Các tin tức tại MEDlatec
Viêm tai giữa thanh dịch: Những vấn đề cơ bản cần lưu tâm
- 10/10/2024 | Viêm tai giữa - những điều bạn chưa biết
- 27/03/2025 | Có nên áp dụng mẹo chữa viêm tai giữa tại nhà không và gợi ý cách điều trị hiệu quả
- 09/04/2025 | Giải đáp: Viêm tai giữa cấp tính ở người lớn bao lâu thì khỏi
1. Đặc điểm của bệnh viêm tai giữa thanh dịch
Viêm tai giữa thanh dịch là tình trạng tích tụ dịch nhầy vô khuẩn trong hòm tai phía sau màng nhĩ nguyên vẹn. Bệnh dễ xảy ra ở trẻ nhỏ 6 tháng đến 3 tuổi và ít khi xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Người lớn cũng có thể bị viêm tai giữa thanh dịch nhưng không có tính phổ biến như trẻ nhỏ.
Điều đáng nói ở bệnh lý này là sự tích tụ dịch tai trong thời gian dài mà không được xử lý có thể dẫn đến suy giảm thính lực. Trẻ nhỏ thường không xuất hiện triệu chứng đặc biệt nên cha mẹ khó phát hiện, bệnh có cơ hội để tiến triển nghiêm trọng.
2. Nguyên nhân gây nên và triệu chứng gặp phải ở bệnh nhân viêm tai giữa thanh dịch
2.1. Nguyên nhân của bệnh viêm tai giữa thanh dịch
Các nguyên nhân thường gặp gây nên bệnh viêm tai giữa thanh dịch bao gồm:
- Nguyên nhân cơ học:
+ Nguyên nhân tại vòi nhĩ: Viêm cấp tính đường hô hấp trên như viêm VA, viêm mũi xoang hoặc chấn thương áp lực từ bơi lặn hoặc đi máy bay làm phù nề, xung huyết niêm mạc vòi nhĩ, hình thành tổ chức hạt, rối loạn chức năng vòi nhĩ.
+ Khối gây chèn ép loa vòi: VA quá phát, các khối u xơ vòm, polyp mũi, ung thư vòm.
+ Chấn thương vòi nhĩ: Quá trình vạo VA gây tổn thương nẹp loa vòi, phẫu thuật chỉnh hình màn hầu lưỡi gà.
- Nguyên nhân chức năng:
+ Dị tật bẩm sinh như hở hàm ếch, hội chứng Down ảnh hưởng sự đóng mở loa vòi.
+ Giảm hoạt động hệ thống lông chuyển: Do xạ trị, nhiễm virus, độc tố vi khuẩn hoặc bất thường cấu trúc lông chuyển di truyền.
Viêm VA quá phát rất dễ biến chứng viêm tai giữa thanh dịch
2.2. Triệu chứng có thể gặp phải khi bị viêm tai giữa thanh dịch
Mặc dù hầu hết các trường hợp bị viêm tai giữa thanh dịch không xuất hiện triệu chứng rõ ràng nhưng những tín hiệu sau cần được lưu tâm đối với bệnh lý này:
- Nghe kém từ từ và tăng dần. Với trẻ nhỏ chưa biết diễn đạt triệu chứng thường không tập trung, không chú ý, nghễnh ngãng do âm thanh tiếp nhận được bị méo mó biến đổi.
- Cảm giác đầy tai, cảm giác nước ngập trong tai.
- Ù tai tiếng trầm.
- Tiếng tự vang trong tai.
- Chóng mặt là triệu chứng hiếm gặp.
Các triệu chứng của viêm tai giữa thanh dịch không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội của người bệnh. Do bị ù tai, nghe âm thanh bị méo mó nên trẻ mắc phải bệnh lý này dễ gặp khó khăn trong giao tiếp, học tập.
