Tin tức

Bệnh uốn ván và những thông tin có thể bạn chưa biết

Ngày 23/10/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc cấp nguy hiểm do trực khuẩn Clostridium Tetani gây ra. Loại vi khuẩn này có thể phát triển tốt trong môi trường kỵ khí. Nếu gặp điều kiện sinh sống không thuận lợi, trực khuẩn có thể hình thành nha bào (hay bào tử) để tồn tại lâu ở ngoại cảnh, có khả năng chống chịu được nhiệt độ cao và thuốc sát khuẩn thông thường.

1. Vi khuẩn có thể gây bệnh qua những nguồn lây nào?

Vi khuẩn tồn tại lâu nhất ở ruột của các loài vật nuôi ăn cỏ như: trâu, bò, gà, ngựa,… nhưng không gây bệnh. Chúng theo phân ra môi trường bên ngoài, cư ngụ trong bùn đất và một số dụng cụ bị nhiễm bẩn (đinh sắt, dao rỉ, ốc vít, hàng rào kẽm gai,…), sau đó xâm nhập qua các vết thương sâu, bị băng kín hoặc không được vệ sinh. Các dụng cụ y tế không được khử trùng hoàn toàn cũng có thể vô tình trở thành nguồn gây bệnh. Một số vật dụng sinh hoạt thường ngày như: tăm xỉa răng, cây ngoáy tai, dụng cụ nặn mụn,… cũng có thể trở thành nơi cư ngụ của vi khuẩn.

Thận trọng với các vết thương gây ra từ những vật sắc nhọn

Thận trọng với các vết thương gây ra từ những vật sắc nhọn

2. Các triệu chứng điển hình theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh

Đây là căn bệnh có thể bị mắc ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ tử vong rất cao đối với trẻ em (95%). Uốn ván thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân, đa số có biểu hiện đau đớn, lo sợ nhưng hoàn toàn tỉnh táo. Còn các phương pháp xét nghiệm hầu như không có giá trị. Bệnh tiến triển theo từng giai đoạn như sau:

  • Thời kỳ ủ bệnh (3 - 30 ngày): nếu khoảng thời gian ủ bệnh càng ngắn, tình trạng bệnh nhân sẽ càng nghiêm trọng. Giai đoạn này thường chưa xuất hiện triệu chứng điển hình, chỉ có cảm giác căng tức, giật thớ cơ xung quanh vết thương.

  • Thời kỳ khởi phát (1 - 4 ngày): bệnh nhân ở thời kỳ này thường có biểu hiện cứng hàm, khó nhai nuốt, khó nói, miệng há nhỏ, về sau miệng khít chặt, không mở ra được. Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác: lo âu, mất ngủ rõ rệt, đau cơ, tim nhịp nhanh, khó nuốt,...

  • Thời kỳ toàn phát: giai đoạn này bắt đầu khi triệu chứng co giật và co cứng cơ toàn thân xuất hiện.

+ Co cứng cơ toàn thân: tình trạng cứng gáy, cứng cơ lưng, làm thân uốn cong ra sau, chân duỗi thẳng, cẳng tay gấp, cánh tay ép vào thân. Co thắt thanh quản: bệnh nhân nguy cơ tử vong cao do các cơn co thắt đột ngột, gây ngạt thở.

+ Cơn (co) giật cứng toàn thân: xảy ra trong tình trạng co cứng cơ liên tục như trên, thỉnh thoảng có những cơn co cứng trội lên trong vài giây hoặc vài phút, tạo nên những cơn co giật cứng. Đây là triệu chứng xuất hiện tự nhiên nhưng cũng thường hay bị tác động bởi các kích thích như ánh sáng đột ngột, gió lùa, tiếng động bất ngờ,...

+ Một số triệu chứng khác (gặp trong trường hợp nặng): sốt cao, mạch nhanh, vã mồ hôi, tăng tiết đờm dãi,… 

Bệnh nhân có thể tử vong hoặc mắc các biến chứng về sau

Bệnh nhân có thể tử vong hoặc mắc các biến chứng về sau

Ngoài ra bệnh nhân còn có thể mắc các biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Xương và cơ bắp: gãy xương, rách cơ, sai khớp,…

  • Huyết áp: tăng hoặc giảm huyết áp bất thường.

  • Hô hấp: suy hô hấp, ngạt thở, nghẽn mạch, xẹp phổi,…

  • Tim mạch: rối loạn nhịp tim, tắt/trụy mạch, suy tim hoặc có thể gây ngừng tim đột ngột.

  • Thận: các cơn co thắt diễn biến nghiêm trọng có thể khiến nước tiểu nhiễm protein gây nên suy thận.

