Các tin tức tại MEDlatec
Tổng kết tọa đàm: “Chăm sóc và bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh”
- 13/05/2020 | 14/05/2020, Tọa đàm online: “Chăm sóc và bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh”
- 06/05/2020 | Tọa đàm online: Phát hiện và điều trị các bệnh liên quan dị ứng
- 05/05/2020 | Lời tư vấn Chuyên gia tại tọa đàm "Nhận biết để phòng ngừa sớm đột quỵ"
- 14/05/2020 | Giải đáp tọa đàm trực tuyến: phát hiện và điều trị các bệnh liên quan dị ứng
- 06/05/2020 | 20h - 21h ngày 07/05/2020, tọa đàm online: “Phát hiện và điều trị các loại bệnh liên quan dị ứng” cùng chuyên gia đầu ngành
Để người dân có cái nhìn tổng quan về hệ tiêu hóa, giúp phát hiện phòng ngừa và điều trị sớm và các bệnh đường tiêu hóa, tiếp nối thành công của các chương trình tọa đàm trước, chương trình lần này được tổ chức để giải đáp các thắc mắc của khách hàng với sự tham dự của 2 chuyên gia đó là:
- PGS. TS Trần Việt Tú, Chủ nhiệm Bộ môn Nội Tiêu hóa, Học viện Quân Y; Chuyên gia Tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC;
- BS Bùi Văn Long - Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
Chương trình tọa đàm online số 5 “Chăm sóc và bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh”
Hệ tiêu hóa bắt đầu từ miệng, rồi đến thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và kết thúc ở hậu môn. Hệ tiêu hóa đóng vai trò rất quan trọng từ tiếp nhận, tiêu hóa, hấp thu thức ăn và thải các chất không tiêu hóa ra khỏi cơ thể.
Điều đáng lưu ý là mỗi phần của hệ tiêu hóa có một chức năng riêng, nhưng lại liên quan chặt chẽ với nhau. Một phần nào đó bị trục trặc sẽ ảnh hưởng xấu đến những phần khác của ống tiêu hóa và toàn cơ thể.
Trong số các bệnh đường tiêu hóa phổ biến như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày, bệnh trĩ, bệnh viêm đại tràng, bệnh rối loạn tiêu hóa, nghiêm trọng nhất là bệnh ung thư đường tiêu hóa, đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu thống kê năm 2018 tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở cả hai giới với số ca mắc mới là 14.733 và 7.856 trường hợp tử vong.
Tuy là bệnh nguy hiểm, dễ mắc, nhưng lại hoàn toàn có thể chữa trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Thống kê của WHO, riêng với bệnh ung thư đại trực tràng nếu phát hiện sớm có tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 90%, bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn thì chỉ khoảng 10%. Nếu như trước đây, người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa, đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc khi mới 12, 13 tuổi. Đây là hồi chuông cảnh báo để chúng ta cần giữ gìn hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Bởi bệnh không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Vậy làm thế nào để chăm sóc và bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh? Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh thế nào? Dưới đây là nội dung các câu hỏi được chuyên gia giải đáp trực tiếp trong cuộc tọa đàm:
Câu hỏi: Xoay quanh bệnh lý đường tiêu hóa có rất nhiều thắc mắc của khách hàng, trước khi đến với phần tư vấn của chuyên gia cho những câu hỏi của quý khách hàng, chuyên gia có thể chia sẻ với quý khán giả đang theo dõi chương trình một số thông tin tổng quát nhất như:
- Khái quát lại các bệnh lý liên quan đến bệnh đường tiêu hóa?
- Hiện nay, tại Việt Nam tình trạng người dân mắc bệnh đáng báo động thế nào?
- Những khuyến cáo của chuyên gia với cộng đồng để tránh hoặc phát hiện sớm bệnh?
PGS.TS Trần Việt Tú:
Như chúng ta đã biết, cơ quan tiêu hóa là cơ quan cửa ngõ đầu tiên. Tất cả thức ăn, dinh dưỡng khi đi vào cơ thể đầu tiên phải qua đường miệng, như vậy, đây là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với môi trường và tất nhiên những yếu tố của môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể và trong đó là cơ quan tiêu hóa.
