Các tin tức tại MEDlatec

Ung thư tuyến tụy: Mức độ nguy hiểm và hướng điều trị

Ngày 07/07/2025
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Ung thư tuyến tụy là một căn bệnh nguy hiểm, thường khó phát hiện sớm và có tiên lượng khá xấu. Việc hiểu rõ về bệnh, các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu nhận biết là vô cùng quan trọng để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời.

1. Ung thư tuyến tụy là gì?

Ung thư tuyến tụy xảy ra khi các tế bào bên trong tuyến tụy phát triển mất kiểm soát, tạo thành khối u bất thường. Tuy hiếm gặp nhưng ung thư tụy rất nguy hiểm. Bệnh lý này rất khó phát hiện sớm, việc điều trị gặp nhiều thử thách và tỉ lệ tử vong cao. 

Phần lớn bệnh nhân sau phẫu thuật chỉ có thể sống thêm khoảng 2 đến 3 năm. Đáng lo ngại hơn, khả năng bệnh tái phát sau phẫu thuật cũng tương đối cao. Nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn cuối và không thể phẫu thuật, hầu hết bệnh nhân thường không sống quá một năm kể từ khi được chẩn đoán.

Ung thư tuyến tụy rất nguy hiểm và khó phát hiện

Carcinom tuyến tụy là dạng ung thư tụy có xác suất cao, thường xuất phát từ tuyến ngoại tiết. Đây là loại ung thư tuyến tụy có khả năng xâm lấn và di căn nhanh chóng. Thường thì, khi bệnh được chẩn đoán, khối u hầu như đã lan rộng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

2. Những yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng rủi ro mắc bệnh như:

  • Người hút thuốc lá nhiều. 
  • Uống nhiều bia rượu.
  • Người cao tuổi.
  • Tỷ lệ bị Ung thư tuyến tụy ở đàn ông cao hơn so với phụ nữ. 
  • Người bị viêm tụy mạn tính do lạm dụng rượu bia hoặc sỏi mật.
  • Bệnh nhân tiểu đường. 
  • Người ăn nhiều dầu mỡ, các chất béo xấu, đường,... 
  • Tiền sử bệnh lý gia đình, có người mắc ung thư tụy. 

Thói quen hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư tụy

3. Biểu hiện nhận biết bệnh lý

Ung thư tuyến tụy có thể nhận biết thông qua nhiều dấu hiệu khác nhau nhưng không rõ ràng và dễ bị nhầm với các bệnh khác. Đây cũng là lý do vì sao bệnh thường được phát hiện khi đã đến giai đoạn muộn. Những biểu hiện đó là:

  • Đau bụng và cơn đau dần lan rộng về phía sau lưng. 
  • Da và phần lòng trắng của mắt bị chuyển vàng. 
  • Giảm cân đột ngột mà không rõ lý do, thường đi kèm với cảm giác chán ăn và đầy hơi, chướng bụng.
  • Đi ngoài ra phân có thể lỏng, màu sẫm hơn bình thường hoặc nổi váng mỡ trên mặt nước.
  • Có thể cảm thấy ngứa ở vùng da lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. 
  • Có cảm giác buồn nôn và nôn nhiều.
  • Túi mật phình to do khối u chèn ép lên đường mật, thường được phát hiện khi đi khám sức khỏe. 
  • Nước tiểu màu đậm hơn thông thường. 
  • Cơ thể bị suy nhược, mệt mỏi kéo dài và nguy hiểm hơn là có dấu hiệu trầm cảm.

Bệnh nhân bị suy nhược, thường xuyên mệt mỏi

4. Chẩn đoán bệnh lý như thế nào?

Dựa vào tiền sử bệnh lý, khám lâm sàng cùng với các triệu chứng mà bệnh nhân chia sẻ, bác sĩ có thể đưa ra những dự đoán ban đầu về bệnh. Nếu khối u đủ lớn, bác sĩ có thể sờ thấy trong quá trình khám bụng. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để đưa ra kết luận chính xác hơn.

4.1. Xét nghiệm máu

Người bệnh sẽ được chỉ định xét nghiệm máu CA 19-9 cũng như các xét nghiệm dấu ấn ung thư khác. Kháng nguyên CA 19-9 là một chất được sản sinh từ khối ung thư. Mức độ của hoạt chất này thường tăng cao trong khoảng 80% với những trường hợp bị ung thư. Xét nghiệm này giúp đánh giá nguy cơ, đồng thời cũng được thực hiện định kỳ trong quá trình điều trị bệnh nhằm theo dõi đáp ứng điều trị. 

