Các tin tức tại MEDlatec

Tư thế nằm cho bà bầu trong 3 tháng đầu như thế nào mới tốt?

Ngày 03/11/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Thời kỳ đầu mang thai ngoài việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng mà mẹ bầu cũng cần chú ý hơn về việc nghỉ ngơi. Trong đó có tư thế nằm cho bà bầu trong 3 tháng đầu. Mặc dù vào thời gian này kích thước thai nhi còn khá nhỏ nhưng tư thế nằm như thế nào cũng rất trọng, có thể ảnh hưởng tới mẹ và bé trong suốt thời kỳ mang thai.

1. Tư thế nằm cho bà bầu trong 3 tháng đầu

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể mẹ bầu có khá nhiều thay đổi. Trong 3 tháng đầu, mặc dù bạn không nhận thấy sự biến chuyển rõ rệt về bên ngoài nhưng bên trong cơ thể dần thay đổi để nuôi dưỡng bào thai. Vì thế, mỗi tư thế nằm sẽ ảnh hưởng nhất định tới mẹ và bé.

Nằm nghiêng sang trái

Trong 3 tháng đầu mang thai, bạn có thể nằm bất kỳ tư thế nào miễn là bạn cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho những tháng kế tiếp, bạn nên tập nằm nghiêng sang một bên để dần thích nghi. Đặc biệt là nằm nghiêng sang trái, đây được xem là tư thế phù hợp nhất trong kỳ tam cá nguyệt thứ nhất và tốt cho cả quá trình mang thai.

Nói tư thế này tốt cho bà bầu vì nó giúp cải thiện lưu thông máu, hạn chế áp lực của tử cung lên các tĩnh mạch và các cơ quan trong cơ thể. Từ đó, việc vận chuyển máu và các chất dinh dưỡng cần thiết đến thai nhi dễ dàng hơn.

Nằm nghiêng sang trái là tư thế phù hợp nhất đối với mẹ bầu

Nếu bạn tập thói quen nằm nghiêng sang trái ở thời kỳ đầu thì ở những tháng sau của thai kỳ bạn sẽ dần quen với điều đó. Vì thế sẽ hạn chế được tình trạng mẹ bầu khó chịu và bị mất ngủ. Tuy nhiên, điều này không bắt buộc nếu bạn thấy không thoải mái. Thay vào đó, bạn có thể bắt đầu thói quen này ở kỳ tam cá nguyệt thứ hai cũng được.

Nằm ngửa

Ngoài nằm nghiêng sang trái thì nằm ngửa cũng là tư thế nằm cho bà bầu trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, tư thế này không tốt cho bà bầu ở 2 kỳ tam cá nguyệt sau.

Giải thích cho điều này là do ở kỳ tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3, bụng dần ra, thói quen nằm ngửa sẽ khiến áp lực lên các mạch máu, cột sống tăng lên khiến lưu thông máu từ phần dưới cơ thể đến tim bị ảnh hưởng. Không chỉ thế, điều này còn khiến bà bầu thường xuyên cảm thấy đau lưng, tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ,...

Vì thế, bạn có thể lựa chọn một tư thế vừa thoải mái lại không ảnh hưởng đến mẹ và bé là tư thê hơi ngả người dựa vào tường và có gối chèn sau lưng. Điều này có lợi cho việc hạn chế tình trạng ợ nóng ở mẹ bầu.

Nằm sấp hoặc nằm gục xuống bàn

Đây là tư thế mà mẹ bầu cần tránh trong ba tháng đầu nói riêng và cả thai kỳ nói chung. Bởi tư thế này gây ra nhiều tác hại cho mẹ bầu như căng cơ cổ, đau lưng,...

Khi thai nhi dần lớn lên, việc mẹ bầu nằm sấp có thể ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu của mẹ bầu cũng như truyền máu đến thai nhi. Đây là nguyên nhân khiến mẹ bầu thường xuyên cảm thấy đau đầu, chóng mặt. Do vậy, trong thời gian nghỉ trưa, nếu chợp mắt mẹ nên ngửa lưng ra ghế để nghỉ ngơi không nên nằm gục xuống bàn.

Chị em không nên nằm sấp khi mang thai

2. Những lưu ý cần thiết khác

Ngoài việc tìm hiểu tư thế nằm cho bà bầu trong 3 tháng đầu, bà bầu cũng cần chú ý đến những vấn đề khác để hạn chế tác hại có thể ảnh hưởng đến mẹ và bé trong 3 tháng đầu mang thai.

Không nhuộm tóc, sơn móng tay

Nhuộm tóc, sơn móng tay là sở thích của nhiều chị em. Tuy nhiên điều này lại gây ra nhiều tác hại cho mẹ bầu. Bởi trong những loại sản phẩm này có chứa nhiều loại hóa chất độc hại. Vì thế, để bé được phát triển tốt ngay trong những tháng đầu mẹ tuyệt đối không nên sử dụng những thứ này.

Hạn chế đi giày cao gót

Vì sở thích hoặc do tính chất công việc mà trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu nhiều chị em vẫn đi giày cao gót thường xuyên. điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn tăng nguy cơ té ngã, gây sảy thai. Vì thế, mẹ bầu nên hạn chế đi giày cao gót, thay vào đó hãy mang những đôi giày có độ cao vừa phải.

Tuyệt đối không hút thuốc lá

Như chúng ta đã biết, trong thuốc lá có chứa hơn 4.000 chất độc hóa học, đây là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Đối với mẹ bầu, nếu có thói quen hút thuốc là hãy từ bỏ ngay bây giờ để hạn chế các nguy cơ cho thai nhi như dị tật bẩm sinh, sinh non, chậm phát triển,...

Hút thuốc mang lại nhiều tác hại cho mẹ và bé

Không đứng, ngồi quá lâu

Đứng hay ngồi trong thời gian dài có thể khiến mẹ bầu dễ bị đau đầu gối và phù chân hơn. Vì thế, hãy chú ý thay đổi tư thế để hạn chế tình trạng này. Ngoài ra, trong khi làm việc bà bầu nên hạn chế ngồi vắt chéo chân để đảm bảo quá trình lưu thông máu.

Hạn chế làm việc quá sức, vận động mạnh

Trong khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, mẹ bầu không được tham gia các hoạt động thể chất có tính chất khá mạnh hoặc làm việc quá sức. Vì thế, đối với những việc nặng bạn nên nhờ người thân giúp đỡ đồng thời cần sắp xếp các công việc một cách hợp lý và hiệu quả.

Không tắm với nước quá nóng

Tắm nước nóng tưởng chừng là điều bình thường và không hề gây ra tác hại nào. Tuy nhiên, đối với mẹ bầu, tắm nước quá nóng có thể làm tăng thân nhiệt ảnh hưởng đến thai nhi. Cụ thể, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, các cơ quan của thai nhi đang được hình thành và phát triển, vì thế việc tăng thân nhiệt có thể gây ra các dị tật.

Không nên tắm nước quá nóng khi mang thai

Mặc dù trong 3 tháng đầu thai nhi còn khá nhỏ nhưng tư thế nằm của mẹ sẽ ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của bé. Vì thế, việc có một tư thế nằm phù hợp là điều cần thiết cũng như là tiền đề hỗ trợ mẹ bầu trong những tháng tiếp theo của thai kỳ.

Trên đây là những thông tin liên quan đến tư thế nằm cho bà bầu trong 3 tháng đầu. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe trong thời gian mang thai, hoặc có nhu cầu đặt lịch khám thai tại MEDLATEC, quý khách vui lòng liên hệ 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.