Tin tức

Ai cũng cần nhớ: trường hợp nào cần phẫu thuật cắt amidan

Ngày 27/07/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Viêm amidan là bệnh lý dễ tái phát làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, tâm lý và sức khỏe của người bệnh. Phẫu thuật cắt amidan là một trong các phương pháp được dùng để điều trị bệnh lý này. Vậy trường hợp nào cần phẫu thuật cắt amidan, bài viết sau sẽ giúp bạn có được câu trả lời.

1. Viêm amidan là bệnh gì

Đối với cơ thể, amidan là hai hạch bạch huyết ở hai bên cổ họng, có vai trò sản sinh một số loại tế bào bạch cầu chống lại sự xâm nhập của các loại tác nhân gây hại. Vì thế nó được ví như tuyến phòng thủ đầu tiên của hệ miễn dịch. Cũng chính vì vai trò ấy mà nó dễ bị viêm nhiễm. Điều đó có nghĩa là viêm amidan xảy ra khi cơ quan này có sự xâm nhập của vi khuẩn hay virus gây nên tình trạng nhiễm trùng.

2. Những trường hợp nào cần phẫu thuật cắt amidan

2.1. Các phương pháp phẫu thuật cắt bỏ amidan

Phẫu thuật cắt amidan là thủ thuật được thực hiện nhằm mục đích loại bỏ amidan. Đây là thủ thuật được thực hiện nhanh chóng, không cần lưu lại viện sau khi điều trị, được gây mê toàn thân nên người bệnh không có cảm giác đau đớn gì.

trường hợp nào cần phẫu thuật cắt amidan

Tiến hành phẫu thuật cắt bỏ amidan cho bệnh nhân

Hiện nay phẫu thuật cắt bỏ amidan được thực hiện dưới các hình thức sau:

- Dùng laser

Đây là kỹ thuật sử dụng tia laser để loại bỏ hoàn toàn amidan. Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế chảy máu, ít đau, thời gian phẫu thuật nhanh và ít khi để lại biến chứng.

- Dùng dao điện đơn cực hay lưỡng cực.

Bác sĩ sẽ dùng dao cắt được nối liền với nguồn điện có điện năng vừa phải để loại bỏ amidan. Phương pháp này có thể hạn chế được nguy cơ chảy máu sau và trong cắt amidan nhưng tổn thương sâu và dễ để lại sẹo.

- Dùng dao Plasma

Là phương pháp sử dụng năng lượng từ sóng điện từ có tần số cao (còn gọi là sóng radio) để tạo ra một đám mây dẫn điện bao quanh thiết bị cắt, cho phép cắt và phá hủy mô tế bào amidan ở nhiệt độ khá thấp, chỉ từ 60 đến 70 độ C. Toàn bộ quy trình cắt được diễn ra dưới sự hỗ trợ của đầu dò đa chức năng. Đây cũng là một thủ thuật có thời gian thực hiện nhanh và ít biến chứng, ít xâm lấn.

2.2. Các trường hợp cần phải phẫu thuật cắt amidan

Trường hợp nào cần phẫu thuật cắt amidan luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm vì thực tế không phải cứ bị viêm amidan là bắt buộc phải điều trị bằng phương pháp này. Nó chỉ nên được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Viêm amidan cấp tính nhưng mỗi năm bùng phát 4 - 5 lần.

- Phì đại amidan gây nên hiện tượng khó nuốt, ăn kém, chậm tăng cân, nói ngọng, ngủ ngáy.

- Viêm amidan đã điều trị bằng kháng sinh nhưng không cải thiện nên cần phẫu thuật để đề phòng biến chứng.

Bác sĩ giải thích trường hợp nào cần phẫu thuật cắt amidan để người bệnh hiểu rõ

Bác sĩ giải thích trường hợp nào cần phẫu thuật cắt amidan để người bệnh hiểu rõ

- Đã điều trị nhiễm khuẩn tụ mủ sau áp xe amidan bằng thuốc hoặc dẫn lưu nhưng không cải thiện.

- Bị ung thư mô amidan.

- Tái phát xuất huyết ở các mạch máu gần bề mặt amidan.

- Viêm amidan gây ra các biến chứng đường hô hấp như: viêm VA, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm xoang,...

- Viêm amidan biến chứng xa gây viêm thận, viêm khớp, viêm tim,...

