Các tin tức tại MEDlatec
Thuốc ho cho bà bầu nên dùng sao cho an toàn, hiệu quả?
Thuốc ho cho bà bầu nên dùng sao cho an toàn, hiệu quả?
Bị ho trong quá trình thai nghén là một biểu hiện có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu chỉ là triệu chứng nhẹ, có thể hết sau vài ngày thì sẽ không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên có những trường hợp mẹ bầu bị ho nhiều lâu ngày không khỏi. Lúc này đó có khả năng là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nào đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ. Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định thuốc ho cho bà bầu để cải thiện triệu chứng này.
1. Những nguyên nhân khiến bà bầu bị ho
Phụ nữ mang thai có biểu hiện ho thường là do những nguyên nhân dưới đây:
● Sự thay đổi của nội tiết tố khi cơ thể mang thai khiến hệ miễn dịch thay đổi. Vì vậy mẹ bầu sẽ dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn từ môi trường bên ngoài hơn;
● Mẹ bầu sinh sống và làm việc trong môi trường chứa nhiều khói bụi, không khí ô nhiễm gây ra những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp;
● Sự thay đổi đột ngột của thời tiết từ nóng sang lạnh, từ nắng sang mưa,... cũng khiến mẹ bầu dễ gặp các vấn đề về hô hấp;
● Sự gia tăng kích thước của thai nhi trong bụng sẽ gây chèn ép vào các cơ quan xung quanh, bao gồm cả dạ dày. Điều này vô tình dẫn đến chứng trào ngược dạ dày. Dịch vụ dạ dày chứa axit khi bị trào ngược lên thực quản sẽ gây tổn thương niêm mạc ở cơ quan này, kích thích hình thành nên những cơn ho;
● Mẹ bầu bị ho cũng có thể là do bị dị ứng với các tác nhân như: bụi phấn, thức ăn, thời tiết, hóa chất, lông động vật,...
Mẹ bầu bị ho có thể là do nguyên nhân nhiễm phải các loại virus, vi khuẩn gây bệnh
2. Những ảnh hưởng của tình trạng ho ở mẹ bầu đối với thai nhi
Nếu chỉ là các tiếng ho nhẹ (kéo dài và chấm dứt sau 1 - 2 ngày thì mẹ bầu không cần quá lo lắng. Còn đối với tình trạng ho kéo dài, cơn ho mang theo các triệu chứng khó chịu như tức ngực, khó thở thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Nếu không được điều trị, tình trạng ho có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm sau:
● Ho kéo dài, ho mạnh có thể làm tăng những cơn co thắt tử cung, dẫn tới động thai, sảy thai hay sinh non;
● Ho có thể khiến mẹ bầu chán ăn, mệt mỏi, mất ngủ, ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé;
● Tình trạng ho đôi khi là triệu chứng của một bệnh lý nhiễm trùng nào đó. Nếu không điều trị có thể gây mất tim thai.
3. Các phương pháp giúp điều trị tình trạng ho ở mẹ bầu
Mang thai là một hành trình khó khăn của người mẹ, bất kể người mẹ ăn uống thứ gì đều ảnh hưởng đến cả thai nhi trong bụng. Do vậy việc điều trị ho cũng không thể bừa bãi, tùy tiện vì có thể dẫn tới các biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Sau đây là các phương pháp giúp cải thiện triệu chứng ho mẹ bầu có thể áp dụng:
3.1. Điều trị ho không dùng thuốc
● Dùng chanh và mật ong: tác dụng của chanh là giúp bổ sung kali, chống oxy hóa, kháng khuẩn, hỗ trợ bài tiết độc tố ra ngoài cơ thể, rất có lợi trong việc điều trị chứng ho và cảm cúm. Trong khi đó mật ong là nguồn dược liệu quý giá từ thiên nhiên với công dụng sát khuẩn và làm dịu họng hiệu quả. Mẹ bầu có thể đem chanh thái lát ngâm cùng mật ong, hấp cách thủy và ngậm hỗn hợp này hàng ngày. Hoặc mẹ pha nước chanh với mật ong để uống cũng giúp giảm thiểu các cơn ho;
● Gừng: tương tự như 2 nguyên liệu trên, trà gừng cũng có tác dụng diệt khuẩn và làm ấm họng. Mẹ bầu có thể lấy 2 nhánh gừng, đập dập và đun với nước sôi trong vòng 15 phút. Tiếp theo tắt bếp, để trà nguội bớt rồi pha thêm một chút mật ong và thưởng thức;
● Nước muối: hàng ngày mẹ bầu nên súc họng bằng nước muối để sát khuẩn vùng họng, loại bỏ bớt vi khuẩn và giảm tình trạng viêm nhiễm;
● Bổ sung các loại trái cây giàu vitamin C (dâu tây, kiwi, táo, cam, quả lê,...), rau tươi (giá đỗ, cà chua, rau cải,...), cháo gà, cháo hạt sen, thực phẩm giàu sắt (ngũ cốc họ đậu, thịt, mộc nhĩ, rau bina,...) sẽ giúp tăng cường sức đề kháng và giảm ho cho mẹ bầu.
