Các tin tức tại MEDlatec

Tổng hợp những câu hỏi thường gặp về nội soi phế quản

Ngày 03/03/2020
Nội soi phế quản được biết đến là một kỹ thuật hiện đại được ứng dụng nhiều trong chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Tuy là phương pháp phổ biến nhưng những câu hỏi như nội soi phế quản có đau không, khi nào cần thực hiện,... vẫn được nhiều người đặt ra. Hôm nay, MEDLATEC sẽ chia sẻ những thông tin cơ bản về kỹ thuật này thông qua việc trả lời các câu hỏi dưới đây.

1. Thế nào là nội soi phế quản?

Đây là một phương pháp nội soi giúp quan sát được bên trong đường hô hấp. Phương pháp này sử dụng các dụng cụ nội soi chuyên dụng như: ống nội soi có gắn camera và đèn, hệ thống dây dẫn nối giữa đầu ống nội soi với màn hình hiển thị, hệ thống điều chỉnh máy và màn hình. Hình ảnh nội soi sẽ được hiển thị trên màn hình một cách rõ ràng và sắc nét, phản ánh được tình trạng bên trong niêm mạc đường hô hấp, phế quản. Từ đó giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng khí quản, phế quản và các phần lân cận.

Hình ảnh các bác sỹ đang thực hiện nội soi phế quản cho bệnh nhân

2. Thế nào là nội soi phế quản ống cứng, ống mềm?

Kỹ thuật nội soi phế quản được chia thành 2 loại:

Nội soi ống cứng: Ống nội soi được làm bằng nhựa cứng, đưa vào bên trong phế quản. Phương pháp này thường được sử dụng trong cầm máu khi mất máu nhiều, lấy dị vật trong đường dẫn khí.

Nội soi ống mềm: Trường hợp này thì ống nội soi mềm và nhỏ, có thể dễ dàng điều khiển và đưa sâu vào trong các tiểu thuỳ. Hiển thị hình ảnh ở phương pháp này tốt hơn nội soi ống cứng. Thời gian nội soi nhanh hơn, ít gây khó chịu cho bệnh nhân, thường được áp dụng để chẩn đoán các tổn thương bên trong phổi và các bệnh hô hấp.

3. Khi nào thì cần thực hiện nội soi phế quản?

Thăm khám và thực hiện nội soi ở phế quản trong các trường hợp:

  • Bị hóc dị vật ở đường hô hấp dẫn đến khó thở, nghẹt thở.

  • Tai nạn, va chạm gây tổn thương phế quản, phổi.

  • Nghi ngờ có khối u bên trong phổi.

  • Khó thở, tức ngực, đau vùng ngực.

  • Ho kéo dài, ho ra máu.

  • Siêu âm hay chụp X - quang phổi thấy không rõ vị trí tổn thương.

Nên thực hiện nội soi phế quản khi bị ho ra máu

4. Nội soi phế quản có thể phát hiện được những gì?

Nội soi có thể chẩn đoán và điều trị một số bệnh đường hô hấp, như:

  • Lấy dị vật đường thở khi bị hóc dị vật, giúp khai thông đường thở.

  • Quan sát được những tổn thương bên trong niêm mạc khí quản, phế quản.

  • Tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng ho lâu ngày, ho ra máu, khó thở, thở dốc.

  • Quan sát, kiểm tra sự có mặt của các khối u thanh quản, khí quản, phế quản làm hẹp đường dẫn khí.

  • Chẩn đoán các bệnh về phổi: viêm phổi cấp tính và mãn tính, ung thư phổi, viêm phế quản,…

  • Đánh giá sự tiến triển của ung thư phổi.

  • Sinh thiết, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm khi cần thiết.

  • Điều trị ung thư phổi, ung thư phế quản bằng phương pháp xạ trị bên trong.

  • Điều trị các khối u và chứng hẹp đường hô hấp.

Có thể thấy nội soi rất quan trọng trong chẩn đoán các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Chính vì vậy, bạn hãy thăm khám và nội soi phế quản khi có các dấu hiệu bất thường về hô hấp.

