Các tin tức tại MEDlatec
Từ điển Y khoa: Sán lá gan là bệnh gì và nguy hiểm tới mức nào?
- 22/08/2022 | Ý nghĩa của các xét nghiệm theo dõi, chẩn đoán bệnh viêm gan B
- 18/08/2022 | Mách bạn một số loại nước làm mát gan, thải độc tố vô cùng hiệu quả
- 26/08/2022 | Viêm gan B lây nhiễm cao hơn HIV 100 lần - chuyên gia chia sẻ sự thật ít biết về lá gan
1. Tổng quan về sán lá gan
Sán lá gan là tên gọi của một loại ký sinh trùng gây bệnh cho cơ thể người. Có hai loại sán lá phổ biến đó là sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Chúng giống nhau về ngoại hình khi đều sở hữu đặc điểm thân dẹt, hình lá nhưng khác nhau về kích thước vì sán lá gan nhỏ thường nhỏ hơn rất nhiều so với loại sán lá gan lớn.
Sán lá gan lớn phân bố chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam, ngược lại ở miền Nam Việt Nam lại là “địa bàn” hoạt động chính của sán lá gan nhỏ.
Nơi mà sán lá gan lựa chọn để ký sinh là những đâu?
1.1. Sán lá gan nhỏ
Đối với sán lá gan nhỏ, chúng thường ký sinh trên cơ thể người và các loài động vật như hổ, chó, mèo, rái cá, chuột, báo, cáo, chồn,... Trứng của sán lá gan sẽ được bài tiết ra ngoài cơ thể theo phân, sau đó đi theo môi trường nước ngọt ở ao hồ, sông suối,... Khi trứng lơ lửng trong nước, một số loài ốc nước ngọt sẽ nuốt phải chúng. Lợi dụng môi trường bên trong cơ thể ốc, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi vỏ trứng tiếp tục phát triển theo vòng đời của mình - từ bào tử nang cho tới ấu trùng đuôi. Nó sẽ rời khỏi “ngôi nhà ốc” để xâm nhập qua da cá nước ngọt như cá lia thia, cá rô, cá diếc (những loại cá thuộc họ Cyprinidae). Tại nơi ở mới này, ấu trùng sẽ rụng đuôi và trở thành dạng hậu ấu trùng, ký sinh trong da và thịt của cá.
Sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn khác nhau chủ yếu ở kích thước
Người bị nhiễm sán lá gan thường là do uống nước lã chưa đun sôi, gan động vật bị bệnh mà chưa được nấu chín kỹ, ăn cá sống hoặc chưa chín (gỏi cá, tôm sống chấm nước tương, mù tạt,...), ăn rau mọc dưới nước còn sống mà chưa làm sạch kỹ (ngò om, xà lách xoong, rau muống nước,...), những thực phẩm này đều có nguy cơ cao chứa trứng hay ấu trùng của sán lá gan.
Sau khi chúng ta ăn thức ăn nhiễm sán, chúng sẽ đi xuống dạ dày, đến tá tràng rồi theo đường mật để len lỏi vào trong gan. Sán non khi đã tấn công vào mô gan sẽ tiếp tục phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng tại ống dẫn mật. Quá trình sán sinh trưởng trong cơ thể người chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng.
1.2. Sán lá gan lớn
Sán lá gan lớn khi trưởng thành sẽ sinh sống trong ống mật của nhóm động vật ăn cỏ như trâu, bò, sau đó chúng đẻ trứng. Những quả trứng này theo phân thải ra ngoài môi trường và sau khoảng 9 - 15 ngày, phôi bào phát triển thành ấu trùng lông.
Tương tự như sán lá gan nhỏ, ở ngoài thiên nhiên sán lá gan lớn cũng ưa thích môi trường nước khi ở đây ấu trùng lông tơ có thể rũ bỏ trứng rồi thâm nhập vào cơ thể loài ốc Lymnaea. Sau khi trải qua các giai đoạn phát triển, tới hình dạng ấu trùng đuôi nó sẽ ra khỏi ốc và bám vào cây thủy sinh, trở thành hậu ấu trùng rụng đuôi.
Khi các loài động vật ăn cỏ hoặc con người ăn phải rau thủy sinh này, ấu trùng sẽ đi vào ruột non và biến thành sán non. Nó sẽ chui qua vách ruột, phúc mạc, đi vào gan và sinh sống tại các ống mật. Cũng có khi nó lọt cả vào mạch máu và theo hệ tuần hoàn đi nhầm tới mắt, phổi hoặc mô dưới da.
