Tin tức

Cây bạch quả ở Việt Nam và những lợi ích sức khỏe khiến nhiều người ngỡ ngàng

Ngày 17/06/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cây bạch quả có tên khoa học là Ginkgobiloba. Cây bạch quả ở Việt Nam được nhiều người biết đến với cái tên rẻ quạt hoặc Ngân hạnh, trồng ở Sapa - Lào Cai. Đây là dược liệu đã được nghiên cứu, ghi nhận nhiều công dụng trong điều trị các bệnh lý tim mạch, bệnh về não,... Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về dược liệu này trong những thông tin được MEDLATEC chia sẻ sau đây.

1. Đặc điểm sinh học của cây bạch quả

Bạch quả còn được biết đến với tên gọi khác là cây ngân hạnh. Đây là loài cây có tán lá rộng sum suê, thân hình trụ tròn cao 20 - 30m với nhiều cành dài dạng mọc vòng.

Lá cây bạch quả mọc so le, xu hướng tụ ở một mấu, xòe ra như hình cái quạt. Trên bề mặt lá có gân sít nhau tỏa ra từ gốc lá. Mùa thu, lá cây bạch quả chuyển sang màu vàng rực rồi rụng trong khoảng 2 tuần.

Do thuộc dòng đơn tính khác gốc nên tùy từng cây mà chỉ ra hoa cái hoặc hoa được. Quả bạch quả hình trứng, được tạo nên từ quá trình thụ phấn của hoa cái với hoa đực. Bên trong quả là lớp thịt màu vàng với mùi bơ khét.

cây bạch quả ở việt nam

Cây bạch quả chuyển sắc vàng khi thu đến

2. Cây bạch quả ở Việt Nam: phân bố, chế biến và thành phần thảo dược

2.1. Dược liệu cây bạch quả: phân bố và chế biến

Cây bạch quả ở Việt Nam lần đầu được Petelot nhắc đến vào năm 1954. Ông cho rằng đã nhìn thấy loài cây này mọc ở phía Bắc nước ta, được trồng làm cảnh ở một số ngôi chùa và vườn hoa.

Tuy nhiên, trên thực tế, giai đoạn này không ai tìm thấy cây bạch quả ở Việt Nam. Đến năm 1995 nước ta mới nhập hạt giống của loài cây này từ Pháp và Nhật Bản về để trồng ở Sapa.

2.2. Bộ phận sử dụng làm thảo dược của cây bạch quả

Cây bạch quả ở Việt Nam được khai thác phần lá và hạt để làm dược liệu. Phần lá thường được sấy hoặc phơi khô để sử dụng. Phần hạt được thu hoạch khi quả chín sau đó đem bỏ lớp thịt, chỉ lấy phần hạt đem rửa sạch và phơi khô.

Hạt từ quả của cây bạch quả được thu hoạch bằng cách đập giập lớp vỏ cứng bên ngoài để lấy phần nhân sau đó bóc bỏ lớp màng ngoài của nhân hạt đem đi rửa sạch và nhúng vào nước sôi, hấp chín hoặc sấy khô. Có thể dùng hạt đã được sao vàng hoặc hạt sống đều được nhưng cần thận trọng vì trong hạt có độc tính.

cây bạch quả ở việt nam

Cây bạch quả ở Việt Nam được trồng tại Lào Cai

2.3. Thành phần dược lý của thảo dược bạch quả

Mỗi bộ phận của thảo dược cây bạch quả đều chứa những thành phần dược lý khác nhau:

- Nhân của quả bạch quả: 68% tinh bột, 6% đường, 1.5% chất béo, 1.57% tro, 5.3% protein.

- Vỏ quả bạch quả: chứa các thành phần hợp chất như ginnol, bilobol, ginkgolic axit.

- Lá bạch quả: chứa thành phần flavonoic, tecpen cùng một số loại axit hữu cơ.

Đặc biệt, flavonoid trong cây bạch quả là chất chống oxy hóa thực vật có thể giúp bảo vệ võng mạc, mạch máu, cơ tim, hệ thần kinh,... Thành phần terpenoid trong cây bạch quả làm giãn nở mạch máu cũng như độ dính tiểu cầu, nhờ đó có tác dụng cải thiện lưu lượng máu.

3. Công dụng trị bệnh của cây bạch quả

3.1. Cách dùng cây bạch quả trị bệnh

Trên phương diện dược liệu, cây bạch quả được khai thác chủ yếu ở các bộ phận sau:

- Nhân quả: nướng chín, sắc thuốc hoặc tán bột.

