Tin tức

7 Nguyên tắc khi chăm sóc trẻ bị bệnh cúm tại nhà

Ngày 01/02/2024
Nguyễn Thu Hằng
Khi chăm sóc cho trẻ bị bệnh cúm, ba mẹ cần tuân thủ một số quy tắc nhất định. Bởi mặc dù cúm không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể lây lan và khiến cơ thể trẻ suy kiệt nếu không được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Trong vài viết sau đây, MEDLATEC sẽ phân tích và chia sẻ 7 nguyên tắc cần biết trong quá trình chăm sóc trẻ mắc cúm.

1. Nguyên tắc khi chăm sóc cho trẻ bị bệnh cúm tại nhà

1.1. Hạ sốt đúng cách

Để hạ sốt cho trẻ, bạn trước tiên cần nới rộng quần áo mà trẻ đang mặc. Sau đó tiến hành chườm khăn ấm lên trán, nách và bẹn của trẻ.

 Bạn nên thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ

Bạn nên thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ

Trường hợp nhận thấy trẻ sốt trên 38.5 độ C, bạn có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt nhưng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng và thời điểm dùng để đảm bảo an toàn.

1.2. Chú ý vệ sinh đường hô hấp

Song song với biện pháp hạ sốt, bạn cần tiến hành vệ sinh đường hô hấp cho trẻ. Theo đó, bạn cho trẻ vệ sinh mũi và mắt bằng dung dịch nước muối Natri Clorid 0.9%. Với trẻ lớn, bạn nên cho trẻ súc miệng với dung dịch nước muối pha loãng.

 Vệ sinh mũi họng cho trẻ rất cần thiết

Vệ sinh mũi họng cho trẻ rất cần thiết

Nếu không rửa trực tiếp, bạn hãy dùng nước muối sinh lý dạng xịt để xịt vào mũi, miệng và mắt, thực hiện 2 đến 3 lần mỗi ngày. Sau khi xịt, bạn dùng khăn giấy sạch để thấm nước.

Lưu ý, trước khi vệ sinh đường hô hấp cho trẻ, bạn phải rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi thực hiện.

1.3. Áp dụng biện pháp phòng lây nhiễm chéo

Phần lớn các chủng cúm thường gặp ở trẻ đều có thể lây lan qua đường hô hấp và một số con đường khác. Do vậy, bạn cần chú ý thực hiện biện pháp phòng tránh lây nhiễm chéo.

Nếu trong gia đình có nhiều trẻ nhỏ, bạn không nên để trẻ bị nhiễm cúm tiếp xúc với trẻ khỏe mạnh. Trong quá trình vệ sinh đường mũi họng cho trẻ, bạn phải đeo găng tay và khẩu trang y tế.

1.4. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ

Khi chăm sóc cho trẻ bị cúm, bạn không thể bỏ qua việc bổ sung dinh dưỡng. Bởi dinh dưỡng giữ một vai trò rất quan trọng, quyết định lớn đến khả năng phục hồi của trẻ. Nếu như trẻ bị mắc cúm, bạn cần tích cực cho trẻ bổ sung thực phẩm hỗ trợ miễn dịch. Chẳng hạn như:

-         Rau củ quả chứa nhiều chất xơ, vitamin và các khoáng chất cần thiết cho hệ miễn dịch.

-         Thực phẩm có hàm lượng cao Vitamin C giúp tăng cường chức năng hoạt động của hệ miễn dịch.

-         Thực phẩm chứa nhiều kẽm. Trong đó, khoáng chất kém thường chứa nhiều trong hải sản (tôm, cua, các loại cá,...), sữa, trứng.

-         Có thể cho trẻ dùng thêm một số loại gia vị chứa chất chống viêm và kháng khuẩn mạnh như gừng, tỏi.

-         Đảm bảo chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ đầy đủ các nhóm chất cơ bản, bao gồm chất béo, chất đạm, tinh bột, chất xơ, khoáng chất và vitamin.

-         Trường hợp trẻ còn bú mẹ, bạn hãy cho trẻ bú nhiều lần trong ngày.

 Các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin, chất xơ tốt cho trẻ

Các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin, chất xơ tốt cho trẻ

Ngoài ra, bạn nên cho trẻ bổ sung đủ nước hàng ngày, ưu tiên chế biến thức ăn thành dạng lỏng dễ tiêu.

1.5. Hạn chế để trẻ ở nhiệt độ quá lạnh

Thực tế, trẻ bị cúm vẫn có thể nằm trong phòng điều hòa với khoảng nhiệt độ từ 25 đến 26 độ C, nhưng tuyệt đối không để trẻ nằm ở phòng quá lạnh. Bởi nhiệt độ thấp dễ khiến trẻ bị đau họng, mũi bị khô lại, triệu chứng ho nghiêm trọng hơn, khó tiết mồ hôi. Ngoài ra, ba mẹ cũng cần tránh việc bật quạt rọi trực tiếp vào người trẻ.

