Tin tức

Cắt dây thanh quản có nói được không? Người bệnh cần lưu ý gì sau phẫu thuật?

Ngày 14/07/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Khi bị cắt dây thanh quản, vấn đề khiến nhiều người bệnh lo lắng nhất là có bị mất giọng nói sau phẫu thuật không. Bài viết dưới đây sẽ giúp người bệnh giải đáp thắc mắc “cắt dây thanh quản có nói được không” và những điều cần lưu ý sau phẫu thuật.

1. Những ai cần cắt dây thanh quản và các phương pháp phẫu thuật phổ biến

Vị trí của thanh quản là ở phía cổ trước, là nơi không khi đi qua, tạo ra rung động và âm thanh, giúp chúng ta có thể nói chuyện với mọi người xung quanh. Thanh quản rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Khi những bệnh lý về dây thanh quản trở nên nghiêm trọng, điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật. 

Người bệnh bị khàn tiếng, đau họng khi mắc phải các vấn đề về thanh quản

Người bệnh bị khàn tiếng, đau họng khi mắc phải các vấn đề về thanh quản

- Khi mắc phải một số bệnh lý về thanh quản dưới đây, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật:

  • Ung thư thanh quản: Là những trường hợp trong dây thanh quản xuất hiện những tế bào và khối u ác tính. Người mắc bệnh này có thể xuất hiện các triệu chứng như ho dai dẳng lâu ngày, khàn tiếng, khó thở,... Đây là bệnh lý nguy hiểm, nếu không điều trị sớm, người bệnh có thể bị đe dọa đến tính mạng. 
  • U lành tính thanh quản: Khi xuất hiện những khối u lành tính ở thanh quản, bệnh nhân sẽ gặp phải một số triệu chứng như khàn tiếng, khó thở,... Nếu không phát hiện kịp thời, những khối u này sẽ ngày càng to lên và thậm chí có thể chèn ép gây hẹp đường thở. Trường hợp u lành tính chiếm toàn bộ dây thanh, không thể phục hồi được chức năng của dây thanh, có thể được chỉ định mổ cắt dây thanh
  • Polyp thanh quản: Bệnh gây ra tình trạng khàn tiếng, mệt mỏi, khó thở,... Nếu tình trạng bệnh nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc. Một tỉ lệ rất nhỏ, nếu polyp biến chuyển thành ác tính thì cần tính đến phương pháp phẫu thuật để điều trị bệnh triệt để. 
  • Nang dây thanh: Bệnh gây ra những nang chứa dịch nhầy hoặc có chứa mủ ở niêm mạc dây thanh. Khi có nang ở dây thanh quản, bệnh nhân thường bị khàn tiếng, vướng khi nuốt và khó thở khi những nang này lớn lên. Phẫu thuật bóc nang dây thanh thường được áp dụng để điều trị căn bệnh này. 

- Các phương pháp phẫu thuật dây thanh quản thường được áp dụng:

+ Phương pháp mổ vi phẫu dây thanh: Thường được áp dụng trong các trường hợp bị u thanh quản, polyp thanh quản, hạt dây thanh, liệt dây thanh, ung thư dây thanh,...

+ Phẫu thuật nội soi thanh quản: Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế xâm lấn, giảm đau đớn, độ chính xác cao. Mổ nội soi thường được áp dụng trong một số trường hợp như u nang thanh quản, hạt xơ hay polyp dây thanh quản.

