuyên lao động nặng cũng có thể bị thoái hóa cột sống thắt lưng. Vậy đây là loại bệnh gì, có nguy hiểm không và phương pháp điều trị bệnh như thế nào? Dưới đây sẽ là những thông tin chi tiết dành cho bạn. 

1. Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?

Bạn cần hiểu rằng không phải đốt sống nào cũng có nguy cơ bị thoái hóa. Thông thường, đối với cột sống thì vùng thắt lưng và cổ là vùng dễ bị thoái hóa nhất. Riêng đối với thoái hóa cột sống lưng sẽ thường xảy ra ở các đốt L4 - L5. Nguyên nhân là vì đây là những đốt phải chịu nhiều áp lực nhất.

Thoái hóa xương khớp thường gặp ở người cao tuổi

Bị thoái hóa cột sống thắt lưng có thể do nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân chủ yếu là do quy trình lão hóa tự nhiên, do tính chất công việc hay phải ngồi nhiều, phải lao động nặng, thường xuyên bê vác, do thói quen ngủ sai tư thế, do dị tật cột sống bẩm sinh, do lười vận động hoặc do thiếu chất khiến hạn chế khả năng tái tạo sụn khớp.

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều là người cao tuổi nhưng thời gian gần đây, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Những người trẻ khoảng 35 đến 40 tuổi cũng có thể gặp phải bệnh này. Vì thế bất cứ ai cũng nên có ý thức để phòng bệnh, để ngăn ngừa tối đa những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

2. Những triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng

Khi cột sống thắt lưng bị thoái hóa, bệnh nhân có thể cảm nhận được những dấu hiệu bệnh như sau:

Những cơn đau nặng nhẹ, liên tục hoặc không liên tục ở vùng thắt lưng, tùy vào mức độ bệnh khác nhau.

Người bệnh đau nhức vùng lưng và rất khó gập người

Người bệnh không thể ngửa hoặc cúi người.

Chuyển đổi tư thế từ đứng sang ngồi sẽ rất khó khăn, đôi khi đang ngồi mà muốn đứng dậy cũng phải mất rất nhiều thời gian.

Cơn đau có thể lan sang vùng hông đùi, khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu và rất khó khăn trong sinh hoạt thường ngày, từ những việc đơn giản nhất.

Khi nghỉ ngơi, cơn đau sẽ giảm, nhưng đối với những trường hợp nặng, kể cả khi không vận động, cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn, người bệnh vẫn cảm thấy đau nhức.

Bệnh có thể ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của bàng quang và ruột non, chính vì thế, bệnh nhân có thể bị rối loạn tiểu tiện hoặc đi tiểu tiện mà không thể kiểm soát được.

Người bị thoái hóa ở cột sống thắt lưng cũng sẽ có thể gặp phải tình trạng chân tay yếu hơn bình thường, hoặc chân tay kết hợp với nhau không được linh hoạt như lúc chưa bị bệnh.

Theo các chuyên gia, người cao tuổi, người béo phì thừa cân, người lười vận động hoặc thường xuyên lao động nặng, người đã trải qua chấn thương vùng cột sống, những người có thói quen hút thuốc lá và uống bia rượu sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn những trường hợp khác.

3. Các phương pháp điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng

Muốn điều trị bệnh hiệu quả, cần phải chẩn đoán bệnh một cách chính xác. Những phương pháp chẩn đoán tình trạng thoái hóa cột sống vùng thắt lưng bao gồm: Chụp X-quang với một số tư thế thẳng và nghiêng để thấy rõ được những vấn đề ở cột sống chẳng hạn như hẹp khe khớp hoặc tình trạng gai xương sống. Trong trường hợp chụp X-quang không đưa ra được kết luận, các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp cộng hưởng từ và kết hợp với xét nghiệm máu toàn phần để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Không nên lạm dụng thuốc giảm đau để điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng

Về phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh và đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân ở mức độ nhẹ, chỉ thỉnh thoảng mới có cơn đau thì có thể không cần phải điều trị. Bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp chăm sóc tại nhà như sau:

  • Có thể sử dụng loại thuốc giảm đau theo đơn thuốc của bác sĩ.

  • Lựa chọn những bài tập phù hợp như bơi lội hoặc đi bộ nhẹ nhàng để cải thiện sức khỏe của cột sống, giúp xương cột sống dẻo dai hơn.

  • Lưu ý đến các tư thế khi ngồi và đi đứng để không làm tăng mức độ bệnh.

  • Có thể tập vật lý trị liệu tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

  • Trong trường hợp cảm thấy đau thì cần phải nghỉ ngơi, không nên gắng sức.

Điều trị bằng thuốc đối với những trường hợp bị đau nhiều và những cơn đau kéo dài nhiều ngày. Bác sĩ có thể kê các loại thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ để giảm co thắt, thuốc steroid. Cần lưu ý, không được lạm dụng thuốc để tránh những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Phẫu thuật: Nếu bệnh ở mức độ nghiêm trọng và những biện pháp trên không hiệu quả, các bác sĩ có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật.

Chăm chỉ tập luyện để phòng bệnh

Một số phương pháp khác cũng có thể mang lại hiệu quả cải thiện bệnh và giảm tình trạng đau nhức cho người bệnh như: Châm cứu, nắn chỉnh cột sống, xoa bóp,…

Tình trạng thoái hóa là điều đôi khi không thể tránh khỏi vì nó là quy luật lão hóa của tự nhiên, tuy nhiên, có rất nhiều biện pháp để chúng ta có thể làm chậm lại quy trình này để cải thiện sức khỏe của cột sống bằng một số phương pháp sau:

Nếu có dấu hiệu bệnh cần đi khám sớm để kịp thời khắc phục bệnh.

Luyện tập đều đặn để bảo vệ sức khỏe nói chung và sức khỏe xương khớp nói riêng.

Duy trì trọng lượng vừa phải, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.

Có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dưỡng chất. Tránh hút thuốc lá và uống rượu bia,…

Tránh bê vác quá sức vì bê vác nặng rất hại cho xương khớp.

Ngồi và đứng đúng cách, không ngồi quá lâu và đứng quá lâu. Nếu là dân văn phòng, sau khoảng 1 đến 2 tiếng làm việc, bạn nên đứng dậy và đi lại thư giãn khoảng 10 đến 15 phút.

Nếu bị bệnh thì phải tuyệt đối tuân thủ theo kế hoạch điều trị của bác sĩ, không tự ý mua thuốc điều trị.

Mọi thắc mắc về thoái hóa cột sống thắt lưng hoặc muốn đặt lịch khám sớm, bạn hãy gọi đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo số 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.