Tin tức

Cà chua có tốt không và ăn cà chua xanh có độc không?

Ngày 02/07/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cà chua là một trong những loại quả được sử dụng nhiều trong các bữa ăn hàng ngày của gia đình Việt Nam. Mặc dù phổ biến, thế nhưng nếu không biết sử dụng đúng cách, vô tình sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Vậy giữa cà chua xanh và cà chua chín, đâu là sự lựa chọn tốt hơn? Cà chua xanh có độc không? Bạn đọc có thể tham khảo bài viết sau của MEDLATEC để được giải đáp các thắc mắc trên.

1. Tác dụng của cà chua chín đối với sức khỏe là gì?

Cà chua là một loại quả có chứa nhiều chất xơ (với khoảng 87%) ở các dạng không hòa tan, hemicellulose, cellulose và lignin. Bên cạnh chất xơ, trong trái cà chua chín còn chứa thêm rất nhiều vitamin và khoáng chất tự nhiên tốt cho sức khỏe như:

Cà chua có chứa nhiều dưỡng chất và vitamin tốt cho sức khỏe

Cà chua có chứa nhiều dưỡng chất và vitamin tốt cho sức khỏe

  • Vitamin C giúp chống lại quá trình oxy hóa và tăng sức đề kháng cho cơ thể. 
  • Kali là một loại khoáng chất thiết yếu, rất cần thiết đối với việc kiểm soát huyết áp cũng như ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch. 
  • Vitamin K1 (phylloquinone): có vai trò quan trọng với quá trình đông máu và sức khỏe hệ xương khớp. 
  • Vitamin B9 (Folate): cần thiết cho sự phát triển của mô cũng như đảm bảo chức năng tế bào, đặc biệt quan trọng với sức khỏe của phụ nữ đang mang thai. 
  • Vitamin A: dưỡng chất giúp tăng cường sức khỏe của mắt. 
  • Các khoáng chất tự nhiên khác như: Ca, Fe, Mg, P, Zn,...

Bên cạnh các vitamin và khoáng chất thì cà chua còn chứa thêm nhiều hợp chất thực vật khác như:

  • Lycopene: Một hợp chất có khả năng chống oxy hóa, đây đồng thời cũng là chất tạo màu đỏ cho loại quả này. 
  • Beta Caroten: Được chuyển hóa thành các vitamin A, có khả năng chống oxy hóa. Đây đồng thời cũng là chất giúp cà chua có màu vàng hoặc màu cam. 
  • Naringenin: Một loại flavonoid có ở trong lớp vỏ của cà chua. Hợp chất này giúp hỗ trợ giảm viêm và phòng ngừa các bệnh lý khác. 
  • Acid chlorogenic: Có công dụng chống oxy hóa tốt, giúp giảm huyết áp nên có lợi với những người bị cao huyết áp.

2. Cà chua xanh có độc không?

Theo ghi nhận từ các chuyên gia dinh dưỡng, trong trái cà chua xanh có chứa rất nhiều alkaloid, một chất dễ gây ngộ độc thực phẩm

Những người bị ngộ độc do ăn cà chua xanh thường có những biểu hiện như nôn, buồn nôn, tiết nhiều nước bọt, mệt mỏi,... nghiêm trọng hơn là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Khi cà chua chín, hàm lượng alkaloid sẽ ít dần. Đến khi cà chua chín đỏ, hoạt chất này cũng sẽ biến mất hoàn toàn. Vì vậy, bạn không nên ăn cà chua chưa chín, đặc biệt là cà chua còn xanh vì chúng có thể khiến bạn bị ngộ độc. 

Cà chua xanh có độc không: lời giải đáp là

Cà chua xanh có độc không: lời giải đáp là "có" và bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm khi ăn cà chua chưa chín

3. Những đối tượng cần cẩn trọng khi ăn cà chua

Như vậy, câu trả lời cho thắc mắc cà chua xanh có độc không là "có" và bạn chỉ nên ăn cà chua lúc chín. Nhưng mặc dù chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, thế nhưng, những người sau đây cần cẩn trọng khi thêm cà chua vào chế độ ăn:

3.1. Người mắc bệnh lý về dạ dày

Cà chua có vị chua và có thể khiến người đang bị bệnh lý dạ dày như bệnh viêm dạ dày, trào ngược dạ dày,... bị ợ nóng. Dù bạn có sức khỏe tốt, việc ăn cà chua quá nhiều trong thời gian dài cũng sẽ khiến dạ dày gặp vấn đề. 

