Tin tức

Bạn đã biết rò hậu môn là gì và nguyên nhân gây nên tình trạng này chưa?

Ngày 22/07/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Rò hậu môn là một bệnh lý xuất hiện tại vùng hậu môn trực tràng, tuy không có tính chất nghiêm trọng nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của bệnh nhân. Mặc dù tỷ lệ mắc tương đối phổ biến, tuy nhiên không phải ai cũng nắm bắt được thông tin và hiểu đúng rò hậu môn là gì.

1. Rò hậu môn là gì? Các hình thái của rò hậu môn

Rò hậu môn là bệnh lý nhiễm khuẩn có tính chất mạn tính, là biến chứng của khối apxe tại khu vực hậu môn - trực tràng. Sau quá trình dài không được điều trị, điều trị quá muộn hoặc tái đi tái lại nhiều lần, apxe bị vỡ và hình thành một đường nối bất thường giữa hậu môn và phần da bao xung quanh. Tuy không mang tính chất nguy hiểm nhưng nó ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động thường ngày của bệnh nhân.

Dựa vào tính chất của đường rò, bệnh rò hậu được phân loại thành một số loại như sau:

  • Rò hoàn toàn: xuất hiện hai lỗ rò phía trong và phía ngoài thông với nhau.

  • Rò không hoàn toàn: chỉ có một lỗ rò trong hoặc một lỗ ngoài.

  • Rò móng ngựa: đường rò phức tạp, nhiều ngóc ngách thông ra bên ngoài da.

  • Rò đơn giản: ngược lại với rò móng ngựa, đường rò chỉ có một đường thẳng.

  • Rò trong cơ thắt: đường rò nông, dễ đáp ứng với việc điều trị.

  • Rò qua cơ thắt: biến chứng của các khối áp xe vùng hố ngồi trực tràng.

  • Rò ngoài cơ thắt: vỡ apxe vùng chậu hông trực tràng có thể dẫn đến đường rò ngoài cơ thắt. 

Hình ảnh minh họa về đường rò hậu môn

Hình ảnh minh họa về đường rò hậu môn 

2. Triệu chứng của bệnh nhân mắc rò hậu môn

Một số dấu hiệu đã mắc bệnh rò hậu môn có thể đến như sau:

  • Xuất hiện dịch tiết ra đi kèm máu từ hậu môn dù không đi đại tiện. Dịch có tính chất mủ, màu trắng hoặc hồng, gây ẩm ướt phần hậu môn. số lượng dịch còn tùy thuộc vào tính chất của lỗ rò (nông hay sâu, lớn hay nhỏ,...). 

  • Người bệnh thường có cảm giác đau rát khi đi đại tiện, có thể đi kèm hiện tượng chảy máu hậu môn. Người bệnh phải tốn rất nhiều thời gian cho việc đi vệ sinh nhiều lần trong ngày ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa, đồng thời gây tích tụ thêm nhiều vi khuẩn gây hại. 

  • Việc vận động trở nên khó khăn hơn theo tiến triển của bệnh. Tính chất cơn dai dẳng và tăng dần khi cơ thể hoạt động như mang vác vật nặng, đi bộ, chạy nhảy,…

  • Phần da xung quanh hậu môn khá nhạy cảm, dễ bị kích ứng gây ngứa và viêm. Ngoài cảm giác đau, người bệnh còn có thể gặp các cơn sốt cao, đau đầu, mệt mỏi,…

Đi vệ sinh luôn là vấn đề lớn đối với những người mắc phải bệnh lý này

Đi vệ sinh luôn là vấn đề lớn đối với những người mắc phải bệnh lý này

3. Vậy nguyên nhân gây bệnh đến từ đâu?

Có rất nhiều yếu tố nguyên dẫn đến việc hình thành căn bệnh này, được chia thành hai nguyên nhân chủ quan (do chính người bệnh) và khách quan (do yếu tố môi trường):

Nguyên nhân chủ quan

  • Trường hợp có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh viêm nhiễm sinh dục, điều trị không dứt điểm hoặc bị tái phát nhiều lần. 

  • Hệ miễn kém, sức đề kháng yếu dẫn đến chức năng bảo vệ cơ thể không hoạt động hiệu quả và thuận lợi cho sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.

  • Quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ mạnh bạo gây ra các tổn thương ngoại lực có thể gây ra các tổn thương vùng sinh dục, tạo môi trường thuận lợi dẫn đến viêm nhiễm.

