Các tin tức tại MEDlatec

Vận động tinh là gì? Những mốc phát triển vận động tinh ở trẻ

Ngày 06/02/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Trong hành trình chăm sóc và nuôi dạy con, hẳn các ba mẹ đã nghe đến những thuật ngữ như vận động thô, vận động tinh. Đây chính là các kỹ năng mà con thực hiện được qua từng giai đoạn phát triển. Bài viết hôm nay, hãy cùng tìm hiểu vận động tinh là gì và 3 điều cần biết về kỹ năng vận động này.

1. Vận động tinh là gì?

Kỹ năng vận động của trẻ em được chia thành 2 dạng là vận động thô và vận động tinh. Vậy vận động tinh là gì? Đây chính là các hoạt động của trẻ đòi hỏi phải sử dụng nhịp nhàng và khéo léo các nhóm cơ nhỏ ở mắt, bàn tay, ngón tay,… Và thông qua kỹ năng vận động tinh của trẻ, ba mẹ có thể biết được con mình có phát triển tốt hay không, hoặc có bất thường nào cần được thăm khám, theo dõi và điều trị hay không.

Vận động tinh đòi hỏi bé sử dụng và kết hợp mắt với tay linh hoạt

2. Các mốc phát triển vận động tinh

Kỹ năng vận động tinh của trẻ sẽ dần phát triển theo thời gian. Nghĩa là bé càng lớn, càng được tiếp xúc với mọi người và mọi thứ xung quanh thì khả năng vận động tinh càng linh hoạt. Dưới đây là các mốc phát triển vận động tinh ở trẻ.

  • 2 tháng tuổi: Trẻ nắm mở bàn tay và nắm chặt một vật nhỏ được đặt trong tay.
  • 2 - 4 tháng tuổi: Trẻ đưa tay lên miệng, với lấy đồ tay trước mặt, giữ đồ vật được đặt trong tay. 
  • 8 tháng tuổi: Trẻ chắp 2 tay lại với nhau, đưa cả 2 tay ra với lấy đồ chơi, lấy một vật ra khỏi cốc, nắm giữ một vật trong thời gian ngắn.
  • 10 - 12 tháng tuổi: Chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia, đưa đồ vật lên miệng, nắm hay véo đồ vật bằng ngón cái hoặc trỏ, lấy đồ vật theo yêu cầu của người lớn, dùng tay khuấy thìa thức ăn.
  • 1 - 2 tuổi: Xếp lego, xếp hình, vỗ tay, vẫy tay tạm biệt, nắm bút chì hay bút màu vẽ nguệch ngoạc.
  • 2 - 3 tuổi: Lật từng trang sách, chỉ tay vào hình ảnh trong sách, cầm bút tô màu, cầm bàn chải đánh răng, tự mặc áo khoác.
  • 3 - 4 tuổi: Tự ăn uống, tự vẽ tranh, mở cốc nước, đổ nước từ chai sang cốc, xỏ hạt vào sợi dây.
  • 4 - 5 tuổi: Dùng kéo cắt giấy, cầm bút viết chữ (tên mình), tự mặc áo quần, tự chùi rửa sau khi đi vệ sinh.
  • 5 - 6 tuổi: Tự tắm và mặc quần áo, tự mang giày và cột dây giày, vẽ tranh theo tưởng tượng hoặc theo bức tranh có sẵn, viết được câu ngắn và làm phép tính đơn giản. 

Bé càng lớn, kỹ năng vận động tinh càng phát triển

3. Cách giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động tinh

Không chỉ quan tâm vận động tinh là gì, nhiều ba mẹ còn không biết nên làm gì để giúp con phát triển các kỹ năng vận động tinh. Nhìn chung có rất nhiều cách, có thể kể đến như:

Vẽ tranh

Từ 1 tuổi, bé đã có thể dùng bút để vẽ những nét nguệch ngoạc. Ba mẹ hãy chuẩn bị giấy bút và cho bé vẽ thoải mái. Khi bé lớn hơn, có thể hướng dẫn con cách cầm bút sao cho đúng và từ từ dạy con những nét vẽ cơ bản, sau đó là vẽ phức tạp hơn và cuối cùng là đến cách tô màu. Có thể nói, vẽ tranh vừa giúp bé phát triển kỹ năng vận động tinh, vừa kích thích tư duy sáng tạo của bé cũng như giúp ba mẹ phát hiện được sở thích, sở trường của con. 

