Tin tức

Bệnh huyết áp cao - những vấn đề cần lưu tâm

Ngày 29/03/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Mặc dù huyết áp cao là bệnh lý có tỷ lệ người mắc phải tương đối cao, diễn tiến âm thầm nhưng lại dễ gây ra những biến chứng nguy hại. Đặc biệt, một số trường hợp có thể tử vong vì tăng huyết áp khi không ý thức được tầm quan trọng của việc phát hiện và điều trị bệnh tích cực.

1. Nguyên nhân và những triệu chứng thường gặp ở người huyết áp cao

1.1. Như thế nào là tăng huyết áp?

Huyết áp đo được vượt mức 140/90 mmHg được xem là cao

Huyết áp đo được vượt mức 140/90 mmHg được xem là cao

Huyết áp cao (tăng huyết áp) là tình trạng chỉ số huyết áp đo được ở mức bằng hoặc vượt mức 140/90 mmHg (huyết áp bình thường ở mức dưới 120/80 mmHg).

1.2. Nguyên nhân tăng huyết áp là gì?

Hầu hết bệnh nhân lớn tuổi không biết rõ nguyên nhân tăng huyết áp là gì, các trường hợp khác chủ yếu xuất phát từ:

-  Tăng huyết áp vô căn

Tăng huyết áp là bệnh lý có tính gia đình nên có đến 90% bệnh nhân không rõ tại sao mình mắc bệnh, nhất là người cao tuổi hoặc mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, một số yếu tố cũng góp phần gây ra huyết áp cao như: ăn nhiều muối, uống bia rượu hay hút thuốc lá nhiều, vận động thể lực ít, béo phì hoặc thừa cân, chịu nhiều áp lực từ cuộc sống,...

- Tăng huyết áp thứ phát

Đây là những trường hợp xác định được nguyên nhân tăng huyết áp, chiếm khoảng 10% bệnh nhân và nếu tìm ra đúng nguyên nhân để điều trị thì bệnh có thể được chữa khỏi.

+ Bệnh thận.

+ Bệnh tuyến thượng thận.

+ Bệnh lý nội tiết: suy giáp, cường giáp, Cushing,…

+ Hội chứng ngưng thở lúc ngủ.

+ Dùng một số loại thuốc như: thuốc kháng viêm, thuốc corticoides, thuốc giảm đau, thuốc tránh thai,…

Với người trẻ và trẻ em, cần phải loại trừ nguyên nhân huyết áp cao do hẹp eo động mạch chủ tim gây tim bẩm sinh. Trường hợp này đo huyết áp ở hay tay rất cao nhưng đo ở chân lại thấp hoặc không đo được. 

1.3. Triệu chứng cao huyết áp điển hình

Không ít người do chưa nắm được triệu chứng tăng xông là gì nên bị cao huyết áp mà không biết. Thực tế đây là bệnh lý diễn tiến âm thầm, ít khi thể hiện triệu chứng điển hình trong thời gian dài nên khó phát hiện. Một số bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đơn thuần như hoa mắt, ù tai, nhức đầu, mất ngủ, chóng mặt,… nhưng do nó giống với nhiều bệnh lý khác nên dễ bị bỏ qua.

Những triệu chứng thường gặp ở người bị huyết áp cao

Những triệu chứng thường gặp ở người bị huyết áp cao

Ngoài ra, ở một số bệnh nhân huyết áp cao có thể xuất hiện triệu chứng dữ dội như thở gấp, khó thở khi có cơn tăng huyết áp; đỏ bừng mặt; chảy máu cam;  đau vùng tim, tức ngực; thị lực thay đổi; có máu trong nước tiểu;... Đây là lúc bệnh có nguy cơ đã trở nặng và vô cùng nguy hiểm.

2. Tăng huyết áp được điều trị như thế nào?

2.1. Phương pháp trị bệnh huyết áp cao

Mục tiêu chính của việc điều trị tăng huyết áp là đưa huyết áp về dưới 140/90mmHg hoặc có thể thấp hơn. Riêng đối với những người có nguy cơ cao với bệnh tim mạch và một số trường hợp đặc biệt thì cần đưa huyết áp về dưới mức 130/80mmHg.

Những trường hợp đã xác định được nguyên nhân huyết áp cao là do một bệnh lý nào đó thì việc điều trị cần tập trung vào việc khắc phục bệnh lý đó. Ví dụ như tăng huyết áp do tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc đổi loại thuốc khác vẫn có hiệu quả tương đương nhưng không gây ra tác dụng phụ là làm huyết áp cao. Hoặc trường hợp cần thiết, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật đặt stent động mạch thận.