Người bị đau dạ dày không nên ăn nhiều cà chua

Người bị đau dạ dày không nên ăn nhiều cà chua

3.2. Người mắc bệnh tự miễn

Các alcaloid có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm trong cơ thể. Đây được xem là một yếu tố không tốt đối với các bệnh nhân đang mắc phải các bệnh tự miễn. Vì vậy, bệnh nhân bị bệnh tự miễn không nên ăn loại quả này. 

3.3. Người mắc bệnh thận

Cà chua có chứa nhiều oxalate. Đây một dạng chất không được chuyển hóa khi tiêu thụ nhiều hơn mức cho phép và có thể khiến bạn bị sỏi thận. Ngoài ra, trong cà chua cũng chứa nhiều kali có thể khiến các chức năng thận bị suy yếu. Vì vậy, đối với các bệnh nhân mắc bệnh thận, việc thêm cà chua vào chế độ ăn hàng ngày là không nên. 

3.4. Người có cơ địa dị ứng

Trong cà chua có hợp chất histamin với công dụng tăng cường hệ miễn dịch để chống lại sự tấn công của các loại vi khuẩn và virus. Quá trình này thường hay xuất hiện ở dạng phản ứng dị ứng với các biểu hiện như phát ban hoặc sưng lưỡi. Những trường hợp bị dị ứng với cà chua thì các triệu chứng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn. 

3.5. Người đang bị hội chứng ruột kích thích

Những người đang bị hội chứng ruột kích thích cần tránh ăn cà chua. Bởi lẽ, cà chua có thể khiến bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, chuột rút, bị đầy hơi hoặc bị táo bón. 

Người bị hội chứng ruột kích thích cũng không nên bổ sung cà chua trong chế độ ăn hàng ngày

Người bị hội chứng ruột kích thích cũng không nên bổ sung cà chua trong chế độ ăn hàng ngày

3.6. Hội chứng đổi màu da

Lycopene là một dạng sắc tố có ở bên trong loại quả này. Nếu cơ thể hấp thụ Lycopene một lượng vừa đủ thì sẽ rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Thế nhưng, khi bạn ăn quá nhiều cà chua, Lycopene được đưa vào cơ thể nhiều hơn mức cho phép sẽ khiến bạn gặp phải hiện tượng đổi màu da. 

3.7. Những người bị bệnh tiết niệu

Một loại quả có chứa nhiều acid như cà chua có thể khiến cho bàng quang bị kích thích. Vì vậy, khi bạn mắc phải các vấn đề về đường tiết niệu thì nên hạn chế ăn cà chua. 

4. Những lưu ý quan trọng khi sử dụng cà chua hàng ngày

  • Không nên ăn cà chua khi đói vì acid từ loại quả này có thể gây hại, làm bào mòn dạ dày. 
  • Không ăn quá nhiều cà chua vì có thể sẽ bị khó tiêu, về lâu dài có thể khiến bạn gặp phải nhiều bệnh lý nghiêm trọng hơn. 
  • Không ăn nhiều hạt cà chua vì hệ tiêu hóa không thể hấp thu được loại hạt này. Khi ăn quá nhiều hạt, trong quá trình vận chuyển thức ăn, các hạt cà chua có thể bị lọt vào ruột thừa và dễ gây viêm ở cơ quan này. 
  • Không nên chế biến cà chua bằng nồi nhôm hoặc nồi gang vì acid trong cà chua có thể tạo nên những phản ứng hóa học không tốt với hai chất liệu trên. 
  • Kiêng ăn cà chua chung với dưa chuột hoặc cà rốt vì chúng kỵ với nhau. 
  • Không ăn cà chua chung với khoai lang vì chúng có thể khiến bạn bị đau bụng

Một vài lưu ý quan trọng khi chế biến cà chua cần nắm rõ

Một vài lưu ý quan trọng khi chế biến cà chua cần nắm rõ

Như vậy, bài viết đã cung cấp thêm thông tin về chủ đề cà chua xanh có độc không để bạn đọc tham khảo. Nhìn chung, cà chua là một loại quả có chứa rất nhiều dưỡng chất và vitamin có lợi. Thế nhưng, khi bạn ăn cà chua sai cách hoặc ăn cùng với một số loại thực phẩm không phù hợp sẽ khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, thậm chí còn làm nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, bạn cần lưu ý bổ sung loại quả này vừa phải trong chế độ ăn và không ăn cà chua xanh để đảm bảo sức khỏe.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.