  • Các chất bẩn tích tụ lâu ngày không được vệ sinh sạch sẽ, tạo môi trường phát triển cho vi khuẩn gây bệnh.

Nguyên nhân khách quan

  • Chấn thương trong lúc hoạt động thể thao hoặc hoạt động mạnh dẫn đến căng và rách một số phần cơ, bao gồm cơ hậu môn.

  • Tác động của dị vật, phân cứng (trong trường hợp táo bón) gây tổn thương phần hậu môn trong quá trình bài tiết dẫn đến viêm nhiễm và sưng mủ.

  • Các bệnh liên quan đến đến hệ tiêu hóa như đại tràng, trĩ, táo bón, tiêu chảy,… gây kích ứng và tăng co bóp cũng là một yếu tố gián tiếp dẫn đến các điểm rò hậu môn.

  • Biến chứng sau quá trình điều trị hoặc thực hiện phẫu thuật về các bệnh lý liên quan. Một số trường hợp lựa chọn cơ sở y tế không đảm bảo chất lượng, quá trình chăm sóc, phục hồi sau mổ không được quan tâm, cũng là yếu tố dẫn đến hiện tượng rò hậu môn.

Các bệnh liên quan đến tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi,… là một phần tác nhân dẫn đến bị rò hậu môn

Các bệnh liên quan đến tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi,… là một phần tác nhân dẫn đến bị rò hậu môn

4. Hậu quả của rò hậu môn

Dù muốn hay không khi bị bệnh đều sẽ có những tác động tiêu cực đến cuộc sống, rò hậu môn cũng không ngoại lệ. Ngoài tác hại về sức khỏe thì tác động về tâm lý người bệnh cũng hết sức nặng nề.

  • Dễ xuất hiện các bệnh nhiễm khuẩn thứ phát, có thể dẫn đến các biểu hiện nghiêm trọng, nhất là với những người không có thể trạng tốt người cao tuổi, suy kiệt.

  • Gây nhiều khó khăn, bất tiện trong việc đi lại, cũng như sinh hoạt hằng ngày vì gần như mọi cử động dù mạnh hay nhẹ đều khiến bệnh nhân có cảm giác đau rát do các múi cơ hậu môn bị rách hoặc viêm co thắt lại. 

  • Bởi các triệu chứng và các tác động của bệnh mang lại tâm lý tự ti, không thoải mái cho bệnh nhân, ảnh hưởng trực tiếp chất lượng cuộc sống của họ.

  • Việc tăng lỗ rò hậu môn phụ thuộc vào thời gian tiến triển và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh, cùng với sự tái nhiễm nhiều lần. Với số lượng tăng lên của lỗ rò thì cũng kèm theo nguy cơ mắc ung thư trực tràng.

5. Làm gì để phòng tránh rò hậu môn?

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, chú trọng vào việc bổ sung chất xơ, cùng các loại vitamin từ rau củ giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, hạn chế các loại thực phẩm cay nóng, rượu bia, thuốc lá và chất kích thích,… 

  • Tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, giải phóng năng lượng thừa trong cơ thể, tăng cường quá trình trao đổi chất và lưu thông tuần hoàn, giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động một cách tốt nhất và ngăn chặn được các yếu tố bệnh từ trước khi mầm bệnh có thể phát triển.

  • Không nên đi vệ sinh trong thời gian quá dài, nhất là với những người có thói quen mang theo điện thoại, báo, sách,… vào nhà vệ sinh. Việc này khiến áp lực lên vùng hậu môn dễ dẫn đến nhiều bệnh lý bao gồm rò hậu môn.

  • Thường xuyên theo dõi, chú ý đến các dấu hiệu bất thường nếu có. Nên đi thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần để có biện pháp xử trí kịp thời.

Thói quen mang điện thoại vào nhà vệ sinh có thể khiến bạn đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh lý khác nhau, bao gồm rò hậu môn

Thói quen mang điện thoại vào nhà vệ sinh có thể khiến bạn đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh lý khác nhau, bao gồm rò hậu môn

Để tìm hiểu thêm mọi thông tin liên quan đến câu hỏi bệnh rò hậu môn là gì nói riêng cũng như các dấu hiệu bất thường trên cơ thể nói chung. Hãy đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, với đội ngũ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, bạn sẽ được tư vấn và áp dụng các phương pháp thích hợp nhất. Liên lạc với số 1900.56.56.56 để tìm hiểu thêm các thông tin liên quan.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