Các tin tức tại MEDlatec
Vai trò của siêu âm trong đánh giá các bệnh lý tuyến nước bọt
1. Kỹ thuật
Đầu dò phẳng (linear) tần số cao được sử dụng để đánh giá các tuyến nước bọt. Thông thường sử dụng đầu dò tần số 5-12 Mhz. Toàn bộ tuyến nước bọt và các tổn thương phải được đánh giá tối thiểu trên hai mặt phẳng, ngoài ra cần thiết phải khảo sát toàn bộ vùng cổ để kiểm tra các nhóm hạch bạch huyết và các bất thường liên quan.
2. Giải phẫu
- Tuyến nước bọt mang tai: là tuyến nước bọt lớn nhất, nằm dưới ống tai ngoài. Tuyến có hình tháp với 3 mặt, 3 bờ và 2 cực
- Mặt ngoài: da và mạc nông che phủ, mặt này nằm nông nên khi tuyến bị viêm sưng trông thấy rõ
- Mặt trước: áp vào bờ sau ngành lên của xương hàm dưới và cơ cắn, cơ chân bướm và dây chằng chân bướm hàm.
- Mặt sau: liên quan với mỏm chũm, giáp với bờ trước cơ ức đòn chũm, mỏm trâm và các cơ trâm, bụng sau cơ hai bụng, động mạch cảnh ngoài, thần kinh mặt.
Ống tuyến chính (ống Stenon) có chiều dài thay đổi khoảng 3-5cm, đường định hướng của ống là đường kẻ từ bình nhĩ đến giữa đường nối cánh mũi và mép.
Nhu mô tuyến nước bọt mang tai bình thường đồng nhất trên siêu âm, sáng hơn so với các cấu trúc lân cận. Trong tuyến có thể có các hạch bạch huyết nằm chủ yếu ở cực trên và cực dưới của tuyến. Thông thường các hạch có hình bầu dục, tỷ lệ trục ngắn : trục dài thường lớn hơn 0.5, trục ngắn không lớn hơn 5-6mm ở trạng thái bình thường.
Giải phẫu các tuyến nước bọt chính
- Tuyến nước bọt dưới hàm: là tuyến nước bọt lớn thứ hai, nằm trong tam giác dưới hàm ở mặt trong xương hàm dưới.
Ống tuyến dưới hàm hay ống Wharton thoát ra ở mặt trong mỏm sâu của tuyến, dài 5cm, chạy ra trước lên trên bắt chéo dây thần kinh lưỡi, rồi lách giữa cơ hàm móng và tuyến dưới lưỡi đổ vào nền miệng.
- Tuyến dưới lưỡi: là tuyến nhỏ nhất trong 3 đôi tuyến nước bọt chính, nằm giữa các cơ sàn miệng. Bờ trên của tuyến đội niêm mạc lên thành nếp dưới lưỡi và có các ống tiết của tuyến đổ vào. Bờ dưới của tuyến tựa vào cơ hàm móng.
3. Các tổn thương thường gặp
Bệnh lý viêm là tổn thương phổ biến nhất ảnh hướng đến các tuyến nước bọt chính
- Viêm cấp tính: Viêm cấp tính gây sưng đau các tuyến nước bọt, thường gặp hai bên. Ở trẻ em, thường gặp nguyên nhân do virus, đặc biệt là virus quai bị và cytomegalovirus. Nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn thường do tụ cầu vàng hoặc các vi khuẩn đường miệng gây ra.
Trong viêm cấp tính, các tuyến nước bọt hồi âm không đồng nhất, có thể có nhiều hạch tăng kích thước, tăng sinh mạch trên siêu âm Doppler.
- Áp xe: Ổ áp xe có thể xảy ra trong quá trình viêm cấp, trên hình ảnh siêu âm, ổ áp xe biểu hiện là tổn thương giảm âm với đường viền không rõ ràng, trung tâm có vùng dịch hóa, vô mạch, được xác định bằng chuyển động dịch, dịch hồi âm không đều. Siêu âm còn được sử dụng để chọc hút dịch.