Cơ quan tiêu hóa
Đối với bệnh tiêu hóa, nguyên nhân bệnh sinh dẫn đến bệnh có rất nhiều, nhưng ở đây, chúng ta lưu ý một số yếu tố:
1. Môi trường xung quanh chúng ta hiện tại ô nhiễm rất nhiều, từ các loại thức ăn, các thực phẩm độc hại;
2. Các loại vi khuẩn: nấm, vi khuẩn, và rất rất nhiều các yếu tố khác có thể gây ra bệnh đường tiêu hóa;
3. Yếu tố thứ 3 không thể không nhắc tới là sự căng thẳng về thần kinh.
Tổng quan về các bệnh lý đường tiêu hóa:
a. Phân loại các bệnh tiêu hóa có nhiều cách phân loại. Trong đó:
+ Theo vị trí: Bệnh ống tiêu hóa, bệnh tuyến tiêu hóa hay bệnh tiêu hóa trên, bệnh tiêu hóa dưới;
+ Theo tính chất: Bệnh cấp, bệnh mạn;
+ Theo bệnh chức năng và bệnh thực thể. Đây là một phân loại rất quan trọng mà hiện nay đang được để ý rất nhiều.
Nhóm bệnh chức năng: là nhóm bệnh chỉ do hệ thần kinh, do rối loạn những hoạt động của hệ tiêu hóa thôi chứ không có thực thể. Cơ quan tiêu hóa là cơ quan nhạy cảm nhất của cơ thể. Bạn nhớ ai, bạn thấy cồn cào trong ruột; bạn lo lắng, bạn thấy nóng ruột hoặc trước khi vào thi bạn sẽ đau quặn bụng. Những stress căng thẳng về thần kinh gây rối loạn về chức năng tiêu hóa trên cả ba phương diện vận động, tiết dịch và các chức năng. Bệnh chức năng tiêu hóa phát triển theo sự phát triển của xã hội, điều này đồng nghĩa, khi xã hội càng phát triển thì stress - yếu tố căng thẳng thần kinh càng lớn do vậy nó tác động đến cơ quan tiêu hóa càng nhiều. Và theo thống kê, cứ 100 người đến khám bác sĩ khi có triệu chứng bệnh tiêu hóa thì có 60 người là nhóm bệnh chức năng.
Ví dụ: Bệnh đầy bụng, chậm tiêu, trào ngược dạ dày-thực quản, rối loạn vận động đường mật, hội chứng ruột kích thích, cứ đau quặn bụng, đi ngoài nhiều khi không có tổn thương gì cả. Đây là nhóm bệnh chức năng.
- Nhóm bệnh thực thể: loét, viêm, ung thư…
Đó là các cách phân loại chúng ta cần lưu ý.
b. Ung thư đường tiêu hóa
Đây là một vấn đề nhức nhối của chúng ta, tất nhiên khi so sánh với Nhật Bản, Mỹ thì tỷ lệ ung thư mỗi một nơi sẽ có khác nhau. Ví dụ:
- Ung thư dạ dày: số 1 hiện nay trên thế giới là Nhật Bản và đây là nhóm bệnh sếp thứ 4 trong các loại bệnh ung thư mà trong đó, một năm trung bình trên thế giới có khoảng 8 trăm nghìn ca nhiễm mới và tử vong chỉ sau ung thư phổi. Ở Việt Nam, cứ 1 triệu người đi khám thì có 1 ca là ung thư dạ dày.
- Ung thư đại tràng: là bệnh thứ 2 sau ung thư dạ dày tỷ lệ là 12 người trong 100.000 dân.
Nguyên nhân của 2 bệnh này có rất nhiều nguyên nhân, nhưng ở đây chúng ta phải lưu ý đến yếu tố ăn uống đặc biệt như:
+ Ăn một số thực phẩm bị nấm mốc, quá hạn sử dụng;
+ Thói quen ăn uống: ăn ít rau, chất xơ;
+ Để tình trạng táo bón diễn ra lâu ngày
Nhìn chung cơ quan tiêu hóa là nơi rất nhạy cảm với các yếu tố mà có thể dẫn đến bệnh và mong rằng, chúng ta sẽ quan tâm hơn nữa để đảm bảo cho sức khỏe của mình vì tỷ lệ người mắc các bệnh về đường tiêu hóa cũng không ít hơn so với người mắc các bệnh tim mạch.
