Các tin tức tại MEDlatec

Trước khi xét nghiệm Rubella, bạn nên biết

Ngày 21/10/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Rubella không quá nguy hiểm với người bình thường nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho thai kỳ. Vì thế, xét nghiệm Rubella trước khi có ý định mang thai nhằm kiểm tra xem cơ thể mình có kháng thể với căn bệnh này hay chưa để chủ động tiêm phòng là hết sức cần thiết.

1. Tổng quan về bệnh Rubella

Rubella là bệnh truyền nhiễm gây nên bởi virus cùng tên. Virus này xâm nhập vào cơ thể sau đó cư trú trong cổ họng, ủ bệnh khoảng 12 - 23 ngày. Bệnh gây ra triệu chứng phát ban, sốt nhẹ, nổi hạch,… và toàn phát bệnh trong 4 - 6 ngày. Toàn bộ thời gian toàn phát kéo dài 1 - 2 tuần rồi bình phục.

Bệnh Rubella rất dễ lây từ người sang người thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn hay dịch nhầy từ cổ họng người bệnh bắn ra. Hầu hết trường hợp mắc bệnh khởi phát bằng phát ban đỏ trên mặt, cổ rồi lan khắp thân và chân tay trước sau đó biến mất.

Tổn thương dạng ban đỏ do virus Rubella gây ra trên da

Tuy với người bình thường, Rubella tương đối lành tính nhưng với thai kỳ nó lại tác động rất nguy hiểm. Ở 12 tuần đầu thai kỳ, nếu người mẹ bị phơi nhiễm Rubella thì >70 - 100% trẻ sinh ra bị Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não.

Các biến chứng dị tật của thai nhi có thể kể đến như: khi bà mẹ mang thai 3 tháng đầu bị bệnh Rubella thì dễ bị sảy thai hoặc thai chết lưu trong tử cung; nếu đẻ được thì thai thiếu cân, chậm lớn, chậm mọc răng và kèm theo các dị tật bẩm sinh như: đục nhân mắt (một hoặc hai bên); đục giác mạc; tim tiên thiên lỗ thông vách tim, còn ống động mạch, hẹp eo động mạch phổi; trẻ còn có thể bị câm, điếc, chậm phát triển trí tuệ.

2. Xét nghiệm Rubella - đối tượng và ý nghĩa

2.1. Ai nên làm xét nghiệm Rubella?

Thực hiện xét nghiệm Rubella là cách tốt nhất để biết cơ thể đã có kháng thể miễn dịch với Rubella chưa. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ có tư vấn phù hợp để phòng ngừa bệnh lý này.

- Phụ nữ chuẩn bị có thai

Trước khi có ý định mang thai nên xét nghiệm Rubella để xác định xem cơ thể đã có kháng thể với Rubella chưa. Nếu đã có kháng thể tức là quá trình mang thai, thai phụ sẽ không phải lo lắng về nguy cơ đối mặt với những vấn đề do virus này gây ra. Nếu chưa có kháng thể thì nên tiêm vắc xin để phòng bệnh, giúp cơ thể tạo ra kháng thể để ngăn chặn phơi nhiễm virus. Sau khi tiêm phòng 3 tháng là phụ nữ đã có thể mang thai bình thường.

- Mẹ bầu

Nếu trước khi mang thai mẹ bầu chưa từng tiêm phòng Rubella hoặc không nhớ đã từng bị Rubella chưa thì nên xét nghiệm Rubella vào khoảng tuần 7 - 12 của thai kỳ. Khi kết quả xét nghiệm âm tính thì mẹ bầu cần chủ động thực hiện biện pháp bảo hộ để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh trong thai kỳ. Khi kết quả xét nghiệm dương tính thì bác sĩ sẽ theo dõi để cân nhắc làm thêm xét nghiệm khác từ đó đưa ra tư vấn phù hợp.

Thai phụ nên làm xét nghiệm Rubella để có biện pháp bảo vệ thai kỳ

- Trẻ sơ sinh có khiếm khuyết

Hội chứng Rubella bẩm sinh là một trong các nguyên nhân gây ra khiếm khuyết sơ sinh. Vì thế, nếu phát hiện trẻ sơ sinh bị khiếm khuyết bẩm sinh thì cần xét nghiệm Rubella để chẩn đoán nguyên nhân và tìm được phương pháp điều trị thích hợp.

- Người có triệu chứng bệnh Rubella

Nếu có triệu chứng lâm sàng của Rubella thì cần xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh, tránh nhầm lẫn với bệnh lý khác. Dựa trên kết quả xét nghiệm mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

- Nhân viên y tế chưa tiêm phòng vắc xin Rubella

Đây là đối tượng có nguy cơ bị phơi nhiễm Rubella tương đối cao nên cần xét nghiệm Rubella để tiêm phòng tránh lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân.

