Tin tức

Bị bỏng lưỡi: bí kíp xử trí nhanh chóng và an toàn

Ngày 01/04/2024
Lương Thanh Thủy
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh

Bị bỏng lưỡi: bí kíp sơ cứu nhanh chóng và an toàn

Bị bỏng lưỡi thường xảy ra khi tiếp xúc với thức ăn hoặc đồ uống quá nóng làm cho mô mềm của lưỡi bị tổn thương. Tình trạng này không chỉ gây đau mà còn ảnh hưởng đến ăn uống và giao tiếp hàng ngày. Cụ thể, nguyên nhân và cách xử trí khi bị bỏng lưỡi như thế nào hãy cùng theo dõi những chia sẻ sau đây.

1. Nguyên nhân và triệu chứng bị bỏng lưỡi

1.1. Nguyên nhân

Bỏng lưỡi xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường là do tiếp xúc với thức ăn hoặc đồ uống quá nóng. Khi lưỡi tiếp xúc với nhiệt độ cao, mô lưỡi bị mềm hơn nên dễ tổn thương.

Ăn đồ cay nóng là một trong các nguyên nhân khiến nhiều người bị bỏng lưỡi

Không những thế, bị bỏng lưỡi cũng có thể xảy ra khi nhai thức ăn quá cay nóng như: ớt, hạt tiêu, các loại gia vị cay khác. Những thực phẩm này có thể gây kích ứng và làm tổn thương mô mềm của lưỡi.

Tiếp xúc với nhiệt độ cao trong một số loại đồ ăn nóng như: nước nóng, súp, cháo,... hay đồ uống chứa axit có thể làm tổn thương mô mềm của lưỡi và gây ra bỏng lưỡi.

Một số trường hợp đặc biệt khác như: tiếp xúc với chất gây kích ứng, bị dị ứng,... lưỡi trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị bỏng.

1.2. Triệu chứng

Tình trạng bỏng lưỡi thường xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với nguyên nhân gây tổn thương và có thể kéo dài trong khoảng thời gian dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào mức độ thương tổn. Các triệu chứng mà người bệnh gặp phải khi bị bỏng lưỡi gồm:

- Đau rát khó chịu

Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất ở người bị bỏng lưỡi. Người bệnh sẽ cảm thấy nóng rát hoặc đau nhức tại vùng lưỡi bị tổn thương. Tình trạng này thường khiến cho người bệnh cảm thấy khó khăn khi ăn uống, giao tiếp.

- Lưỡi bị sưng đỏ

Khi lưỡi bị bỏng, vùng tổn thương thường sưng lên và có màu đỏ sậm do phản ứng viêm của cơ thể. Triệu chứng sưng đỏ có thể lan rộng ra các vùng gần với tổn thương.

- Phồng rộp niêm mạc

Một số trường hợp bị bỏng lưỡi có hiện tượng nổi vết phồng rộp tại vị trí bị bỏng. Đây là dấu hiệu cho thấy mức độ tổn thương đang diễn tiến nghiêm trọng hơn.

- Khó vận động lưỡi

Bỏng lưỡi cũng khiến cho lưỡi trở nên cứng và khó cử động hơn. Điều này khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái khi thực hiện hoạt động hàng ngày.

- Giảm hoặc mất vị giác

Khi bị bỏng lưỡi, người bệnh có thể bị giảm hoặc mất vị giác do tổn thương các thụ cảm thể.

Bỏng lưỡi gây ra cảm giác nóng rát, khó chịu, bất tiện trong ăn uống và giao tiếp

2. Phương hướng khắc phục khi bị bỏng lưỡi

2.1. Xử trí tại nhà

Khi bị bỏng lưỡi, áp dụng các biện pháp khắc phục càng sớm càng giảm triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn:

- Làm dịu da bằng nước lạnh

Ngay sau khi bị bỏng lưỡi, hãy dùng nước lạnh để làm dịu vùng da tổn thương. Để làm việc này, bạn có thể nhỏ nước lạnh hoặc đặt viên đá nhỏ vào miệng để giảm đau và sưng.