Câu hỏi: Có những phương pháp và kỹ thuật hiện đại nào để chẩn đoán và theo dõi các bệnh đường tiêu lý đường tiêu hóa? Có rất nhiều người bệnh đi nội soi dạ dày, đại trực tràng nhưng lại lo sợ vì cảm giác khó chịu, thậm chí là sợ bị đau. Hiện nay, sự phát triển của y học đã khắc phục được những lo lắng của người dân chưa? Đó là những kỹ thuật nào?
BS Bùi Văn Long:
Bệnh lý về ung thư đường tiêu hóa là một bệnh khá nghiêm trọng và hiện tại rất phổ biến. Ung thư đường tiêu hóa hoàn toàn có thể chữa được nếu chúng ta phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ.
a. Để chẩn đoán các bệnh lý về đường tiêu hóa, hiện tại có một số phương pháp để thăm khám:
- Siêu âm: Đây là phương pháp có thể đánh giá được các tính chất, hình thái cơ quan gan, mật, tụy và là phương pháp đơn giản, hiệu quả, chi phí ít;
- Chụp X-quang, chụp CT ổ bụng có thuốc cản quang hoặc không có thuốc cản quang có thể đánh giá được các tình trạng loét hoặc khối u ở đường tiêu hóa;
- Xét nghiệm máu, xét nghiệm phân để đánh giá về các chức năng của cơ quan như: chức năng gan, tạo mật hay chức năng về tuyến tụy, chức năng chuyển hóa của cơ thể.
- Xét nghiệm marker ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư về mật-tụy;
- Đặc biệt, với tiêu hóa có phương pháp nội soi, đó là một phương tiện đầu tay để bác sĩ có thể chẩn đoán, cũng như tầm soát phát hiện sớm ung thư tạng rỗng đường tiêu hóa như: dạ dày, thực quản, ruột non, đại trực tràng.
Nội soi tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Với công nghệ hiện đại ngày càng phát triển và máy nội soi cũng được trang bị những phương tiện hiện đại và tiên tiến, các phương tiện nội soi có những cải tiến nhất định và đã cải tiến hơn so với các phương pháp ngày xưa rất là nhiều như hiện tại đã có:
- Nội soi dưới ánh sáng của dải tần hẹp;
- Nội soi phóng đại có thể chẩn đoán, phát hiện sớm các tổn thương viêm, loét đặc biệt là có thể chẩn đoán được các tổn thương về bệnh lý ác tính.
Bên cạnh đó, nội soi cũng có thể vừa có tác dụng để chẩn đoán ngoài ra, có thể can thiệp, sinh thiết những tổn thương bất thường đường tiêu hóa.
b. Nội soi có đau không?
Hiện nay, khách hàng hoàn toàn có thể loại bỏ cảm giác này bởi có một số phương pháp nội soi hiện đại hơn như:
- Nội soi gây mê, khách hàng hoàn toàn không có một cảm giác khó chịu nào. Bản chất của phương pháp này là khách hàng có thể ngủ sau khi khách hàng ngủ mới được tiến hành nội soi và các cảm giác khó chịu như kích thích, buồn nôn, đau bụng do co thắt sẽ không còn nữa.
- Nội soi viên nang: đây là phương pháp sử dụng một thiết bị có gắn camera. Bệnh nhân sẽ uống thiết bị đó do thiết bị đó có kích thước chỉ bằng một viên thuốc và không có khó chịu. Và phương pháp này sẽ khảo sát toàn bộ đường tiêu hóa. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có giá trị về chẩn đoán các bất thường về đường tiêu hóa ta chưa thể can thiệp ngay hay sinh thiết để chẩn đoán xác định thêm được.
Với sự tiến bộ của khoa học bây giờ thì khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm.
Câu hỏi: Thưa chuyên gia, cháu hay ăn không ngon, chán ăn, không có cảm giác đói, ợ hơi nhiều, thỉnh thoảng còn có cảm giác đẩy dịch lên họng hay có đờm. Cháu đi khám cách đây 1 năm đã được nội soi được kết luận là bị viêm niêm mạc dạ dày. Hiện tại cháu vẫn còn triệu chứng đó mặc dù cháu đã ăn nhiều rau uống nhiều nước không thức đêm không bỏ bữa. Xin chuyên gia tư vấn thêm giúp cháu cháu cần phải làm gì ạ? Ngoài đi nội soi cháu có thể thực hiện xn khác để biết kết quả không ạ? Vì cháu sợ nội soi. Cảm ơn chuyên gia
PGS.TS Trần Việt Tú:
1. Với những triệu chứng: đầy bụng, chậm tiêu, ăn không ngon, thỉnh thoảng hay ợ hơi ở đây bạn đã bị một bệnh gọi là hội chứng chậm tiêu cơ năng. Bệnh này có 2 nguyên nhân:
- Có thể do sự căng thẳng đây là nhóm bệnh cơ năng, tức là dạ dày co bóp không nhịp nhàng nên sự đóng mở của cơ thắt tâm vị không nhịp nhàng, làm cho hơi và dịch bị ứ đọng trong dạ dày;
- Có thể do vi khuẩn Helicobacter pylori gây nên.