2. Cắt dây thanh quản có nói được không?

Đây là thắc mắc của rất nhiều người bệnh. Phần lớn bệnh nhân đều lo lắng về vấn đề giọng nói sau khi thực hiện cắt dây thanh quản. Các chuyên gia giải đáp vấn đề “cắt dây thanh quản có nói được không” như sau: 

Nếu cắt một phần thanh quản, bệnh nhân vẫn có thể nói được

Nếu cắt một phần thanh quản, bệnh nhân vẫn có thể nói được

Về khả năng nói sau cắt dây thanh quản phụ thuộc vào từng trường hợp. Đối với những bệnh nhân chỉ phải cắt một phần dây thanh quản thì người bệnh vẫn có thể nói được sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, với những trường hợp bệnh đã chuyển biến nghiêm trọng, bác sĩ chỉ định cắt dây thanh quản toàn phần thì luồng không khí vẫn đi qua khi quản nhưng không được đi qua dây thanh để tạo thành âm thanh như thông thường, dẫn tới không thể phát âm được.

Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên quá bi quan. Khi sức khỏe của người bệnh đã ổn định, có thể học cách nói chuyện bằng các phương pháp sau: 

- Chọc thủng khí quản-thực quản để khôi phục giọng nói: Mục đích của phương pháp này là tạo ra kết nối giữa khí quản và thực quản bằng một lỗ nhỏ ở vị trí lỗ thoát. Sau đó, một van 1 chiều sẽ được đặt vào vị trí lỗ này. Tác dụng của nó là đẩy không khí từ phổi qua miệng và tạo ra giọng nói duy trì. Người bệnh cần tập luyện lâu dài và có thể nhờ đến sự trợ giúp của nhà trị liệu ngôn ngữ để quá trình khôi phục giọng nói đạt hiệu quả tốt nhất. 

Người bệnh học cách khôi phục giọng nói sau phẫu thuật thanh quản

Người bệnh học cách khôi phục giọng nói sau phẫu thuật thanh quản

- Điện thanh quản: Đây là một thiết bị giúp tạo ra giọng nói cơ học, được đặt ở khóe miệng hay cổ của người bệnh. 

- Nói thực quản: Người bệnh sẽ học cách nuốt không khí vào thực quản và sau đó đẩy không khí ra ngoài miệng để chuyển thành lời nói. 

Nhìn chung, việc khôi phục giọng nói sẽ tốn rất nhiều công sức và bệnh nhân cũng cần phải kiên trì tập luyện trong thời gian dài. Hơn nữa, giọng nói của người bệnh sau phẫu thuật cũng sẽ không thể giống như cũ. 

3. Những lưu ý sau khi cắt dây thanh quản

Ngoài việc khôi phục giọng nói bằng các phương pháp đã hướng dẫn bên trên, sau khi cắt dây thanh quản, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau: 

- Điều chỉnh chế độ ăn để có thể giải quyết tình trạng khó nuốt, khô miệng và đảm bảo cho cơ thể được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế tình trạng sụt cân sau phẫu thuật. Người bệnh có thể thực hiện một số bài tập nuốt để hồi phục khả năng ăn uống. 

- Phục hồi khứu giác: Phần lớn bệnh nhân sau phẫu thuật dây thanh quản đều gặp vấn đề về khứu giác. Do đó, người bệnh nên thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng khứu giác theo những hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. 

- Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tránh tắm vòi hoa sen để phòng ngừa tình trạng nước vào lỗ thoát khí.

- Nghỉ ngơi trong môi trường không khí trong lành. Nếu tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, bệnh nhân cần dùng thêm tấm che lỗ thoát khí. 

- Tạo ẩm: Bệnh nhân cần học cách giúp tăng độ ẩm khi hít thở. Ngoài ra có thể dùng một số cách làm tăng độ ẩm đó là dùng máy tạo độ ẩm phun sương mát khi ngủ hoặc có thể dùng nước muối sinh lý theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Bạn nên đi khám sớm khi có bất thường về giọng nói

Bạn nên đi khám sớm khi có bất thường về giọng nói

Hi vọng những thông tin trên đã giúp tìm ra câu trả lời cho thắc mắc “cắt dây thanh quản có nói được không” cùng với một số lưu ý sau phẫu thuật. Nếu còn thắc mắc hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe, mời quý khách hàng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, các tổng đài viên luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.