- Tránh dùng thực phẩm nóng

Trong thời gian bị bỏng lưỡi hãy cố gắng tránh tiếp xúc với thức ăn hoặc đồ uống có nhiệt độ cao để không khiến cho vùng bỏng tổn thương thêm. Chế độ ăn uống với các loại thực phẩm mềm và dễ nuốt sẽ giúp người bệnh giảm cảm giác đau và khó chịu khi tổn thương chưa lành.

- Chữa bỏng lưỡi bằng nguyên liệu tự nhiên

+ Mật ong trị bỏng ở lưỡi

Mật ong có thể giúp giảm đau và kích ứng do bị bỏng lưỡi. Hãy chọn mật ong tự nhiên nguyên chất rồi thoa lớp mỏng lên vùng tổn thương rồi để sao cho mật ong lưu lại trên lưỡi càng lâu càng tốt. Làm như vậy 2 - 3 lần/ ngày sẽ tăng tốc độ phục hồi của vùng bỏng.

Ngậm mật ong nguyên chất có thể cải thiện triệu chứng bỏng lưỡi

+ Sử dụng baking soda

Tính kiềm của baking soda có thể làm cân bằng môi trường pH trong khoang miệng, giảm đau và kháng viêm. Vì thế, bạn có thể pha baking soda trong nước lọc rồi dùng để súc miệng nhiều lần trong ngày để giảm cơn đau rát do bỏng ở lưỡi gây ra.

+ Nước ép nha đam

Thoa nước ép nha đam lên vùng lưỡi bị bỏng rồi cố gắng chờ cho khô. Với mức độ bỏng nhẹ thì đây chính là nguyên liệu trị bỏng tự nhiên có khả năng làm dịu da rất tốt, nhờ đó, vết bỏng trên vùng lưỡi sẽ sớm được làm lành.

- Dùng thuốc giảm đau và chống viêm

Sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen có thể giúp giảm đau và kháng viêm tại vùng tổn thương do bỏng. Tuy nhiên, cần tuân thủ liều lượng đã được khuyến cáo từ bác sĩ chuyên khoa hoặc nhà sản xuất.

- Đảm bảo vệ sinh răng miệng

Hàng ngày dùng nước muối sinh lý súc miệng sau mỗi bữa ăn. Việc làm này vừa giúp làm sạch vùng da bị bỏng vừa ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, cần lưu ý, không dùng các loại nước súc miệng chứa cồn để súc miệng vì chúng có thể khiến cho vùng lưỡi bị bỏng khô và kích ứng mạnh hơn.

2.2. Can thiệp y tế

Trong các trường hợp sau, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời:

- Triệu chứng không thuyên giảm

Nếu triệu chứng bị bỏng lưỡi không giảm đi sau vài ngày sau khi đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà hoặc trở nên nghiêm trọng hơn với các biểu hiện như đau, sưng đỏ lan rộng thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

- Sốt cao, đau nghiêm trọng

Khi bị sốt cao, đau nghiêm trọng hơn hoặc gặp khó khăn trong việc nuốt và hít thở sau khi bị bỏng lưỡi thì đây có thể là dấu hiệu nghiêm trọng cần đến cơ sở y tế để can thiệp ngay.

- Viêm nhiễm, dị ứng

Người có tiền sử dị ứng hoặc đang mắc các vấn đề viêm nhiễm ở khoang miệng thì bỏng lưỡi có thể là nguyên nhân khiến cho những tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. Đây là trường hợp cần được quan tâm đặc biệt để điều trị kịp thời.

Bị bỏng lưỡi là tình huống không ít người gặp phải, nếu biết cách xử trí đúng thì việc hồi phục sẽ tương đối nhanh và không gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu cảm thấy việc tự khắc phục tại nhà không an toàn và hiệu quả thì tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng cách.

Nếu còn băn khoăn nào về hiện tượng bỏng da hay cần thăm khám các vấn đề về da, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ Da liễu của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.

 

BS Chỉnh đã duyệt

Từ khoá: bị bỏng lưỡi

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