- Viêm mạn tính: Viêm tuyến nước bọt mạn tính có đặc điểm là sưng tuyến không liên tục. Trên hình ảnh siêu âm thấy tuyến nước bọt hồi âm không đồng nhất, kích thước có thể bình thường hoặc giảm, không tăng sinh mạch trên siêu âm Doppler.
- Hạch bạch huyết trong tuyến: Trong tình trạng viêm cấp hoặc mạn tính, các hạch bạch huyết có thể sưng to, tuy nhiên cấu trúc hạch vẫn không thay đổi, có thể thấy các mạch máu trong rốn hạch, tình trạng tưới máu rốn hạch tăng lên thường gặp trong viêm cấp.
- Sỏi tuyến nước bọt: Sỏi tuyến nước bọt gặp chủ yếu ở tuyến nước bọt dưới hàm, tuyến nước bọt mang tai gặp trong khoảng 10-20% trường hợp. Xquang thông thường hạn chế đánh giá sỏi nhỏ, chụp cắt lớp vi tính đánh giá tốt sỏi nhưng hạn chế về vị trí cũng như cấu trúc các ống tuyến. Cộng hưởng từ cho kết quả tối ưu về tổn thương sỏi tuyến nước bọt. Siêu âm là phương pháp không xâm lấn, sẵn có, được ưu tiên sử dụng trong các trường hợp nghi ngờ sỏi trên lâm sàng. Đặc điểm sỏi trên siêu âm là các hình sáng (tăng âm) kèm bóng cản, khi gây tắc nghẽn sẽ kèm theo hình ảnh giãn ống tuyến nước bọt.
Trường hợp sỏi ống tuyến nước bọt dưới hàm trái phát hiện tại bệnh viện MEDLATEC
6. U lành tính: Thường gặp nhất là u đa hình tuyến nước bọt, chủ yếu gặp ở tuyến nước bọt mang tai. Chúng phát triển chậm và thường không có triệu chứng. U đa hình có thể chuyển dạng ác tính sau nhiều năm tồn tại. Trên siêu âm được thể hiện bằng khối giảm âm, ranh giới rõ, có thuỳ, có tăng cường âm phía sau, có thể có vôi hoá.
Trường hợp u đa hình tuyến nước bọt mang tai phải phát hiện tại bệnh viện MEDLATEC
7. U ác tính: Các tổn thương khu trú ở tuyến nước bọt phụ và tuyến dưới hàm có tỷ lệ ác tính cao hơn so với các tuyến còn lại, các khối u ác tính thường phát triển nhanh, có thể gây đau và gây tổn thương dây thần kinh mặt. Đặc điểm trên siêu âm thường cũng tương tự khối u ác tính ở các cơ quan khác như hình thái bất thường, bờ và ranh giới không rõ, giảm âm không đồng nhất, tuy nhiên cũng có nhiều khối u ác tính không có các đặc điểm thường gặp như trên.
8. Chấn thương: Các chấn thương tuyến nước bọt thường xảy ra ở tuyến mang tai, do các tuyến các được nhiều cấu trúc giải phẫu bảo vệ. Chấn thương có thể gây tụ máu, tụ dịch ở trong tuyến hoặc mô mềm xung quanh, có thể gây tổn thương thần kinh mặt hoặc ống Stenon, các tổn thương này nên được đánh giá trên cộng hưởng từ.
4. Kết luận
Siêu âm là phương pháp có giá trị để chẩn đoán các bệnh về tuyến nước bọt, nó giúp xác định hoặc loại trừ sự hiện diện của khối u, bên cạnh đó trong nhiều trường hợp siêu âm còn giúp định hướng nhiều bệnh lý tiềm ẩn.MEDLATEC là cơ sở y tế lâu năm, có đội ngũ chuyên gia hàng đầu, đặc biệt có nhiều kinh nghiệm trong siêu âm nó chung và siêu âm đường tiêu hoá nói riêng, đặc biệt có hệ thống máy siêu âm hiện đại hàng đầu thế giới, chắc chắn sẽ mang đến dịch vụ siêu âm đường tiêu hoá với chất lượng tốt nhất.Mọi thắc mắc có thể liên hệ số hotline tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!