Tin tức

Bạn biết gì về hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới?

Ngày 31/10/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới có thể xảy ra với bất kỳ người nào, nhưng thường gặp nhất là ở người già và trẻ em do hệ miễn dịch yếu kém. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn biết được nguyên nhân và biểu hiện của hội chứng này, đồng thời, “bỏ túi” những cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

1. Tổng quan hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới 

Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới là tên gọi khác của viêm đường hô hấp dưới. Và đúng như tên gọi, đây chính là các bệnh lý nhiễm trùng xảy ra ở những cơ quan hô hấp nằm dưới thanh quản. Những bệnh lý này rất phổ biến, dễ lây lan và gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị hiệu quả.

Nguyên nhân

Viêm đường hô hấp dưới do nhiều nguyên nhân, điển hình trong đó là các nguyên nhân sau.

  • Tiếp xúc với vi khuẩn Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae hoặc virus SARS - CoV-2, virus hợp bào hô hấp RSV. Các vi khuẩn, virus này có trong dịch tiết, giọt bắn của người bệnh khi ho, hắt xì, nói chuyện hoặc tồn tại trên các bề mặt tiếp xúc như bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy,…
  • Nhiễm lạnh khi thời tiết thay đổi. Lúc này, cơ thể xuất hiện các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, ho, hắt xì,… Nếu không điều trị sẽ dẫn đến biến chứng cho các cơ quan hô hấp dưới.
  • Hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc lá. Không chỉ bị viêm đường hô hấp dưới, thói quen này còn gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, điển hình trong đó là ung thư phổi. 
  • Sinh sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, hóa chất. Đây chính là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh và khiến bệnh thêm nghiêm trọng.
  • Tiền sử mắc bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh phổi, bệnh suy giảm miễn dịch,… 

Thuốc lá là nguyên nhân gây nhiễm trùng hô hấp dưới

Thuốc lá là nguyên nhân gây nhiễm trùng hô hấp dưới

Biểu hiện

Các biểu hiện của hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới về cơ bản cũng giống như viêm đường hô hấp trên, bao gồm nghẹt mũi, sổ mũi, ho, sốt, đau đầu, chói mắt,… Tuy nhiên, các biểu hiện này ngày càng nghiêm trọng do tình trạng nhiễm trùng nặng. Lúc này, người bệnh sẽ bị sốt cao, ho nhiều và ho có đờm, đau tức ngực, thở khò khè, rối loạn nhịp tim,… Đây là các dấu hiệu cảnh báo người bệnh có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị.

2. Điều trị hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới

Nếu tình trạng nhiễm trùng nhẹ, người bệnh có sức đề kháng tốt, viêm đường hô hấp dưới có thể thuyên giảm và tự khỏi trong 7 - 10 ngày. Ngược lại, khi bị nhiễm trùng nặng, người bệnh có hệ miễn dịch yếu, viêm đường hô hấp dưới sẽ gây ra các biến chứng áp xe phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, suy tim,… nguy hiểm đến tính mạng. Về điều trị hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới, bác sĩ sẽ tập trung vào điều trị bệnh lý cụ thể cũng như mức độ nhiễm trùng. 

Điều trị viêm phế quản cấp

Người bệnh chú ý bổ sung nước, vitamin và khoáng chất để tăng cường miễn dịch. Bên cạnh đó, hãy giữ ấm cơ thể và nghỉ ngơi hợp lý để mau chóng hồi phục. Đặc biệt, uống thuốc theo toa và tái khám theo lịch của bác sĩ. 

Điều trị viêm phổi

Nếu viêm phế quản cấp dễ điều trị và ít biến chứng thì viêm phổi điều trị phức tạp hơn và có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Đó là lý do người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Trường hợp có dấu hiệu suy hô hấp như thở khó, co rút lồng ngực, người tím tái,… cần được can thiệp thở oxy kịp thời.

Viêm phổi nặng cần điều trị bằng máy thở oxy

Viêm phổi nặng cần điều trị bằng máy thở oxy

Điều trị lao phổi

Nếu được điều trị đúng cách, người bị lao phổi có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Hiện nay, điều trị lao phổi được thực hiện theo quy chuẩn của Bộ Y tế, bao gồm dùng thuốc (kết hợp nhiều loại thuốc và sử dụng trong thời gian dài), tự cách ly tại nhà (tạm nghỉ học, nghỉ làm trong thời gian đầu) để tránh lây lan vi khuẩn lao.

3. Phòng ngừa hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới

Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta có thể chủ động phòng ngừa viêm đường hô hấp dưới bằng những việc làm sau.

Rửa tay thường xuyên

Đây là cách giúp phòng tránh bệnh truyền nhiễm hiệu quả. Bạn và người thân trong gia đình cần rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Các thời điểm cần rửa tay là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ra ngoài về, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh.

Hạn chế tiếp xúc

Như đã nói, hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới rất dễ lây lan, vì vậy, bạn cần chủ động tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với người bệnh hay người có dấu hiệu bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng với người già và trẻ em, là những người có hệ miễn dịch yếu, rất dễ bị vi khuẩn, virus tấn công và gây bệnh.

Khi ra ngoài, đặc biệt là đến nơi tập trung đông người, hãy chủ động đeo khẩu trang để che mũi và miệng. Ngoài ra, chuẩn bị dung dịch rửa tay dạng bỏ túi để rửa tay ngay sau khi tiếp xúc các bề mặt tại nơi công cộng. 

Luôn đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng

Luôn đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng

Tăng cường miễn dịch

Nếu đề kháng tốt, bạn sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh, nếu mắc bệnh cũng mau khỏi, ít gặp biến chứng. Do đó, hãy chú trọng tăng cường miễn dịch bằng cách ăn uống đa dạng và đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc và rèn luyện thể chất mỗi ngày. Ngoài ra, từ bỏ các thói quen xấu và có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống rượu bia, thức khuya, làm việc căng thẳng.

Tiêm phòng vắc xin

Vắc xin phòng bệnh lao, vắc xin phòng phế cầu, vắc xin phòng cúm,… là những mũi vắc xin giúp phòng ngừa các bệnh về hô hấp nói chung. Vì vậy, bạn và người thân trong gia đình hãy chủ động tiêm phòng vắc xin theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng tránh nhiễm bệnh.

Tiêm vắc xin chủ động phòng bệnh hô hấp

Tiêm vắc xin chủ động phòng bệnh hô hấp

Tóm lại, hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới với mức độ nặng nhẹ khác nhau, có thể tự khỏi nhưng cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bệnh, bạn hãy đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Bạn có thể đến Khoa Hô hấp - Hệ thống Y tế MEDLATEC để thăm khám. Quý khách hãy gọi 1900 56 56 56 để đặt lịch trước.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