- Thịt quả: ép bỏ dầu, sử dụng sau 1 năm, có thể dùng phối hợp với các vị thuốc khác hoặc dùng đơn lẻ.

- Chiết xuất bạch quả hiện đã có mặt trên thị trường, bào chế dạng viên nang mềm hoặc dạng ống uống.

Y học hiện đại sử dụng dược liệu bạch quả dưới dạng cao ginkogink hoặc với ginkor với thành phần chứa 6% tecpenic, 24% heterosit flavonoic bào chế dạng viên nang hoặc ống 5ml dạng uống.

Cây bạch quả ở Việt Nam còn được dân gian sử dụng làm cao khô hoặc cao lỏng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như: phù, viêm khớp, cước, viêm mũi mạn tính, viêm phế quản, thúc đẻ, trị giun,... Liều dùng cao khô 120 - 240 mg/ngày, chia thành 2 - 3 lần, cao lỏng 0.5ml/lần và 3 lần/ngày.

cây bạch quả ở việt nam

Dược liệu bạch quả được bào chế chủ yếu dưới dạng cao và viên nang

3.2. Công dụng điều trị bệnh của cây bạch quả

3.2.1. Bệnh Alzheimer

Lá cây bạch quả có khả năng ức chế enzyme làm hủy hoại chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine là acetylcholinesterase. Không những thế, dược liệu này còn có tác dụng tăng tuần hoàn động mạch đầu, cải thiện lưu lượng máu đến não, tăng tiêu thụ glucose và bình thường hóa sự tiêu thụ oxy ở não.

3.2.2. Thiểu năng tuần hoàn não

Với khả năng điều hòa mạch máu, giảm độ nhớt của máu, tăng lưu lượng máu, cải thiện rối loạn dẫn truyền thần kinh, tăng dung nạp oxy ở mô, dự phòng tổn thương màng não do gốc tự do,... Cây bạch quả có thể cải thiện tình trạng suy giảm chức năng tuần hoàn não.

Sử dụng cao bạch quả người cao tuổi với liều 120mg sau 6 tuần điều trị có thể đem lại hiệu quả tương đương với khi điều trị bằng dihydroergotoxin liều 4.5mg. Kết quả là lưu lượng máu cục bộ, toàn bộ và vi tuần hoàn máu tăng, ngăn ngừa nguy cơ giảm oxy trong không khí thở vào, ức chế kết tập tiểu cầu, cải thiện lưu biến máu và chuyển hóa ở mô,...

3.2.3. Tắc động mạch ngoại biên

Tắc động mạch ngoại biên gây tập tễnh có thể dùng cao bạch quả với liều 120 - 160mg/ngày, duy trì liên tục 24 tuần để cải thiện khoảng cách đi được; dùng với liều 200mg/ngày liên tục 8 tuần để giảm đau.

3.2.4. Ù tai, chóng mặt

Với các triệu chứng rối loạn ở tai như ù tai, chóng mặt, điếc,... có thể dùng cao bạch quả để điều trị với liều 120 - 160mg/ngày, duy trì liên tục 4 - 12 tuần. Kết thúc liệu trình cho hiệu quả tốt với hội chứng chóng mặt nhẹ, cải thiện chứng ù tai.

4. Lưu ý khi dùng cây bạch quả trong điều trị bệnh lý

Về cơ bản, trên phương diện khai thác dược liệu, cây bạch quả ở Việt Nam được sử dụng an toàn và đem lại hiệu quả tương đối tốt. Một số trường hợp có thể gặp tác dụng phụ nhẹ như: dị ứng da, tăng nhịp tim, đau đầu, táo bón, rối loạn tiêu hóa,...

Người đang dùng thuốc chống đông máu, chống tiểu cầu, thuốc chống viêm không steroid hoặc bị rối loạn đông máu cần thận trọng khi dùng dược liệu cây bạch quả. Ngoài ra, trẻ sơ sinh, phụ nữ cho con bú và thai phụ cũng cần thận trọng với dược liệu này.

Đã có nhiều nghiên cứu ghi nhận về công dụng của cây bạch quả đối với sức khỏe. Tuy nhiên, tác dụng phụ khi dùng dược liệu này vẫn có thể xảy ra. Vì thế, bất cứ trường hợp nào dùng cây bạch quả để trị bệnh tốt nhất vẫn cần có sự tư vấn ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa. 

Từ khoá: cây bạch quả

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.