Trước tiên, bạn nên đi nội soi để xác định.
2. Điều trị.
Phương pháp điều trị bệnh này không khó, không dễ nhưng điều trị rất tốt. Tuy nhiên, khi điều trị nếu như có vi khuẩn HP, chúng ta dùng kháng sinh để điều trị nhưng phải kết hợp một số thuốc để tác động vào quá trình vận động dạ dày và sẽ giải quyết rất tốt triệu chứng của bạn.
Câu hỏi: Nội soi gây mê có đau không bác sĩ?
BS Bùi Văn Long:
Nội soi gây mê hay nội soi không đau: Khách hàng sẽ không có cảm giác khó chịu bất kỳ nào cả.
Khách hàng sẽ được tiêm một chất tiền mê qua đường tĩnh mạch và ngủ trong khoảng từ 10 - 15 phút. Khi đã gây mê thành công, bác sỹ mới tiến hành nội soi do đó, khách hàng sẽ hoàn toàn không cảm thấy khó chịu. Sau khi kết thúc nội soi, khách hàng sẽ chuyển sang giai đoạn tỉnh mê, hoàn toàn tỉnh táo và hoạt động bình thường.
- Gây mê là một phương pháp rất tiên tiến. Các thuốc gây mê được chuyển hóa qua gan và đào thải qua thận nên hầu hết sẽ không ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Để làm được dịch vụ nội soi gây mê, khách hàng cần làm một số xét nghiệm cơ bản để bác sỹ gây mê có thể đánh giá chức năng sống hay chức năng gan, thận để điều chỉnh lượng thuốc gây mê phù hợp với từng bệnh nhân do đó bạn không cần quá lo lắng và có thể hoàn toàn yên tâm trong quá trình nội soi.
Câu hỏi: Cháu năm nay 23 tuổi. Cháu bị trào ngược và viêm dạ dày gần 3 năm rồi. Lúc đầu cháu không bị sụt cân. cân nặng ban đầu là 45kg nhưng giờ cháu bị sụt cân liên tục còn 40kg. Cháu uống rất nhiều thuốc tây và đông y nhưng vẫn không khỏi.thường xuyên buồn nôn và tức vùng thượng vị. cháu ăn kém và cảm giác hệ tiêu hoá của cháu ngày càng kém, ko tiêu hoá được và cũng không hấp thụ được. Giờ cháu sợ nhất là cân nặng của cháu còn 40kg, cháu cao 1m57. Cho cháu hỏi giờ cháu phải dùng thuốc gì hay dùng gì để hệ thống tiêu hoá cháu khá hơn và tăng cân trở lại.cân nặng hiện giờ của cháu ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và công việc của cháu.
PGS.TS Trần Việt Tú:
Bệnh của bạn có lẽ thuộc nhóm bệnh cơ năng. Bạn là một người rất nhạy cảm, rất hay bị lo âu do vậy, đầu tiên bạn thấy đầy bụng, chậm tiêu, hay ợ lên, sau đó, trong quá trình điều trị không đỡ và càng điều trị thì cảm giác bệnh lại càng nặng thêm và đặc biệt là bị sụt cân.
- Việc quan tâm đầu tiên là sụt cân, có rối loạn do đó bạn cần cảnh giác xem mình có tổn thương thực thể gì không? Bạn có chia sẻ rằng, bạn uống rất nhiều thuốc cả đông y và tây y, ai mách gì uống đấy thì đó là một cái sai của bạn. Việc này, bạn nên đi khám một cách nghiêm túc, gặp các chuyên gia về tiêu hóa để được tư vấn và lắng nghe lời khuyên, cách làm đúng để bạn có thể chẩn đoán ra bệnh.