2. Bệnh sán lá gan gây ra những triệu chứng như thế nào?
Nếu bị nhiễm sán lá gan nhỏ thì nhiều khi bệnh nhân sẽ không bộc lộ dấu hiệu rõ ràng, thường chỉ tình cờ phát hiện ra khi thực hiện xét nghiệm phân. Nếu số lượng sán lá gan trong cơ thể lên đến hơn 100 con thì biểu hiện sẽ rõ rệt hơn theo các giai đoạn như sau:
-
Thời kỳ khởi phát: bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy xen lẫn với táo bón, nôn mửa, chán ăn, có trường hợp bị nổi mẩn kèm theo triệu chứng tăng bạch cầu ái toan;
-
Thời kỳ toàn phát: đau bụng sụt cân, nghiêm trọng hơn là gan to và cứng, sưng đau ống dẫn mật, ứ đọng và tắc mật, vàng da. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị thiếu máu, xơ gan, tăng huyết áp tĩnh mạch cửa, suy kiệt dần rồi tử vong. Nếu sán lạc tới ống tụy còn gây viêm ống tụy.
Ăn đồ tươi sống chưa qua chế biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh sán lá gan
Đối với những ca bị nhiễm sán lá gan lớn:
-
Giai đoạn khởi phát: kéo dài trong khoảng 2 -3 tháng khi sán non xâm nhập vào mô gan và tìm đường tới ống mật. Bệnh nhân sẽ trải qua các triệu chứng nhiễm độc như sốt nhẹ, nhức đầu, tiêu chảy, mệt mỏi, đau ở vị trí vùng hạ sườn phải. Khi khám sẽ quan sát thấy gan to, chạm vào thấy đau, bạch cầu ái toan tăng 70 - 80%;
-
Giai đoạn toàn phát: lúc này sán đã phát triển thành sán trưởng thành, cư trú trong ống mật, gây ra những biểu hiện bao gồm: gau to và đau, viêm ống mật cấp, táo bón và tiêu chảy, sốt kèm ớn lạnh, dị ứng, vàng da, rối loạn chức năng tiết mật, thể trạng suy yếu. Bệnh kéo dài trong nhiều năm nhưng hiếm khi tiến triển thành xơ gan.
Khi bệnh nhân nhận thấy bản thân xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng bất thường như đau bụng âm ỉ vùng hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa và thường có thói quen ăn đồ sống hay chưa được nấu chín kỹ thì hãy đi khám ngay, tránh để biến chứng nghiêm trọng xảy ra gây khó khăn cho việc điều trị.
3. Phương pháp điều trị và phòng ngừa nguy cơ mắc sán lá gan
Dựa trên từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp. Cụ thể: nếu bệnh đang ở thể nhẹ thì sẽ điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên nếu bệnh bước sang giai đoạn nặng như đã xuất hiện các ổ áp xe gan thì bên cạnh việc dùng thuốc tiêu diệt sán lá gan, bệnh nhân cần nhập viện để theo dõi. Trong trường hợp bội nhiễm vi trùng thì cần sử dụng thêm kháng sinh hoặc chọc dò để dẫn lưu mủ ra ngoài.
Nhìn chung, để phòng ngừa nguy cơ nhiễm sán lá gan, mỗi người cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
-
Luôn ăn chín uống sôi, vệ sinh sạch sẽ thực phẩm trước khi chế biến;
-
Trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cũng cần rửa tay kỹ lưỡng bằng xà phòng diệt khuẩn;
-
Không phóng uế bừa bãi;
-
Quản lý tốt và dọn dẹp sạch sẽ phân chuồng của thú cưng,vật nuôi trong nhà;
-
Tránh ăn các loại rau sống mọc dưới nước, rau mọc hoang dại mà không rửa lại kỹ;
-
Nếu gia đình chăn thả gia súc, gia cầm thì nên tách biệt ra khỏi khu vực trồng rau.
Ở giai đoạn toàn phát sán lá gan, người bệnh sẽ có biểu hiện rõ rệt hơn
Tóm lại, sán lá gan là một bệnh lý có mức độ nguy hiểm cao, nguy cơ gây tử vong lớn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách. Chính vì vậy, người bệnh nên sớm từ bỏ sở thích ăn đồ sống, đồ tái và luôn phải để ý các dấu hiệu bất thường nghi ngờ mắc sán lá gan để được điều trị kịp thời.
Nếu bạn còn nhiều thắc mắc cần được giải đáp, hãy liên hệ ngay với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!