Các tin tức tại MEDlatec

U phổi ác tính là gì? Có điều trị được không?

Ngày 11/01/2023
U phổi ác tính hay ung thư phổi nằm trong nhóm những bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao và con số này ngày càng có xu hướng gia tăng, trong đó Việt Nam là quốc gia có số người bị ung thư phổi khá cao trong khu vực. 

1. Tổng quan về bệnh u phổi ác tính

U phổi ác tính hay còn được biết đến là bệnh ung thư phổi, xảy ra khi trong phổi có khối u ác tính hình thành và tiến triển. Theo thời gian khối u này sẽ gia tăng nhanh chóng về kích thước, sau đó nó sẽ xâm lấn và lan sang các tổ chức mô lân cận.

Có 2 loại u phổi ác tính đó là ung thư phổi tế bào nhỏ và không phải tế bào nhỏ với những đặc điểm cụ thể như sau:

1.1. Ung thư phổi tế bào nhỏ

Ung thư phổi tế bào nhỏ phần lớn xuất hiện và phát triển ở những bệnh nhân bị nghiện thuốc lá nặng.

Bệnh được chia thành 4 giai đoạn tiến triển tương ứng với mức độ phát triển và di căn của khối u:

  • Giai đoạn 1: tế bào ung thư mới chỉ khu trú tại phổi và chưa lan ra khỏi phạm vi của phổi;

  • Giai đoạn 2: tế bào đã bắt đầu chèn ép và xâm lấn các hạch bạch huyết xung quanh nó;

  • Giai đoạn 3:

  • Giai đoạn 3A: khối u ác tính xâm nhập đến các hạch bạch huyết nhưng mới phát triển ở bên ngực khởi phát ung thư;

  • Giai đoạn 3B: lá phổi đối diện cũng đã bắt đầu xuất hiện các tế bào ung thư, thậm chí chúng còn lan sang các hạch bạch huyết xa hơn vị trí ban đầu, cụ thể là trên xương đòn.

  • Giai đoạn 4: còn gọi là ung thư phổi giai đoạn cuối, khi mà khối u đã gây bệnh bao trùm cả phổi, các tổ chức xung quanh và cả những cơ quan ở xa.

Phân loại ung thư phổi

1.2. Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ

Loại này chiếm đa phần các trường hợp bị ung thư phổi (80 - 85%). Đây là thuật ngữ được dùng để chỉ các bệnh u phổi ác tính bao ung thư biểu mô tế bào lớn, biểu mô tuyến và biểu mô tế bào vảy.

Không giống như ung thư phổi tế bào nhỏ, bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ thường sẽ trải qua 2 giai đoạn phát triển chính như sau:

  • Giai đoạn hạn chế: là khi tế bào ung thư mới chỉ gây ảnh hưởng tới một bên phổi và các hạch bạch huyết cùng bên nơi khối u ác tính khởi phát;

  • Giai đoạn mở rộng: khối u lan ra hết một lá phổi, gây bệnh cho lá phổi bên cạnh, di căn tới các hạch bạch huyết ở lá phổi đối diện, xâm nhập vào tủy xương và cơ quan khác ngoài phổi.

2. Triệu chứng khi bệnh nhân bị u phổi ác tính

Mặc dù phân thành 2 loại u phổi ác tính riêng biệt nhưng triệu chứng lâm sàng của 2 loại này lại tương đồng nhau. Biểu hiện chung ban đầu thường là: hụt hơi, khàn tiếng, ho lâu ngày không khỏi (kèm đờm, ho ra máu), thở khò khè, đau ngực (nhất là khi ho, cười hoặc thở sâu), chán ăn, sụt cân, mệt mỏi, suy nhược cơ thể,...

Khi bệnh nhen nhóm ở giai đoạn đầu, bệnh nhân dễ bị tái phát tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp ví dụ như viêm phổi hoặc viêm phế quản. Càng tiến triển sang giai đoạn nặng, triệu chứng của bệnh sẽ càng biểu hiện rõ ràng hơn tùy thuộc vào vị trí mà khối u di căn đến:

  • Hạch bạch huyết: bệnh nhân nổi nhiều u cục ở xương đòn và ở cổ;

  • Gan: vàng mắt, vàng da;

  • Thực quản: khó nuốt;

  • Não và cột sống: chóng mặt, nhức đầu, tê bì chân tay và thường xuyên bị mất thăng bằng;

  • Xương: hay bị đau xương, đặc biệt là vùng xương sườn, hông hoặc ở lưng;

  • Đỉnh phổi: khối u chèn vào các dây thần kinh mặt dẫn tới hội chứng Horner với các biểu hiện như sụp mí mắt, hẹp đồng tử, đau nhức vai, không đổ mồ hôi ở một bên mặt,... Trong trường hợp khối u chèn lên tĩnh mạch lớn có chức năng luân chuyển máu nuôi dưỡng tim, não và cánh tay thì sẽ gây nên các triệu chứng như sưng cổ, mặt, ngực, cánh tay,...;

  • Biểu hiện toàn thân: tế bào ung thư tiết ra một loại hormone làm xuất hiện hội chứng paraneoplastic khiến cơ thể có các triệu chứng như: buồn nôn và nôn, yếu cơ, huyết áp cao, cơ thể giữ nước, co giật, lú lẫn, đường huyết cao, huyết áp tăng, hôn mê,...