Việc theo dõi nồng độ CA 19-9 ở trong máu sẽ giúp bác sĩ đánh giá được hiệu quả của phương pháp chữa trị. Cần lưu ý rằng, CA 19-9 không phải là loại xét nghiệm đặc hiệu chỉ dành riêng cho ung thư tụy. Bởi lẽ, một số bệnh lý khác cũng có thể khiến cho mức độ của hoạt chất này tăng cao. Ngược lại, nếu mức CA 19-9 vẫn ở mức bình thường, điều đó cũng không thể đảm bảo rằng cơ thể không có tế bào ung thư hoặc ung thư không tái phát.

4.2. Chẩn đoán hình ảnh

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh được chỉ định là: 

  • Siêu âm bụng: Thông qua hình ảnh siêu âm có thể thấy được khối u ở tụy, bệnh nhân cần chụp CT scan để có thông tin chi tiết hơn.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Có thể xác định được vị trí của cả những khối u nhỏ mà siêu âm không thể phát hiện. Hơn nữa, CT scan còn cho biết khối u này đã di căn chưa và mối liên hệ với các mạch máu cũng như những cơ quan lân cận khác. Đây là nguồn thông tin cực kỳ quan trọng cho việc lên kế hoạch cho việc điều trị. 

Nhiều biện pháp chẩn đoán được kết hợp khi người bệnh thăm khám

4.3. Sinh thiết

Khi nhận thấy sự hiện diện của khối u, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết. Phương pháp này giúp lấy mẫu mô và phân tích dưới kính hiển vi (giải phẫu bệnh), nhằm xác định chính xác loại ung thư. Có một số phương pháp sinh thiết được áp dụng như:

  • Sinh thiết qua da.
  • Nội soi sinh thiết .
  • Siêu âm nội soi (EUS). 

5. Phương pháp điều trị bệnh ung thư tuyến tụy

Việc điều trị ung thư tuyến tụy còn tùy thuộc vào mức độ di căn của khối u. Bệnh có nhiều cách phân loại, thông thường có các giai đoạn:

  • Khu trú tại chỗ: các tế bào ung thư được tìm thấy nằm trong tổ chức tế bào nguyên phát.
  • Khu trú trong tuyến tụy: các tế bào ung thư đã phát triển đến các tổ chức khác trong tuyến tụy nhưng chưa vượt quá bao tụy.
  • Phát triển ngoài tuyến tụy: các tế bào ung thư có thể đã xâm lấn đến hạch bạch huyết vùng, ống mật hoặc các mô quanh tụy.
  • Di căn: Khối u đã xâm lấn đến các cơ quan gần tụy như động mạch thân tạng, động mạch mạch treo tràng trên.
  • Di căn xa: Tế bào ung thư di căn đến các cơ quan xa tuyến tụy như gan, phổi, não hoặc xương. 

Người bệnh ung thư tụy thường chịu nhiều đau đớn vì bị các khối u chèn ép. Mục tiêu điều trị chính là giảm đau, giảm tình trạng khó chịu. Vì đa số bệnh nhân được chẩn đoán muộn, nên quá trình điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Những hướng điều trị chính gồm có:

  • Phẫu thuật: Dù thường không chữa khỏi hoàn toàn ở giai đoạn cuối, phẫu thuật vẫn giúp giảm đau, cải thiện triệu chứng và chất lượng sống. Tỉ lệ sống sót sau 5 năm khi khối u được cắt bỏ hoàn toàn là 20 - 30%.
  • Xạ trị: Dùng tia năng lượng cao để triệt tiêu những tế bào ung thư hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng. Phương pháp này thường được dùng để giảm đau hoặc ngừa tái phát, có thể kết hợp điều trị chung với hóa trị.
  • Hóa trị: Phương pháp chính điều trị ung thư tụy, đặc biệt ở giai đoạn tiến triển hoặc di căn. Hóa trị giúp bệnh nhân kéo dài sự sống, giảm đau và hạn chế một số triệu chứng ở giai đoạn cuối.
  • Nút mạch: Ngăn chặn máu nuôi khối u để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Phẫu thuật lạnh: Dùng nitơ lỏng hoặc carbon dioxide lỏng để đông lạnh và tiêu diệt tế bào ung thư.

Phương pháp điều trị được chỉ định cho từng trường hợp cụ thể

Ung thư tuyến tụy là một thách thức lớn đối với ngành y. Nắm vững thông tin về bệnh, từ định nghĩa, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, đến các phương pháp chẩn đoán và điều trị, sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Để đảm bảo sức khỏe, bạn hãy đi thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC. Nếu có nhu cầu thăm khám, Quý khách vui lòng liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.