Các tin tức tại MEDlatec
Tìm hiểu về bài thuốc chữa bệnh từ cây an xoa
- 30/11/2023 | Tư vấn: Cây an xoa có chữa được bệnh dạ dày không?
- 11/08/2024 | Cây mâm xôi: thức quả thơm mát và vị thuốc lành cho sức khỏe
- 12/08/2024 | Cây xương rồng và những bài thuốc chữa bệnh ít ai biết đến
1. Đặc điểm sinh học của cây an xoa
Cây an xoa (dó lông, tổ kén cái, tổ kén lông) thuộc họ Trôm. Đây là loài cây có tuổi thọ dài, mọc thành cụm, toàn thân có lông bao phủ. Trung bình chiều cao cây an xoa khoảng 1 - 3m, thân gỗ nhỏ và mềm.
Mặt lá trên của cây an xoa nhám, màu xanh đậm; mặt lá dưới phủ lớp mày trắng. Lá an xoa hình bầu dục, thuôn nhọn dần về phía sau.
Hoa cây an xoa gồm 5 cánh, màu tím, mọc ra từ nách lá. Quả an xoa hình giống con sâu róm với lớp lông dài bao phủ, thường có vào tháng 7 - 11. Khi còn xanh quả màu xanh nhạt, khi chín già quả chuyển sang màu nâu đen.
Ở nước ta, cây an xoa mọc nhiều ở Bình Phước, Tây Ninh, Tây Nguyên,... chủ yếu ở rừng sâu hoặc ven bờ sông suối.
Hình ảnh giúp nhận diện cây an xoa
2. Khai thác và bào chế dược liệu cây an xoa
Có thể dùng lá, cành và thân cây an xoa để làm dược liệu. Tuy có thể thu hái loài cây này quanh năm nhưng thời điểm dược tính cao nhất vào khoảng tháng 5 - 11.
Dược liệu sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch, thái thành đoạn ngắn để sấy hoặc phơi khô và bảo quản trong túi kín.
3. Thành phần hóa học và công dụng chữa bệnh của cây an xoa
3.1. Thành phần hóa học
Trong cây an xoa có các thành phần chính là nguyên tố vi lượng, enzyme, alcaloid và flavonoid. Đặc biệt, hoạt chất alcoloid có khả năng kìm hãm sự phát triển của khối u ung thư, flavonoid chống oxy hóa và cải thiện miễn dịch.
3.2. Công dụng
Theo y học cổ truyền, cây an xoa là dược liệu có vị cay, xếp vào hàng kinh can, quy kinh. Có thể dùng cây an xoa để chữa bệnh lý về gan, kiểm soát ung thư gan, chữa mất ngủ,...
Liều lượng sử dụng dược liệu an xoa tùy thuộc vào thể trạng và bệnh lý mắc phải. Trường hợp dùng cho trẻ em, ban đầu chỉ dùng với liều 50g, 5 ngày sau thì có thể tăng liều. Người có thể trạng tốt chỉ nên dùng không quá 150g.
Dân gian lưu truyền nhiều bài thuốc chữa bệnh gan từ cây an xoa
4. Một số bài thuốc chữa bệnh với cây an xoa và lưu ý sử dụng
4.1. Bài thuốc chữa bệnh với cây an xoa
4.1.1. Chữa ung thư gan
- Cách thứ nhất
+ Nguyên liệu: 100g an xoa khô.
+ Cách thực hiện: sắc cây an xoa với 1 lít nước đến khi còn khoảng 800ml thì lấy phần nước này để uống trước bữa ăn 20 phút, 3 lần/ngày.
- Cách thứ hai
+ Nguyên liệu: 50g an xoa, 50g xạ đen, 1.5 lít nước.
+ Cách thực hiện: để tăng hiệu quả chữa trị có thể kết hợp an xoa và xạ đen bằng cách: sao vàng 50g an xoa và 50g xạ đen sau đó sắc cùng 1.5 lít nước đến khi còn 800ml thì tắt bếp chắt lấy nước uống sau các bữa ăn chính 15 phút.
- Cách thứ ba
+ Nguyên liệu: 30g mỗi vị: cây cà gai leo và cây an xoa.
