Tin tức

10 điều tránh sau mổ dây chằng chéo để sớm hồi phục khả năng vận động

Ngày 21/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lê Thị Dương
Dây chằng chéo nằm giữa khớp gối, giúp khớp gối được giữ vững trong các thao tác gập - duỗi. Nếu tổn thương dây chằng chéo nghiêm trọng, người bệnh cần được phẫu thuật để phục hồi vận động. 10 điều tránh sau mổ dây chằng chéo sau đây nếu được thực hiện tốt sẽ giúp người bệnh sớm phục hồi, giảm biến chứng và trở lại sinh hoạt bình thường.

1. Dây chằng chéo là gì?

Dây chằng chéo nằm chính giữa khớp gối, giữ cho lồi cầu đùi và mâm chày không di lệch ra trước, ra sau. Khi gấp gối ở góc 90 độ, dây chằng chéo kết hợp với các dây chằng khác để khớp gối được giữ vững. 

Vì thế, nếu xảy ra tình trạng đứt dây chằng chéo, khớp gối dễ bị trật, lỏng lẻo và không thể vận động bình thường. 

Hình ảnh giúp hình dung về chấn thương dây chằng chéo

Hình ảnh giúp hình dung về chấn thương dây chằng chéo

2. Phẫu thuật dây chằng chéo được thực hiện nhằm mục đích gì?

Phẫu thuật dây chằng chéo thường được bác sĩ chỉ định đối với các trường hợp tổn thương nghiêm trọng như: rách hoặc đứt hoàn toàn giữa thân hay các điểm bám của dây chằng chéo, tổn thương dạng “pivot shift”,.. 

Mục đích của phẫu thuật này nhằm:

  • Phục hồi sự ổn định của khớp gối.
  • Tránh các tổn thương thứ phát lên sụn chêm, sụn khớp.
  • Khôi phục khả năng chơi thể thao.
  • Ngăn ngừa thoái hóa khớp lâu dài.

3. 10 điều cần tránh sau mổ dây chằng chéo để tăng khả năng hồi phục vận động

Thực hiện kiêng cữ sau mổ dây chằng chéo theo đúng hướng dẫn của bác sĩ giúp tổn thương sớm phục hồi chức năng và tránh được các hành vi gây tổn hại đến gối. Vì thế, bạn nên lưu ý 10 điều tránh sau mổ dây chằng chéo sau đây:

3.1. Tránh vận động quá sớm hoặc quá sức

Sau mổ dây chằng chéo, nếu người bệnh tập gập duỗi khớp gối quá sớm sẽ khiến:

  • Vết mổ dễ bị rách, chảy máu hoặc nhiễm trùng.
  • Mảnh ghép chưa liền vào xương có thể bị lỏng lẻo hoặc đứt trở lại.
  • Sưng đau kéo dài khiến quá trình hồi phục bị chậm lại.

Trong vòng 2 tuần sau mổ người bệnh cần nằm nghỉ ngơi, kê cao chân để giảm phù nề và tập gập duỗi nhẹ nhàng theo hướng dẫn bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không tìm cách cố gắng tập quá sức.

3.2. Tránh không dùng nạng

Nạng là công cụ giúp giảm tải trọng lên khớp gối. Nếu không dùng nạng thì trọng lượng cơ thể sẽ dồn trực tiếp lên vùng vừa mổ, mảnh ghép chưa bám chắc dễ bị kéo giãn, người bệnh có nguy cơ sưng, đau vết mổ trong thời gian dài.

Vì thế, 1 trong 10 điều tránh sau mổ dây chằng chéo mà người bệnh cần chú ý là tránh tự ý bỏ nạng trong quá trình luyện tập. Người bệnh cần dùng nạng tối thiểu 4 - 6 tuần sau mổ. Khi đi lại, người bệnh chỉ tỳ nhẹ chân mổ xuống sàn, không dồn hết trọng lượng cơ thể xuống chân vừa mổ dây chằng chéo. Bác sĩ sẽ quyết định thời điểm bỏ nạng dựa trên tình trạng lành xương và cơ.

Sau mổ dây chằng chéo, người bệnh không nên bỏ nạng khi chưa được bác sĩ đồng ý

Sau mổ dây chằng chéo, người bệnh không nên bỏ nạng khi chưa được bác sĩ đồng ý

3.3. Tránh đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu

Đứng lâu hoặc ngồi một chỗ sau mổ dây chằng chéo sẽ khiến:

Sau khoảng 30 - 60 phút nằm hoặc ngồi, người bệnh nên vận động nhẹ hoặc đổi tư thế. Khi nằm, người bệnh cần kê chân cao hơn mặt giường. Ngoài ra, việc tập co duỗi cổ chân cũng cần được thực hiện thường xuyên để kích thích lưu thông máu.

3.4. Tránh mang vác vật nặng

Trong số 10 điều tránh sau mổ dây chằng chéo người bệnh cần tránh mang vật nặng, kể cả vali hoặc túi đồ dùng, vì việc làm này làm tăng áp lực dồn xuống khớp gối, khiến:

  • Mảnh ghép bị kéo giãn, dễ lỏng lẻo.
  • Tái phát tình trạng sưng, đau nhức đầu gối.

Trong ít nhất 6 tuần đầu, người bệnh không bê vật nặng trên 5kg và không leo cầu thang quá nhiều. Trường hợp cần thiết, người bệnh nên nhờ người hỗ trợ.

3.5. Tránh bỏ qua việc tập phục hồi chức năng

Sau mổ dây chằng chéo, khi thấy tình trạng đau đã cải thiện, không ít người đã bỏ qua việc tập hồi phục chức năng. Kết quả của việc làm này là cơ đùi bị yếu, teo nhỏ, khớp gối bị cứng và hạn chế khả năng gập duỗi, khi vận động dễ bị tái chấn thương,...