1.6. Để cho trẻ nghỉ ngơi

Nếu trẻ đang bị cúm, bạn cần để trẻ nghỉ ngơi thoải mái (không nên ép trẻ học hay làm bất kỳ công việc nào). Ngoài ra, bạn không nên để trẻ vận động mạnh. Bởi nếu vận động quá mạnh, cơ thể trẻ dễ bị đau nhức, thời gian hồi phục lâu hơn.

 Bạn hãy để trẻ nghỉ ngơi thoải mái

Bạn hãy để trẻ nghỉ ngơi thoải mái

Tuy nhiên, bạn cũng không nên ép trẻ ngủ liên tục, nhất là khi trẻ chưa buồn ngủ. Nói chung trong giai đoạn này, bạn hãy để trẻ làm những gì trẻ muốn một cách thoải mái nhất.

1.7. Bổ sung nước và điện giải cho trẻ

Khi cúm, trẻ thường lên cơn sốt và đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường. Do đó, ba mẹ cần đảm bảo bổ sung nước và điện giải đầy đủ cho trẻ, tránh tình trạng trẻ bị mất nước và điện giải khi sốt cao, sốt kéo dài. Đối với trẻ sơ sinh, mẹ có thể cho bé bú thường xuyên hơn. Với trẻ lớn, ba mẹ tăng cường cho bé uống nước và dung dịch điện giải theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

2. Khi nào cần đưa trẻ bị cúm đi khám?

Tuy rằng không phải bệnh lý quá nguy hiểm nhưng một số chủng cúm vẫn có khả năng gây biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Sau một vài ngày trị cúm tại nhà mà không thấy trẻ có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám.

 Nếu không thấy triệu chứng thuyên giảm, bạn hãy cho trẻ đi khám

Nếu không thấy triệu chứng thuyên giảm, bạn hãy cho trẻ đi khám

Đặc biệt là khi thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng như sốt cao trên 39 độ, co giật mạnh, đau tức ngực và khó thở, hôn mê, nôn ói,... bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Vì nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ dễ gặp phải biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí là tử vong.

Trong thực tế, đã có không ít trường hợp trẻ gặp nguy hiểm đến tính mạng do ba mẹ chủ quan, tự điều trị cho trẻ ở nhà quá lâu. Vì thế, bạn hãy theo dõi kỹ biểu hiện của trẻ, cho trẻ đi thăm khám kịp thời và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

4. Cách phòng cúm cho trẻ

Các bệnh cúm thường gặp ở trẻ hoàn toàn có thể phòng tránh. Trong quá trình chăm sóc trẻ, bạn nên áp dụng một vài biện pháp hỗ trợ phòng lây nhiễm cúm sau đây.

-         Cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng cúm định kỳ theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế.

-         Vệ sinh cơ thể, đường mũi họng, đánh răng mỗi ngày cho trẻ để loại bớt tác nhân có khả năng gây bệnh.

-         Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, cho trẻ bổ sung đủ chất, khuyến khích trẻ ăn nhiều rau củ quả.

-         Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người lạ, người có dấu hiệu mắc cúm.

-         Khi đưa trẻ đến nơi đông người, bạn nên cho trẻ đeo khẩu trang.

-         Không đưa trẻ đến vùng đang có dịch cúm bùng phát.

-         Không để trẻ sử dụng đồ dùng cá nhân của người khác.

-         Rèn luyện cho trẻ thói quen tốt như rửa tay trước khi vào bữa ăn, sau khi đi vệ sinh. Đồng thời không sờ tay lên mắt, mũi và miệng khi tay chưa được rửa sạch.

-         Tiến hành vệ sinh sạch sẽ nơi ở, đồ chơi và các vật dụng cá nhân của trẻ thường xuyên.

-         Tập cho trẻ thói quen tập thể dục hàng ngày, bởi đây là cách đơn giản giúp trẻ cải thiện sức đề kháng.

Như vậy, MEDLATEC vừa chia sẻ đến bạn 7 nguyên tắc cơ bản khi chăm sóc trẻ bị bệnh cúm. Hy vọng từ những thông tin trên đây, bạn sẽ biết cách giúp trẻ nhanh phục hồi, phòng tránh cúm hiệu quả. Chuyên khoa Nhi thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ y tế uy tín mà ba mẹ có thể lựa chọn khi muốn cho con thăm khám sức khỏe hoặc tư vấn thêm các vấn đề khác. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