+ Cách thực hiện: sao vàng, hạ thổ cây an xoa sau đó cho vào nồi sắc cùng cây cà gai leo và 1 lít nước cho đến khi nước còn khoảng 600ml thì tắt bếp, lấy nước uống trong ngày.
Cần lưu ý rằng: Ung thư gan là bệnh có tỷ lệ tử vong cao, phương pháp này chỉ là hỗ trợ điều trị và mang tính tham khảo, người bệnh vẫn cần đến cơ sở y tế để tư vấn điều trị, tránh điều trị theo cách này làm chậm trễ điều trị bệnh, làm giảm hiệu quả điều trị về sau.
4.1.2. Chữa viêm gan B
- Nguyên liệu: 10g rễ mật nhân, 30g cà gai leo, 15g an xoa, 30g xạ đen.
- Cách thực hiện: sắc toàn bộ thang thuốc cùng 1 lít nước đến khi lượng nước còn lại 500ml thì tắt bếp và chia phần nước này thành 3 lần uống.
Phương pháp chữa trị này chỉ có tính tham khảo, bệnh nhân viêm gan B vẫn cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, tư vấn và điều trị.
4.1.3. Chữa xơ gan
- Nguyên liệu: bán chi liên 20g, cà gai leo 30g, cây an xoa đã sao vàng hạ thổ 50g, 1 lít nước.
- Cách thực hiện: sắc toàn bộ dược liệu trong 30 phút rồi chắt lấy nước uống.
4.1.4. Chữa viêm đại tràng
- Nguyên liệu: 100g an xoa đã được sao vàng và hạ thổ.
- Cách thực hiện: sắc dược liệu đến khi chỉ còn 1 chén nước thì tắt bếp để chắt lấy phần nước thuốc uống. Sau đó hãy thêm vào trong nồi 2 lít nước nữa, tiếp tục sắc đến khi nước cạn còn 2 chén thì lại chắt lấy nước này để uống.
Cây an xoa thường được sấy hoặc phơi khô để làm dược liệu
4.2. Lưu ý khi dùng cây an xoa để chữa bệnh
Khi sử dụng dược liệu cây an xoa không nên bỏ qua bước sao vàng và hạ thổ. Quá trình này giúp loại bỏ lớp lông bao phủ quanh cây an xoa, khi dùng đường uống sẽ tránh bị ngứa rát ở cổ họng.
Để sao vàng, hạ thổ dược liệu an xoa bạn cần: sau khi thu hoạch cây an xoa hãy đem phơi héo rồi thái thành từng đoạn ngắn, cho vào chảo sao cho đến khi thấy dược liệu chuyển sang màu vàng. Thường cần 20 - 30 phút cho khoảng thời gian này. Sau khi nguyên liệu đã chuyển sang màu vàng thì tắt bếp, đổ xuống nền nhà đã được làm sạch sau đó dùng chảo úp kín dược liệu dưới nền nhà trong khoảng 1 giờ. Đến khi dược liệu đã nguội thì cho vào túi bóng kín để cất nơi khô mát.
Không nên dùng cây an xoa để chữa bệnh cho trẻ dưới 3 tuổi, người đang cho con bú, thai phụ, người có cơ địa dị ứng. Tốt nhất không nên dùng cây an xoa cùng với thuốc Tây mà hãy giãn cách 30 - 60 phút để tránh tương tác thuốc.
Về cơ bản, cây an xoa tương đối an toàn nhưng khi mới dùng có thể sẽ cảm thấy khó chịu ở bụng, đại tiện phân lỏng và tanh. Hiện tượng này là do cơ thể đang trong quá trình làm quen, đào thải độc tố nên không gây nên vấn đề nguy hại cho sức khỏe. Nếu tiếp tục sử dụng thêm vài ngày nữa thì tình trạng này sẽ chấm dứt vì cơ thể đã thích nghi được với các thành phần của dược liệu.
Cây an xoa dược liệu tuy có thể hỗ trợ chữa trị nhiều bệnh lý nhưng để đạt được hiệu quả cao và biết cách sử dụng đúng mục đích, người bệnh cần có chỉ dẫn từ bác sĩ có chuyên môn.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể đặt trước lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!