Các tin tức tại MEDlatec

Ung thư hạch không Hodgkin có nguy hiểm không?

Ngày 18/11/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Ung thư hạch không Hodgkin là một trong những bệnh lý rất nguy hiểm với tỷ lệ gây tử vong khá cao. Chính vì thế, hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều rất lo lắng và mong muốn được nhanh chóng điều trị để có thể kéo dài tuổi thọ. Bên cạnh đó, một số bạn đọc cũng muốn tìm hiểu về các triệu chứng, cách phòng ngừa bệnh để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và hạn chế nguy cơ mắc bệnh. 

1. Ung thư hạch không Hodgkin là bệnh gì?

Ung thư hạch không Hodgkin còn được gọi U Lympho không Hodgkin, là một căn bệnh ung thư phát sinh từ hệ bạch huyết. Trong đó, hệ bạch huyết lại có chức năng phòng chống bệnh tật lan truyền từ một vị trí sang nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Các khối u của bệnh lý này hình thành từ loại bạch cầu (hay còn gọi là tế bào máu) có tên là lympho. Loại tế bào này thường tồn tại trong hệ thống miễn dịch, hạch bạch huyết hoặc lá lách.

Ung thư hạch không Hodgkin là dạng bệnh gì?

Môi trường tồn tại của lympho trong cơ thể giúp tế bào này có thể tấn công và hình thành bệnh ở bất kì vị trí nào hoặc lan truyền sang nhiều bộ phận khác. Đồng thời, bệnh U Lympho không Hodgkin cũng được phân chia thành nhiều loại nhưng thể phổ biến nhất là ung thư hạch nang hoặc tế bào lympho bị khuếch tán. Mặc dù, U Lympho không Hodgkin là bệnh lý không thể chữa trị dứt điểm nhưng vẫn có khả năng kiểm soát, ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư và nâng cao tuổi thọ.

Có rất nhiều bệnh nhân cảm thấy bi quan và tuyệt vọng khi mắc phải bệnh ung thư. Tuy nhiên, những trường hợp phát hiện bệnh kịp thời, tình trạng bệnh chưa chuyển biến phức tạp, tâm lý bệnh nhân ổn định thì việc điều trị sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Theo chia sẻ của các bác sĩ, số lượng bệnh nhân có khả năng hồi phục sức khỏe tốt hơn nhờ phối hợp điều trị lên đến 75%.

2. Các nguyên nhân gây bệnh

Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân gây bệnh ung thư hạch không Hodgkin vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, theo một vài nghiên cứu cho thấy, bệnh lý này chủ yếu phát sinh do sự suy giảm của chức năng của hệ thống miễn dịch. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể sản xuất một số lượng lớn tế bào bạch cầu lympho bất thường và gây ra bệnh.

Theo tính chất hình thành và phát triển, tế bào lympho hoàn toàn không bị chết và luôn phát triển, phân chia để tăng thêm số lượng. Đồng thời, căn bệnh ung thư này có thể xuất phát từ bên trong của các tế bào như:

Bệnh xuất phát từ tình trạng u lympho nang

  • Nhóm tế bào B: phần lớn các trường hợp bệnh nhân bị U Lympho không Hodgkin đều xuất phát từ nhóm tế nào này. Thực tế, tế bào B có chức năng chống lại những nguy cơ nhiễm trùng dựa trên sự sản sinh những kháng thể có khả năng vô hiệu hóa những tấn công từ bên ngoài. Một số loại phụ u có liên quan đến tế bào B mà bệnh nhân thường gặp gồm: u lympho nang, u lympho Burkitt, u lympho loại tế bào lớp vỏ,...

  • Nhóm tế bào T: số lượng bệnh nhân bị u lympho không Hodgkin phát sinh từ tế bào T thường chiếm tỷ lệ thấp hơn. Những loại phụ u có mối liên quan với nhóm tế bào này bao gồm: u Lympho ở da do tế bào T hay u Lympho tế bào T thể ngoại vi.

3. Các triệu chứng nhận biết bệnh

Việc tìm hiểu chi tiết về các biểu hiện nhận diện bệnh giúp mọi người dễ dàng phát hiện và thăm khám để điều trị kịp thời. Mặt khác, những triệu chứng ở bệnh nhân mắc bệnh ung thư hạch không Hodgkin thường mang tính chất nhẹ nên phần lớn mọi người thường có tâm lý ỷ lại. Khi bệnh tiến triển nặng và gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe thì việc điều trị cũng không còn đạt được hiệu quả như ý muốn. Chính vì thế, các bạn cần lưu ý một số triệu chứng sau đây để phát hiện bệnh sớm:

  • Hạch bạch huyết có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên, phần lớn chúng thường tập trung ở những bộ phận như cổ, bẹn hoặc nách. Ở giai đoạn đầu, các hạch này chỉ sưng nhẹ và hoàn toàn không gây đau nhức hay bất kì cảm giác khó chịu nào.

Xuất hiện hạch ở cổ và có biểu hiện sưng nhẹ

  • Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy đau bụng hoặc bụng có cảm giác sưng nếu xuất hiện hạch ở ổ bụng.

