Tin tức

Bị hạt xơ dây thanh quản gây ảnh hưởng gì đến giọng nói?

Ngày 19/02/2025
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Giọng nói là cầu nối quan trọng trong giao tiếp và thể hiện cảm xúc, nhưng hạt xơ dây thanh quản có thể làm giọng bạn khàn đi, mất trong trẻo, thậm chí gây khó khăn khi nói chuyện. Đây là tình trạng không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Vậy hạt xơ dây thanh quản là gì, tác động như thế nào và có thể điều trị ra sao? Hãy cùng tìm hiểu các thông tin trong bài viết dưới đây!

1. Hạt xơ dây thanh quản là gì?

Hạt xơ dây thanh quản là các mảng mô cứng, dày lên hình thành trên bề mặt của dây thanh quản, thường do quá trình viêm nhiễm kéo dài hoặc do ảnh hưởng của việc nói quá nhiều, nói lớn tiếng trong thời gian dài, hút thuốc lá hoặc ảnh hưởng của bệnh trào ngược hầu họng - thanh quản,... Những hạt xơ này xuất hiện khi các tế bào trong lớp dưới niêm mạc dây thanh quản bị tổn thương và tạo thành mô xơ, khiến cho dây thanh quản không thể hoạt động linh hoạt như bình thường. 

Người mắc hạt xơ dây thanh quản có thể gặp các triệu chứng: khàn giọng, hụt hơi, mất giọng, đau họng, mệt mỏi,...

Người mắc hạt xơ dây thanh quản có thể gặp các triệu chứng: khàn giọng, hụt hơi, mất giọng, đau họng, mệt mỏi,...

Hạt xơ dây thanh quản có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai dây thanh quản, làm giảm khả năng đóng mở của chúng khi phát âm. Bên cạnh đó, khi hạt xơ phát triển quá lớn, chúng có thể gây khó khăn cho việc thở và cản trở sự vận động bình thường của dây thanh quản.

Hạt xơ dây thanh quản thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày và khả năng giao tiếp của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng hạt dây thanh quản có thể tiến triển, gây ra các biến chứng phức tạp hơn như sẹo vĩnh viễn trên dây thanh quản hoặc mất giọng kéo dài.

2. Ảnh hưởng của hạt xơ dây thanh quản đến giọng nói

Hạt xơ dây thanh quản có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với giọng nói của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ và vị trí của các hạt xơ mà mà mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau. 

Nhưng nhìn chung, khi các hạt xơ càng lớn càng làm giọng nói trở nên mệt mỏi, khó nghe và đôi khi người bệnh phải nỗ lực nhiều hơn để phát ra âm thanh. Cụ thể, hạt xơ dây thanh quản có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với giọng nói như:

  • Khàn giọng: Hạt xơ làm giảm tính linh hoạt của dây thanh quản, khiến giọng nói trở nên khàn và mất thanh thoát.
  • Giọng nói cứng, thiếu tự nhiên: Sự hiện diện của các hạt xơ làm giảm khả năng đóng mở bình thường của dây thanh quản, khiến giọng nói trở nên cứng nhắc và khó nghe.
  • Khó khăn khi nói lâu: Người bệnh có thể gặp phải cảm giác mệt mỏi, căng thẳng khi phát âm, nhất là khi nói trong thời gian dài.
  • Mất giọng tạm thời: Trong trường hợp nặng, các hạt xơ có thể khiến người bệnh mất khả năng phát âm hoàn toàn hoặc giảm khả năng phát ra âm thanh.
  • Đau hoặc cảm giác căng thẳng: Khi nói hoặc thở, người bệnh có thể cảm thấy đau hoặc căng ở vùng cổ và thanh quản.

Hạt xơ dây thanh quản có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với giọng nói của người bệnh

Hạt xơ dây thanh quản có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với giọng nói của người bệnh

Điều trị sớm các hạt xơ dây thanh quản rất quan trọng để cải thiện giọng nói và ngăn ngừa tình trạng xấu đi. 

