Các tin tức tại MEDlatec
Tìm hiểu về công dụng của cây máu chó
Tìm hiểu về công dụng của cây máu chó
Cây máu chó (huyết đằng) là dược liệu Đông y được dùng để chữa nhiều bệnh lý khác nhau bởi dược tính mạnh. Nếu bạn chưa biết về công dụng của loài cây này thì có thể tham khảo những thông tin được chia sẻ sau đây.
1. Cây máu chó là cây gì?
Cây máu chó thuộc họ Nhục đậu khấu, thân to cao, chiều cao trung bình của cây lớn nhất có thể trên 10m. Cành cây non thường được phủ một lớp lông mỏng màu hung đỏ nhưng đến khi cành già thì trở nên nhẵn nhụi và có khía.
Lá cây máu chó nhỏ, hình thuôn như ngọn giáo, dạng màng. Hoa máu chó mọc ra từ nách lá và được bao phủ bởi lớp lông mịn. Quả máu chó hình cầu hoặc hình bầu dục, khi chín sẽ có một lớp vỏ mỏng màu đỏ.
Hình ảnh về lá và quả máu chó
2. Thành phần hóa học trong cây máu chó
Trong thành phần cây máu chó có nhiều hoạt chất: 7 - 10% độ ẩm, 1.5 - 2% chất vô cơ, 8% protit, 24 - 28% chất béo, 4 - 5% đường, 22 - 26% tinh bột. Ngoài ra, hạt cây máu chó còn chứa amylaza, men invertase, xenlulozo,…
Chiết xuất dầu từ hạt cây máu chó rất nhớt, mùi hắc, đỏ đậm, chứa 1.14 - 1.5% thành phần hóa dược mà nổi trội nhất là lexitin và phytosterol.
3. Một số công dụng và cách dùng dược liệu cây máu chó
3.1. Công dụng và bộ phận sử dụng của dược liệu cây máu chó
Công dụng chữa bệnh của cây máu chó được cả y học hiện đại và y học cổ truyền công nhận. Đã có những nghiên cứu cho thấy dược liệu này có khả năng giảm viêm, chống viêm, kháng khuẩn và tăng khả năng phục hồi tổn thương.
Dược liệu cây máu chó thường được khai thác phần quả, cành và lá để làm thuốc. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là tháng 9 - 10. Lúc này, quả máu chó đã chín già và chuyển sang màu vàng sẫm. Quả sau thu hoạch sẽ được bóc tách lấy hạt để ép dầu, dùng trong điều trị các bệnh lý ngoài da, côn trùng đốt,...
Có thể sử dụng nhiều bộ phận của cây máu chó làm dược liệu
3.2. Một số bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu cây máu chó
3.2.1. Điều trị mỏi cơ, mỏi gối, đau lưng
Thành phần của cây máu chó có thể tiêu sưng, chống viêm rất hiệu quả. Vì thế, người thường mắc các bệnh đau nhức xương khớp, dây chằng rất ưa dùng dược liệu này.
Để chữa mỏi lưng, mỏi gối, đau lưng cần lấy 12g mỗi vị: cẩu tích, dây đau xương, tục đoạn, xuyên khung; cùng 16g cây máu chó sắc với 1 lít nước trong 30 phút. Sau đó chắt phần nước còn lại để chia thành 3 lần uống trong ngày. Nên làm như vậy liên tục 6 tháng để cải thiện tình trạng đau mỏi lưng, gối.
3.2.2. Điều trị chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, ăn kém
Các triệu chứng ăn kém, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt thường xuất phát từ làm việc quá sức, huyết áp thấp, thiếu tuần hoàn máu não. Để khắc phục tình trạng này có thể áp dụng bài thuốc từ cây máu chó và các dược liệu đi kèm sau:
Dùng 20g mỗi vị: hà thủ ô đỏ, thục địa, đương quy, nhân sâm; 16g máu chó sắc với 1 lít nước rồi dùng phần nước thu được uống hết trong ngày. Duy trì liên tục 3 - 5 ngày sẽ giúp ăn ngon miệng, cải thiện giấc ngủ và tình trạng đau đầu, chóng mặt.