  • Khi bệnh ngày một tiến triển nặng hơn, bạn thường cảm thấy đau ở ngực kèm theo triệu chứng ho và gây khó thở.

  • Cơ thể thường rơi vào tình trạng mệt mỏi.

  • Đôi khi xuất hiện những cơn sốt.

  • Về đêm thường ra nhiều mồ hôi.

  • Tình trạng sụt cân không tìm được nguyên nhân.

Bệnh nhân sụt cân nhưng không xác định được lý do

Các triệu chứng của U Lympho không Hodgkin thường rất đa dạng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Do đó, khi nhận diện bệnh, mọi người cần kết hợp nhiều biểu hiện bất thường trên cơ thể. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên đến bệnh viện hoặc một cơ sở y tế uy tín nào đó để được thăm khám, chẩn đoán bệnh cụ thể.

4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh

Mặc dù, ung thư hạch không Hodgkin có thể chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu đặc trưng của bệnh nhưng thực tế không phải bệnh nhân nào cũng xuất hiện đầy đủ các triệu chứng. Để nâng cao tính chính xác trong chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm một số phương pháp khác. Với sự đa dạng về phương pháp và cơ sở chẩn đoán, các bác sĩ cũng dễ dàng nhận diện tình trạng của bệnh nhân và đề ra phác đồ điều trị thích hợp. Cụ thể như:

  • Bệnh nhân có tiền sử gia đình hoặc bản thân từng mắc một số bệnh ung thư hạch bạch huyết.

  • Kiểm tra sức khỏe: nhằm phát hiện những triệu chứng như hạch bị to hoặc sưng bất thường ở cổ, thượng đòn, nách, bẹn đồng thời kiểm tra, đánh giá tình trạng màu ngoại vi và 1 số chức năng khác như gan, thận và lách.

Thực hiện kiểm tra nước tiểu để phát hiện bệnh

  • Thực hiện một số xét nghiệm như kiểm tra nước tiểu, xét nghiệm máu để loại trừ một số bệnh lý khác hoặc tình trạng nhiễm trùng.

  • Chẩn đoán hình ảnh: bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh như chụp MRI, chụp X - quang, chụp cắt lớp hoặc CT. Phương pháp này hỗ trợ bác sĩ trong việc tìm kiếm và kiểm tra các khối u tồn tại trong cơ thể.

  • Kiểm tra hạch bạch huyết: bằng cách sinh thiết hạch để tiến hành xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ tầm soát khả năng mắc bệnh ở bệnh nhân. Chẳng hạn như bệnh nhân có mắc bệnh hay không, nếu có thì xác định loại u nào.

  • Thực hiện xét nghiệm phần tủy xương: việc tiến hành lấy sinh thiết hoặc chọc hút phần tủy xương giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện bệnh. Phương pháp này thường sử dụng một cây kim chèn vào phần xương hông nhằm lấy một mẫu tủy xương. Đồng thời, mẫu tủy xương này cũng được mang đi kiểm tra và phân tích để tìm kiếm sự tồn tại của các tế bào gây bệnh U Lympho không Hodgkin.

5. Các giai đoạn tiến triển của bệnh

Cũng giống như các bệnh lý khác, ung thư hạch không Hodgkin cũng tiến triển qua nhiều giai đoạn khác nhau. Đồng thời, ở từng giai đoạn đều có những biểu hiện đặc trưng, cụ thể như:

  • Ở giai đoạn I: tình trạng ung thư thường phát triển trong phạm vi trong một vùng hạch bạch huyết hay kể cả một số vị trí gần đó.

  • Ở giai đoạn II: các khối u thường xuất hiện tập trung ở 2 vùng bạch huyết. Một số trường hợp nặng hơn, tình trạng ung thư có thể xâm lấn sang các hạch bạch huyết hoặc những cơ quan lân cận. Tuy nhiên, phạm vi ung thư ở giai đoạn này vẫn còn giới hạn tại một bộ phận nào đó nằm ở dưới hoặc trên cơ hoành.

Các khối u lan rộng và xâm lấn vào lá lách

  • Giai đoạn III: đặc trưng với tình trạng ung thư ngày một lan rộng và có thể xuất hiện ở lá lách hoặc nhiều hạch bạch huyết nằm trên cơ hoành.

  • Giai đoạn IV - giai đoạn cuối: tế bào ung thư ngày một xâm lấn sang nhiều bộ phận khác như gan, xương, phổi và gây tổn thương, phá hủy chúng.

Ung thư hạch không Hodgkin là một bệnh lý có mức độ nguy hiểm rất cao và hoàn toàn có thể cướp đi tính mạng người bệnh. Chính vì thế, các bạn không thể thờ ơ khi nhận thấy có thể xuất hiện một số triệu chứng bất thường hoặc mang mầm mống của bệnh. Ngoài ra, việc chủ động phòng tránh bệnh cũng góp phần giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Từ khoá: hạch ung thư hạch

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.