Quá trình tập phục hồi chức năng nên được thực hiện như sau:

  • Ngày thứ nhất sau mổ: Tập di động xương bánh chè. Người bệnh cũng sẽ được hướng dẫn dùng nạng để di chuyển, thực hiện bài tập khép và dạng chân, nâng chân khỏi mặt giường, vận động cổ chân, gồng cơ đùi,...
  • Ngày thứ hai sau mổ: Tập như ngày thứ nhất và tập đứng tỳ nhẹ chân xuống sàn với lực khoảng 50% trọng lượng cơ thể. 
  • Ngày thứ ba đến hết tuần đầu sau mổ: Tập như ngày thứ nhất và thứ hai nhưng tăng cường độ hơn.
  • 1 tuần sau mổ: Người bệnh có thể tập gập gối với góc 90 độ, chân được mổ có thể đặt xuống sàn với lực bằng 100% trọng lượng cơ thể. 
  • Từ tuần thứ 3 trở đi, người bệnh hãy tập các bài tập gập khớp gối trong tư thế ngồi, đứng dồn 100% trọng lượng cơ thể ở chân phẫu thuật, đạp xe tại chỗ, nhún đùi, bước lên và bước xuống bậc thang,... 

Toàn bộ quá trình tập phục hồi chức năng này cần thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ. 

3.6. Tránh gập gối quá sâu trong giai đoạn đầu

Tuần đầu tiên sau mổ, người bệnh chỉ nên tập gập đầu gối với góc 30 - 45 độ. Tuần thứ hai đến ba có thể gập đầu gối tăng dần với góc 60 - 90 độ. Sau tuần thứ tư, khi độ lành dây chằng chéo đã tốt hơn, người bệnh có thể tập gập góc đầu gối hơn 90 độ.

1 trong 10 điều tránh sau mổ dây chằng chéo là tránh gập đầu gối quá sâu ở 4 tuần đầu vì nếu gập sâu quá 90 độ có thể:

  • Làm kéo căng dây chằng mới.
  • Gây tụ máu trong khớp.
  • Làm mảnh ghép bong khỏi vị trí cố định.

Các động tác gập sâu đầu gối nên được thực hiện thận trọng

Các động tác gập sâu đầu gối nên được thực hiện thận trọng

3.7. Tránh các bài tập không phù hợp

Một số bài tập sau cần tránh thực hiện vì dễ làm hỏng kết quả phẫu thuật dây chằng chéo:

  • Chạy bộ, nhảy dây, đá bóng trước 3 tháng.
  • Squat sâu, leo núi, bước cao.
  • Bài tập tăng tốc hoặc đổi hướng đột ngột.

Thay vào đó, người bệnh hãy tập:

  • Co cơ tĩnh, nâng chân thẳng.
  • Đạp xe tại chỗ nhẹ nhàng.
  • Thăng bằng trên sàn phẳng.

3.8. Tránh đi xe máy hoặc lái ô tô quá sớm

Sau mổ dây chằng chéo, phản xạ chân chậm và yếu nên lái xe sớm sẽ khiến người bệnh:

  • Khó kiểm soát phanh ga, tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
  • Đạp phanh mạnh có thể làm tổn thương dây chằng.

Thời điểm an toàn để tự lái xe trở lại tối thiểu là 4 - 6 tuần sau mổ. Người bệnh nên quan sát vận động và chỉ lái xe trở lại khi đầu gối có thể co duỗi linh hoạt và cơ đã có đủ sức mạnh để chủ động trong các hoạt động chân. 

3.9. Tránh dùng thuốc không có chỉ định

Thuốc giảm đau, kháng viêm cần dùng theo chỉ định của bác sĩ. Tự ý uống thuốc có thể gây nên tình trạng: 

  • Dấu hiệu nhiễm trùng bị che lấp.
  • Viêm loét dạ dày, ảnh hưởng tới chức năng gan và thận.
  • Tăng nguy cơ chảy máu vết mổ.

Trong 10 điều tránh sau mổ dây chằng chéo, người bệnh nên đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này. Nguyên tắc cần thực hiện trong việc dùng thuốc là theo đúng đơn của bác sĩ chỉ định và liên hệ với bác sĩ ngay khi có biểu hiện bất thường.

3.10. Tránh ăn uống không kiểm soát

Chế độ ăn ảnh hưởng lớn đến quá trình làm lành mô và khả năng đề kháng. Sau mổ dây chằng chéo, người bệnh cần tránh ăn thực phẩm gây viêm như: đồ chiên xào, nước ngọt, đồ uống có cồn, tránh ăn mặn vì dễ gây phù, hạn chế thịt đỏ và thực phẩm giàu chất béo. 

Người bệnh được bác sĩ hướng dẫn 10 điều tránh sau mổ dây chằng chéo và cách tập vận động đúng

Người bệnh được bác sĩ hướng dẫn 10 điều tránh sau mổ dây chằng chéo và cách tập vận động đúng

Để hỗ trợ quá trình phục hồi diễn ra tốt hơn, người bệnh nên ưu tiên một số thực phẩm như: trái cây tươi, rau xanh lá, thịt nạc, trứng, cá hồi, sữa chua,...

10 điều tránh sau mổ dây chằng chéo trên đây nếu thực hiện tốt sẽ giúp người bệnh hạn chế rủi ro tái tổn thương, rút ngắn thời gian phục hồi và sớm trở lại sinh hoạt bình thường. 

Nếu gặp phải chấn thương đầu gối và xuất hiện các tình trạng đau, sưng, khó đi lại, khó gập duỗi khớp gối,... quý khách hàng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được chẩn đoán và biết hướng khắc phục phù hợp.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