Chơi đất nặn

Hầu như bé nào cũng thích trò chơi đất nặn, vì vậy, ba mẹ hãy cùng con chơi trò nặn đất thành những hình thù, con vật khác nhau. Trong quá trình nặn đất, bé sẽ dùng tay của mình để kéo, vo, bóp, vuốt, tạo hình, nhờ đó, đôi tay trở nên linh hoạt. Lưu ý, nên chọn những loại đất nặn an toàn và sau khi chơi, hướng dẫn trẻ rửa tay sạch sẽ.

Chơi đất nặn là một trong những cách để trẻ phát triển vận động tinh

Gấp, cắt và dán giấy

Để phát triển kỹ năng vận động tinh của trẻ, ba mẹ hãy cho con tham gia các hoạt động thủ công như gấp, cắt và dán giấy. Những hoạt động này giúp bé sử dụng linh hoạt các ngón tay, biết cách dùng kéo và keo dán, đồng thời, phát triển sự sáng tạo. Đặc biệt, đối với bé gái, cắt giấy làm thiệp, làm bông hoa hay làm quần áo cho búp bê sẽ khiến bé thích mê.

Chơi xếp hình, rút gỗ

Đây cũng là cách giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động tinh. Những trò chơi xếp hình hay rút gỗ đòi hỏi bé phải dùng đôi mắt để quan sát thật kỹ từng chi tiết, sau đó dùng đôi tay của mình để sắp xếp các chi tiết thành hình đúng yêu cầu (xếp hình) hoặc rút thanh gỗ sao cho tháp gỗ không bị ngã đổ (rút gỗ). Ba mẹ hãy tham gia cùng con để con cảm thấy thích thú và phấn khích hơn.

Tự phục vụ bản thân

Từ 3 - 4 tuổi, bé đã có thể tự ăn; từ 4 - 5 tuổi, tự mặc quần áo; từ 5 - 6 tuổi, tự tắm rửa vệ sinh cùng nhiều khả năng khác như đánh răng, cột dây giày, phụ ba mẹ xếp quần áo, dọn dẹp nhà cửa, đọc chữ, làm toán,… Ba mẹ nên cố gắng hướng dẫn và để con tự làm những công việc này thay vì làm giúp bé. 

Khi bé tự phục vụ bản thân một cách thành thạo, bé sẽ cảm thấy tự tin, không lo lắng hay sợ hãi, nhất là khi ra ngoài (đi học, đi chơi, tham gia ngoại khóa ở trường lớp) mà không có ba mẹ theo cùng. Ngược lại, khi bé thiếu các kỹ năng cơ bản này, bé sẽ trở nên nhút nhát, khó hòa nhập, ỷ lại hoặc phụ thuộc vào ba mẹ.

Ba mẹ hãy để bé tự biết cách phục vụ bản thân

Trên đây là 3 điều giúp ba mẹ giải đáp vận động tinh là gì và những vấn đề liên quan. Nhìn chung, nuôi dạy con là cả hành trình dài đòi hỏi ba mẹ phải kiên trì, nhẫn nại, thậm chí không ngừng học hỏi và tiếp thu những kiến thức mới. Điều này giúp ba mẹ biết được con đang phát triển như thế nào và làm sao để con phát triển tốt nhất.

Trường hợp nhận thấy hoặc nghi ngờ con có bất thường, cần chủ động cho bé đi khám sớm. Hãy lựa chọn khám tại chuyên khoa Nhi của những cơ sở y tế uy tín.

Để đặt lịch khám cho bé tại Chuyên khoa Nhi - Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56.

Từ khoá: vận động tinh

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.