Tin tức

Bố mẹ nên làm thế nào khi trẻ bị cúm và giải đáp của chuyên gia

Ngày 19/04/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Lúc giao mùa, thời tiết biến đổi thất thường khiến sức đề kháng của trẻ bị suy yếu. Do đó, trẻ rất dễ mắc cảm cúm. Bệnh thường kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe, trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vậy, bố mẹ nên làm thế nào khi trẻ bị cúm? Thông qua bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu cách chăm sóc cũng như các biện pháp giúp trẻ nhanh chóng lành bệnh.

1. Tìm hiểu về cảm cúm ở trẻ nhỏ

Virus cúm là loại virus có khả năng phát tán nhanh trong không khí. Nếu hít phải chúng thì trẻ sẽ bị mắc bệnh. Trẻ nhỏ thường dễ bị cảm cúm hơn so với người lớn. Bởi vì lúc này, sức đề kháng của trẻ còn yếu do hệ thống miễn dịch vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Đồng thời, cơ thể ít tiếp xúc với các loại virus cúm nên chưa hình thành nên kháng thể để chống lại sự xâm nhập của virus.

Cảm cúm ở trẻ nhỏ là bệnh thường gặp và có thể tự khỏi nếu bố mẹ chăm sóc trẻ đúng cách

Cảm cúm ở trẻ nhỏ là bệnh thường gặp và có thể tự khỏi nếu bố mẹ chăm sóc trẻ đúng cách

Bệnh cúm thường không tiến triển nặng và có thể tự khỏi nếu biết cách chăm sóc và theo dõi. Tuy nhiên, tùy vào sức đề kháng của mỗi người mà cảm cúm có thể kéo dài từ vài ngày cho đến vài tuần. Nếu sức đề kháng của trẻ yếu, bệnh có thể tiến triển và dẫn đến một số biến chứng như: viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa,… thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.

Đường lây nhiễm bệnh:

Trẻ nhỏ có thể bị nhiễm virus cúm thông qua các con đường sau:

  • Nước bọt, dịch mũi của người bị cúm truyền virus sang cho trẻ khi giao tiếp trực tiếp, nói chuyện hoặc ôm hôn.

  • Trẻ chạm tay vào các đồ vật chứa virus trên bề mặt, rồi sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

  • Trẻ hít phải không khí chứa virus do người bệnh ho, hắt hơi,…

2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị cảm cúm

Để phát hiện sớm bệnh cúm, bố mẹ nên chú ý đến trẻ nhiều hơn, từ đó có biện pháp chữa trị kịp thời tránh các biến chứng xảy ra. Khi trẻ bị nhiễm virus cúm, thường xuất hiện các triệu chứng như:

  • Trẻ mệt mỏi, biếng ăn, trong nhiều trường hợp có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.

  • Trẻ khó chịu và thường hay quấy khóc.

  • Cổ họng trẻ bị đau rát với tần suất ho ngày càng tăng. 

  • Trẻ thường xuyên hắt hơi và chảy nhiều nước mũi. Ban đầu dịch mũi lỏng, trong suốt và không màu. Nếu tình trạng viêm nhiễm diễn ra nặng, dịch sẽ trở nên đặc hơn và chuyển sang màu xanh hoặc vàng.

  • Trẻ bị sốt. 

Khi bị cảm cúm, trẻ thường xuyên hắt hơi và chảy nhiều nước mũi

Khi bị cảm cúm, trẻ thường xuyên hắt hơi và chảy nhiều nước mũi

3. Làm thế nào khi trẻ bị cúm?

Nếu phát hiện trẻ có các triệu chứng của bệnh cúm như: hắt hơi, sổ mũi,… thì phụ huynh đừng quá lo lắng. Bởi vì lúc này, sức đề kháng của trẻ còn yếu nên rất dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi.