5. Nội soi phế quản có đau không?

Quá trình nội soi chính là đưa ống nội soi vào bên trong phế quản. Bản thân ống nội soi là một dị vật nên sẽ kích thích cơ thể phản ứng lại và gây khó chịu. Khi nội soi bạn có thể sẽ có cảm giác đau, khó chịu, buồn nôn. Tuy nhiên người bệnh không cần phải quá lo lắng, bác sĩ thường sẽ kê một liều thuốc an thần, giảm đau (atropin hoặc morphin). Điều này giúp cho bệnh nhân trấn an tinh thần, giảm bớt cảm giác đau và khó chịu, đồng thời ức chế thần kinh làm giảm tiết dịch đường hô hấp, sẽ thuận lợi trong việc quan sát bên trong phế quản hơn.

Nếu đã được dùng thuốc an thần, giảm đau mà vẫn cảm thấy đau thì đừng ngần ngại mà hãy nói với bác sĩ để được xử lý kịp thời.

6. Trước và sau khi nội soi phế quản cần lưu ý gì?

Trước khi thực hiện nội soi bạn không cần phải lưu ý gì nhiều, chỉ cần chuẩn bị một tinh thần thoải mái, không căng thẳng để thực hiện nội soi một cách dễ dàng nhất.

Sau khi nội soi xong, bác sĩ sẽ thông báo cho bạn những gì đã được tìm thấy trong đường hô hấp và kết luận về tình hình bệnh trạng của bạn. Sau khi nội soi, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Không ăn uống trong vòng 2 giờ sau khi thực hiện thủ thuật.

  • Không điều khiển phương tiện giao thông trong vòng 8 giờ sau khi thực hiện thủ thuật.

  • Không hút thuốc lá sau 24 giờ thực hiện.

Lý do là sau khi nội soi xong, tác dụng của thuốc an thần vẫn còn nên bạn hạn chế điều khiển phương tiện vì có thể sẽ gây tai nạn. Đồng thời nội soi xong, niêm mạc đường hô hấp đang bị kích thích, nếu bạn hút thuốc lá thì vô tình tạo cơ hội tốt cho các chất độc xâm nhập và gây hại cho cả hệ thống hô hấp. Vì thế bạn nên đặc biệt lưu ý 3 quy tắc trên sau khi thực hiện nội soi ở phế quản.

Không hút thuốc sau khi nội soi 24 giờ

7. Quy trình thực hiện nội soi trải qua những bước nào?

Nội soi phế quản thực hiện qua 5 bước:

Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ nội soi và nơi nội soi

- Dụng cụ nội soi cần được vô trùng và đảm bảo hoạt động bình thường.

- Nơi nội soi phải đầy đủ thiết bị và nhân lực để có thể cấp cứu khi cần thiết.

Bước 2: Cho bệnh nhân uống thuốc an thần, giảm đau.

Bước 3: Gây tê cục bộ thanh quản để tránh phản xạ khi đưa ống nội soi vào trong.

Bước 4: Đưa ống nội soi từ từ vào từng phần của hệ hô hấp, từ trên xuống dưới. Quan sát kỹ càng bất thường và tình trạng niêm mạc. Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm nếu cần thiết.

Bước 5: Kết thúc nội soi, ống nội soi được đưa từ từ ra ngoài. Bệnh nhân được ổn định lại tinh thần để nghe thông báo về kết quả nội soi.

Cần thực hiện nội soi ở nơi có đầy đủ máy móc và nhân lực

8. Nội soi phế quản có nguy hiểm gì không?

Bất kỳ một thủ thuật nào cũng có những rủi ro nhất định của nó. Khi thực hiện nội soi ở phế quản thì bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng và nguy cơ sau:

  • Tổn thương đường hô hấp gây đau, chảy máu, phù nề niêm mạc đường hô hấp.

  • Co thắt khí quản làm ngạt thở.

  • Rối loạn hô hấp, tuần hoàn.

  • Hiện tượng dị ứng với thuốc.

  • Một số trường hợp có thể dẫn đến viêm phổi nhưng có thể điều trị.

  • Rất hiếm nhưng vẫn có trường hợp bị tràn khí màng phổi.

Chính vì những biến chứng và nguy cơ trên, trước khi thực hiện nội soi thường bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn về những rủi ro khi thực hiện và cân nhắc có nên tiến hành nội soi hay không.

Nội soi phế quản là một phương pháp rất hữu ích trong chẩn đoán và điều trị các bệnh hô hấp. Tuy nhiên để thực hiện phương pháp cần có đầy đủ kiến thức cũng như những lưu ý nhất định. Nếu có những câu hỏi liên quan đến phương pháp này, bạn hãy liên hệ với MEDLATEC chúng tôi để được giải đáp nhé. Hotline phục vụ khách hàng: 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.