  • Bội nhiễm: bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác về đường hô hấp, tiêu hóa hoặc tiết niệu,…

3. Một số lưu ý trong quá trình điều trị

  • Điều trị: cần phải nghiêm túc tuân theo các chỉ định của bác sĩ để nâng cao hiệu quả chữa trị.

  • Nghỉ ngơi: cho nằm tư thế ngửa, đầu nghiêng sang một bên.

  • Lưu thông đường thở: thường xuyên để ý hút đờm dãi, hỗ trợ hô hấp khi người bệnh có dấu hiệu khó thở. Nếu các đầu ngón tay, ngón chân trở nên tím tái, bệnh nhân cần phải được cấp cứu ngay.

  • Vệ sinh: giữ vệ sinh toàn thân sạch sẽ (da, răng miệng, tai, mắt, mũi). Săn sóc các vết thương cẩn thận nếu có. Nếu bệnh nhân hôn mê cần thường xuyên thay khăn trải giường và điều chỉnh tư thế, tránh hình thành các vết loét ở bả vai, gót chân, mông,...

  • Dinh dưỡng: hỗ trợ bệnh nhân bù nước và điện giải, bổ sung cân bằng các chất dinh dưỡng thiết yếu. Tuy nhiên, lưu ý chỉ nên cho ăn dạng lỏng, sệt. Nếu không mở miệng được, bệnh nhân có thể được đặt sonde dạ dày hoặc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch 

  • Vận động: giúp bệnh nhân tập vật lý trị liệu để phục hồi vận động sau khi khỏi bệnh.

Chỉ nên cho bệnh nhân ăn dưới dạng lỏng để tránh sặc

Chỉ nên cho bệnh nhân ăn dưới dạng lỏng để tránh sặc

4. Các phương pháp phòng ngừa uốn ván

Các đối tượng mắc bệnh thường gặp nhất là những người lao động, thường xuyên tiếp xúc với các vật sắc nhọn hoặc nhiễm bẩn như thợ xây, công nhân vệ sinh môi trường, nông dân,… Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao vì sức đề kháng còn non yếu, các thủ thuật chăm sóc không đạt yêu cầu khử trùng hoặc các yếu tố môi trường khiến các bé dễ dàng mắc bệnh. Phụ nữ mang thai cũng là đối tượng cần đặc biệt lưu tâm vì uốn ván có thể gây tử vong cả mẹ lẫn con. Vì vậy, đây là căn bệnh không thể không phòng ngừa cẩn thận.

Tiêm vắc xin

Hiện nay có rất nhiều tin đồn sai sự thật về vắc xin khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Tiêm phòng vắc xin giúp cơ thể có được sự miễn dịch chủ động, đối với mỗi loại Vi khuẩn hoặc virus gây bệnh. Đây là một phương pháp tốt giúp cơ thể phòng ngừa bệnh hiệu quả. Những đối tượng cần lưu ý như sau:

  • Trẻ em: Các bà mẹ nên được trẻ đi tiêm vắc xin vào tháng thứ 2, 3, 4; mũi 5 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - HIB), hoặc 6 trong 1, giúp trẻ được phòng bệnh hiệu quả.

  • Phụ nữ mang thai: cần được tiêm phòng đầy đủ theo những phác đồ thích hợp, cần chú ý cẩn thận tránh các nguy cơ bị xây xước trong sinh hoạt hằng ngày.

Tiêm vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé

Tiêm vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé

Trong sinh hoạt và công việc

Nếu bạn không may bị thương gây ra bởi các vật là từ sắt, thép bẩn, rỉ hoặc có nghi ngờ nhiễm vi khuẩn uốn ván, nên rửa sạch vết thương mà không băng bó kín, sau đó lập tức đưa bệnh nhân đi chữa trị . Nhất là các đối tượng lao động với những công việc đặc thù, thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn và các vật sắc nhọn, có nguy cơ mắc bệnh cao cần được trang bị các dụng cụ bảo hộ đầy đủ (ủng, găng tay,...). 

Uốn ván mặc dù là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu được phòng ngừa cẩn thận, bạn sẽ có được sự đáp ứng miễn dịch suốt đời, giảm bớt một phần nỗi lo bị nhiễm bệnh. Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẵn sàng hỗ trợ các dịch vụ tư vấn, chữa trị và tiêm phòng đầy đủ, an toàn, chắc chắn sẽ cho bạn cảm giác yên tâm và hài lòng. Vui lòng liên hệ 1900.56.56.56 để biết thêm các thông tin cần thiết.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