Cây máu chó được kết hợp với các vị thuốc khác để chữa nhiều loại bệnh
3.2.3. Điều trị ghẻ ruồi, hủi
Người bị bệnh hủi, bệnh ghẻ ruồi có thể dùng 50g hạt máu chó giã nhỏ rồi đun cùng với 20ml rượu trắng cho đến khi thu được hỗn hợp sền sệt thì tắt bếp. Hãy vệ sinh sạch sẽ vùng da bị hủi, ghẻ ruồi rồi trong lúc hỗn hợp vừa đun còn ấm hãy bôi trực tiếp lên da.
Khi bôi cần chú ý chỉ bôi một lớp mỏng vì nếu bôi quá dày sẽ dễ làm sưng nốt mụn. Để như vậy 1 ngày sau thì tắm lại cho xà phòng diệt khuẩn cho sạch. Cứ duy trì như thế 3 ngày là có thể tiêu diệt mầm bệnh.
3.2.4. Điều trị bệnh ngoài da
Một số bệnh ngoài da như chàm, lở loét,... nếu không được xử lý nhanh có thể gây ngứa ngáy, nhiễm trùng, hình thành sẹo,... Để chữa các bệnh này hãy dùng củ đậu, quả bồ hòn và hạt máu chó theo tỷ lệ 1:1:2 đem giã nhuyễn rồi đun cùng nước cho đến khi thu được hỗn hợp sền sệt. Khi hỗn hợp vừa nấu đã nguội, hãy bôi lên vùng da bị chàm, lở loét.
Ngoài cách trên, bạn cũng có thể dùng nghệ tươi, củ đậu và hạt máu chó theo tỷ lệ 1:1:1 kết hợp với 1/2 diêm sinh rồi xay nhuyễn và bôi trực tiếp lên thương tổn.
3.2.5. Điều trị phong ngứa
Đây là bệnh không xuất phát từ sự tác động bên ngoài mà do cơ thể tự phát ra. Người bệnh thường không bị lở loét, mẩn đỏ nhưng lại rất ngứa ngáy. Muốn trị phong ngứa có thể nấu 50g hạt máu chó đã được giã nhỏ cùng với 200ml rượu trắng sao cho thu được hỗn hợp sền sệt thì tắt bếp.
Tiếp sau đó, bạn cần tắm rửa sạch sẽ rồi lau lại toàn bộ người với nước muối pha loãng và bôi hỗn hợp vừa đun lên da. Khi bôi nên chú ý bôi lớp mỏng, 1 ngày/lần, làm liên tục 3 ngày sẽ thấy kết quả. Tuy nhiên, muốn điều trị dứt điểm bệnh phong ngứa thì cần duy trì cách làm trên trong khoảng 10 - 30 ngày.
3.2.6. Điều hòa kinh nguyệt
Để điều hòa kinh nguyệt cho nữ giới có thể dùng 12g ích mẫu, 10g ngưu tất, 6g nghệ vàng và 16g cây máu chó đem rửa sạch, sắc cùng 1 lít nước để lấy nước uống mỗi ngày.
Bài thuốc này cần duy trì liên tục 5 - 10 ngày mới đạt được hiệu quả giảm đau bụng kinh, bổ máu, điều hòa kinh nguyệt.
Về cơ bản, cây máu chó là dược liệu tự nhiên dễ kiếm, có nhiều lợi ích với sức khỏe, nhất là bệnh lý ngoài da. Tuy nhiên, để đảm bảo khai thác tối đa hiệu quả và an toàn khi sử dụng, tốt nhất bạn nên tìm mua dược liệu tại địa chỉ uy tín và tham vấn ý kiến thầy thuốc đông y chuyên môn giỏi để được kê đơn phù hợp, hướng dẫn sử dụng đúng cách.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!