Các tin tức tại MEDlatec

Viêm màng hoạt dịch có thể xuất hiện ở vị trí khớp nào?

Ngày 29/04/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lê Thị Dương
Cơn đau âm ỉ tại các khớp có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm màng hoạt dịch - tình trạng viêm lớp màng bao quanh khớp, gây sưng đau và hạn chế vận động. Không chỉ xuất hiện ở khớp gối như nhiều người vẫn nghĩ, căn bệnh này có thể xảy ra ở nhiều vị trí khớp khác nhau. Xem ngay bài viết dưới đây để nhận diện dấu hiệu viêm màng hoạt dịch tại các khớp trên cơ thể bạn!

1. Viêm màng hoạt dịch là gì?

Viêm màng hoạt dịch là tình trạng viêm xảy ra tại lớp màng bao quanh khớp, nơi có nhiệm vụ sản sinh dịch khớp giúp bôi trơn, nuôi dưỡng sụn và hỗ trợ vận động linh hoạt. 

Viêm màng hoạt dịch là tình trạng viêm xảy ra tại lớp màng bao quanh khớp

Khi lớp màng này bị viêm, lượng dịch tiết ra có thể tăng bất thường, gây sưng, đau, nóng và hạn chế cử động tại khớp. Tuy nhiên, do triệu chứng thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu và dễ bị nhầm với các cơn đau cơ học thông thường, viêm màng hoạt dịch thường bị xem nhẹ hoặc chẩn đoán muộn. Một số người thậm chí nhầm lẫn với viêm khớp hoặc chấn thương cơ học, dẫn đến việc điều trị không đúng cách. Phát hiện và điều trị viêm màng hoạt dịch sớm sẽ giúp người bệnh hạn chế được những ảnh hưởng lâu dài lên hệ vận động.

2. Các vị trí khớp dễ bị viêm màng hoạt dịch

Viêm màng hoạt dịch có thể xuất hiện ở nhiều khớp trên cơ thể như: vai, khủy tay, cổ tay, khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân,... Trong đó, khớp gối có nguy cơ bị viêm màng hoạt dịch cao hơn do thường xuyên vận động hoặc chịu áp lực lớn. 

Dưới đây là những khớp dễ bị viêm màng hoạt dịch nhất mà bạn cần lưu ý:

- Khớp gối:

Khớp gối là nơi dễ bị viêm màng hoạt dịch nhất do thường xuyên chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể. Đây cũng là khớp vận động liên tục mỗi ngày, nên rất dễ bị tổn thương nếu làm việc nặng, chơi thể thao sai cách hoặc gặp chấn thương. Người bệnh thường cảm thấy sưng đau vùng gối, căng tức khó chịu, đặc biệt khi đứng lên, ngồi xuống hoặc đi lại nhiều.

- Khớp háng:

Không giống như khớp gối, viêm màng hoạt dịch ở khớp háng thường tiến triển âm thầm, ít biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. Cơn đau thường lan xuống đùi, đôi khi bị nhầm với đau cơ hoặc thoát vị đĩa đệm. Nếu không phát hiện kịp thời, khớp háng bị viêm có thể gây hạn chế vận động nghiêm trọng.

- Khớp vai:

Khớp vai thường bị viêm màng hoạt dịch ở những người thường xuyên vận động nâng tay, xoay vai nhiều như vận động viên, người thường xuyên bê vác đồ nặng. Biểu hiện thường thấy là đau khi giơ tay, khó nâng cánh tay lên cao, đôi khi kèm cảm giác “khớp bị đông cứng”.

- Khớp cổ tay và cổ chân:

Viêm màng hoạt dịch ở khớp cổ tay hoặc cổ chân tuy không nguy hiểm như ở các khớp lớn, nhưng lại gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Người bệnh có thể cảm thấy đau âm ỉ khi gõ máy tính, cầm nắm, đi lại hoặc mang giày. Tình trạng này dễ gặp ở người làm việc văn phòng hoặc người thường xuyên phải vận động cổ chân, cổ tay quá mức.

Viêm màng hoạt dịch ở khớp cổ tay hoặc cổ chân gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt

- Khớp khuỷu tay:

Khớp khuỷu tay cũng là vị trí dễ bị viêm màng hoạt dịch, đặc biệt ở những người thường xuyên chống tay, chơi thể thao như tennis hoặc cầu lông. Biểu hiện đặc trưng là sưng nhẹ vùng khuỷu, đau khi gập duỗi tay hoặc khi cầm vật nặng, đôi khi lan xuống cẳng tay gây khó chịu kéo dài.