Và hiện tại theo chúng tôi, bệnh của bạn không đến phải quá bi quan. Tốt nhất bạn nên bình tĩnh lại, đi khám một cách nghiêm túc, đúng nơi, đúng chỗ chứ không nên uống thuốc lung tung vì nhiều khi uống thuốc lung tung thậm chí lại có hại cho cơ thể.
Câu hỏi: Dấu hiệu nhận biết trẻ bị dung nạp lactose là gì ạ?
PGS.TS Trần Việt Tú:
Dấu hiệu nhận biết mất dung nạp lactose là cơ thể không sản xuất ra được enzym để tiêu hóa đường lactose.
Lactose hay có trong một số hoa quả, mật ong hoặc một số thức ăn khác thế nhưng không tiêu hóa được thì sẽ gây đầy bụng, đi lỏng.
Đối với mất dung nạp lactose có 2 cách điều trị:
- Trong chế độ ăn cần tránh những thức ăn có nhiều lactose, nên kiêng cho trẻ.
- Bổ sung thêm một số men tiêu lactose. Ví dụ như một số sản phẩm chiết xuất từ men tụy sẽ tốt hơn.
Câu hỏi: Em có xét nghiệm máu tầm soát ung thư ở MEDLATEC có chỉ số Pepsinogen I = 10, tỷ lệ I/II < 3. Nhưng đi nội soi ở Bạch Mai thì chỉ bị viêm nhẹ. Em đang thắc mắc sao chỉ số nhỏ thế? Muốn tăng lên thì phải làm sao ạ?
BS Bùi Văn Long:
Các dấu ấn về marker ung thư đặc biệt là Pepsinogen thường đặc hiệu trong 2 bệnh lý chính: viêm teo niêm mạc dạ dày và ung thư niêm mạc dạ dày.
Bản chất của Pepsinogen do tế bào thành niêm mạc dạ dày tiết ra. Khi bị viêm có thể làm giảm men Pepsinogen xuống.
Thông thường Pepsinogen có 2 loại: Pepsinogen I và Pepsinogen II. Người ta sẽ so sánh tỷ số Pepsinogen I/II. Chỉ số bình thường của tỷ số Pepsinogen I/II tùy các loại máy dao dộng khoảng > 7. Nhưng với tình trạng sánh tỷ số Pepsinogen I/II < 3 có khả năng bị bệnh lý viêm teo niêm mạc dạ dày hoặc ung thư niêm mạc dạ dày.
Bạn đã rất cẩn thận khi thấy chỉ số này bất thường và có làm thêm một số thăm dò chức năng khác để có thể chẩn đoán một cách chính xác nhất. Nếu trong quá trình nội soi nghi ngờ có bất thường khi đó sẽ tiến hành sinh thiết.
Hiện tại, bạn đã đi nội soi và được chẩn đoán, kết quả nội soi cũng phù hợp với một phần kết quả xét nghiệm là bạn đang bị viêm niêm mạch dạ dày. Để men này có thể tăng lên thì bạn cần hạn chế các tác nhân gây viêm niêm mạc dạ dày và cần điều trị dứt điểm bệnh viêm niêm mạc dạ dày.
Đồng thời chỉ số pepsinogen cũng gợi ý một phần về đường tiêu hóa, có thể bạn nên định kỳ nội soi da dày hàng năm 1 lần để phát hiện và tầm soát sớm các bệnh lý giúp bác sĩ đưa ra các phương án xử lý kịp thời.
Câu hỏi: BS cho cháu hỏi, cháu bị viêm dạ dày nhưng tình trạng không quá nghiêm trọng. Chỉ khi thức đêm, căng thẳng hoặc ăn uống không đều đặn thì mới bị đau. Bình thường chỉ hay ợ hơi. Như trường hợp của cháu thì có nên uống nước trái cây, detox thường xuyên không? Mấy ngày uống 1 lần và nên uống vào lúc nào trong ngày thì hợp lý ạ?
PGS.TS Trần Việt Tú:
Thực chất ra, với sự căng thẳng sẽ gây nên các triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa trong đó có cả dạ dày và đại tràng. Bạn nên điều chỉnh lại chế độ, có những phương pháp tập như: yoga, đây là phương pháp tập rất tốt giúp điều chỉnh nhóm bệnh chức năng rất tốt.
- Uống nước trái cây rất tốt, đặc biệt là phụ nữ giúp đẹp da, tăng cường sức đề kháng do đó bạn không cần hạn chế.