3. U phổi ác tính là do đâu gây nên?

Nguyên nhân hàng đầu là tăng nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư phổi là khói thuốc lá và ô nhiễm môi trường. Dưới đây là những căn nguyên điển hình dẫn đến sự hình thành của khối u phổi ác tính:

  • Thuốc lá: theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa kỳ (CDC), thường xuyên hút thuốc lá (cả chủ động lẫn thụ động) là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi. Những hóa chất chứa trong khói thuốc lá có thể khiến mô phổi gặp tổn thương. Mặc dù mô phổi có thể tự chữa lành những thương tổn này nhưng nếu người bệnh cứ tiếp tục hút thuốc hoặc sống trong môi trường tràn ngập khói thuốc thì sẽ làm suy giảm và tê liệt chức năng tự chữa lành của nhu mô phổi. Từ đó khiến cho phổi hoạt động bất thường và hình thành nên các khối u ác tính;

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi

  • Tiếp xúc với các loại khí và hóa chất độc hại khác: khi hít phải các chất độc hại trong thời gian dài sẽ gây xơ hóa và ung thư phổi. Các hóa chất đó có thể là thạch tín, amiang, cadimi, niken, radon, crom, uranium,... Trong đó radon là một loại khí phóng xạ có trong tự nhiên vô cùng nguy hiểm;

  • Xạ trị: nếu bệnh nhân đã từng xạ trị vùng ngực để điều trị loại ung thư khác thì rất có thể người đó sẽ gặp phải biến chứng hình thành khối u ác tính ở phổi;

  • Biến đổi gen: khi yếu tố này kết hợp với thói quen nghiện thuốc lá và tiếp xúc với hóa chất độc hại khác thì nguy cơ ung thư sẽ càng cao.

4. Chẩn đoán và điều trị u phổi ác tính

4.1. Chẩn đoán u phổi ác tính

Sau khi cơ thể gặp các dấu hiệu bất thường tại đường hô hấp thì hãy đi khám sớm để phát hiện và điều trị bệnh. Sau khi tiến hành thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện những biện pháp chẩn đoán sau:

  • Xét nghiệm đờm: nếu bệnh nhân ho có đờm thì cần lấy mẫu đờm soi dưới kính hiển vi để tìm kiếm sự hiện diện của tế bào ung thư;

  • Chẩn đoán hình ảnh: công nghệ chụp X-quang, CT, MRI và PET có thể giúp quan sát hình ảnh khối u ở phổi một cách dễ dàng;

  • Sinh thiết: giúp phân loại xem khối u là lành tính hay ác tính thông qua một trong các cách như:

  • Nội soi trung thất: trước khi thực hiện bệnh nhân cần được gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ sẽ rạch ra một đường nhỏ trên ngực bệnh nhân và đưa một dụng cụ để lấy mẫu từ hạch bạch huyết;

  • Nội soi phế quản: bác sĩ dùng một ống soi mềm để đưa qua miệng hoặc qua mũi. Ống soi này sẽ đi qua họng vào đến phổi và ghi lại hình ảnh cấu trúc bên trong cơ quan này;

  • Sinh thiết kim phổi: sau khi đã xác định được vị trí của khối u thông qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ dùng một cây kim sinh thiết xuyên qua thành ngực để thu mẫu từ khối u tại phổi.

Những cơ quan thường bị ung thư phổi giai đoạn cuối tìm đến

Trong trường hợp kết quả nhận được sau phân tích mẫu mô là dương tính với tế bào ung thư thì bệnh nhân cần thực hiện thêm các chẩn đoán khẳng định khác như siêu âm ổ bụng, chụp xương,... để kiểm tra xem liệu rằng ung thư đã tiến sang giai đoạn di căn hay chưa,...

4.2. Điều trị u phổi ác tính bằng phương pháp nào?

Phụ thuộc vào từng giai đoạn ung thư phổi không tế bào nhỏ, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn biện pháp điều trị tối ưu nhất:

  • Giai đoạn 1: phẫu thuật loại bỏ phần phổi bị ung thư làm ảnh hưởng, kết hợp với hóa trị liệu đề phòng nguy cơ bệnh tái phát;

  • Giai đoạn 2: phẫu thuật vẫn được áp dụng để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ lá phổi bị ảnh hưởng, sau đó bệnh nhân cần phải điều trị kết hợp với hóa trị;

  • Giai đoạn 3: kết hợp 3 phương pháp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị;

  • Giai đoạn 4: không thể loại bỏ khối u đã di căn. Biện pháp điều trị lúc này chỉ là kiểm soát triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Trong trường hợp bệnh nhân bị ung thư phổi tế bào nhỏ thì biện pháp thường được chỉ định là xạ trị và hóa trị bởi vì thời điểm phát hiện khối u thường là khi nó đã quá lớn nên phẫu thuật sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trên đây là tổng hợp những thông tin cơ bản bạn cần biết về bệnh u phổi ác tính. Nhìn chung đây là bệnh lý có độ ác tính cao, khó phát hiện trong thời gian đầu nên mỗi người hãy chủ động đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm để sớm phát hiện bệnh.

Nếu bạn đang có nhu cầu được tư vấn về u phổi ác tính hoặc các bệnh lý khác tại phổi, hãy liên hệ ngay đến MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để tư vấn viên hỗ trợ bạn đặt lịch khám cùng các bác sĩ tại Chuyên khoa Hô hấp của MEDLATEC ngay hôm nay.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.