3. Viêm màng hoạt dịch có nguy hiểm không?

Viêm màng hoạt dịch tuy không phải là bệnh lý có thể đe dọa sức khỏe người bệnh, nhưng nếu chủ quan hoặc điều trị muộn, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng về cơ xương khớp. 

Khi màng hoạt dịch bị viêm kéo dài, dịch khớp có thể tích tụ gây tràn dịch, tạo áp lực lớn trong khớp, dẫn đến đau nhức dữ dội, hạn chế vận động và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nguy hiểm hơn, tình trạng viêm mạn tính có thể phá hủy sụn khớp, gây biến dạng khớp hoặc dẫn đến teo cơ quanh khớp do ít vận động. 

Một số dấu hiệu cảnh báo mức độ nguy hiểm của viêm màng hoạt dịch gồm: sưng đau kéo dài không giảm, khớp nóng đỏ, biến dạng, khó cử động hoặc đau tăng khi vận động nhẹ. Trong những trường hợp có dấu hiệu sốt cao kèm theo đau khớp, người bệnh cần đi khám ngay vì có thể đã xuất hiện tình trạng nhiễm trùng khớp - một biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm. 

4. Viêm màng hoạt dịch có thể chữa dứt điểm không?

Viêm màng hoạt dịch tùy theo nguyên nhân gây viêm, có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của việc điều trị còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, giai đoạn phát hiện và khả năng đáp ứng của cơ thể từng người với các phương pháp điều trị. 

Trong trường hợp viêm do chấn thương nhẹ hoặc vận động quá mức, việc nghỉ ngơi và điều trị đúng cách có thể giúp khôi phục hoàn toàn chức năng của khớp. Đối với những trường hợp viêm màng hoạt dịch liên quan đến các bệnh lý nền như viêm khớp dạng thấp, gout hoặc nhiễm trùng,... việc điều trị các bệnh lý này sẽ giúp kiểm soát viêm màng hoạt dịch và ngăn ngừa tái phát.

Dưới đây là các phương pháp điều trị viêm màng hoạt dịch phổ biến, tùy từng trường hợp người bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp:

  • Chườm mát: Chườm mát bằng túi gel chuyên dụng hoặc khăn mát để giảm sưng đau và cải thiện tuần hoàn tại khu vực bị viêm.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Giúp giảm viêm, giảm đau và sưng tại khớp. Các loại thuốc này thường được dùng cho các trường hợp viêm nhẹ đến trung bình.
  • Tiêm corticoid: Khi viêm màng hoạt dịch nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiêm corticoid vào khớp để giảm viêm nhanh chóng và kiểm soát cơn đau.
  • Hút dịch khớp: Nếu người bệnh bị tràn dịch nhiều tại vị trí khớp bị viêm, gây sưng đau, khó vận động khớp, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật hút dịch khớp để giảm áp lực và giảm sưng. Từ đó kết hợp với các phương pháp điều trị như thuốc uống, thuốc tiêm,... để giảm viêm.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập giúp tăng cường cơ bắp xung quanh khớp, cải thiện độ linh hoạt và ngăn ngừa cứng khớp.
  • Phẫu thuật cắt bỏ màng hoạt dịch: Nếu viêm màng hoạt dịch tái phát nhiều lần và không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn, phẫu thuật có thể là lựa chọn cuối cùng để loại bỏ màng hoạt dịch bị viêm.

Ngoài ra, việc điều trị viêm màng hoạt dịch cần lưu ý:

  • Nếu viêm màng hoạt dịch do các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, gout, hoặc nhiễm trùng, điều trị các bệnh lý này là cần thiết để kiểm soát viêm.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu omega-3, canxi và collagen để giúp hỗ trợ sức khỏe khớp và giảm viêm.
  • Nghỉ ngơi đúng cách và tránh vận động nhiều làm tăng áp lực lên khớp bị viêm sẽ giúp giảm viêm và phục hồi nhanh chóng.

Các phương pháp điều trị này có thể được kết hợp với nhau tùy vào mức độ và nguyên nhân gây viêm màng hoạt dịch.

Siêu âm khớp để bác sĩ xác định tình trạng viêm màng hoạt dịch tại khớp

Ngoài ra, nếu có nhu cầu thăm khám và điều trị bệnh lý về Cơ xương khớp với các chuyên gia Cơ xương khớp tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hàng có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ đặt lịch nhanh chóng!

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.