Câu hỏi: Hiện tại, thỉnh thoảng sau khi nôn, em có hiện tượng buồn nôn, nôn nao, nhất là su khi ăn những thứ có liên quan tới tỏi. Không có cảm giác đau hay ợ chua, chỉ có ợ hơi. Em có nên đi nội soi để kiểm tra không? Cần làm thêm những gì để kiểm tra bệnh này?
BS Bùi Văn Long:
Với câu hỏi của bạn, sau khi bạn ăn lo hoặc ăn những thực phẩm sinh hơi như tỏi thì có thể xảy ra những hiện tượng trào ngược dạ dày, thực quản. Về mặt lâm sàng sẽ xảy ra những hiện tượng như ợ hơi, ợ chua. Triệu chứng của bạn đã có ợ hơi rồi do đó, chúng tôi khuyên bạn cần đi nội soi. Mục đích của nội soi:
- Đánh giá nguyên nhân của trào ngược như: thoát vị;
- Đánh giá biến chứng của trào ngược có hay không: viêm thực quản trào ngược, loét do trào ngượ.
Bạn nên đến viện khám đẻ được bác sỹ tư vấn một cách cụ thể nhất để có phương pháp thăm dò và đưa ra phương án điều trị cụ thể cho bạn.
Câu hỏi: Xét nghiệm HP dương tính thì làm sao ạ?
BS Bùi Văn Long:
Theo các nghiên cứu mới nhất năm 2019 thì tỉ lệ HP ở người Việt Nam bị nhiễm là trên 80%. Điều này có nghĩa, cứ 10 người xung quanh chúng ta thì có tới 8 người bị nhiễm vi khuẩn HP và HP lây qua đường ăn uống nên khả năng lây từ người này sang người kia rất cao.
Trước đây, thông thường người nhiễm HP sẽ điều trị hết nhưng hiện tại, tỉ lệ kháng kháng sinh tương đối nhiều do việc sử dụng kháng sinh bừa bãi nên tỷ lệ HP kháng kháng sinh tương đối cao. Khi bị HP không phải trường hợp nào cũng cần điều trị, chỉ có một số trường hợp chuyên gia khuyến cáo chỉ định mới cần điều trị bao gồm:
- Hiện tại hoặc có tiền sử loét dạ dày tá tràng;
- Bị bệnh viêm teo niêm mạc dạ dày;
- U lympho man niêm mạc dạ dày;
- Chứng khó tiêu chức năng;
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày: bố mẹ, anh, chị, em ruột;
- Đã từng can thiệp bệnh lý về dạ dày: mẩu cắt dạ dày, cắt hớt niêm mạc dạ dày;
- Một số chỉ định khác: thiếu sắt, thiếu vitamin B12 không rõ nguyên nhân, hay sử dụng thuốc chống viêm kéo dài cũng nên điều trị HP.
KHUYẾN CÁO: Nếu bị vi khuẩn HP thì nên đến viện để bác sĩ tư vấn nên làm gì, có phải điều trị hay không, sẽ bớt cảm giác lo lắng. Khi đó triệu chứng bệnh lý dạ dày sẽ không còn giúp bạn thoải mái hơn trong cuộc sống.
Câu hỏi: Tôi bị polyp đại tràng, trực tràng kết quả sinh thiết như sau:
- Đại tràng: Bác sĩ kết luận là Adenoma tubuleux, loạn sản vừa.
- Trực tràng: Bác sĩ kết luận là: U tuyến ống, loạn sản nặng.
Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi thời gian tới phải làm thế nào, phải điều trị như thế nào ?
PGS.TS Trần Việt Tú:
Thực chất polyp là một cái u, một cục thịt thừa và chúng ta cần biết rằng, tỷ lệ polyp ung thư hóa là khoảng 80%. Ung thư đại trực tràng do polyp ung thư hóa là 80%. Như vậy, theo nguyên tắc, trong lòng ống tiêu hoá nói riêng và trong ống đại tràng nói chung, nếu có polyp thì chúng ta cần phải cắt bỏ nó.
Polyp ung thư hóa
Của bạn có một polyp ở đại tràng và một polyp ở trực tràng. Giai đoạn này vẫn là giai đoạn lành tính nhưng cần rất cảnh giác và đặc biệt, polyp trực tràng là loạn sản mức độ nặng, nguy cơ ung thư hóa rất cao do đó bây giờ cần cắt polyp và sau khi cắt xong cần định kỳ kiểm tra lại.