Vậy, bố mẹ nên làm thế nào khi trẻ bị cúm? Để giảm nhẹ triệu chứng và giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh, bố mẹ có thể tham khảo các biện pháp chăm sóc và điều trị tại nhà dưới đây:

Theo dõi nhiệt độ của trẻ:

Làm thế nào khi trẻ bị cúm, đầu tiên bố mẹ nên sử dụng nhiệt kế điện tử số kẹp vào nách hoặc nhiệt kế điện tử hồng ngoại để kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ. Việc thường xuyên theo dõi thân nhiệt của trẻ sẽ giúp bố mẹ có biện pháp điều trị phù hợp. Nếu trẻ sốt cao kéo dài, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Bố mẹ có thể sử dụng nhiệt kế điện tử số kẹp vào nách để kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ

Bố mẹ có thể sử dụng nhiệt kế điện tử số kẹp vào nách để kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt:

Khi trẻ sốt cao trên 38,5 - 39 độ C, bố mẹ nên hạ sốt cho trẻ bằng các loại thuốc như: Acetaminophen, Ibuprofen,… Nếu không biết chắc chắn về tác dụng cũng như cách dùng của thuốc, bố mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ để tránh xảy ra các biến chứng không mong muốn.

Ngoài ra, bố mẹ có thể hạ sốt nhanh cho bé bằng một số bài thuốc dân gian dưới đây:

  • Gừng có khả năng lưu thông máu, làm ấm cơ thể và giảm nghẹt mũi. Vì vậy, bố mẹ có thể pha trà gừng kèm với mật ong rồi cho trẻ uống. Trà có vị thơm ngọt nên rất dễ uống.

  • Để khắc phục tình trạng sổ mũi, bố mẹ có thể xông hơi cho bé bằng lá tía tô. Trong tía tô chứa nhiều hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn. Các chất này sẽ đi vào đường hô hấp làm nới lỏng dịch mũi và tiêu diệt virus.

  • Giã nát húng chanh rồi chắt nước cốt cho trẻ uống. Cách này sẽ làm giảm được triệu chứng ho có đờm. Bởi vì, tinh dầu trong lá húng chanh có tác dụng sát khuẩn.

Ăn uống đủ chất:

Để nâng cao sức đề kháng, bố mẹ nên cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tình trạng sốt kéo dài có thể khiến trẻ bị mất nước và các chất điện giải. Vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước và ăn các loại trái cây giàu vitamin C hàng ngày như: cam, quýt, ổi,…

Để nâng cao sức đề kháng, bố mẹ nên cho trẻ ăn các loại trái cây chứa nhiều vitamin C như: cam, quýt, ổi,…

Để nâng cao sức đề kháng, bố mẹ nên cho trẻ ăn các loại trái cây chứa nhiều vitamin C như: cam, quýt, ổi,…

Khi mắc bệnh, trẻ thường biếng ăn do nhạt miệng hoặc cổ họng bị đau. Do đó, bố mẹ nên nấu mềm thức ăn để trẻ dễ ăn và dễ tiêu hóa. Tốt nhất nên cho trẻ ăn cháo hoặc súp.

Lau người bằng nước ấm:

Để giúp trẻ thải nhiệt ra ngoài khi bị sốt, bố mẹ có thể dùng một chiếc khăn mỏng, mềm nhúng vào nước ấm, sau đó vắt khô và lau khắp người cho trẻ. Đặc biệt, bố mẹ nên chú ý lau kỹ ở các vị trí như: nách, bẹn và trán để nhiệt thoát ra nhanh hơn. Tránh trường hợp dùng nước lạnh, rượu hoặc cồn để lau người. Bởi vì, việc này không giúp trẻ hạ sốt mà còn làm bệnh trở nên nặng hơn.

Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều:

Cơ thể trẻ phải chống lại virus gây bệnh nên mất nhiều năng lượng. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi hoặc ngủ nhiều hơn để cơ thể nhanh chóng hồi phục. Trong lúc ngủ, cơ thể của trẻ sẽ nhanh chóng hồi phục. Vì vậy, để giúp trẻ ngủ ngon và thoải mái, bố mẹ nên đặt trẻ ở những nơi thoáng mát, yên tĩnh.

Để cơ thể nhanh chóng bù lại phần năng lượng đã mất, bố mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi hoặc ngủ nhiều hơn ở những nơi thoáng mát

Để cơ thể nhanh chóng bù lại phần năng lượng đã mất, bố mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi hoặc ngủ nhiều hơn ở những nơi thoáng mát

Vậy sau khi đọc xong bài viết, bố mẹ đã biết làm thế nào khi trẻ bị cúm chưa? Hi vọng, những biện pháp chăm sóc trẻ tại nhà mà chúng tôi vừa chia sẻ sẽ hữu ích đối với bé của bạn. Nếu bệnh tiến triển nặng hơn, bố mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.