Với những trường hợp điều trị huyết áp cao đã được chỉ định thuốc từ bác sĩ thì việc dùng thuốc đều đặn hàng ngày là hết sức cần thiết. Nếu bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ trong quá trình sử dụng thuốc thì cần thông báo với bác sĩ ngay để được thay thế loại thuốc khác phù hợp, tuyệt đối không tự ý bỏ hay đổi sang loại thuốc khác.

Bệnh nhân thường xuyên bị tăng huyết áp cần được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa

Bệnh nhân thường xuyên bị tăng huyết áp cần được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa

Song song với việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh cũng cần theo dõi huyết áp đều đặn tại nhà bằng máy đo huyết áp cá nhân sau đó ghi lại thông tin để cung cấp cho bác sĩ khi cần thiết. Việc làm này sẽ giúp bác sĩ có cơ sở điều chỉnh thuốc hiệu quả hơn.

2.2. Một số biện pháp hỗ trợ kiểm soát huyết áp tại nhà

Việc điều trị tăng huyết áp muốn đạt hiệu quả tốt nhất cần có sự kết hợp giữa chỉ định thuốc từ bác sĩ (nếu cần thiết) và điều chỉnh lối sống. Muốn vậy, người bệnh cần có chế độ giảm cân khoa học, tập thể dục hợp lý, thay đổi chế độ ăn theo hướng giảm mỡ và muối, tránh căng thẳng,...

- Chế độ dinh dưỡng

Xây dựng cho mình một chế độ ăn lành mạnh hơn sẽ giúp kiểm soát tốt huyết áp cao. Một chế độ ăn tốt nhất cho những người mắc bệnh lý này đó là giới hạn lượng muối ăn hàng ngày, tăng cường rau xanh và trái cây, uống sữa không hoặc ít béo, dùng thực phẩm nhiều chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt,...

Lượng muối lý tưởng hàng ngày nên sử dụng cho những người bị huyết áp cao được khuyến cáo là không vượt quá 1.500 mg/ngày. Việc làm này sẽ làm giảm sự giữ nước vì ăn quá nhiều muối gây giữ nước từ đó khiến cho huyết áp và thể tích máu tăng lên.

- Duy trì cân nặng ổn định

Không chỉ đối với bệnh huyết áp cao mà đối với thể trạng sức khỏe nói chung, việc duy trì cân nặng ổn định luôn luôn có ích. Nếu để rơi vào tình trạng thừa cân, không những dễ tăng huyết áp mà còn khiến cho cơ thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ không tốt cho sức khỏe.

- Thể dục thường xuyên 

Việc làm này rất tốt cho hoạt động của các mạch máu và tim nhờ đó mà giúp cho huyết áp được giảm xuống một cách hiệu quả.

- Dừng hút thuốc lá

Bản thân thuốc lá gây hại cho các mạch máu và khiến cho huyết áp tăng lên. Do đó, bỏ hút thuốc cũng là cách để kiểm soát tốt huyết áp của mỗi người.

- Ít uống bia rượu

Những người thường xuyên uống nhiều rượu bia có nguy cơ cao bị tăng huyết áp. Vì thế, để tránh điều này xảy ra, tốt nhất cần kiêng uống rượu bia, nếu không thì chỉ nên uống không quá 2 ly rượu (với nam giới) hoặc 1 ly rượu (với nữ giới) trong một ngày.

- Tránh căng thẳng

Căng thẳng trong một thời gian dài có thể trở thành nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề không tốt cho sức khỏe. Khi tình trạng này xảy ra, tim sẽ đập nhanh hơn và làm việc vất vả hơn. Vì thể, kiểm soát được căng thẳng tức là bạn sẽ kiểm soát được huyết áp.

Mong rằng những thông tin được chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ hữu ích với những ai đang cần tìm hiểu về bệnh huyết áp cao. Nếu đang gặp vấn đề về bệnh lý này, quý khách hàng có thể đến trực tiếp Chuyên khoa Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa đầu ngành và có được những thông tin cần thiết.

Hoặc nếu cần tư vấn các bệnh lý tim mạch, quý khách cũng có thể liên hệ Tổng đài 1900 56 56 56, đội ngũ chuyên gia y tế của bệnh viện luôn sẵn lòng chia sẻ các thông tin cần thiết về vấn đề mà quý khách đang lưu tâm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.