Các tin tức tại MEDlatec

Trật khớp cổ tay: Hướng dẫn A-Z cách phục hồi nhanh chóng

Ngày 26/11/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Trật khớp cổ tay là một chấn thương phổ biến có thể xảy ra khi va chạm mạnh hoặc do các hoạt động thể thao, tai nạn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp tới bạn đọc thông tin về nguyên nhân gây ra tình trạng này và hướng dẫn chi tiết cách phục hồi nhanh chóng.

1. Trật khớp cổ tay do nguyên nhân nào? 

Tình trạng các xương trong khớp cổ tay bị lệch ra khỏi vị trí bình thường được gọi là trật khớp cổ tay. Tình trạng này làm mất sự ổn định và chức năng của khớp, gây đau đớn, sưng tấy và hạn chế khả năng vận động của cổ tay.

Trật khớp cổ tay là một trong những chấn thương phổ biến 

Trật khớp cổ tay thường xảy ra khi có tác động mạnh vào khu vực này. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Chấn thương do tai nạn: Ngã hoặc bị va chạm mạnh có thể khiến khớp cổ tay bị trật;
  • Hoạt động thể thao: Ở người chơi các môn thể thao đặc biệt cần dùng lực cổ tay mạnh như bóng rổ, quần vợt hay tập gym là nguyên nhân phổ biến gây trật khớp cổ tay.
  • Tiền sử chấn thương: Những chấn thương đã từng gặp ở cổ tay như viêm khớp, hội chứng ống cổ tay… khiến nguy cơ trật khớp cổ tay dễ tái phát;
  • Vi chấn thương: Các hoạt động lặp đi lặp lại hàng ngày lâu dần cũng gây ra trật khớp cổ tay;
  • Yếu tố bẩm sinh: Một số người có dây chằng yếu và lỏng lẻo, khiến cổ tay dễ bị tổn thương hơn so với những người khác.

Một số triệu chứng người bệnh có thể gặp phải khi bị trật khớp cổ tay bao gồm:

  • Đau mạnh vùng cổ tay;
  • Vùng cổ tay bị chấn thương xuất hiện tình trạng sưng, bầm tím;
  • Khó khăn hoặc không thể cử động cổ tay như bình thường hoặc không thể cầm nắm các vật nặng;
  • Trong trường hợp nặng, cổ tay có thể bị biến dạng hoặc nhìn thấy rõ vị trí các xương bị lệch;
  • Tê hoặc ngứa ran ở các ngón tay hoặc bàn tay (trong trường hợp dây thần kinh bị chèn ép). 

2. Phương án xử trí khi bị trật khớp cổ tay

Vậy khi bị trật khớp cổ tay cần phải xử lý như thế nào cho đúng cách? Dưới đây là những lưu ý quan trọng người bệnh cần nắm chắc khi không may bị trật khớp cổ tay: 

  • Người bệnh cần tạm ngừng tất cả các động tác liên quan đến cổ tay để tránh làm tình trạng chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn;
  • Có thể sử dụng túi chườm đá, chườm nhẹ nhàng lên chỗ bị trật khớp để giúp giảm đau và sưng tấy. Cần lưu ý khi thực hiện để tránh nguy cơ bỏng lạnh;
  • Nếu không có chuyên môn về y tế, người sơ cứu tuyệt đối không nên tự ý nắn chỉnh khớp đang bị lệch về vị trí ban đầu;
  • Để cố định cổ tay tạm thời trước khi đưa người bệnh đến bệnh viện bằng cách sử dụng một số dụng cụ như thanh gỗ, thước kẻ sau đó dùng gạc y tế hoặc khăn mềm quấn chặt quanh vùng cổ tay để giữ cố định khớp;
  • Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ tiến hành kiểm tra và điều trị kịp thời. 

Nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác tình trạng trật khớp cổ tay và có hướng điều trị kịp thời 

Nếu như trật khớp cổ tay không được xử lý đúng cách, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: 

  • Gãy xương: Thường xảy ra cùng với trật khớp;
  • Tổn thương mô mềm: Là nguyên nhân của tình trạng chảy máu và tụ máu quanh khớp;
  • Tổn thương mạch máu: Trật khớp có thể chèn ép động mạch, gây thiếu máu cục bộ ở bàn tay;
  • Tổn thương dây thần kinh: Căng giãn hoặc đứt là nguy cơ dây thần kinh có thể gặp phải, đặc biệt là trong trường hợp trật khớp hở;
  • Nhiễm trùng: Trật khớp hở hoặc phẫu thuật có thể gây nhiễm trùng, dẫn đến viêm xương;
  • Mất vững khớp và thoái hóa: Sai khớp cổ tay làm giảm chức năng của khớp và dễ dẫn đến thoái hóa khớp;
  • Cứng khớp: Nếu khớp không được bất động đúng cách, hoặc bất động quá lâu, có thể gây ra tình trạng cứng khớp, đặc biệt là ở người cao tuổi;
  • Trật khớp mạn tính: Nếu quá trình nắn chỉnh và cố định không đúng yêu cầu có thể gây ra tình trạng trật khớp mạn tính, dẫn tới nguy cơ thoái hóa khớp

3. Chẩn đoán và điều trị khi bị trật khớp cổ tay

Chẩn đoán trật khớp cổ tay

Để chẩn đoán tình trạng trật khớp cổ tay, bác sĩ thường sẽ chỉ định bệnh nhân chụp X – quang cổ tay để xác định vị trí và tình trạng của khớp bị trật. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá tổn thương của các mô mềm xung quanh khớp.

X-quang là phương pháp được ứng dụng hiệu quả trong chẩn đoán trật khớp cổ tay 

Điều trị trật khớp cổ tay

Tùy vào mức độ và vị trí của chấn thương, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm:

  • Nắn chỉnh khớp: Thường ưu tiên phương pháp nắn kín (không cần rạch da để bộc lộ các khớp cổ tay) để đưa xương bị lệch trở lại vị trí bình thường. Phẫu thuật đặt lại khớp cổ tay có thể được áp dụng nếu các phương pháp nắn chỉnh kín không có tác dụng. Mục đích của kỹ thuật này nhằm sắp xếp lại xương hoặc sửa chữa lại dây chằng bị rách;
  • Châm cứu và xoa bóp: Đây là các phương pháp hỗ trợ giúp giảm đau, giảm sưng và cải thiện lưu thông máu xung quanh khớp bị tổn thương;
  • Cố định: Sau khi nắn chỉnh khớp hoặc phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành cố định cổ tay bằng cách bó bột hoặc đeo nẹp để hạn chế vận động, giúp quá trình lành vết thương diễn ra nhanh chóng và hiệu quả;
  • Phục hồi chức năng: Sau khi tháo nẹp hoặc bó bột, người bệnh cần thực hiện các bài tập phục hồi chức năng để khôi phục sức mạnh và phạm vi chuyển động của cổ tay, giúp chức năng khớp trở lại bình thường.

Trên đây là toàn bộ thông tin cần biết và hướng xử trí nếu không may gặp chấn thương trật khớp cổ tay. Mọi câu hỏi thắc mắc cũng như nhu cầu thăm khám, điều trị tình trạng này, người dân hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.