Tin tức
Viêm bao hoạt dịch khớp gối: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- 04/10/2022 | Viêm bao hoạt dịch có nguy hiểm không? Những điều bạn cần biết
- 18/06/2022 | Từ điển Y khoa: U bao hoạt dịch là gì? Có chữa được không?
- 12/07/2022 | U bao hoạt dịch khuỷu tay là gì? Khi nào cần phải mổ?
1. Tổng quan về viêm bao hoạt dịch khớp gối
Viêm bao hoạt dịch khớp gối xảy ra khi xuất hiện tình trạng viêm nhiễm ở bao hoạt dịch bao quanh khớp gối. Bao hoạt dịch là túi nhỏ chứa dịch lỏng có chức năng giảm ma sát và bảo vệ các khớp. Khi bị viêm, bao hoạt dịch sẽ sưng lên, gây đau nhức, khả năng vận động của người bệnh bị hạn chế.
Triệu chứng của viêm bao hoạt dịch khớp gối khá đặc trưng và dễ nhận biết, bao gồm:
- Đau khớp gối: Cơn đau xảy ra khi di chuyển, có thể âm ỉ hoặc dữ dội, không thuyên giảm hoặc chỉ giảm nhẹ kể cả khi nghỉ ngơi;
Đau khớp gối là một trong những triệu chứng phổ biến của tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối
- Sưng tấy: Khớp gối sưng, căng do tích tụ dịch trong bao dịch hoạt bị viêm;
- Hạn chế cử động: Khó gập hoặc duỗi chân, cảm giác cứng khớp;
- Cảm giác nóng và đỏ: Vùng viêm có thể cảm thấy nóng, đỏ và sưng.
Người bệnh thường bị viêm bao hoạt dịch khớp gối do các nguyên nhân như sau:
- Chấn thương: Các khớp như gối và khuỷu tay có bao hoạt dịch nằm gần bề mặt da, vì vậy bao hoạt dịch dễ bị tổn thương khi bị chấn thương, gây viêm và nhiễm trùng;
- Nghề nghiệp: Những công việc yêu cầu vận động liên tục gây áp lực và tổn thương lên các khớp như làm vườn, lao công hay công việc thể thao…;
- Tuổi tác: Khi tuổi càng cao, quá trình lão hóa tự nhiên khiến xương khớp trở nên yếu và dễ bị tổn thương. Lúc này, chức năng của các bao hoạt dịch khớp giảm sút, làm tăng nguy cơ chấn thương và viêm nhiễm;
- Bệnh lý: Các bệnh lý như gout, thấp khớp hay tiểu đường có thể gây viêm bao hoạt dịch khớp.
Các triệu chứng viêm bao hoạt dịch khớp gối có thể biến mất sau vài tuần nếu nghỉ ngơi kết hợp những biện pháp chăm sóc tại nhà đúng cách. Tuy nhiên, nếu triệu chứng không thuyên giảm sau 2 - 3 tuần, người bệnh nên chủ động thực hiện thăm khám.
2. Điều trị viêm bao hoạt dịch khớp gối bằng phương pháp nào?
Viêm bao hoạt dịch khớp gối thường sẽ cải thiện theo thời gian, chính vì vậy việc điều trị sẽ chủ yếu tập trung vào làm thuyên giảm các triệu chứng. Tùy vào tình trạng mà bệnh nhân đang mắc phải, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp, cụ thể như sau:
Sử dụng thuốc
Nếu viêm bao hoạt dịch là do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh thích hợp như ibuprofen hoặc naproxen đối với các trường hợp viêm không do nhiễm trùng với mục đích giảm đau và viêm.
Bệnh nhân mắc viêm bao hoạt dịch khớp gối có thể cần sử dụng thuốc điều trị
Vật lý trị liệu
Các kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân các bài tập giúp tăng cường sức mạnh và cải thiện độ linh hoạt cho khớp gối. Liệu pháp này không chỉ giúp giảm đau mà còn giúp hạn chế tối đa khả năng viêm nhiễm tái phát.
Phẫu thuật và các thủ thuật khác
- Tiêm corticosteroid: Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp tình trạng viêm kéo dài và không đáp ứng với các phương pháp điều trị cơ bản, giúp mang lại hiệu quả giảm nhanh triệu chứng viêm, mặc dù người bệnh có thể cảm thấy đau và sưng trong vài ngày sau tiêm.
- Chọc hút dịch (aspiration): Bác sĩ có thể sử dụng kim nhỏ để hút bớt dịch viêm trong bao hoạt dịch, giúp giảm sưng và đau. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể gây đau và sưng tấy tạm thời, vì vậy người bệnh cần đeo băng cố định đầu gối sau thủ thuật.
- Phẫu thuật: Trong trường hợp viêm bao hoạt dịch mạn tính, tái phát nhiều lần và không đáp ứng với điều trị khác, người bệnh có thể được yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ bao hoạt dịch.
Thay đổi lối sống và các biện pháp tại nhà
- Giảm hoạt động khớp gối: Hạn chế các hoạt động gây căng thẳng lên khớp gối khiến cơn đau trở trầm trọng hơn;
- Chườm đá: Sử dụng túi chườm lạnh hoặc bọc vài viên đá vào một chiếc khăn sau đó chườm lên đầu gối, mỗi ngày chườm 1 - 2 lần, mỗi lần khoảng 20 phút;
- Quấn băng thun: Sử dụng băng thun hay các phụ kiện bảo vệ đầu gối giúp giảm sưng và ổn định khớp;
- Nâng cao đầu gối: Đặt một chiếc gối để kê dưới đầu gối khi nằm hoặc ngồi giúp cải thiện tình trạng sưng tấy.
3. Phòng ngừa viêm bao hoạt dịch khớp gối
Dưới đây là một số cách phòng ngừa hiệu quả tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối, người bệnh có thể tham khảo và áp dụng:
- Bảo vệ khớp gối bằng băng gối chuyên dụng khi vận động và tập luyện;
- Luôn thực hiện đúng các tư thế trong sinh hoạt và làm việc;
- Hạn chế vận động quá mức và tránh các hoạt động tạo áp lực lớn lên khớp gối như ngồi xổm hay quỳ gối trong thời gian dài;
- Người bệnh cần sử dụng các vật bảo hộ chuyên dụng khi tham gia các môn thể thao để bảo vệ khớp gối;
- Áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học và bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là canxi và vitamin D giúp xương khớp chắc khỏe;
Cung cấp đầy đủ canxi và vitamin D cho cơ thể để phòng ngừa viêm bao hoạt dịch khớp gối
- Ăn uống điều độ để giữ cho cân nặng ở mức ổn định và hợp lý;
- Thực hiện kiểm tra tổng quát định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần) để phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến xương khớp để có phương án điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin chi tiết về tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối, hy vọng giúp bạn đọc có thêm hiểu biết cũng như phương án phòng ngừa hiệu quả. Mọi thắc mắc cần tư vấn về tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối nói riêng hoặc thăm khám bệnh lý Cơ xương khớp nói chung, bạn đọc vui lòng liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!