- Sau khi cắt xong 3 tháng sau cần nội soi và kiểm tra sinh thiết lại. Có thể polyp cắt chưa hết hoặc chân polyp vẫn còn mọc lại hoặc xung quanh hoặc các tế bào không lành vẫn tồn tại.
- Sau 3 tháng sau kiểm tra nếu không phát hiện gì bất thường cần tiếp tục kiểm tra lại sau 6 tháng.
Trong trường hợp của bạn không có gì đáng lo nhưng cũng không được phép chủ quan.
Câu hỏi: Cháu nghe nói BVĐK MEDLATEC có xét nghiệm vi khuẩn HP cả qua máu và qua hơi thở. nhưng cháu sợ đau ko muốn bị tiêm thì cho cháu hỏi XN HP qua hơi thở có chính xác ko? XN qua hơi thở và máu cái nào chuẩn hơn ạ?
BS Bùi Văn Long:
Ở những câu hỏi trước chúng tôi cũng đã có trả lời, vi khuẩn HP không có đáng ngại gì. Các phương pháp để kiểm tra HP chia làm 2 phương pháp:
- Xâm nhập: Phương pháp này có thể làm trong quá trình nội soi, yêu cầu bắt buộc khách hàng phải nội soi.
+ Test urea;
+ Sinh thiết;
+ Nuôi cấy mô bệnh học.
- Không xâm nhập: Phương pháp này đơn giản, không phức tạp, khách hàng không phải nội soi, không khó chịu:
+ Phương pháp tìm kháng thể trong máu;
+ Tìm kháng nguyên trong phân;
+ Test thở.
Về độ chính xác: Phương pháp tìm kháng nguyên trong phân và test HP hơi thở chính xác hơn xét nghiệm tìm kháng thể trong máu vì:
- Phương pháp tìm kháng nguyên trong phân và test HP hơi thở, có độ nhạy và độ đặc hiệu hay còn gọi là độ chính xác cao đạt > 95%.
- Xét nghiệm tìm kháng thể trong máu độ nhạy và độ đặc hiệu thấp hơn chỉ đạt khoảng 80%. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, việc tìm kháng thể trong máu sẽ không sử dụng trong trường hợp kiểm tra đánh giá sau điều trị HP bởi kháng thể HP ở trong máu có thể tồn tại trong vòng 18 tháng sau điều trị thành công.
Câu hỏi: Bác sĩ cho e hỏi 1 chút ạ. E bị táo bón lâu năm và hiện đang có em bé phải uống sắt nên càng bị nặng hơn.1 tuần có khi chỉ đi ngoài 1 lần, phân cứng và phải rặn rất đau. Sau khi sinh bé đầu e đã bị trĩ . Có thời gian lâu không đi ngoài được em bị đau bụng phía bên trái và phải ở dưới xương sườn và trên rốn. Em bị đau quặn từng cơn và khi nào em đi ngoài được mới hết đau. Phân lúc đó của e sệt, có mùi rất nặng do tích trong người lâu ngày và có màu sẫm . Vậy cho e hỏi có phải em bị đại tràng rồi không ạ. Cách phòng tránh và biện pháp điều trị. Em cảm ơn
PGS.TS Trần Việt Tú:
Trường hợp của bạn chúng tôi thấy rất ái ngại, vì bạn đang cho con bú mà 7 ngày mới đi ngoài. Ngoài nguyên nhân bạn nhiễm các chất độc do phân ứ đọng lâu ngày như ảnh hưởng đến thần kinh hay nhức đầu, cáu gắt, da mặt hay nổi mụn, thì em bé cũng có thể bị ảnh hưởng khi bú sữa mẹ.
1. Bạn cần xem lại về chế độ sinh hoạt của bạn.
- Thức ăn có nhiều rau, chất xơ hay không?
- Có uống nhiều nước không?
2. Cần đi khám để biết:
- Có bệnh lý bẩm sinh về đại tràng hay không? Ví dụ đại tràng to, đại tràng dài cũng có thể gây táo bón;
- Có bệnh thực thể không? Ví dụ như: bị polyp hay bị tổn thương.
3. Điều trị: Khi đã cải thiện chế độ ăn uống nhưng không đem lại kết quả khả quan thì khi đó bác sĩ sẽ chỉ định thuốc táo bón để giúp bạn có thể đi ngoài được.