3. Bác sĩ làm gì để chẩn đoán hạt xơ dây thanh quản?

Chẩn đoán hạt xơ dây thanh quản cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để đảm bảo kết quả chính xác. Các phương pháp chẩn đoán phổ biến bao gồm:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, thói quen sử dụng giọng nói và các triệu chứng như khàn giọng, đau họng hoặc cảm giác vướng. Đây là bước đầu tiên để đánh giá tình trạng dây thanh quản.
  • Nội soi thanh quản: Bác sĩ sử dụng một ống soi nhỏ có gắn camera đưa vào qua miệng hoặc mũi, giúp phát hiện các hạt xơ, mức độ tổn thương và vị trí cụ thể trên dây thanh quản.
  • Xét nghiệm hình ảnh bổ sung: Trong trường hợp cần thiết, các kỹ thuật như chụp CT hoặc MRI có thể được chỉ định để loại trừ các vấn đề khác ở vùng cổ hoặc thanh quản.
  • Đánh giá chức năng thanh quản: Các bài kiểm tra như phân tích giọng nói bằng máy hoặc đo chức năng hô hấp giúp xác định ảnh hưởng của hạt xơ đến khả năng phát âm và thở.

Những phương pháp này không chỉ giúp xác định hạt xơ dây thanh quản mà còn hỗ trợ bác sĩ lên kế hoạch điều trị hiệu quả, phù hợp với tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.

4. Hạt xơ dây thanh quản có thể điều trị được không? 

Hạt xơ dây thanh quản có thể điều trị được, nhưng khả năng phục hồi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Việc điều trị sẽ được xác định dựa trên nguyên nhân gây ra hạt xơ và các triệu chứng của bệnh nhân. 

Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

4.1. Liệu pháp giọng nói

Đây là phương pháp điều trị không xâm lấn, bao gồm các bài tập thở, bài tập phát âm, sử dụng giọng nói phù hợp (tránh hắng giọng, nói nhanh, hét to…) giúp người bệnh cải thiện cách sử dụng giọng nói, tránh căng thẳng và lạm dụng thanh quản. Liệu pháp này thường được áp dụng cho những trường hợp hạt xơ nhẹ hoặc mới hình thành.

4.2. Thuốc điều trị viêm nhiễm

Trong trường hợp hạt xơ do viêm nhiễm kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh hoặc corticosteroid để giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương thêm cho dây thanh quản.

4.3. Phẫu thuật

Khi hạt xơ quá lớn hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, phẫu thuật cắt bỏ hạt xơ có thể được thực hiện. Phẫu thuật giúp loại bỏ các mô xơ cứng và phục hồi khả năng đóng mở của dây thanh quản.

Để đạt hiệu quả trong điều trị hạt xơ dây thanh quản, người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ và theo dõi tình trạng sức khỏe định kỳ. Đồng thời, ngoài các phương pháp điều trị trên, người bệnh cần kết hợp chăm sóc tại nhà và thay đổi thói quen sinh hoạt. Trong đó, cần tránh lạm dụng giọng nói, hút thuốc hoặc tiếp xúc với các yếu tố gây kích thích thanh quản. Uống nhiều nước, giữ ẩm cho vùng họng và sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng có thể hỗ trợ quá trình phục hồi.

Người bệnh nên thăm khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa khi giọng nói, cổ họng gặp vấn đề kéo dài

Người bệnh nên thăm khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa khi giọng nói, cổ họng gặp vấn đề kéo dài

Như vậy, giọng nói là tài sản quý giá, đừng để hạt xơ dây thanh quản làm gián đoạn cuộc sống và giao tiếp hàng ngày của bạn. Việc phát hiện và điều trị sớm không chỉ giúp bảo vệ giọng nói mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống lâu dài. 

Hệ thống Y tế MEDLATEC cung cấp dịch vụ thăm khám chuyên sâu, thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, là địa chỉ uy tín để bạn thăm khám và điều trị phẫu thuật bệnh lý về Tai mũi họng. Hãy liên hệ ngay với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch khám nhanh chóng!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