Các tin tức tại MEDlatec

Thông liên thất là bệnh gì? nguyên nhân và cách nhận biết

Ngày 20/02/2023
Thông liên thất là một căn bệnh tim bẩm sinh hay gặp và có thể tự hết nếu lỗ thông có kích thước nhỏ. Tuy nhiên, các trường hợp lỗ thông vừa và lớn khi không được điều trị có thể dẫn tới các biến chứng gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Nội dung trong bài viết dưới đây của MEDLATEC sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu một số thông tin tổng quan về bệnh lý này.

1. Bệnh thông liên thất là như thế nào?

Thông liên thất là một trong các căn bệnh tim bẩm sinh phổ biến nhất. Đây là một khiếm khuyết có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của vách liên thất, trong đó có sự xuất hiện của một lỗ thông giữa hai tâm thất. Hoặc cũng có thể có nhiều lỗ thông.

Cụ thể, tâm thất là hai buồng phía dưới của trái tim trong cơ thể con người. Và vách liên thất là bức tường chung ngăn cách chúng. Trường hợp bệnh nhân mắc căn bệnh này, lỗ thông sẽ hình thành trên vách liên thất. Thông qua đó, máu giàu oxy có thể từ tâm thất trái đi sang tâm thất phải, trộn với máu ít oxy tại đây. Trường hợp lỗ thông lớn khiến lượng máu bơm qua nhiều sẽ dẫn tới làm tăng áp lực động mạch phổi.

Nhìn chung, bệnh được phân thành 4 loại chính gồm có:

  • Thông liên thất phần quanh màng;

  • Thông liên thất phần cơ;

  • Thông liên thất phần buồng nhận;

  • Thông liên thất phần phễu.

Thông liên thất là một bệnh lý tim bẩm sinh có ngay từ khi trẻ chào đời

2. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh?

Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này thì vẫn còn chưa thể biết được rõ. Song có một số yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh được đề cập đến như khi người mẹ bị nhiễm virus Rubella trong thời gian mang thai hoặc mắc bệnh đái tháo đường khó kiểm soát. Ngoài ra, trường hợp bà bầu sử dụng ma túy hay rượu bia hoặc có sự tiếp xúc với các chất độc hại, phóng xạ cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ sinh ra bị mắc bệnh.

Cùng với đó, những yếu tố như có thành viên trong gia đình bị bệnh tim bẩm sinh hoặc trẻ mắc phải các rối loạn di truyền (ví dụ là hội chứng Down) cũng làm rủi ro trẻ bị thông liên thất cao hơn so với những em bé khác.

3. Các triệu chứng và biến chứng của bệnh như thế nào?

Vậy các triệu chứng và biến chứng bệnh có thể dẫn đến thì như thế nào? Thông tin đó sẽ được nêu ra dưới đây.

3.1. Các triệu chứng của bệnh

Bệnh lý tim bẩm sinh này thường biểu hiện qua các triệu chứng như:

  • Khó thở, thở nhanh;

  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều;

  • Da xanh xao;

  • Ăn uống kém, không tăng cân;

  • Thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp;

  • Suy nhược, mệt mỏi;

  • Chân, mắt cá chân, bàn chân bị sưng phù.

Khó thở là một triệu chứng trẻ bị bệnh thông liên thất gặp phải

Các triệu chứng của bệnh thông liên thất nặng thường biểu hiện từ vài ngày, vài tuần hay những tháng đầu tiên sau khi trẻ được sinh ra đời. Mặc dù vậy, có một số trẻ mắc bệnh nhưng không có triệu chứng gì, mà chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe. Hoặc một số khác mãi cho đến khi lớn lên bệnh mới được phát hiện.

Đồng thời, các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau tùy vào kích thước của lỗ thông liên thất. Nếu lỗ thông nhỏ, các triệu chứng bệnh có thể không biểu hiện cho đến khi ở độ tuổi trưởng thành.

3.2. Các biến chứng có thể gặp của bệnh

Trường hợp lỗ thông liên thất có kích thước nhỏ có khả năng tự đóng mà không cần thực hiện điều trị. Đồng thời, cũng sẽ không gây ra các biến chứng làm ảnh hưởng sức khỏe, sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh.

Ngược lại, lỗ thông có kích thước vừa và lớn có thể tác động tới chức năng hoạt động của tim phổi. Từ đó, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, viêm phổi, viêm nội tâm mạc,...

4. Có phương pháp nào giúp phòng ngừa bệnh?

Mặc dù không có cách nào có thể giúp phòng ngừa căn bệnh này một cách hoàn toàn, việc mẹ bầu đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn là điều hết sức cần thiết. Bởi điều này sẽ góp phần giúp em bé sinh ra đời được mạnh khỏe cũng như hạn chế rủi ro xuất hiện dị tật tim bẩm sinh, trong đó có bệnh thông liên thất.

Do đó, các chị em phụ nữ có thể chú ý đến một số điều như sau:

- Trước khi mang thai, cần thực hiện tiêm phòng đủ mũi. Đồng thời, có thể trao đổi với bác sĩ về tình hình sức khỏe của bản thân và về bất cứ loại thuốc nào mình đang sử dụng cũng như tham khảo ý kiến về việc thay đổi các thói quen, lối sống để trở nên lành mạnh và khoa học hơn.

- Trong thai kỳ, cần xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, không quên cung cấp đủ các loại thực phẩm có nhiều vitamin và khoáng chất, nhất là axit folic, canxi và sắt; hạn chế sử dụng rượu, bia, cà phê.

Bà bầu không nên quên cung cấp cho cơ thể các thực phẩm giàu axit folic

- Không hút thuốc lá.

- Thường xuyên tập thể dục với các bài tập phù hợp với phụ nữ đang mang thai, không tập luyện quá sức.

- Kiểm soát tâm trạng, tránh gặp tình trạng căng thẳng, lo lắng.

- Khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm tầm soát dị tật cũng như các bệnh lý di truyền có thể gặp phải ở thai nhi.

- Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang bị một bệnh lý tim bẩm sinh, hoặc có tiền sử thành viên trong gia đình mắc bệnh lý này.

Mẹ bầu cần đảm bảo đi khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn

Trên đây là một số thông tin tổng quan về bệnh thông liên thất mà MEDLATEC muốn chia sẻ đến bạn đọc. Nếu quý khách đang tìm kiếm một địa chỉ y tế uy tín để kiểm tra sức khỏe, hãy đến với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tại đây, quý khách sẽ được các bác sĩ với chuyên môn cao trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và tận tình tư vấn phác đồ điều trị bệnh đảm bảo hiệu quả cao.

Quý khách hàng có thể gọi điện trực tiếp đến đường dây nóng của MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được hướng dẫn đặt lịch khám và giải đáp chi tiết các thắc mắc có liên quan.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.