Một việc mà chúng ta cần hết sức lưu ý: Không bao giờ được giữ phân trong người quá 2 ngày. Đến ngày thứ 3 đã là bị táo bón mà bạn đến 1 tuần bị táo bón thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bạn, thậm chí cả gia đình.
Câu hỏi: Thưa bác sĩ, tôi hay bị đau bụng vùng dưới rốn bên trái, đau thường âm ỉ thi thoảng có quặn lên từng cơn, và tôi còn bị tình trạng rối loạn tiêu hóa thường xuyên nữa. BS cho tôi hỏi tôi có thể bị bệnh gì và cháu nên thăm khám ở đâu ạ?
BS Bùi Văn Long:
Qua mô tả các triệu chứng của bạn như: đau bụng rưới rốn, đau quặn kèm theo tình trạng rối loạn tiêu hóa. Nhận định sơ bộ có thể nghĩ đến bạn đang bị hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là bệnh co thắt đại tràng – một trong những rối loạn chức năng của đường tiêu hóa do thần kinh gây ra.
Với cuộc sống, xã hội phát triển không ngừng thì các bệnh lý này ngày càng nhiều hơn và đây là cũng là bệnh lý mà nhiều người gặp phải. Để chẩn đoán chính xác hội chứng ruột kích thích thì bạn cần làm một số thăm dò chức năng nội soi, siêu âm để đánh giá các cơ quan về đường tiêu hóa, các cơ quan khác trong ổ bụng như hệ tiết niệu, sản phụ khoa.
Câu hỏi: Cháu bị viêm hang vị đã được 2 năm nay. Do tính chất công việc phải làm đêm và căng thẳng nên thường xuyên đau tức ở vùng thượng vị. BS cho hỏi, có cách nào để chữa dứt điểm căn bệnh này hay không ngoài việc thay đổi tính chất công việc? Cháu không bị HP.
PGS.TS Trần Việt Tú:
Viêm hang vị khi 100 người đi nội soi thì cả 100 người bác sĩ đều nói bị viêm hang vị dạ dày nhưng thực chất đây có phải là viêm hang vị hay không thì chúng ta cần xem bản chất của nó.
Đối với bạn, tôi nghĩ bạn bị hội chứng chậm tiêu cơ năng, rối loạn về chức năng dạ dày có liên quan đến cường độ công việc.
- Tất nhiên, để thay đổi công việc rất khó nhưng bạn cũng cần có sự điều tiết, không nên thức quá khuya;
- Dùng thuốc điều chỉnh lại nhu động dạ dày, những thuốc để điều trị nhóm bệnh chức năng;
- Tốt nhất, bạn nên đến khám để được bác sĩ tư vấn và xem xét tình hình cụ thể.
Tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC có những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tiêu hóa, nội soi, chẩn đoán ung thư, cùng với trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại như: Hệ thống máy nội soi hệ thống máy xét nghiệm tự động là một cơ sở uy tín để đảm bảo cho quá trình thực hiện thăm khám và chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa.
Thời gian làm việc tất cả các ngày trong tuần, khi có nhu cầu kiểm tra sức khỏe, khách hàng có thể đến 1 trong 3 cơ sở khám chữa bệnh tại Hà Nội để được phục vụ, gồm: 42 Nghĩa Dũng | 99 Trích Sài | số 3 Khuất Duy Tiến.
Mọi thông tin chi tiết, quý vị vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được giải đáp cụ thể.
Để theo dõi lại tạo đàm online, bạn vui lòng click vào link sau: https:/www.youtube.com/watch?v=dWfgImzqIqI&t=2482s Đồng thời, bạn đừng quên like, theo dõi fanpage BVĐK MEDLATEC, cũng như nhấn “theo dõi” fanpage và Youtube của BVĐK MEDLATEC để cập nhật những kiến thức y khoa hữu ích. Chuyên đề tiếp theo là “Tọa đàm online - Để ung thư không còn là án tử!” với Chuyên gia: PGS. TS. BSCKII ĐOÀN HỮU NGHỊ: Nguyên Giám đốc bệnh viện E, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K, Phó chủ tịch hội Ung thư Hà Nội và ThS.BS.Đỗ Đức Linh – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, chuyên Khoa Chẩn đoán hình ảnh. Chương trình được phát trực tiếp trên fanpage/Youtube BVĐK MEDLATEC, từ 20h-21h, thứ 5 tuần, ngày 21/5/2020. Mời quý vị đón xem! |
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!