Ngoài những đối tượng chính trên đây thì ai cũng nên làm xét nghiệm này để đánh giá khả năng miễn dịch và kịp thời tiêm phòng bệnh.

2.2. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm Rubella như thế nào?

Xét nghiệm Rubella được thực hiện bằng một mẫu máu nhỏ được lấy từ tĩnh mạch ở cánh tay hoặc cổ tay rồi đựng vào ống chuyên dụng và gửi đến phòng thí nghiệm để tìm kiếm sự hiện diện của kháng thể kháng virus Rubella. Kháng thể là protein do hệ thống miễn dịch tạo ra để chống lại tác nhân nhiễm trùng và phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh vào lần sau.

Rubella gồm hai kháng thể là IgM và IgG. Trong đó: kháng thể IgM xuất hiện trong máu sau khi tiếp xúc với virus và tồn tại khoảng 7 - 10 ngày với người lớn và khoảng một năm với trẻ sơ sinh. Kháng thể IgG tồn tại trong máu suốt cuộc đời. Sự có mặt của IgG trong kết quả xét nghiệm cho thấy người được xét nghiệm đã từng nhiễm Rubella hoặc đã được tiêm vacxin Rubella, nó sẽ giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng do virus này gây ra.

Mọi thắc mắc về kết quả xét nghiệm Rubella người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ chuyên khoa

Từng trường hợp kết quả xét nghiệm cụ thể như sau:

- Kết quả xét nghiệm IgG dương tính, IgM âm tính

+ Người được xét nghiệm đã có miễn dịch với virus Rubella và trong tương lai sẽ không bị phơi nhiễm với virus này.

+ Vì IgG dương tính cũng có nghĩa là thời gian nhiễm bệnh đã vào khoảng tối thiểu 10 tuần trước khi làm xét nghiệm nên riêng với thai phụ, sau 2 tuần cần phải làm lại xét nghiệm IgG. Nếu 2 tuần sau làm lại xét nghiệm kết quả không thay đổi thì chứng tỏ đã nhiễm bệnh trước đó thời gian lâu, trường hợp IgG tăng gấp 3 - 4 lần thì mới có nghĩa là bị nhiễm Rubella khi mang thai.

- Kết quả xét nghiệm IgG âm tính, IgM dương tính

IgM dương tính (> 1.1 IU/ml), IgG âm tính (< 7 kháng thể IgG/ml): có thể bị nhiễm Rubella nhưng cần xét nghiệm lại sau 2 tuần, nếu IgM vẫn dương tính và IgG tăng thì chắc chắn đã nhiễm Rubella; nếu kết quả xét nghiệm giống lần đầu thì IgM không đặc hiệu.

- Kết quả xét nghiệm IgG âm tính, IgM âm tính

+ Khi kết quả xét nghiệm Rubella có dưới 7 kháng thể IgG/Ml; IgG và < 0.9 kháng thể IgM tức là không miễn dịch với Rubella, có thể không bị nhiễm bệnh hoặc đang trong thời kỳ ủ bệnh.

+ Để đảm bảo tính chính xác của xét nghiệm cần làm lại xét nghiệm sau 3 tuần. - Kết quả xét nghiệm IgG dương tính, IgM dương tính

+ Nếu cả IgM và IgG đều dương tính tức là IgM không đặc hiệu hoặc đang bị Rubella nguyên phát, cần làm lại xét nghiệm sau 2 tuần để tìm ra nguyên nhân. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 cho thấy IgG dương tính, IgM âm tính với nồng độ tăng thì mới bị nhiễm Rubella. Nếu IgM dương tính thấp giống lần đầu, IgG dương tính không tăng nồng độ gấp đôi thì bị nhiễm Rubella thứ phát hoặc đang dương tính chéo với virus khác.

Những chia sẻ trên đây hy vọng đã giúp quý khách hàng hiểu được ý nghĩa của xét nghiệm Rubella và thấy được tầm quan trọng của việc thực hiện xét nghiệm này. Hệ thống Y tế MEDLATEC với Trung tâm Xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế qua hai chứng chỉ: CAP và ISO 15189:2012 là địa chỉ tin cậy để quý khách thực hiện xét nghiệm này. Quý khách có nhu cầu đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm Rubella tại nhà hãy gọi trực tiếp hotline 1900 56 56 56 để được xác nhận thời gian lấy mẫu nhanh chóng, tiện lợi..

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.