2.3. Những trường hợp không nên cắt amidan

Ghi nhớ về trường hợp nào cần phẫu thuật cắt amidan cũng có nghĩa là sẽ có những trường hợp không nên thực hiện thủ thuật này. Tuy phẫu thuật cắt amidan tương đối nhanh chóng nhưng nó vẫn là phương pháp xâm lấn tác động trực tiếp tới tổ chức amidan ở hầu họng nên để đảm bảo an toàn, những trường hợp sau không nên thực hiện thủ thuật này:

Người bị rối loạn đông máu chống chỉ định với phẫu thuật cắt amidan

Người bị rối loạn đông máu chống chỉ định với phẫu thuật cắt amidan

- Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, bệnh lao.

- Người bị dị ứng nặng với thuốc gây mê, gây tê và các vật dụng được dùng trong thủ thuật cắt amidan.

- Bệnh nhân suy tim nặng.

- Người có rối loạn đông máu.

- Phụ nữ đang mang thai.

- Người đang có tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân hoặc cục bộ.

- Bị viêm amidan cấp.

- Người sống ở vùng đang có dịch cúm, sởi và sốt xuất huyết.

Đối với cơ thể, nhất là trẻ nhỏ, amidan được xem là cửa ngõ phòng dịch nên khi nó bị loại bỏ thì hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm rất nhiều, trẻ nhỏ càng dễ bị các bệnh đường hô hấp hơn. Mặc dù phẫu thuật cắt amidan tương đối đơn giản và nhanh chóng nhưng nó dễ gây chảy máu kéo dài và tiềm ẩn nhiều biến chứng về sau.

Đặc biệt, cắt amidan nếu được thực hiện bởi đội ngũ y tế có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm kém thì dễ không tiến hành đúng kỹ thuật như: loại bỏ amidan không triệt để, cắt chạm vào mạch làm chảy máu không thể cầm được, sốc phản vệ do gây mê không đúng,… Hệ quả của nó là người bệnh sẽ phải đối mặt với hàng loạt biến chứng như xuất huyết, nhiễm trùng, khàn giọng,... nguy hiểm nhất là xuất huyết không thể cầm được gây tử vong.

Xuất phát từ những nguy cơ tiềm ẩn trên đây các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần phải biết trường hợp nào cần phẫu thuật cắt amidan chứ không phải cứ bị viêm là nghĩ đến phải cắt bỏ. Nếu phải phẫu thuật để loại bỏ bộ phận này thì nó chỉ nên được thực hiện khi bác sĩ thấy cần thiết và được bác sĩ chỉ định.

Để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra khi phẫu thuật cắt amidan, chỉ nên thực hiện thủ thuật này ở trẻ hơn 5 tuổi và người ở độ tuổi dưới 55. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tìm hiểu thật kỹ về cơ sở y tế chuyên khoa phẫu thuật để lựa chọn đúng nơi uy tín với đầy đủ các điều kiện tốt nhất về trang thiết bị y tế, vô trùng phòng mổ cũng như phòng hồi sức, bác sĩ có đầy đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm,...

Nói chung không phải ai bị viêm amidan cũng cần phải cắt bỏ nó đi. Trường hợp nào cần phẫu thuật cắt amidan đó là những người được bác sĩ chỉ định sau khi đã có sự thăm khám và kiểm tra cẩn thận. Nếu cắt amidan sai cách, không đúng đối tượng, không những không đạt được hiệu quả điều trị mà còn dễ đẩy bệnh nhân vào những biến chứng nguy hiểm.

Để tránh những biến chứng có thể xảy ra, sau khi phẫu thuật người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các chỉ dẫn của bác sĩ về vệ sinh vùng miệng, ăn uống và thuốc thang. Sau cắt amidan người bệnh cần phải kiêng nói chuyện trong 7 - 10 ngày và cần nhớ tránh gào thét hay quát lớn vì nó dễ làm căng vết mổ gây chảy máu. Bên cạnh đó, các hoạt động nặng cũng cần hạn chế trong vòng 20 - 30 ngày sau khi cắt bỏ amidan.

Muốn biết chính xác trường hợp nào cần phẫu thuật cắt amidan bạn nên đến trực tiếp cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám để bác sĩ trả lời hoặc liên hệ tổng đài 1900 56 56 56, chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ hỏi bạn những câu hỏi cần thiết để có cơ sở đưa ra tư vấn chính xác nhất cho bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.