3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh viêm tai giữa thanh dịch
3.1. Chẩn đoán
Đối với bệnh viêm tai giữa thanh dịch, trong quá trình khám lâm sàng và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng, bác sĩ sẽ phát hiện các bất thường như:
- Khám mũi họng: Phát hiện các tình trạng như dị hình vách ngăn mũi, polyp mũi, dịch nhầy hoặc mủ ở khe mũi, viêm amidan, VA quá phát,...
- Nội soi tai mũi họng: Phát hiện màng nhĩ không bị thủng nhưng nón sáng thay đổi màu sắc và bị thu hẹp.
- Hình ảnh dịch trong hòm nhĩ (mức nước hơi hoặc bóng khí), dịch lâu ngày có thể chuyển từ dạng thanh dịch sang vàng đục dẫn đến viêm tai keo.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành đo lượng nhĩ và đo thính lực để đánh giá hòm tai, mức độ ảnh hưởng của viêm tai giữa thanh dịch đến chức năng nghe.
Bệnh nhân trong quá trình nội soi chẩn đoán viêm tai giữa thanh dịch
3.2. Điều trị
Mục đích chính của quá trình điều trị viêm tai giữa thanh dịch là kiểm soát sự tiến triển của triệu chứng, giảm viêm, cải thiện chức năng hòm tai và ngăn không để bệnh tái phát. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm tai giữa thanh dịch cho từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp như:
- Điều trị nội khoa
+ Dùng thuốc kháng sinh để chấm dứt nhiễm khuẩn.
+ Dùng thuốc kháng histamin, thuốc corticoid điều trị kiểm soát triệu chứng viêm.
- Điều trị ngoại khoa
Nếu bệnh nhân viêm tai giữa thanh dịch có tình trạng ứ dịch gây tổn thương màng nhĩ thì bác sĩ sẽ chỉ định chích rạch màng nhĩ để đặt ống thông khí.
Các trường hợp viêm tai giữa thanh dịch tái phát nhiều lần do dị hình cuốn mũi, vách ngăn hoặc viêm VA, viêm amidan,... thường được chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp với nguyên nhân gây bệnh.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tránh bơi lội để ngăn không cho nước tiếp xúc sâu bên trong tai. Sau khi hoàn tất quá trình điều trị, người bệnh vẫn cần tái khám định kỳ để theo dõi khả năng hồi phục và kịp thời điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần.
Người bệnh tái khám sau khi hoàn tất phác đồ điều trị viêm tai giữa thanh dịch
4. Lưu ý phòng ngừa viêm tai giữa thanh dịch ở trẻ nhỏ
Viêm tai giữa thanh dịch dễ gặp phải ở trẻ nhỏ và thường xuất hiện sau viêm VA mạn hoặc viêm đường hô hấp trên. Muốn phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, cha mẹ nên:
- Điều trị tích cực các bệnh lý là nguyên nhân gây bệnh để ngăn chặn xảy ra biến chứng viêm tai giữa thanh dịch, nhất là trẻ có tiền sử viêm VA.
- Luôn đảm bảo trẻ được vệ sinh sạch vùng mũi, họng.
- Giữ ấm cho trẻ vào những ngày trời lạnh và luôn cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài.
- Không tắm cho trẻ vào buổi đêm.
- Khi dùng quạt cần chú ý không để gió thốc thẳng vào mặt trẻ và nên duy trì nhiệt độ phòng trong khoảng 26 - 28 độ C.
Quá trình điều trị viêm tai giữa thanh dịch đòi hỏi sự kiên nhẫn hợp tác giữa bệnh nhân và bác sĩ. Việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân điều trị thành công và giảm thiểu nguy cơ tái diễn bệnh.
Phát hiện để điều trị viêm tai giữa thanh dịch từ sớm là phương án tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến khả năng nghe của người bệnh. Vì thế, nếu có bất cứ triệu chứng nào như đã đề cập ở trên, quý khách hàng có thể liên hệ ngay Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ Tai mũi họng - Hệ thống Y tế MEDLATEC. Bằng những kiểm tra cần thiết, bác sĩ sẽ chẩn đoán đúng về tình trạng mà quý khách đang gặp phải và đề xuất phương án điều trị phù hợp.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!