Mẹ bầu có thể dùng mật ong, trà gừng để trị ho trước khi tìm đến các loại thuốc Tây y
3.2. Dùng thuốc trị ho
Việc dùng thuốc Tây y trong quá trình mang thai thường không được khuyến khích, nhất là ở thời điểm 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy rằng thuốc sẽ có tác dụng nhanh và hiệu quả nhưng nguy cơ tác dụng phụ cao, nếu lạm dụng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Chính vì vậy việc dùng các loại thuốc nói chung và thuốc ho cho bà bầu nói riêng cần phải có sự chỉ định và giám sát sử dụng của bác sĩ chuyên khoa.
Một số thuốc trị ho khan thường được kê đơn cho mẹ bầu:
● Kẹo ngậm ho: thành phần của kẹo ngậm ho thường chứa bạc hà, menthol, mật ong, dextromethorphan,... Đây đều là những thành phần lành tính, an toàn cho mẹ bầu;
● Siro thảo dược: dùng được cho những trường hợp mẹ bầu bị ho khan, viêm họng, ho có nhiều đờm. Chỉ nên sử dụng trong vòng 7 ngày. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như ngứa, sưng đỏ da, khó thở, tiêu chảy, buồn nôn,... Do đó thuốc chỉ được dùng dưới sự kê toa và hướng dẫn của bác sĩ.
3.3. Có nên dùng kháng sinh để trị ho cho bà bầu không?
Nếu mẹ bầu bị ho do nhiễm khuẩn thì bác sĩ có thể kê đơn cho mẹ bầu sử dụng một số loại thuốc kháng sinh an toàn cho phụ nữ có thai tùy theo tình hình nhiễm khuẩn.
Mỗi nhóm kháng sinh sẽ có tác dụng đối với từng loại vi khuẩn khác nhau, dùng trong từng trường hợp bệnh lý khác nhau. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng kháng sinh bao gồm: buồn nôn, nôn mửa, dị ứng da, tiêu chảy,...
Nếu mẹ bầu dùng thuốc kháng sinh dài ngày thì có thể gây ra một số tác dụng phụ, điển hình là rối loạn cân bằng hệ vi sinh đường ruột dẫn đến tình trạng tiêu chảy, ngoài ra dùng kháng sinh lâu ngày còn làm nhiễm nấm Candida vùng ruột, da, miệng,...
Không chỉ tác động lên mẹ bầu, thuốc kháng sinh còn có thể đi qua nhau thai và ảnh hưởng tới thai nhi. Phụ thuộc vào loại kháng sinh, liều lượng, thời gian sử dụng mà các tác hại do kháng sinh gây ra đối với thai nhi sẽ khác nhau. Việc sử dụng kháng sinh kéo dài trong thai kỳ có thể gây dị dạng, khuyết tật bẩm sinh ở trẻ hay thậm chí là thai lưu, sảy thai.
Thuốc ho cho bà bầu cần phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa, mẹ bầu không được tự ý sử dụng
Như vậy mẹ bầu khi dùng thuốc kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc nào cũng cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc vì nguy cơ gặp phải tác dụng phụ nguy hiểm là rất cao. Nếu bị ho khi mang thai, mẹ bầu có thể tham khảo các biện pháp trị ho không cần dùng thuốc, đồng thời đi khám để được bác sĩ tư vấn về cách điều trị phù hợp.
Để được hỗ trợ giải đáp các thắc mắc liên quan đến thuốc ho cho bà bầu hay các vấn đề sản khoa khác, quý bạn đọc xin vui lòng liên hệ qua hotline 1900565656, tổng đài viên của MEDLATEC luôn sẵn sàng tư vấn cho quý khách hàng.
BS Thanh Tuấn đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!