Các tin tức tại MEDlatec
Xơ vữa động mạch: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chẩn đoán
- 08/11/2024 | Xơ vữa động mạch có nguy hiểm không: Hiểu để chủ động phòng tránh hiệu quả
- 04/12/2024 | Xơ vữa mạch máu và những biến chứng không thể xem thường
- 15/12/2024 | Căn nguyên bệnh xơ vữa động mạch cảnh: Hiểu để nắm được cách phòng ngừa
1. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ vữa động mạch?
1.1. Tăng cholesterol
Khi cholesterol LDL trong máu tăng cao, các hạt cholesterol dễ dàng bám vào thành động mạch, hình thành các mảng bám. Nếu không được kiểm soát, những mảng bám này sẽ dày lên, gây hẹp lòng động mạch và làm cản trở lưu lượng máu.
1.2. Nghiện hút thuốc lá
Các chất độc trong khói thuốc như nicotine và carbon monoxide không chỉ làm tổn thương lớp lót bên trong của mạch máu mà còn thúc đẩy sự tích tụ của các tế bào viêm và cholesterol. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xơ vữa động mạch cho người nghiện hút thuốc.
1.3. Huyết áp cao
Gia tăng chỉ số huyết áp khiến thành động mạch phải chịu nhiều áp lực, dễ tổn thương và suy yếu. Đặc biệt, khi lớp nội mạc bị tổn hại, các hạt cholesterol và tế bào viêm sẽ nhanh chóng tích tụ tại các vị trí bị tổn thương, hình thành mảng xơ vữa.
Huyết áp cao trong thời gian dài có thể tiềm ẩn nguy cơ gây xơ vữa động mạch
1.4. Tiểu đường
Bệnh tiểu đường gây rối loạn chuyển hóa chất béo, tăng lượng đường trong máu và gia tăng tình trạng viêm trong mạch máu. Những yếu tố này khiến cho quá trình hình thành mảng bám dễ phát triển từ đó gây nên tổn thương cho động mạch.
1.5. Lối sống vận động ít và tuổi tác
Thói quen ngồi nhiều, ít vận động làm giảm cholesterol tốt và tăng cholesterol xấu, từ đó làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ trong động mạch và dẫn đến xơ vữa động mạch.
Sự gia tăng về tuổi tác đi kèm với quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Điều này là nguyên nhân khiến mạch máu kém linh hoạt và dễ bị tổn thương. Quá trình này cũng làm suy giảm khả năng tự sửa chữa của mạch máu. Vì thế, người cao tuổi có nguy cơ cao hơn về sự hình thành các mảng xơ vữa.
2. Các triệu chứng cần nhận diện đối với nguy cơ xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch thường tiến triển âm thầm trong thời gian dài mà không gây nên triệu chứng đặc trưng ngay từ giai đoạn đầu. Thông thường, bệnh chỉ xuất hiện triệu chứng khi tổn thương làm cản trở dòng máu lưu thông:
2.1. Đau ngực
Đau ngực rất dễ xảy ra khi động mạch vành bị ảnh hưởng. Cảm giác đau thường xuất hiện khi người bệnh gắng sức hoặc gặp căng thẳng và thường giảm khi nghỉ ngơi. Cơn đau ngực thường được người bệnh mô tả giống như cảm giác bị bóp nghẹt, đè nén hoặc đau nhói ở vùng ngực.
2.2. Khó thở
Khi động mạch cung cấp máu cho tim hoặc phổi bị thu hẹp, lưu thông máu và oxy bị ảnh hưởng. Kết quả của tình trạng đó là người bệnh bị khó thở, đặc biệt là khi họ có tham gia vào các hoạt động mạnh. Triệu chứng này thường cảnh báo chức năng tim bị suy giảm.
2.3. Chân tay yếu, tê bì
Xơ vữa động mạch xảy ra ở chi dưới rất dễ làm giảm lưu lượng máu, khiến người bệnh bị đau nhức, tê bì và yếu vận động chân. Người bệnh sẽ có hiện tượng đau cách hồi tức là chân bị đau khi đi lại và đỡ đau khi nghỉ ngơi. Nếu bệnh tiến triển nghiêm trọng, người bệnh chỉ có thể đi được vài chục mét đã phải dừng lại vì chân quá đau. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị khô da, teo cơ, lạnh chân do lưu thông máu đến chân bị giảm sút.
Xơ vữa động mạch chi dưới khiến người bệnh bị tê bì, yếu vận động chân
2.4. Rối loạn nhịp tim
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân khiến lượng máu cung cấp đến tim bị giảm sút nhanh chóng và gây bất thường nhịp tim. Người bệnh có thể cảm nhận thấy tim đập nhanh, đập không đều hoặc cảm giác như tim bị rớt nhịp.
2.5. Đột quỵ
Khi mảng xơ vữa hình thành tại não, gây tắc nghẽn mạch máu não, chúng có thể bị vỡ ra và làm xuất hiện cơn đột quỵ. Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ điển hình như nói lắp, yếu, liệt một bên cơ thể, mất thăng bằng, đau đầu đột ngột dữ dội,...
3. Phương pháp nào giúp chẩn đoán đúng xơ vữa động mạch?
3.1. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu cung cấp các thông số giúp bác sĩ đánh giá đúng về nguy cơ xơ vữa động mạch:
- Tăng chỉ số cholesterol LDL và giảm chỉ số cholesterol HDL cảnh báo xơ vữa động mạch.
- Triglyceride: Tăng chỉ số mỡ máu này giúp nhận diện khả năng hình thành mảng bám.
- CRP (C-reactive protein): Dấu hiệu viêm trong cơ thể, có thể liên quan đến tình trạng viêm tại các mạch máu.
3.2. Siêu âm Doppler
Đây là phương pháp sử dụng sóng âm để đo lường lưu lượng máu qua động mạch. Nhờ kết quả siêu âm, bác sĩ sẽ phát hiện vùng bị hẹp, tắc nghẽn hoặc sự hiện diện của mảng xơ vữa trong lòng động mạch. Phương pháp này đặc biệt hữu ích với kiểm tra động mạch cảnh và các mạch máu chi dưới.
3.3. Chụp CT-Scanner
CT-Scanner cung cấp hình ảnh chi tiết của động mạch để bác sĩ phát hiện mảng xơ vữa. Trước khi chụp, người bệnh thường được tiêm thuốc cản quang để làm rõ cấu trúc của mạch máu, giúp bác sĩ đánh giá đúng mức độ hẹp hoặc tổn thương động mạch.
Khách hàng tầm soát xơ vữa động mạch tại MEDLATEC
3.4. Chụp MRI
MRI giúp quan sát cấu trúc chi tiết của động mạch và mức độ tổn thương. Ưu điểm của phương pháp này là không sử dụng tia X và cung cấp hình ảnh rõ ràng về dòng chảy của máu và các mảng xơ vữa.
3.5. Đo chỉ số huyết áp cổ chân, cánh tay (ABI)
Phương pháp này so sánh huyết áp ở cổ tay và cổ chân để phát hiện hẹp động mạch ở các chi dưới. Chỉ số ABI thấp là dấu hiệu rõ ràng của sự giảm lưu lượng máu do xơ vữa động mạch.
Xơ vữa động mạch có thể được phát hiện sớm thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc khi người bệnh xuất hiện triệu chứng nghi ngờ. Do đó, những mốc thăm khám này được khuyến nghị cần thực hiện để giúp người bệnh được kiểm tra, nhận diện bệnh kịp thời.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe, tầm soát xơ vữa động mạch cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để hỗ trợ thao tác đặt lịch nhanh chóng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!